Nghị luận xã hội Gen Z – Thế hệ lo âu – Trưởng thành từ những áp lực

ĐỀ BÀI :  Gen Z – Thế hệ lo âu – Trưởng thành từ những áp lực.

Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của mình.

DÀN Ý CHI TIẾT

  1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận: Thế hệ Z trước những áp lực của thời đại sẽ phải làm gì để có thể trưởng thành?
  2. Thân bài: Cần triển khai các ý:

* Trình bày bản chất của vấn đề và quan điểm của người viết:

+ “Gen Z” (Generation Z): thế hệ Z, chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1996 đến 2012, lớn lên trong thời kỳ công nghệ, Internet bùng nổ, sớm tiếp cận các thiết bị kĩ thuật số và điện tử từ nhỏ.

+ “Thế hệ lo âu”: Thế hệ Z được sinh ra trong thời kỳ phát triển công nghệ số với nhiều thuận lợi nhưng kèm theo là những vấn đề phát sinh của thời đại mới, chạy xung quanh mở quá nhiều tab như mạng xã hội, học tập, công việc, giải trí… theo đó, hàng ngàn những mối lo âu đang phủ vây tâm trí họ.

+ “Trưởng thành từ những áp lực”: Thế hệ người trẻ lo âu đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn trong cuộc sống trong quá trình trưởng thành.

=> Vấn đề đặt ra: Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực từ phía truyền thông và công nghệ đang trở thành gánh nặng cho sự trưởng thành, dẫn đến tình trạng tâm lý lo âu, căng thẳng của thế hệ gen Z. Thế hệ Z cần được chuẩn bị những điều gì để có thể trưởng thành?

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau và bàn về những khía cạnh của vấn đề viết:

– Tại sao nói gen Z là thế hệ lo âu?

+ Gen Z là thế hệ đầu tiên hoàn toàn lớn lên với Internet và điện thoại thông minhvới tất cả tính ưu việt và mặt trái của nó. Chính vì vậy, thế hệ Z có nhiều cơ hội để trưởng thành, nhưng cũng trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, trở nên đơn độc, mặt khác phải gồng gánh trên vai những trách nhiệm lớn lao của thế hệ mình.

+ Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo âu, căng thẳng của thế hệ Z: áp lực thành công từ thế hệ đi trước, sự kỳ vọng của gia đình, bội thực thông tin từ mạng xã hội và bạn bè xung quanh, áp lực từ việc học tập, tình cảm, lựa chọn nghề nghiệp, công việc, những biến cố trong cuộc sống…

– Cần làm gì để giúp thế hệ gen Z sẵn sàng trưởng thành từ những áp lực?

+ Đối với gia đình, nhà trường, xã hội: Lắng nghe thấu cảm, sẻ chia một cách chân thành, mang đến sự động viên, hỗ trợ và ủng hộ thay vì phán xét, đồng hành cùng người trẻ…

+ Với bản thân thế hệ Z:

++ Nhận thức đúng về giá trị của bản thân, xác định tâm thế trưởng thành cùng áp lực, nâng cao sức chịu đựng bền bỉ, sẵn sàng đón nhận thử thách, học cách chữa lành và kiến tạo nguồn năng lượng tích cực…

++ Giảm bớt số lượng tab mở trong đầu tránh làm hao pin năng lượng thanh xuân của chính mình, tăng thời gian trải nghiệm thực tiễn, đọc sách và hòa nhập với cuộc sống xung quanh…

(Học sinh dùng dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, đắt giá để chứng minh)

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều:

+ Gen Z là một thế hệ đầy triển vọng với tinh thần cầu tiến và luôn luôn làm mới mình để bắt kịp với xu thế xã hội. Họ khao khát được thể hiện khả năng của mình, muốn được công nhận nhưng không nên đặt ra cho mình những mục tiêu có phần “quá sức” nhằm đạt được thành tựu hào nhoáng; coi trọng kĩ thuật số nhưng không biến bản thân thành nô lệ của công nghệ…

+ Thẳng thắn nhìn nhận đúng năng lực của mình, tin tưởng vào bản thân nhưng không quá ảo tưởng; phê phán những bạn trẻ coi nhẹ giá trị của sự trải nghiệm thực tiễn, yếu đuối, sống bi quan tiêu cực…

*  Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng:

+ Mỗi người cần biết trân trọng sự sống hiện tại của mình, cố gắng tạo dựng một cuộc đời có ích, có ý nghĩa.

+ Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, lánh xa những điều xấu xa, bạc ác, mở rộng cửa trái tim để trao gửi yêu thương, có ý chí vững vàng trước những chông gai, thử thách của dòng đời…

  1. Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

 

 

           

BÀI VIẾT MẪU

 

Ngày nay, khi khoa học công nghệ càng phát triển, đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất và tinh thần cho con người. Tuy nhiên, để bắt nhịp vào sự phát triển ấy, con người càng phải nổ lực học tập tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng sống để khẳng định giá trị của bản thân. Thế hệ Z trước những áp lực của thời đại sẽ phải làm gì để có thể trưởng thành? Đây là điều mà các bạn trẻ đang trăn trở, lo âu để tìm ra lối đi riêng cho mình.

Trước hết ta cần phải hiểu, Gen Z là gì? “Gen Z” (Generation Z): thế hệ Z, chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1996 đến 2012, lớn lên trong thời kỳ công nghệ, Internet bùng nổ, sớm tiếp cận các thiết bị kĩ thuật số và điện tử từ nhỏ.

Gen Z –  “Thế hệ lo âu”: Thế hệ Z được sinh ra trong thời kỳ phát triển công nghệ số với nhiều thuận lợi nhưng kèm theo là những vấn đề phát sinh của thời đại mới, chạy xung quanh mở quá nhiều tab như mạng xã hội, học tập, công việc, giải trí… theo đó, hàng ngàn những mối lo âu đang phủ vây tâm trí họ.

Trưởng thành từ những áp lực” được hiểu là thế hệ người trẻ lo âu đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn trong cuộc sống trong quá trình trưởng thành.

Ý kiến “Gen Z – Thế hệ lo âu – Trưởng thành từ những áp lực” đặt ra vấn đề xã hội đang rất quan tâm: cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực từ phía truyền thông và công nghệ đang trở thành gánh nặng cho sự trưởng thành, dẫn đến tình trạng tâm lý lo âu, căng thẳng của thế hệ gen Z. Thế hệ Z cần được chuẩn bị những điều gì để có thể trưởng thành?

 Nói gen Z là thế hệ lo âu bởi vì: Gen Z là thế hệ đầu tiên hoàn toàn lớn lên cùng Internet, điện thoại thông minh, laptop, ipad với tất cả tính ưu việt và mặt trái của nó. Chính vì vậy, thế hệ Z có nhiều cơ hội để trưởng thành, nhưng cũng trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, trở nên đơn độc, mặt khác phải gồng gánh trên vai những trách nhiệm lớn lao của thế hệ mình.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo âu, căng thẳng của thế hệ Gen Z: áp lực từ xã hội là một trong những nguyên nhân chính khiến Gen Z trở nên lo âu. Xã hội ngày nay đặt nhiều kỳ vọng và áp lực lên các bạn trẻ. Họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong việc học tập, công việc và cuộc sống nói chung. Điều này tạo ra một cảm giác không chắc chắn và lo lắng về tương lai.

Ngoài ra, áp lực từ gia đình cũng góp phần làm tăng sự lo âu của Gen Z. Gia đình thường có những kỳ vọng cao đối với con cái, đặc biệt là trong việc đạt được thành công và ổn định tài chính. Gen Z thường phải đối mặt với sự áp lực từ cha mẹ, người thân và xã hội để đạt được những mục tiêu này. Điều này tạo ra một cảm giác không tự do và lo lắng về việc không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình.

Cuối cùng, áp lực từ bản thân cũng góp phần làm cho Gen Z trở nên lo âu. Họ thường có xu hướng so sánh bản thân với người khác, đặc biệt là thông qua mạng xã hội. Sự so sánh này tạo ra một cảm giác không tự tin và lo lắng về việc không đạt được những tiêu chuẩn xã hội đặt ra. Gen Z thường cảm thấy áp lực phải hoàn thiện bản thân và đạt được thành công trong mọi lĩnh vực.

Vậy chúng ta cần làm gì để giúp thế hệ gen Z sẵn sàng trưởng thành từ những áp lực? Theo tôi, trước hết gia đình, nhà trường, xã hội cần lắng nghe thấu cảm, sẻ chia một cách chân thành, mang đến sự động viên, hỗ trợ và ủng hộ thay vì phán xét, đồng hành cùng người trẻ. Giúp họ vượt qua giới hạn của bản thân, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích để họ có cơ hội thể hiện năng lực, khám phá bản thân từ đó có định hướng đúng đắn cho tương lai, cuộc đời.

Bản thân thế hệ  Gen Z cần nhận thức đúng về giá trị của bản thân, xác định tâm thế trưởng thành cùng áp lực, nâng cao sức chịu đựng bền bỉ, sẵn sàng đón nhận thử thách, học cách chữa lành và kiến tạo nguồn năng lượng tích cực. Xác định mục tiêu rõ ràng trong cuộc đời, làm chủ tương lai, tự đưa ra quyết định quan trong trong việc lựa chọn nghề nghiệp và lộ trình phát triển bản thân. Thế hệ Gen Z cần xác định rằng: trong cuộc sống không ai tránh khỏi những vấp ngã, thất bại điều quan trọng là khi đối mặt với nghịch cảnh ta xử lí như thế nào. Thế hệ Gen Z cần giảm bớt số lượng tab mở trong đầu tránh làm hao pin năng lượng thanh xuân của chính mình, tăng thời gian trải nghiệm thực tiễn, đọc sách và hòa nhập với cuộc sống xung quanh…để tâm hồn rộng mở biết nắm bắt cơ hội khi cơ hội đến và biết buông tay vì những ths không thuộc về mình.

Để giúp thế hệ trẻ đủ sức đề kháng với những mặt trái và mối nguy của xã hội hiện đại, chúng ta cũng cần xây dựng và góp phần đào tạo ra mẫu hình thế hệ trẻ với những năng lực và phẩm chất của công dân thế kỷ 21. Đó là những con người đủ tự tin về tri thức, kỹ năng và giá trị văn hóa truyền thống để hội nhập. Một người biết tự định hướng để tự học suốt đời. Một công dân biết quan tâm đến những vấn đề của gia đình, cộng đồng và biết bày tỏ thái độ trước những sự việc cụ thể dựa trên giá trị sống tốt đẹp. Và một cá nhân có ý thức trách nhiệm và tinh thần cống hiến, đóng góp xã hội một cách chủ động. Đó là những con người khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, giỏi về kỹ năng sống.

Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều tấm gương điển hình cho thế hệ Gen Z vượt qua những lo âu và gặt hái được thành công  chẳng hạn như Nguyễn Trọng Hiếu  -Tiến sĩ kiên trì “theo đuổi” vật liệu mới. Hành trình của Nguyễn Trọng Hiếu bắt đầu từ những tháng ngày miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Hoàn cảnh gia đình khó khăn chính là động lực để anh quyết tâm học tập, trở thành sinh viên xuất sắc nhận học bổng toàn phần tại ĐH Portland (Mỹ), sau đó tiếp tục thực hiện con đường nghiên cứu khoa học. Trong giới khoa học, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu là cái tên sáng giá với những nghiên cứu đột phá về lĩnh vực pin Mặt Trời. Hiện anh đang là nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện Mặt Trời tại ĐH Quốc gia Australia (Australian National University – ANU).

Gen Z là một thế hệ đầy triển vọng với tinh thần cầu tiến và luôn luôn làm mới mình để bắt kịp với xu thế xã hội. Họ khao khát được thể hiện khả năng của mình, muốn được công nhận nhưng không nên đặt ra cho mình những mục tiêu có phần “quá sức” nhằm đạt được thành tựu hào nhoáng; coi trọng kĩ thuật số nhưng không biến bản thân thành nô lệ của công nghệ…Thẳng thắn nhìn nhận đúng năng lực của mình, tin tưởng vào bản thân nhưng không quá ảo tưởng; phê phán những bạn trẻ coi nhẹ giá trị của sự trải nghiệm thực tiễn, yếu đuối, sống bi quan tiêu cực…

Để vượt qua được sự lo âu và trưởng thành từ những áp lực, khẳng định được giá trị của bản thân, mỗi người cần biết trân trọng sự sống hiện tại của mình, cố gắng tạo dựng một cuộc đời có ích, có ý nghĩa. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, lánh xa những điều xấu có tác động tiêu cực đến suy nghĩ, thói quen. Mở rộng cửa trái tim để trao gửi yêu thương, có ý chí vững vàng trước những chông gai, thử thách của dòng đời. Khám phá bản thân để phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yế để bản thân hoàn thiện mỗi ngày. Phấn đấu trở thành phiên bản duy nhất của chính mình.

          Các bạn ạ! Mỗi người chỉ được sống một lần trong đời và cũng chỉ một thời tuổi trẻ, cho nên hãy sống hết mình, hãy nhiệt huyết từng phút giây, hãy cân bằng giữa cống hiến và hưởng thụ để cuộc sống mỗi ngày thực sự nở hoa. Chúng ta luôn nhớ rằng: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như hạt cát vô danh. Họ sinh ra là để in dấu trên mặt đất, trong trái tim mọi người”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *