Viết bài văn về sự cần thiết phải nhận thức giá trị của bản thân

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

  1. ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Giá trị của bạn

Mọi người thường có xu hướng nghĩ rằng, phải tạo dựng được công trạng hay thành tựu gì nổi bật đáng để thế gian công nhận thì mới được coi là sự tồn tại có ý nghĩa. Nhưng không phải thế. […] Giá trị của bản thân là do chúng ta tự ban tặng cho mình. Chỉ khi nào bạn có thể thừa nhận sự tôn quý của bản thân, thì bạn mới có thể tôn trọng chính mình, và như thế mới có thể sống tiếp như một người trưởng thành. Tại sao bản thân ta lại quan trọng? Thậm chí ngay cả trong cảnh ngộ bi đát, khi chưa tạo dựng được gì trong tay, tại sao tôi có thể tự thuyết phục bản thân rằng mình vẫn có giá trị? Theo tôi, có ba lý do sau đây:

Thứ nhất, đó là vì có những người bạn yêu thương, và những người yêu thương bạn.

Chỉ cần một, hai người có thể hiểu được giá trị của cuộc đời mình, cũng là đủ. Hết lòng yêu thương ai đó, và được ai đó yêu thương, một cuộc đời như thế đã là có giá trị rồi. Mỗi lúc thấy cuộc sống thật khó khản, tôi lại nghĩ đến những người mà tôi yêu quý. Niềm mong mỏi được đón nhận tình yêu của họ, sự quyết tâm trở thành người xứng đáng được họ yêu thương, những điều này là động lực để tôi sống hết mình. Bởi thế, chứng nào vẫn còn có người yêu thương bạn, thì cuộc sống của bạn còn có giá trị, dù cho bạn có bị đẩy vào cảnh ngộ bị đất đi chăng nữa.

Thứ hai, đó là vì bạn vẫn có thể khiến cho thế giới này tốt đẹp hơn.

Góp phần làm cho thế gian này tốt đẹp hơn một chút, làm cho ai đó hạnh phúc hơn một chút là việc làm thật ấm áp. Cũng không phải là việc gì to tát như bảo vệ hòa bình thế giới. Mỗi lần giúp con trai hoàn thành một pháo đài bằng bộ ghép hình logo, tôi lại cảm thấy vô cùng vui sướng. Tôi đã tạo ra một điều gì đó tốt đẹp. Trống một chậu hoa nhỏ, quét dọn con đường trước nhà, những việc đó đã làm đẹp cho một góc của trái đất này. […] Chỉ cần tận tụy với công việc được giao, với vai trò mình đảm nhiệm, như thế thôi là đã đang góp phần xây dựng thế giới này rồi. Xin đơn cử một ví dụ, tôi không phải là người đặc biệt gì cho lắm, nhưng với vai trò một người thấy, nếu tôi cố gắng hết sức đem kiến thức mình có truyền thụ cho học trò, giúp các em có thể phát triển bản thân… thì những học sinh đó chắc sẽ trở thành những người tốt hơn, dù chỉ là một chút, và thế giới cũng vi thế tốt đẹp hơn đôi phần. Mà đâu chỉ nhà giáo mới làm được như thế. Người làm ở công ty thương mại xuất khẩu những sản phẩm tốt, người mở tiệm bánh làm những chiếc bánh ngon, chỉ cần không phải là trộm cắp hay lừa đảo, chỉ cần hết lòng làm tốt việc của mình là thế giới đã dần trở nên tươi đẹp hơn. […] Bởi thế, cuộc sống của bạn rất có giá trị, dù không được nhiều người biết đến, chứng nào bạn còn có thể làm cho một người nào đó trên thế gian cảm thấy hạnh phúc hơn dù chỉ là một chút.

Thứ ba, đó là bởi vì bạn đang dần đổi mới.

Tất cả chúng ta, mỗi người đều có một hình ảnh hoàn mỹ nhất. Để tiến dần đến hình ảnh đó, con người đang nỗ lực đấu tranh với những giới hạn đặt ra với bản thân. “Hãy nỗ lực để trở thành người tốt đẹp nhất mà mình có thế”. Bởi thế, dù cho chẳng thể nào tạo ra những thay đổi to lớn làm xoay chuyển thế giới, cuộc sống của bạn vẫn có giá trị. Chỉ cần bạn luôn hướng tới “một cái tôi” mới mẻ hơn.

Cuộc đời bạn rất có giá trị. Có thể trao đi yêu thương, và nhận lại nhiều tình cảm yêu mến, như vậy bạn là người có giá trị. Trên con đường hoàn thành sứ mệnh của mình, bạn lại có thể giúp đỡ người khác và làm thế giới tốt đẹp hơn, như vậy bạn là người có giá trị. Để bản thân mình hoàn thiện hơn, bạn học hỏi và trải nghiệm từng chút một, như vậy bạn là người có giá trị. Quan trọng là bắt đầu từ ngay bây giờ,

(Rando Kim. 2020. Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu, NXB Hà Nội, tr.82-89)

Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?

Câu 2: Văn bản trên có nội dung chính là gì?

Câu 3: Cách dẫn dắt vấn đề của tác giả có gì thú vị?

Câu 4: Xác định câu chứa luận điểm và lí lẽ được triển khai trong đoạn văn: Thứ hai, đó là vì bạn…dù chỉ là một chút.

Câu 5: Thái độ của tác giả được thể hiện như thế nào trong đoạn kết: Cuộc đời bạn rất có giá trị…ngay bây giờ?

Câu 6: Cách kết thúc mỗi luận điểm có điểm gì đặc biệt?

Câu 7: Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Giá trị của bản thân là do chúng ta tự tặng cho mình không? Vì sao?

 Câu 8: Có thể vận dụng câu: Hãy nỗ lực để trở thành người tốt đẹp nhất mà mình có thể để khuyên người khác hoặc bản thân trong hoàn cảnh nào?

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn về sự cần thiết phải nhận thức giá trị của bản thân

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại: nghị luận xã hội.

Câu 2: Văn bản trên có nội dung chính là: Cuộc sống của bạn rất có giá trị

Câu 3: Cách dẫn dắt vấn đề của tác giả thú vị:

– Tác giả đưa ra một quan niệm được số đông công nhận: Phải tạo dựng được công trạng hay thành tựu nổi bật được số đông công nhận thì mới được coi là sự tồn tại có ý nghĩa.

– Từ đó, tác giả nêu phản đề: Giá trị của bản thân là do chúng ta tự ban tặng cho mình.

Câu 4: Luận điểm và lí lẽ được triển khai trong đoạn văn Thứ hai, đó là vì bạn…dù chỉ là một chút.

– Câu chứa luận điểm: Bởi thế, cuộc sống của bạn rất có giá trị, dù không được nhiều người biết đến, chứng nào bạn còn có thể làm cho một người nào đó trên thế gian cảm thấy hạnh phúc hơn dù chỉ là một chút.

– Lí lẽ:

+ Góp phần làm cho thế giới này tốt đẹp hơn một chút, làm cho ai đó hạnh phúc hơn một chút là việc làm thật ấm áp.

+ Chỉ cần tận tụy với công việc được giao,với vai trò mình đảm nhiệm, như thế thôi là đã đang góp phần xây dựng thế gian này rồi.

Câu 5: Thái độ của tác giả được thể hiện trong đoạn kết: Cuộc đời bạn rất có giá trị…ngay bây giờ:

– Trao đổi bình đẳng

– Chân thành

Câu 6: Cách kết thúc mỗi luận điểm có điểm đặc biệt:

– Cách kết thúc mỗi luận điểm:

(1) Bởi thế, chừng nào…đi chăng nữa.

(2) Bởi thế,cuộc sống của bạn…dù chỉ là một chút.

(3) …dù cho chẳng thể tạo ra…một cái “tôi” mới mẻ hơn.

– Kết thúc mỗi luận điểm, người viết khẳng định lại giá trị tự thân của mỗi người bằng cấu trúc câu giả thiết – kết quả: chừng nào…thì cuộc sống của bạn còn có giá trị. Lời khẳng định vừa chân thành, tự nhiên, vừa có sức thuyết phục mạnh mẽ,đồng thời mang đến cho người đọc niềm tin mạnh mẽ và tích cực vào sự tồn tại ý nghĩa của mình.

Câu 7: Học sinh trả lời theo chính kiến của bản thân và cần đưa ra ít nhất hai lí do. Có lí giải hợp lí

Câu 8: Có thể vận dụng câu: Hãy nỗ lực để trở thành người tốt đẹp nhất mà mình có thể để khuyên người khác hoặc bản thân trong hoàn cảnh:

– Học sinh tự xây dựng bối cảnh giao tiếp hoặc tình huống cụ thể của đời sống để vận dụng linh hoạt và phù hợp.

Gợi ý:

Bối cảnh: Khi người khác hoặc bản thân thiếu động lực trong cuộc sống, thiếu định hướng cho tương lai, thiếu tự tin vào chính bản thân,…

  1. LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

  1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

Mỗi chúng ta là một bản thể sống, sinh ra trong cuộc đời là điều vô cùng may mắn. Cuộc đời mình có giá trị hay không là ở chính nhận thức của chúng ta.

  1. Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

– Giá trị của bản thân chính là ý nghĩa của sự tồn tại của mỗi con người, là nội lực riêng trong mỗi con người. Đó là yếu tố để mỗi người khẳng định được vị trí trong cuộc đời.

– Ai cũng có những ưu khuyết điểm riêng, không mạnh về mặt này sẽ mạnh về mặt kia, bởi vậy mỗi người lại có giá trị khác nhau, không thể đem so sánh giữa người này với người khác.

– Giá trị của bản thân không đơn thuần là điểm mạnh của bản thân mà còn là sự đóng góp, là vai trò của mỗi người với mọi người xung quanh.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Giá trị của mỗi con người luôn được soi chiếu trên những trục giá trị chung của nhân loại, mà trong đó trục giá trị mang ý nghĩa quyết định chính là nhân cách. Nghĩa là điều kiện tiên quyết để khẳng định giá trị là bạn phải sống đúng với nghĩa một con người (biết yêu thương, chia sẻ, nỗ lực, luôn hướng đến cái đẹp, cái thiện, …)

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Giá trị đó dù lớn lao hay nhỏ bé cũng cần được tôn trọng.

– Nếu bản thân mỗi người không biết cách trau dồi để tự tạo ra giá trị cho mình thì cuộc sống không còn có ý nghĩa, chỉ là sự tồn tại trên cuộc đời.

– Có những người vốn có nội lực nhưng không tự nhận thức được giá trị của mình, thiếu tự tin về bản thân, sống không có quan điểm riêng, nên đánh mất nhiều cơ hội.

– Giá trị bản thân mỗi người không phụ thuộc vào địa vị hay tiền bạc họ có trong tay mà phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người trong cuộc sống.

+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

– Biết được giá trị bản thân sẽ biết được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để hạn chế, như vậy sẽ đạt nhiều thành công trong cuộc sống.

– Mỗi người đều có giá trị của riêng mình, nhiều người trong xã hội cùng hòa vào sẽ tạo ra giá trị cuộc sống, xã hội ngày càng phát triển.

  1. Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

Phải phấn đấu mỗi ngày, mỗi ngày phải không ngừng nỗ lực để khẳng định mình. Đừng tự đánh mất giá trị bản thân.

Bài viết tham khảo

Đừng cảm thấy áp lực khi có ai đó giỏi hơn mình. Việc của bạn là chỉ vượt qua giới hạn của chính mình mỗi ngày, và cứ như vậy tiếp tục đẩy bản thân mình đi tiếp về phía trước. Mỗi con người sinh ra, đến với thế giới này đều có những giá trị đặc biệt. Giá trị đó là ở tự thân của mỗi người, giống như viên ngọc đang đợi được mài sáng vậy.

Giá trị bản thân là gì? Giá trị bản thân là những nội lực riêng biệt của mỗi người về tố chất, trí tuệ, năng lực, kĩ năng… để đem đến thành công trong việc học tập và làm việc của bạn. Từ đó, bạn có thể tỏa sáng và tạo lập được nhiều thành tích trong học tập và sự nghiệp.

Khi ta biết được giá trị bản thân, chính là biết được điểm yếu,điểm mạnh sở thích, sở trường và xu hướng năng lực… của bản thân. Từ đó tạo được giá trị của riêng mình, dấu ấn của riêng mình và thực sự biết mình là ai, đang đứng ở đâu, tâm thế như thế nào. Qua đó, ta có niềm tin trong cuộc sống, tự tin chọn công việc hay học tập, tạo được hứng khởi từ đó cơ sở cho thành công. Một ví dụ điển hình cho việc can đảm theo đuổi giá trị bản thân chính là sự thành công của Steve Jobs khi sáng chế ra máy tính Mac. Dù chán ghét việc học tập ở môi trường đại học nhưng Steve Jobs lại có một niềm đam mê đặc biệt với các kiểu chữ. Chính niềm say mê này đã khiến ông theo học một khóa luyện viết chữ đẹp. Tại đây, ông đã học hỏi mọi thứ về các kiểu chữ, khoảng cách giữa các tổ hợp kí tự khác nhau và về kỹ thuật in. Mười năm sau, Jobs cho ra đời chiếc máy tính Mac đầu tiên với một đặc điểm chưa từng có: người dùng có thể tùy chọn các kiểu font chữ phong phú và nhìn thấy kiểu chữ hiển thị ngay trên màn hình chứ không cần phải đợi cho đến khi in ra. Khi tham gia khóa học viết chữ đẹp này, hẳn Steve Jobs không hề nghĩ đến việc một ngày mình sẽ thay đổi cả thế giới như thế nào.

Ngược lại, nếu không hiểu giá trị bản thân mình thì không dám khẳng định mình, thiếu tự tin cũng như xác định nhu cầu, sở thích của bản thân. Sống thụ động theo giá trị của người khác, lăng kính cá nhân bị che lấp, thiếu quan điểm, suy nghĩ của riêng mình. Qua phần bàn về ý nghĩa trên, mỗi cá nhân chúng ta làm thế nào để có được giá trị bản thân và ứng dụng vào cuộc sống.

Cuộc sống thật là hạnh phúc nếu như mỗi người đều biết cách tạo ra giá trị của bản thân. Quá trình tạo ra giá trị của bản thân là quá trình tạo ra sự riêng biệt. Mỗi cá nhân đều có dấu ấn riêng, đặc điểm riêng, giống như thế giới rộng lớn bao la muôn màu muôn vẻ. Thực tế trong cuộc sống, có người may mắn có được tiền đề tố chất bẩm sinh mà cha mẹ sinh thành, đó là cơ sở của năng khiếu hay thiên tài một lĩnh vực nào đó… Những điều đó mỗi người cần phải chăm chút bồi dưỡng và rèn luyện để phát triển không bị “thui chột” thì tố chất thiên bẩm ấy mới phát triển được. Stephen Covey – Doanh nhân và diễn giả nổi tiếng ở Mỹ chia sẻ “Hãy chắc chắn khi bạn đặt chân lên nấc thang thành công thì nó phải dựa vào bức tường phù hợp nhất.” Nếu bạn theo đuổi con đường không thuộc về mình, dù đạt được mục tiêu nhưng vẫn không thấy thỏa mãn với thành quả đạt được? Hãy xem xét lại con đường bạn đang đi. Nó bắt nguồn từ việc lắng nghe trực giác của chính mình. Bất kỳ lúc nào bạn gặp phải vấn đề gì, hãy nhìn lại mình và tự hỏi “Tôi thật sự muốn gì?”. Chủ động lắng nghe tiếng lòng của bạn. Nó sẽ đưa bạn đến nơi cần đến.

Giá trị riêng của bản thân không dễ dàng có được, nó phải trải qua một quá trình mà bạn phải tích cực chủ động học tập rèn luyện cùng với sự kiên trì sáng tạo mới có được, hay nói ngắn gọn lại là phải trải nghiệm qua cuộc sống thì mới có giá trị của bản thân. Khi có giá trị bản thân giúp chúng ta tự tin vượt khó và dễ dẫn bạn tới thành công. Thực tế điều đó không đơn giản. Để có giá trị bản thân, bạn cùng tôi phải có bộ óc năng động sáng tạo, luôn bùng nổ với các ý tưởng và trái tim nhiệt tình dành hết tâm trí cho học tập và rèn luyện kiến thức để sẵn sàng bước vào cuộc sống. Bạn vừa có cuộc tọa đàm trong nhà trường về phương pháp học tập và định hướng nghề nghiệp. Yếu tố dẫn đến sự thành công của buổi tọa đàm là: Là những nội dung thảo luận mới mẻ có tính sáng tạo đặc sắc mang tính đa chiều và dấu ấn cá nhân của mỗi người.

Với cách học tập năng động sáng tạo, rèn luyện thường xuyên, bạn có thể khám phá rất nhiều giá trị bản thân, đêm đến hiệu quả trong học tập và sự nghiệp sau này. Tôi cùng bạn hãy bình tĩnh lựa chọn trong nhiều giá trị của bản thân, nên chọn giá trị nào cao nhất, phù hợp nhất. Từ đó mỗi chúng ta không ngừng bồi đắp để giá trị “đắt nhất” ngày càng phát triển không bị “thui chột” và điều cuối cùng muốn trao đổi cùng bạn là chúng ta hãy tự tin biến giá trị của mình thành công dụng hữu hiệu nhất để tỏa sáng trong học tập và sự nghiệp.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *