Nghị luận xã hội việc đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

 

Con người có vẻ như không có cách gì ngăn cản được suy nghĩ của mình. Nhưng sự thật là có. Những ý nghĩ tiêu cực được tạo ra và nuôi dưỡng từ trí óc của ta. Chính vì vậy, chỉ có ta mới thay đổi được chúng. Thứ duy nhất cản trở tiến  trình thay đổi này là bản thân chúng ta mà thôi.

Để thay đổi cách suy nghĩ, chúng ta cần trải qua quá trình gồm nhiều bước liên tục. Bước đầu tiên là sẵn sàng từ bỏ những kiểu suy nghĩ quen thuộc. Đây là bước từng khiến rất nhiều người trượt chân ngã sóng soài. Thật ra, khá nhiều người trong chúng ta không nhận ra suy nghĩ của mình là tiêu cực và mặc kệ nó.  Nhưng một khi bạn bắt đầu nhận thấy lối suy nghĩ nào đó không còn phù hợp với mình nữa thì bước tiến quan trọng cần thiết là sẵn sàng  thay đổi nó.  Bước thứ hai là hình dung bạn đang sống trong một hoàn cảnh mới, có thể là ở nơi làm việc, ở nhà hay giữa bạn bè. Hãy nhìn vào bản thân – đang vượt qua mọi thách thức từng gây trở ngại cho bạn trong quá khứ. Hãy chiêm ngưỡng bản thân theo cách mà bạn muốn! Hãy tưởng tượng hình ảnh tương lai của bạn càng chi tiết càng tốt.

Tôi sẽ chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm nhỏ khi tôi hình dung ra mình

trong tình huống sắp phải đối mặt. Đó là khoảng thời gian tôi chuẩn bị cho buổi

bảo vệ luận văn tiến sĩ ở Đại học Minnesota. Tôi tình cờ đọc được một bài báo

trên tờ Psychology Today. Nội dung bài báo xoay quanh cuộc thử nghiệm được

tiến hành với các vận động viên trượt tuyết đang chuẩn bị cho kỳ thi Olympic.

Họ chia các vận động viên thành hai nhóm. Một nhóm tập luyện trên các đường

đua dốc mỗi ngày giống như những năm trước. Nhóm còn lại chỉ tưởng tượng họ

đang tập luyện, tự cho rằng mình hoàn thành toàn bộ đường đua và vượt qua mọi

địa hình phức tạp một cách xuất sắc. Vào thời điểm cuộc thi đấu thật sự bắt đầu,

nhóm vận động viên chỉ đơn thuần tưởng tượng họ thi đấu thành công đã ghi điểm tốt hơn hẳn nhóm còn lại. Cuộc nghiên cứu kết luận rằng khi chúng ta hình dung ra mình hoàn thành xuất sắc một thử thách nào đó, chúng ta có thể dựa hình ảnh đó và dùng nó như người dẫn đường để đạt được thành công thực sự.

Khi ngày bảo vệ luận văn đến gần, tôi bắt đầu tự hình dung mình đứng ở chiếc bục dối diện với Hội đồng phản biện. Tôi chăm chú chờ đợi mỗi vị giáo sư đặt câu hỏi và sau đó, tôi tưởng tượng mình mỉm cười mỗi lần trả lời  chất vấn của họ. hỏi. Tôi cứ lặp đi lặp lại bài tập này trong tâm trí suốt hai tuần trước buổi bảo vệ luận án. Vào cái ngày tôi thật sự phải đứng ở chiếc bục đối diện với năm vị giáo sư, tôi cảm thấy khá thoải mái và tự tin rằng mình có thể trả lời tốt các câu hỏi của họ, và rốt cuộc tôi đã làm được đúng như thế! Phác họa chân dung con người mà bạn muốn trở thành là một việc hết sức thú vị. Hãy thử nghiệm với bản thân mà xem! Trí tưởng tượng sẽ giúp chúng ta trở thành con người giống như mình mong muốn.

Lý do cuối cùng để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta là nó giúp ta thay đổi cách cư xử với người khác trong cuộc đời mình. Có lẽ vài người sẽ chỉ rằng đây là lý do tuyệt nhất trong tất cả những điều tôi vừa nêu. Đối xử tốt với mọi người sẽ thay đổi cả cuộc đời của chúng ta. Ảnh hưởng của nó cứ tỏa sóng lan rộng như những vòng tròn đồng tâm vô tận.

(Đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực – Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay – Karen Casey. NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2020)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Luận đề của văn bản trên là gì?

Câu 2. Văn bản trên có thể chia làm mấy luận điểm chính ?

Câu 3: Xác định câu chứa luận điểm và các yếu tố bổ trợ cũng như tác dụng của nó trong đoạn văn bản “Để thay đổi cách suy nghĩ….càng chi tiết càng tốt” ?

Câu 4: Xác định lí lẽ và dẫn chứng được đưa ra ở đoạn 3,4 ?Nhận xét mối quan hệ của nó với luận điểm?

Câu 5: Điều gì đã khiến tác giả có buổi bảo vệ luận văn thành công? Nhận xét cách tác giả kết thúc luận điểm này?

Câu 6: Tác giả khẳng định : việc đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực có tác dụng như thế nào ? Từ đó hãy làm rõ sự phù hợp giữa nội dung nghị luận với nhan đề của văn bản?

Câu 7: Em có đồng tình với ý kiến: Những ý nghĩ tiêu cực được tạo ra và nuôi dưỡng từ trí óc của ta. Chính vì vậy, chỉ có ta mới thay đổi được chúng không? Vì Sao?

Câu 8: Có thể vận dụng câu: “…thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta là nó giúp ta thay đổi cách cư xử với người khác trong cuộc đời mình” để khuyên người khác hoặc bản thân mình trong hoàn cảnh nào?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của việc đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống?

Hướng dẫn đáp án chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Luận đề của văn bản: Đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực.

Câu 2: Các luận điểm chính:

Luận điểm 1 – Đoạn 1 (Từ đầu ta mà thôi)

Chính chúng ta mới thay đổi được suy nghĩ tiêu cực

Luận điểm 2 – Đoạn 2 (Tiếp -> chi tiết càng tốt)

Các bước để thay đổi cách suy nghĩ.

Luận điểm 3 – Đoạn 3,4 (Tiếp -> mình mong muốn)

Tác giả học và ứng dụng cách thay đổi suy nghĩ

Luận điểm 4- Đoạn 5 (còn lại)

Ý nghĩa của việc thay đổi suy nghĩ

Câu 3:

– Câu chứa luận điểm: Để thay đổi cách suy nghĩ, chúng ta cần trải qua một quá trình

gồm nhiều bước liên tục

-Yếu tố bổ trợ: Phương thức biểu đạt thuyết minh, lặp cấu trúc câu mang tính chất lời khuyên “Hãy….”

– Tác dụng:  Cung cấp thông tin về các bước để thay đổi cách suy nghĩ và khuyên mọi người hãy thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực.

Câu 4:

– Lí lẽ và dẫn chứng được đưa ra trong đoạn 3,4:

+ Lí lẽ: Phác họa chân dung con người mà bạn muốn trở thành là một việc hết sức thú vị. Hãy thử nghiệm với bản thân mà xem! Trí tưởng tượng sẽ giúp chúng ta trở thành con người giống như mình mong muốn.

+ Dẫn chứng: Các vận động viên trượt tuyết đang chuẩn bị cho kì thi Olimpic và  về bản thân khi bảo vệ luận văn.

Mối quan hệ của lí lẽ, dẫn chứng với luận điểm:  Lí lẽ và 2 dẫn chứng làm sáng tỏ luận điểm và thuyết phục người đọc tin rằng dựa vào hình ảnh mà mình mong muốn và dùng nó như người dẫn đường để đạt được thành công thực sự.

Câu 5:

– Điều đã khiến tác giả có buổi bảo vệ luận văn thành công là  vì tác giả đã lặp đi lặp lại bài tập này trong tâm trí suốt hai tuần trước buổi bảo vệ.

– Cách tác giả kết thúc luận điểm rất đặc biệt: Hãy thử nghiệm với bản thân mà xem! Trí tưởng tượng sẽ giúp chúng ta trở thành con người giống như mình mong muốn. Tác giả đã dùng câu cầu khiến mà không áp đặt, ra lệnh chỉ mang tính chất lời khuyên khẳng định vai trò của trí tưởng tượng đối với cái đích đến của con người.

Câu 6:

Tác giả khẳng định : việc đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực có tác dụng giúp ta thay đổi cách cư xử với người khác trong cuộc đời mình.

– Nội dung văn bản phù hợp với luận đề:

+ Luận đề được  triển khai và làm sáng rõ bằng 4 luận điểm, hệ thống lí lẽ, bằng chứng và các yếu tố bổ trợ để tăng tính thuyết phục.

Câu 7:

Em có đồng tình với ý kiến: Những ý nghĩ tiêu cực được tạo ra và nuôi dưỡng từ trí óc của ta. Chính vì vậy, chỉ có ta mới thay đổi được chúng.

– Lí giải: Vì…..

Câu 8:

HS có thể tự xây dựng bối cảnh giao tiếp hoặc tình huống cụ thể của đời sống để vận dụng.

Gợi ý:

Có thể vận dụng câu: “…thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta là nó giúp ta thay đổi cách cư xử với người khác trong cuộc đời mình” để khuyên người khác hoặc bản thân mình trong hoàn cảnh:

– Khi mình bị người khác nhận xét không hay và mình nghĩ không tốt về người khác

– Khi bản thân, bạn bè có định kiến không tốt về người khác.

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

1.Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

Ý nghĩa của việc đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống

  1. Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

-Giải thích suy nghĩ tiêu cực là gì?

-Biểu hiện của suy nghĩ tiêu cực

*) Bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề, lí giải vì sao,  đưa ra lí lẽ, dẫn chứng để tăng tính thuyết phục.

Theo tôi, suy nghĩ tiêu cực là một trạng thái cảm xúc không tốt thậm chí rất tồi tệ không nên có trong mỗi con người. Bởi vì người suy nghĩ tiêu cực thường:

+ Ít khi vui vẻ, ngược lại thường có cảm xúc khá bất ổn, nhạy cảm và đôi khi dễ cáu kỉnh, nóng giận vô cớ.

+ Thích sống cô lập, tách biệt với những người xung quanh.

+ Thường tự ti, không tin tưởng bản thân, thụ động trong cuộc sống, có thói quen đổ lỗi, thiếu trách nhiệm, luôn mệt mỏi, uể oải và thường sống – làm việc một cách máy móc.

+ Họ dễ rơi vào trạng thái thất vọng, tự ti về bản thân từ đó nảy sinh ra các suy nghĩ bi quan, chán nản ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội và cộng đồng.

*) Phân tích ý nghĩa  của việc đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực đối với cá nhân và cộng đồng.

– Thứ nhất, nó giúp chúng ta sẽ nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp, ngay cả trong nghịch cảnh chúng ta vẫn thấy ánh sáng của niềm tin, hi vọng từ đó không ngừng nỗ lực để vượt lên khó khăn (dẫn chứng)

– Đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp con người không phải vướng bận bởi những điều nhỏ nhặt không đáng có, hình thành trong ta một lối sống lạc quan, lành mạnh, có niềm tin vào chính mình, nỗ lực cố gắng để vươn tới thành công.

– Đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống tinh thần mà còn đối với đời sống sức khoẻ, các nhà khoa học đã chứng minh rằng một thái độ sống tích cực sẽ có hiệu quả trong việc điều trị bệnh tật.

– Không chỉ vậy người có thái độ sống tích cực sẽ luôn tràn trề năng lượng, sống nhiệt huyết và có khả năng lan toả tinh thần tích cực tới mọi người, làm cho các mối quan hệ trở lên tốt đẹp hơn.

*)  Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Trong cuộc đời, có thể có nhiều người cũng gặp khó khăn, thử thách giống nhau nhưng chỉ có người suy nghĩ tích cực mới có thể chiến thắng thử thách, còn những người suy nghĩ tiêu cực thường chỉ chìm đắm trong thất bại, đau thương, không thể vươn lên để sống một cuộc đời hạnh phúc.

– Tuy nhiên, suy nghĩ tích cực, lạc quan không có nghĩa là luôn nhìn đời bằng sự ngây thơ, thậm chí mù quáng mà phải xuất phát từ sự hiểu đời, hiểu người và hiểu chính bản thân mình.

  1. Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

– Khẳng định lại vấn đề : Suy nghĩ tiêu cực ảnh hươnngr không nhỏ đến cuộc sống của bạn và cộng đồng. Bởi vậy việc đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực là vô cùng cần thiết.

– Rút ra bài học nhận thức và hành động: Cần suy nghĩ tích cực lạc quan để  vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc sống và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Bài viết tham khảo

 

William James từng nói: “Khám phá vĩ đại nhất của thời đại chúng ta chính là việc con người có thể thay đổi cuộc sống của chính mình bằng cách thay đổi thái độ sống”. Quả thật, cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn với những đối cực : buồn – vui, khổ đau – hạnh phúc, thành công – thất bại như một quy luật  tất yếu mà chúng ta không thể nào thay đổi. Bởi vậy điều cần thiết mà con người có thể làm là đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực để tạo dựng cho mình một thái độ sống tích cực.

Trước hết cần hiểu suy nghĩ tiêu cực là gì? Suy nghĩ tiêu cực là được hiểu là những suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá mọi việc theo chiều hướng xấu, bi quan, phiến diện và thiếu khách quan dẫn đến tâm trạng chán nản, mệt mỏi, thất vọng, mất động lực đối với cuộc sống và tự ti về bản thân. Suy nghĩ tiêu cực có thể biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau có thể bằng lời nói hay cử chỉ, hành vi hoặc là sự im lặng,…

Theo tôi, suy nghĩ tiêu cực là một trạng thái cảm xúc không tốt thậm chí rất tồi tệ không nên có trong mỗi con người. Bởi vì người suy nghĩ tiêu cực ít khi vui vẻ, ngược lại thường có cảm xúc khá bất ổn, nhạy cảm và đôi khi dễ cáu kỉnh, nóng giận vô cớ. Một số người có suy nghĩ tiêu cực thích sống cô lập, tách biệt với những người xung quanh. Họ thường tự ti, không tin tưởng bản thân, thụ động trong cuộc sống, có thói quen đổ lỗi, thiếu trách nhiệm, luôn mệt mỏi, uể oải và thường sống – làm việc một cách máy móc. Họ dễ rơi vào trạng thái thất vọng, tự ti về bản thân từ đó nảy sinh ra các suy nghĩ bi quan, chán nản ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội và cộng đồng. Những người có tính cách yếu đuối dễ gục ngã trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống hay là một người đa cảm dễ dàng xúc động, suy sụp khi gặp các tác động lớn về tâm lý như trong chuyện tình cảm, những đánh giá soi mói của người khác hay thường nhìn vào sự thành công của người khác rồi lại tự ti, thất vọng về bản thân dẫn đến các suy nghĩ tiêu cực, bi quan tác động khống chế cảm xúc và hành vi dẫn đến nảy sinh cảm xúc chán nản, hay than vãn ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh; nghiêm trọng hơn là sinh ra nghĩ quẩn tác động đến hành vi tự làm tổn thương đến bản thân.

Vậy việc đẩy lùi những suy nghĩa tiêu cực có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hiện nay? Thứ nhất, nó giúp chúng ta sẽ nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp, ngay cả trong nghịch cảnh chúng ta vẫn thấy ánh sáng của niềm tin, hi vọng từ đó không ngừng nỗ lực để vượt lên khó khăn. Nicvuzijic mặc dù sinh ra kém may mắn “ không chân, không tay ngay từ lúc lọt lòng” nhưng vượt qua sự tự ti, mặc cảm và đẩy lùi được những suy nghĩ tiêu cực, anh đã chiến thắng chính mình, toả sáng theo cách riêng và trở thành người truyền cảm hứng cho mọi người. Bên cạnh đó, đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp con người không phải vướng bận bởi những điều nhỏ nhặt không đáng có, hình thành trong ta một lối sống lạc quan, lành mạnh, có niềm tin vào chính mình, nỗ lực cố gắng để vươn tới thành công.  Như Edison để sáng tạo ra dây tóc bóng đèn điện, ông đã trải qua gần một nghìn lần thất bại nhưng với suy nghĩ tích cực, ông coi đó là cơ hội để mình tích luỹ những bài học kinh nghiệm……. Đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống tinh thần mà còn đối với đời sống sức khoẻ, các nhà khoa học đã chứng minh rằng một thái độ sống tích cực sẽ có hiệu quả trong việc điều trị bệnh tật . Khi con người mạnh khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần sẽ có được điều kiện tốt nhất để gặt hái thành công. Không chỉ vậy người có thái độ sống tích cực sẽ luôn tràn trề năng lượng, sống nhiệt huyết và có khả năng lan toả tinh thần tích cực tới mọi người; khi một tập thể đều mang trong mình năng lượng tích cực sẽ tạo nên khối sức mạnh cộng đồng chiến thắng nhiều trở ngại.

Trong cuộc đời, có thể có nhiều người cũng gặp khó khăn, thử thách giống nhau nhưng chỉ có người suy nghĩ tích cực mới có thể chiến thắng thử thách, còn những người suy nghĩ tiêu cực thường chỉ chìm đắm trong thất bại, đau thương, không thể vươn lên để sống một cuộc đời hạnh phúc. Suy nghĩ tiêu cực có thể trở thành liều thuốc độc néu chúng ta không biết quản lí đúng cách và cho phép chúng thâm nhập vào suy nghĩ của mình.  Bởi vậy ta cần phải biết cách đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực, chọn cách sống tích cực, lạc quan. Mặt khác, cần nhận thấy rằng thái độ sống tích cực không có nghĩa là nhìn cuộc đời chỉ toàn màu hồng, sự tích cực ấy không được đẩy lên đến mức tuyệt đối mà cần có chứng mục bởi cuộc sống đa dạng, phức tạp và chúng ta luôn cần tỉnh táo vì một cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp. Bởi thế, giữa sa mạc không giọt nước cây sương rồng vẫn vươn lên.

Tựa như những hạt bụi vàng li ti của cuộc đời mà người nghệ sĩ không ngừng góp nhặt, tựa như muôn vàn phấn hoa mà chú ong chăm chỉ kiếm tìm, bài học luôn sống tích cực và đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực  sẽ luôn là cái đích mà con người ta không ngừng hoàn thiện, cố gắng để cuộc sống ngày một tốt hơn. Bởi có lẽ khi ấy, họ mới thực sự thấu hiểu được những giá trị tốt đẹp mà cuộc sống muôn màu mang lại. Hãy học cách suy nghĩ tích cực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, hiểu rằng bản thân muốn gì và cần gì. Hãy tránh xa tất cả ảnh hưởng tiêu cực từ mọi phía, tương lai phía trước còn nhiều chông gai nhưng  hãy sống như loài hao hướng dương luôn hướng về phía mặt trời bởi “cuộc đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là chúng ta phải vượt qua những ranh giới ấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *