Nghị luận xã hội : Chúng ta chỉ hạnh phúc khi có an trong lòng, có tình yêu và tình thương

NLXH lớp 11 Con người và cuộc sống xung quanh

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

 

VÀ SẼ CHẲNG CÒN GÌ TRÊN BỜ CÁT THỜI GIAN

  1. Abraham Lincoln cũng từng nói: “Gần như tất cả mọi người đều có thể chịu đựng được nghịch cảnh. Nhưng nếu muốn kiểm tra tính cách của một người nào đó – hãy trao cho anh ta uy quyền”. Chúng ta mới giống nhau làm sao! Ta đều mơ trở thành thuyền trưởng trên mọi con tàu.
  2. Hẳn nhiên khi lớn lên, tôi cũng như bạn, sẽ dần hiểu rằng làm “thủ lĩnh” – dù chỉ là “thủ lĩnh” của một lớp học vài mươi học sinh, hay một công ty hàng trăm người – nghĩa là sẽ được nể vì, được ra oai, sai khiến và đôi khi… trừng phạt người khác. Nhưng nó cũng có nghĩa là phải gánh thêm trách nhiệm và cả những phiền toái, những thứ luôn khiến cho vai trò đó trở nên ít hấp dẫn hơn. Ví như việc thuyền trưởng luôn phải là người cuối cùng rời khỏi con tàu sắp đắm.Vì thế khi lớn lên, chúng ta hiểu rằng không phải ai cũng có thể trở thành người “đứng mũi chịu sào”. Phần đông chúng ta sẽ trở thành thủy thủ.
  3. Chúng ta vẫn thường cho rằng quyền lực chỉ đi kèm với địa vị hay chức vụ, nhưng tác giả Brain Tracy trong cuốn sách 100 quy luật bất biến trong kinh doanh đã đúc kết rằng có bốn kiểu quyền lực khác nhau: quyền lực chuyên môn, quyền lực cá nhân, quyền lực địa vị và quyền lực được phong tặng… Nghĩa là dù không thể có được quyền lực từ chức vụ cao, bất cứ ai trong số chúng ta cũng có khả năng tác động đến người khác bằng năng lực chuyên môn hoặc bằng nhân cách của mình, hoặc cả hai.

Chính vì vậy, nếu bạn có địa vị thì đừng áp chế, và nếu bạn không có địa vị, cũng đừng sợ hãi. Bởi địa vị cao là những con tàu trên biển cả, còn quyền lực chính là những cơn gió. Chúng có thể đưa chúng ta đi xa, nhưng cũng có thể khiến ta lật nhào. Cả những con tàu vĩ đại như Titanic vẫn có thể bị đánh đắm.

  1. Chúng ta thường nhanh chóng quên rằng, một khi càng dễ điều khiển người khác thì chúng ta càng khó điều khiển bản thân mình. Quá trình đó diễn ra tinh vi đến nỗi hiếm khi nào người trong cuộc nhận ra. Đó là sự thật. Chúng ta luôn dễ dàng nhìn ra con người thật của ai đó một khi họ nắm giữ quyền lực, điều đó cũng có nghĩa chúng ta gần như không thể che giấu con người thật của mình khi có quyền lực trong tay.

Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi mình: phải chăng chúng ta đã mang trong mình khao khát quyền lực như một thứ bản năng, khởi từ thuở bình minh của loài người? Có lẽ đúng như vậy. Dường như không ai trong chúng ta có thể vượt qua nổi sự cám dỗ của việc có được quyền năng chi phối người khác, dù chỉ trong một giới hạn nào đó. Nhưng sử dụng quyền lực ấy để làm gì, và như thế nào, là điều khiến chúng ta trở nên khác nhau.

Có người xem quyền lực là mục đích tối thượng còn công việc là chiếc cầu để đạt đến nó. Và họ dùng nó để thống trị người khác, để mưu lợi cho riêng bản thân. Cũng có người xem quyền lực là một công cụ hữu ích giúp họ làm việc tốt hơn. Họ dùng nó để khơi gợi cảm hứng và tài năng của người khác, nhằm đạt được những mục tiêu chung và cố gắng mang lại lợi ích lớn lao nhất cho nhiều người nhất. Bạn sẽ chọn ai trong những người đó, hoặc sẽ trở thành ai trong những người đó? Bạn sẽ là ai với quyền lực trong tay? Và bạn sẽ là ai trước uy quyền của người khác?

Tôi tin rằng, đó chính là những câu hỏi đáng để đặt ra trong cuộc đời. Bởi câu trả lời sẽ vẽ nên tâm thế và bản lĩnh của chúng ta trong thế giới xô bồ này: ung dung hay hoảng sợ, vững vàng hay bị khuất phục, tự tin hay tự ti, thành công hay thất bại…

  1. Bạn biết chăng, bạn vẫn còn rất trẻ. Và mai kia chính bạn sẽ là người chọn ra thuyền trưởng cho rất nhiều con tàu. Hoặc chính bạn sẽ trở thành thuyền trưởng.

Tôi chỉ mong khi ấy bạn sẽ không quên những gì Edward Counsel đã viết, rằng “những dấu chân của quyền lực thường là những dấu chân trên cát”. Những cơn gió vẫn mải miết thổi qua nơi ấy, và sẽ chẳng để lại gì trên bờ cát thời gian….

(Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân )

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Theo đoạn văn số 2, theo tác giả những thứ luôn đi cùng quyền lực là gì?

Câu 2. Trong đoạn văn số 3, “Chúng ta vẫn thường cho rằng quyền lực chỉ đi kèm với địa vị hay chức vụ, nhưng tác giả Brain Tracy trong cuốn sách 100 quy luật bất biến trong kinh doanh đã đúc kết rằng có bốn kiểu quyền lực khác nhau: quyền lực chuyên môn, quyền lực cá nhân, quyền lực địa vị và quyền lực được phong tặng” , tác giả có vận dụng yếu tố bổ trợ nào?

Câu 3. Xác định câu nêu luận điểm trong đoạn văn số 2.

Câu 4. Xác định vấn đề được bàn luận trong văn bản trên.

Câu 5. Anh chị hiểu như thế nào về quan điểm của tác giả: “Địa vị cao là những con tàu trên biển cả, còn quyền lực chính là những cơn gió. Chúng có thể đưa chúng ta đi xa, nhưng cũng có thể khiến ta lật nhào“.

Câu 6. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong văn sau: Địa vị cao là những con tàu trên biển cả, còn quyền lực chính là những cơn gió..”

Câu 7. Anh/chị hiểu ý kiến sau như thế nào: “những dấu chân của quyền lực thường là những dấu chân trên cát. Những cơn gió vẫn mải miết thổi qua nơi ấy, và sẽ chẳng để lại gì trên bờ cát thời gian….”

Câu 8. Trong đoạn văn số 4, theo tác giả điều khiến chúng ta trở nên khác nhau là gì?

 

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Đừng tin rằng ta chỉ hạnh phúc nếu có tiền bạc, quyền lực… Chúng ta chỉ hạnh phúc khi có an trong lòng, có tình yêu và tình thương. (Thích Nhất Hạnh)

Từ cách hiểu về câu nói của Thích Nhất Hạnh, anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về hạnh phúc.

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 Theo đoạn văn số 2, theo tác giả những thứ luôn đi cùng quyền lực là : Quyền lực đi kèm với trách nhiệm, phiền toáiHướng dẫn chấm:– Học sinh trả lời được như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 0.5 điểm.– Học sinh trả lời được 1 ý trong hai ý  trên: 0.25 điểm– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm 0.5
2 Trong đoạn văn số 3, tác giả có vận dụng yếu tố bổ trợ : Thuyết minhHướng dẫn chấm:– Học sinh trả lời được như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 0.5 điểm.– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm 0.5
3 Xác định câu nêu luận điểm trong đoạn văn số 2Vì thế khi lớn lên, chúng ta hiểu rằng không phải ai cũng có thể trở thành người “đứng mũi chịu sào”. Phần đông chúng ta sẽ trở thành thủy thủ.Hướng dẫn chấm:– Học sinh trả lời được như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 0.5 điểm.– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm 0.5
4  Hs có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, có bản đảm bảo nêu được đúng vấn đề nghị luận: Quyền lực là điều không tồn tại lâu dài với thời gian.Hướng dẫn chấm:– Học sinh trả lời được như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 1.0 điểm.– Học sinh trả lời được chưa đủ ý (vd: Sự tác động của quyền lực…): 0.25 điểm– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm 1.0
5 Quan điểm của tác giả thể hiện trong đoạn văn là: Tính chất hai mặt của địa vị và quyền lực.Hướng dẫn chấm:– Học sinh trả lời được như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 1.0 điểm.– Học sinh trả lời được 1 ý trong hai ý  trên: 0.25 điểm– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm 1.0
6 Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong văn sau: Địa vị cao là những con tàu trên biển cả, còn quyền lực chính là những cơn gió..”– So sánh: Địa vị là con tàu, quyền lực là cơn gió- Tác dụng:+ Cho thấy mối quan hệ mật thiết của quyền lực và địa vị+ Giúp câu văn trở nên gợi hình, gợi cảm hơn.Qua đó thể hiện quan điểm, nhận thức của mình về địa vị và quyền lực của con người.Hướng dẫn chấm:– Học sinh trả lời được như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 1.0 điểm.– Học sinh trả lời được biểu hiện của so sánh: 0.25 điểm – Học sinh trả lời được 2 ý biểu hiện của tác dụng:0.75– Học sinh trả lời được 1 ý biểu hiện của: 0.5– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm 1.0
7 Anh/chị hiểu ý kiến sau như thế nào: “những dấu chân của quyền lực thường là những dấu chân trên cát. Những cơn gió vẫn mải miết thổi qua nơi ấy, và sẽ chẳng để lại gì trên bờ cát thời gian….”Câu nói thể hiện nhận thức của tác giả: Thời gian sẽ không lưu giữ dấu ấn của quyền lực nên quyền lực sẽ chẳng thể tồn tại mãi cùng thời gian.Hướng dẫn chấm:– Học sinh trả lời được như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 1.0 điểm.– Học sinh trả lời chưa đầy đủ, thuyết phục: 0.25- 0,75 điểm– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm 1.0
8 Trong đoạn văn số 4, theo tác giả điều khiến chúng ta trở nên khác nhau là : Việc sử dụng quyền lực ra sao.Hướng dẫn chấm:– Học sinh trả lời được như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 0.5 điểm.– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm 0.5

 

LÀM VĂN (4.0 ĐIỂM)

Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

Nêu vấn đề cần nghị luận: hạnh phúc trong cuộc sống.

Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

– Hạnh phúc được hiểu là gì?

– Câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh được hiểu ra sao?

– Đó có phải là quan niệm đúng đắn về hạnh phúc hay không?

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Hạnh phúc khi có sự bình yên, tình yêu, tình thương mang lại cho bản thân mỗi chúng ta điều gì? Tại sao chính nó chứ không phải tiền bạc và quyền lực mới mang lại hạnh phúc đích thực?

Một cảm giác an lành và chứa chan niềm vui sống. Giữa cuộc sống ồn ào với bộn bề những lo toan, nhưng áp lực về tiền bạc, trách nhiệm, nghĩa vụ,…

– Hạnh phúc khi có sự bình yên, tình yêu, tình thương mang lại cho cuộc sống, các mối quan hệ xung quanh mỗi chúng ta điều gì? Sự gắn bó , kết nối bền chặt và êm đẹp.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

Cuộc sống có quá nhiều áp lực, làm sao có thể hạnh phúc khi không có tiền bạc, địa vị..? Tiền bạc không mua được sự bình yên, tình yêu thương.

+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

Hiểu đúng bản chất của hạnh phúc, giữ được tâm an- yêu- thương mỗi con người sẽ biết làm cho trái tim mình ấm áp, biết bao dung để tránh những tổn thương, biết hòa đồng, gắn kết để cảm nhận được sự hòa nhịp của những trái tim, biết xây dựng những giá trị sống đúng đắn, không bị lạc lối, mất phương hướng.

  1. Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

Một nhận thức đúng đắn về hạnh phúc luôn là điều cần thiết với mỗi con người trong bất cứ thời đại nào. Sự bình an trong tâm hồn, tình yêu và tình thương chan chứa nơi trái tim là liều thuốc dưỡng tâm, chữa lành những bất hạnh của cuộc đời.

Bài viết tham khảo

Paven trong “Thép đã tôi thế đấy” đã từng nói: “Đời người chỉ sống một có lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí,..” Vậy, phải làm sao để sống đúng ý nghĩa và làm cuộc đời thêm tươi đẹp? Và “Đừng tin rằng ta chỉ hạnh phúc nếu có tiền bạc, quyền lực… Chúng ta chỉ hạnh phúc khi có an trong lòng, có tình yêu và tình thương”(Thích Nhất Hạnh) chính là lời khuyên dành cho chúng ta.

Cuộc sống của chúng ta là một bộ phim dài với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong đó, niềm “hạnh phúc” luôn được mọi người mong muốn. Hiểu một cách đơn giản thì hạnh phúc là sự thỏa mãn nhu cầu. Nhu cầu sống có nhiều biểu hiện phong phú và đa dạng, có thể được tạo ra từ giá trị vật chất hoặc đời sống tinh thần. Một số người cho rằng tiền tài, địa vị.. là thước đo đong đếm giá trị của hạnh phúc, nhưng cũng có người cho rằng hạnh phúc là những giá trị tinh thần như được làm những điều mình thích. Nói như thiền sư Thích Nhất Hạnh thì “ Đừng tin rằng ta chỉ hạnh phúc nếu có tiền bạc, quyền lực… Chúng ta chỉ hạnh phúc khi có an trong lòng, có tình yêu và tình thương”. Câu nói cho thấy rõ một quan niệm hạnh phúc được định dạng ở mặt tinh thần với ba chữ: an, yêu và thương. An là sự thanh thản của tâm hồn. Yêu là cảm giác thích, quý đặc biệt với công việc hay người nào đấy. Còn thương và sự thấu hiểu, quan tâm mà không cần đòi lại. Có được An, Yêu và Thương trong lòng, con người sẽ đứng giữ cuộc đời với một tâm thế tự tin, lạc quan đầy năng lượng.  Đây có thể xem là một quan điểm đúng đắn, giản dị mà sâu sắc về hạnh phúc.

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày mới để yêu thương” (Trịnh Công Sơn). Cuộc sống như một bát nước đầy chứa những giọt nước của yêu thương, nếu con người ta biết yêu thương, sẻ chia thì bát nước ấy cứ thế sẽ đong đầy lên bằng những niềm vui và hạnh phúc. Hạnh phúc chính là cảm giác đến từ nội tâm, chứ không phải từ những đánh giá của người khác. Hạnh phúc có khi không phải tìm kiếm đâu xa xôi mà hiện hữu xung quanh mỗi người. Đó là khi ta có cha có mẹ, có nụ cười trong những bữa cơm, là một sớm mai trời giông bão bạn thức dậy và phát hiện mình đang yên lành trong ngôi nhà vững chắc… Những điều bình dị như thế cũng đủ để ta cảm thấy hạnh phúc mà chẳng phải những gì quá đỗi lớn lao.Và hơn cả, hạnh phúc được tạo nên bởi sự bình yên, tình yêu và tình thương khiến bản thân ta nhận ra biết bao cái đẹp giản dị trong cuộc đời. Biết yêu thương sẽ biết cho đi không cần đòi đáp. Khi cho đi tự nguyện, vô tư sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Đó là cảm giác bình yên, lòng không chứa phiền muộn .

Hạnh phúc không đơn giản là một trạng thái cảm xúc chợt đến, chợt đi, nó còn có nhiều ý nghĩa hơn ta tưởng. Giữa cuộc sống ồn ào với bộn bề những lo toan, những áp lực về tiền bạc, trách nhiệm, nghĩa vụ.. thì hạnh phúc như một liều thuốc tinh thần vạn năng làm cuộc đời trở nên đầy sức sống và vui vẻ hơn. Cao cả hơn, nó còn là động lực to lớn để vượt qua những thách thức, mệt mỏi khó khăn và đạt được những giấc mơ mà bản thân khao khát. Cuộc sống vì thế mà được nhìn theo một cách tích cực, rạng ngời hơn. Louisa May Alcott chẳng từng nói: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu”. Thật vậy, khi có đủ tình yêu, tình thương, có đủ sự bình yên trong tâm hồn chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống. Đó là những giá trị vô cùng cao cả mà sự hạnh phúc đem lại cho cuộc đời mỗi người.

Cuộc sống ồn ào này có quá nhiều áp lực từ tiền tài đến địa vị… Làm sao có được hạnh phúc khi cuộc sống không có tiền, có quyền, có nhà cao cửa rộng, không được sống trong sự sung túc, giàu sang? Bạn muốn xây đời mình với những viên gạch chứa khát vọng tiền bạc và quyền lực. Bạn đo hạnh phúc bằng những con số tỉ đồng, triệu đô…Đó là quyền của bạn. Tuy nhiên, hạnh phúc không mua được bằng tiền, nó cũng không được đong đếm bằng số vật chất cụ thể như thế. Những thứ ấy chỉ là một sự trợ giúp cho cuộc sống của bạn đỡ vất vả hay phong phú hơn mà thôi. Có người thật sung túc của cải vật chất, quyền cao chức trọng mà vẫn thấy cô đơn. Cuộc sống của họ có dư số kẻ e sợ, nể nang nhưng thiếu người yêu mến thật lòng. Lại có gia đình không có xe hơi, nhà ở phải đi thuê, tài khoản ngân hàng không có… nhưng họ vẫn bình an đi trên đường đời nở đầy hoa hạnh phúc. Đó có thể là hạnh phúc của cặp vợ chồng khi nhìn thấy con mình vẫn được ăn no, mặc ấm, vui vẻ và ngoan ngoãn lớn lên; hoặc niềm hạnh phúc của người con khi nhìn thấy ba mẹ mình dù đang vất vả, mồ hôi lấm lát trên gương mặt nhưng vẫn nhìn nhau bằng ánh mắt trìu mến và trao nhau nụ cười ấm áp… Hạnh phúc lúc nào cũng hiện hữu xung quanh chúng ta, chỉ là bạn có cái nhìn đối với cuộc sống của mình ra sao mà thôi.

Hẳn rằng, khi chúng ta nhận thức rõ ý nghĩa thực sự của hạnh phúc, giữ được tâm an, yêu thương cũng chính là lúc cuộc sống rạng ngời của bạn đang dần hé mở. Mỗi con người sẽ biết làm cho trái tim mình ấm áp, biết bao dung để tránh những tổn thương, biết hòa đồng, gắn kết để cảm nhận được sự hòa nhịp của những trái tim, biết xây dựng những giá trị sống đúng đắn, không bị lạc lối, mất phương hướng. Nếu bạn may mắn giàu có, hãy khiến tiền trở nên có ý nghĩa, hãy biến tiền trở thành công cụ hỗ trợ bạn gieo những hạt giống của tình yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh. Hạt giống ấy sẽ nảy mầm, kết trái và cơn gió của thời gian sẽ âm thầm lan tỏa hương thơm ngọt lành.

Một nhận thức đúng đắn về hạnh phúc luôn là điều cần thiết với mỗi con người trong bất cứ thời đại nào. Sự bình an trong tâm hồn, tình yêu và tình thương chan chứa nơi trái tim là liều thuốc dưỡng tâm, chữa lành những bất hạnh của cuộc đời. “Thành công và hạnh phúc nằm trong bạn, quyết tâm hạnh phúc và niềm vui sẽ đi cùng bạn biến thành đạo quân bất khả chiến bại chống lại nghịch cảnh”( Helen keller)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *