VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
- Nhưng, bây giờ sự thể đã khác xưa lắm rồi. Văn học chiến tranh và cả mỹ thuật, điện ảnh về chiến tranh cũng đang chật vật đi đến trái tim bạn đọc, người xem. Các tiểu thuyết về chiến tranh in nhiều thì được 2.000 bản, ít thì 1.000, thậm chí chỉ 500 bản. Các tập thơ và trường ca về chiến tranh thì hầu như không bán được mà chỉ cho và tặng.
- Từ khi kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là Internet không còn xa lạ, đến từng nhà, thì mối quan tâm giải trí, thụ hưởng giá trị tinh thần của con người không chỉ là văn học, nghệ thuật mà còn nhiều loại hình vui chơi giải trí điện tử khác như games, hay mạng xã hội như Twiter, Facebook, Google… và bây giờ là ChatGPT chia thị phần. Bữa tiệc tinh thần linh đình, phong phú làm cho người thưởng thức tha hồ lựa chọn.
- Sự dịch chuyển đọc ebook nhiều hơn chẳng đáng lo ngại, vì đọc bằng sách giấy hay sách điện tử (ebook) thì cũng vẫn là đọc. Điều đáng quan tâm là người ta đọc cái gì, và sử dụng Internet làm gì? Theo báo cáo ứng dụng di động năm 2021 của Appota thì “người Việt dành 25% thời gian để sử dụng Facebook và 12% thời gian để xem YouTube. Xếp sau 2 nền tảng này là Zalo 7%, Messenger 6% và TikTok 4%”. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ trên truyền thông rằng: “Viết văn bây giờ đã khác. Văn chương tuy là ngọn bút chiến đấu với nhiều cay đắng nhưng chưa chắc tới được người đọc”. Chưa bao giờ người viết văn đứng trước sự thử thách nghiệt ngã trước các loại hình, và phương tiện giải trí như hiện nay.
- Văn học chiến tranh còn cần thiết không hay bạn đọc đã quay lưng? Không! Chiến tranh là đề tài lớn, thậm chí có người nói “siêu đề tài”, luôn luôn được bạn đọc của bất cứ sắc tộc nào quan tâm. Các đề tài về tình yêu, đạo đức, văn hóa, xã hội,…còn có ngăn cách bởi văn hóa, tâm lý, cách cảm, cách nghĩ, cách tiếp nhận của mỗi dân tộc cần phải vượt qua rất khó khăn. Nhưng, cuộc chiến tranh nào thì cũng kẻ thua người thắng, cũng mất mát đau thương, có những mẫu số chung dễ chia sẻ, dễ tiếp nhận.
- Nữ dịch giả Kim Joo-Young đem một tập truyện ngắn của một tác giả người Việt về đề tài xã hội đã dịch sang tiếng Hàn đến các nhà xuất bản thuyết phục họ in, cuối cùng sách cũng ra đời. Trong bài phỏng vấn của giáo sư, tiến sĩ, dịch giả Bae Yang Soon, nữ dịch giả Kim Joo Young nói rằng: “Những người trong giới xuất bản xung quanh tôi không hứng thú với tác phẩm không có chủ đề chiến tranh”. Độc giả Hàn Quốc đang ngóng trông văn học chiến tranh của Việt Nam chăng? Có lẽ đề tài chiến tranh vẫn là mối quan tâm chung của nhân loại, ở đâu trên trái đất này cũng muốn đọc văn học chiến tranh? Vậy thì, văn học chiến tranh vẫn còn đất sống, vẫn còn chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Chỉ có điều phải viết như thế nào mà thôi. (…)
(Trích: “Văn học chiến tranh có còn chỗ trong lòng bạn đọc?” Nhà văn Sương Nguyệt Minh, https://cand.com.vn/)
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1: (0,5) Xác định luận đề của văn bản.
Câu 2: (0,5)Xác định câu chủ đề trong đoạn văn (1).
Câu 3: (0,75)Theo tác giả, cần thay đổi điều gì để văn học chiến tranh “vẫn còn đất sống, vẫn còn chỗ đứng trong lòng bạn đọc”?
Câu 4: (0,75)Trong đoạn (4), người viết đã dùng lí lẽ nào để khẳng định “văn học chiến tranh còn cần thiết hay bạn đọc không quay lưng với đề tài này”?
Câu 5: (0,75)Nêu tác dụng của việc sử dụng số liệu trong đoạn văn (3)?
Câu 6: (0,75)Người viết đã sử dụng những câu hỏi: “Độc giả Hàn Quốc đang ngóng trông văn học chiến tranh của Việt Nam chăng? Có lẽ đề tài chiến tranh vẫn là mối quan tâm chung của nhân loại, ở đâu trên trái đất này cũng muốn đọc văn học chiến tranh?” nhằm mục đích gì?
Câu 7: (1,0) Văn bản đã làm rõ được vấn đề: “Văn học chiến tranh có còn chỗ trong lòng bạn đọc?” chưa? Vì sao?
Câu 8: (1,0)Theo anh/ chị, cần thay đổi gì trong cách viết về đề tài chiến tranh để văn học viết về chiến tranh còn chỗ đứng trong lòng độc giả?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn trình bày quan điểm của mình về giới trẻ và việc đọc sách ngày nay
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1: (0,5) Luận đề:
Văn học chiến tranh còn chỗ trong lòng bạn đọc.
Câu 2: (0,5) Câu chủ đề trong đoạn văn (1):
Văn học chiến tranh và cả mỹ thuật, điện ảnh về chiến tranh cũng đang chật vật đi đến trái tim bạn đọc, người xem.
Câu 3: (0,75) Theo tác giả để văn học chiến tranh “vẫn còn đất sống, vẫn còn chỗ đứng trong lòng bạn đọc” trong lòng bạn đọc thì điều quan trọng là phải viết như thế nào. Có nghĩa là nhà văn phải lựa chọn cách viết, cách truyền tải cho phù hợp với đối tượng người đọc, người nghe.
Câu 4: (0,75) Trong đoạn (4), để khẳng định “văn học chiến tranh còn cần thiết hay bạn đọc không quay lưng với đề tài” này người viết đã dùng lí lẽ:
– Chiến tranh là đề tài lớn, thậm chí có người nói “siêu đề tài”, luôn luôn được bạn đọc của bất cứ sắc tộc nào quan tâm
– cuộc chiến tranh nào thì cũng kẻ thua người thắng, cũng mất mát đau thương, có những mẫu số chung dễ chia sẻ, dễ tiếp nhận
Câu 5: (0,75) Tác dụng của việc sử dụng số liệu trong đoạn văn (3):
– Làm rõ điều đáng quan tâm là người ta đọc cái gì, và sử dụng Internet làm gì
– Tăng sức thuyết phục qua những bằng chứng cụ thể
Câu 6: (0,75) Người viết đã sử dụng những câu hỏi: “Độc giả Hàn Quốc đang ngóng trông văn học chiến tranh của Việt Nam chăng? Có lẽ đề tài chiến tranh vẫn là mối quan tâm chung của nhân loại, ở đâu trên trái đất này cũng muốn đọc văn học chiến tranh?” nhằm mục đích gì?
Những câu hỏi tu từ này nhằm tăng sức thuyết phục về việc văn học chiến tranh vẫn là đề tài bạn đọc quan tâm.
Câu 7: (1,0)
– Văn bản đã làm rõ được vấn đề: “Văn học chiến tranh có còn chỗ trong lòng bạn đọc.
– Vì có luận điểm, lí lẽ,bằng chứng thuyết phục và yếu tố bổ trợ phù hợp
Câu 8: (1,0) Theo anh/ chị, cần thay đổi gì trong cách viết về đề tài chiến tranh để văn học viết về chiến tranh còn chỗ đứng trong lòng độc giả?
Học sinh có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau miễn sao phù hợp và thuyết phục.
LÀM VĂN
(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.
– Đọc sách là cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy tri thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo.
– Thế nhưng, ngày nay, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ, nhất là văn hóa đọc sách.
- Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
– Thực tế, thói quen đọc sách cũng không còn được duy trì thường xuyên, thói quen truy cập mạng trở nên phổ biến.
– Nhiều học sinh, sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sách, nhưng cũng có bạn nghĩ rằng việc đọc sách là không cần thiết.
– Việc đọc sách của các bạn trẻ ngày nay hầu như chỉ theo phong trào chứ không thực chất và đôi khi chọn những loại truyện ngôn tình, những loại sách đen.
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
– Một phần nguyên nhân là do các bạn trẻ phải dành thời gian cho việc học quá nhiều nên những nhu cầu giải trí trong đó có đọc sách cũng bị hạn chế.
– Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc
– Giới trẻ đọc sách để giải trí
– Thời xưa người ta thường hay nói đến “sách gối đầu giường”, nhưng thời nay “gối đầu giường” của đại đa số bạn trẻ lại là Smartphone.
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
Trong thời đại mới, cách đọc sách, truyện hoàn toàn có thể sử dụng các trang web hoặc phần mềm để nghe sách, nghe truyện.
– Đương nhiên, đọc sách in hay đọc sách điện tử, cũng là đọc. Không phải ngồi cầm quyển sách, lật từng trang mới là đọc sách.
+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
– Có thể nói, việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online là một xu thế tất yếu. Sách điện tử có thể sẽ là hình thức lựa chọn của giới trẻ
– Điều đó đòi hỏi những người viết sách cũng cần phải đổi mới về phong cách viết, hình thức truyền tải để phù hợp với xu thế hiện nay.
– Cùng với đó, những nhà quản lý trang mạng cũng như cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chú ý hơn trong việc rà soát nội dung để sách điện tử đến với bạn đọc một cách ý nghĩa nhất.
- Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
– Văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Cho đến nay đã có nhiều bài viết, nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội.
– Bất cứ thời đại nào, cũng coi trọng việc đọc và đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất. Vì vậy, ngay từ khi ở bậc tiểu học, cha mẹ và thầy cô giáo hãy khuyến khích, hướng dẫn trẻ cách tìm kiếm sách, cách đọc sách sao cho hiệu quả. Điều đó sẽ giúp hình thành thói quen đọc sách và có thể khuyến khích giới trẻ đến với sách nhiều hơn.
Bài viết tham khảo
Đọc sách là cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy tri thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo. Thế nhưng, ngày nay, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ, nhất là văn hóa đọc sách.
Thực tế, thói quen truy cập mạng trở nên phổ biến, khi muốn có thêm thông tin có thể tìm trên những trang báo mạng, muốn tra cứu vấn đề gì đều có thể vào các trang chuyên về tìm kiếm trên mạng. Điều đó khiến giới trẻ dường như ngày càng tìm đến sách báo ít hơn. Thói quen đọc sách cũng không còn được duy trì thường xuyên.
Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Và trong một khảo sát đối với sinh viên TP.HCM, có 47,26% sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sách, 26.37% nghĩ rằng đọc sách là cần thiết, 25,15 cho rằng việc đọc sách là bình thường, có hay không cũng được và 1,22% nghĩ rằng việc đọc sách là không cần thiết.
Một phần nguyên nhân là do các bạn trẻ phải dành thời gian cho việc học quá nhiều nên những nhu cầu giải trí trong đó có đọc sách cũng bị hạn chế. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng. Và còn một thực tế cũng nguy hại không kém, đó là việc đọc sách của các bạn trẻ ngày nay hầu như chỉ theo phong trào chứ không thực chất và nếu có đọc thì đôi khi lại chọn những loại truyện ngôn tình, những loại sách kém giá trị. Điều đó dẫn đến tình trạng ăn xổi, không phải là nhu cầu của bản thân, không phải mục tiêu, ước vọng của người đọc khiến lệch lạc về thị hiếu, thẩm mỹ thậm chí là kiến thức xã hội, nhận thức xã hội của các bạn trẻ hạn chế rất nhiều.
Chính vì vậy, những năm qua, các dự án, chương trình, các cuộc vận động của nhiều tổ chức diễn ra dưới nhiều hình thức như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Trạm đọc, We love reading… Hay tại kỳ họp Quốc hội khoá 14 đã thông qua Luật Thư viện quy định ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam”. Đây là những hoạt động có ý nghĩa, giúp tăng thêm niềm đam mê, và sự yêu thích đọc sách của các bạn trẻ. Nhưng thực tế lại chưa diễn ra đồng đều ở tất cả các tỉnh thành cũng như ở các trường học. “Có nơi thì nhộn nhịp, có nơi lại im ắng như tờ”.
Khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ cũng thay đổi rất nhiều. Thời xưa người ta thường hay nói đến “sách gối đầu giường”, nhưng thời nay “gối đầu giường” của đại đa số bạn trẻ lại là Smartphone. Trong thời đại mới, cách đọc sách, truyện không còn theo truyền thống như trước nữa. Thay vì lật giở từng trang sách, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các trang web hoặc phần mềm để nghe sách, nghe truyện. Đương nhiên, đọc sách in hay đọc sách điện tử, cũng là đọc. Không phải ngồi cầm quyển sách, lật từng trang mới là đọc sách.
Tuy nhiên, với cách đọc mới này, những cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang được tóm gọn trong vài chục trang. Những cuốn sách nâng cao kiến thức, câu chuyện lịch sử cũng chỉ gói gọn trong 3 – 4 phút trên mạng. Điều đó đòi hỏi những nhà sáng tạo nội dung cần đặc biệt lưu ý để văn chương không bị biên tập, cắt gọn tới mức biến dạng nội dung.
Có thể nói, việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online là một xu thế tất yếu. Sách điện tử có thể sẽ là hình thức của sách trong tương lai. Điều đó đòi hỏi những người viết sách cũng cần phải đổi mới về phong cách viết, hình thức truyền tải để phù hợp với xu thế hiện nay. Cùng với đó, những nhà quản lý trang mạng cũng như cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chú ý hơn trong việc rà soát nội dung để sách điện tử đến với bạn đọc một cách ý nghĩa nhất.
Văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Cho đến nay đã có nhiều bài viết, nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội. Bất cứ thời đại nào, cũng coi trọng việc đọc và đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất. Vì vậy, ngay từ khi ở bậc tiểu học, cha mẹ và thầy cô giáo hãy khuyến khích, hướng dẫn trẻ cách tìm kiếm sách, cách đọc sách sao cho hiệu quả. Điều đó sẽ giúp hình thành thói quen đọc sách và có thể khuyến khích giới trẻ đến với sách nhiều hơn.