Nghị luận câu nói Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Trong cuộc sống chúng ta ai cũng có một ước mơ cho một ngày mai thật đẹp, dù bình dị hay phi thường – đó có thể là ước mơ của một cậu bé mồ côi mong có ngày được chăm sóc trong vòng tay người mẹ, đó là ước mơ rất đỗi giản dị của một chú bé tật nguyền được bước đi bình thường như bao người khác, ước mơ nhìn thấy ánh sáng của một người không còn nhìn thấy được, ước mơ tìm được việc làm mà mình yêu thích của một chàng trai thất nghiệp, ước mơ tìm được một tình yêu đẹp, được sống yên vui hạnh phúc, hoặc có thể là những ước mơ chinh phục, vượt qua những thử thách, vươn lên khẳng định mình và trở thành những gì mà mình từng ao ước. Những ước mơ đáng quý, đáng trân trọng đó luôn là niềm hy vọng, là nguồn động lực và niềm tin lớn nhất cho mỗi người để sống, để cảm nhận và hướng đến ngày mai.

Nhưng cuộc sống luôn tiềm ẩn những trở ngại, khó khăn, và thử thách bất ngờ – con đường đi đến những ước mơ ấy không hề bằng phẳng. Bao khó khăn, trở ngại và cả bất hạnh có thể xảy ra vào những lúc không mong chờ nhất như để thử thách lòng dũng cảm của con người. Đó có thể là những trở ngại nhỏ ta vấp phải vào một thời điểm nào đó trước khi tự đứng thẳng trên đôi chân của mình. Có thể nó như những đám mây đen kịt báo hiệu cơn dông, khiến ngay cả những tâm hồn dũng cảm nhất cũng phải tìm kiếm chở che. Cũng có thể do khách quan hay là những ngục tù mà chính ta tự đưa mình vào… khiến ta tổn thương, mất niềm tin, và có lúc tưởng như không còn điểm tựa hay nghị lực để vượt qua. Trước những khó khăn thử thách ấy, mỗi người sẽ tự chọn cho mình cách đón nhận, đối đầu để có một hướng đi riêng. Có người phó thác cho số phận, có người trốn chạy đi tìm nơi trú ẩn, có người tự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, cũng có người chìm vào biển tự thương thân, trách phận để rồi ngã gục trong cơn giông tố cuộc đời…

Thế nhưng, bất kể là ai, tự đáy lòng của mỗi con người đều tồn tại một khát vọng mãnh liệt – đó là khát vọng sống – và được luôn là chính mình. Chính khát vọng ấy đã khiến bao trái tim trăn trở, thao thức tìm cho mình một cách nghĩ, một sức mạnh tinh thần, một hướng đi để theo đuổi những hoài bão, ước mơ của mình.

Cuộc sống chúng ta ra sao, luôn ngập tràn sợ hãi và oán hờn hay chấp nhận và vui sống để vươn lên sẽ tùy thuộc vào cách ta đối mặt như thế nào với những khó khăn thử thách ta gặp phải trên con đường đi tới…

(Nguồn: “Hạt giống tâm hồn – Từ những điều bình dị” –

 First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành)

Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2: Nêu luận đề của văn bản.

Câu 3: Xác định hệ thống luận điểm được triển khai trong văn bản

Câu 4: Trong phép so sánh: “nó như những đám mây đen kịt báo hiệu cơn dông, khiến ngay cả những tâm hồn dũng cảm nhất cũng phải tìm kiếm chở che”, “nó” chỉ điều gì?

Câu 5: Việc đưa ra các dẫn chứng về một cậu bé mồ côi, chú bé tật nguyền, chàng trai thất nghiệp có tác dụng gì?

Câu 6: Tìm các yếu tố bổ trợ được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 7:  Anh/Chị hãy nhận xét về cách kết thúc văn bản.

Câu 8: Có người cho rằng: Ước mơ làm nảy mầm sáng tạo. Anh (Chị) có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Cantauzene từng nói: “Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi”. Hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

 

ĐÁP ÁN HƯỚNG DẪN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận. 0,5
2 Luận đề của văn bản: Ước mơ, khát vọng của con người trong cuộc sống 0,5
3 Hệ thống luận điểm được triển khai trong văn bản:

– Luận điểm 1: Những ước mơ trong cuộc đời, vai trò của những ước mơ.

– Luận điểm 2: Những gian truân, thử thách trong cuộc đời.

– Luận điểm 3: Động lực theo đuổi ước mơ: khát vọng sống.

 

1,0
4 Trong phép so sánh: “nó như những đám mây đen kịt báo hiệu cơn dông, khiến ngay cả những tâm hồn dũng cảm nhất cũng phải tìm kiếm chở che”, “nó” chỉ những khó khăn, trở ngại và cả bất hạnh. 0,5
5 Việc đưa ra các dẫn chứng về một cậu bé mồ côi, chú bé tật nguyền, chàng trai thất nghiệp có tác dụng: giúp luận điểm của tác giả được trình bày cụ thể, chi tiết và thuyết phục hơn đối với bạn đọc. Đó chính là những dẫn chứng về việc hãy luôn cố gắng trong cuộc sống, trân trọng những gì mình đang có, luôn cố gắng hơn nữa theo đuổi ước mơ của bản thân. 1,0
6 Các yếu tố bổ trợ được sử dụng trong văn bản:

– Yếu tố tự sự, biểu cảm.

– Các biện pháp tu từ: so sánh, liệt kê, điệp ngữ…

 

0,5
7 Nhận xét về cách kết thúc văn bản:

– Đây là cách kết thúc mở, kích thích những suy nghĩ trong tâm trí bạn đọc.

– Tác giả đặt ra câu hỏi để người đọc tự nhận thức và tự lựa chọn cho mình một lối sống có ý nghĩa.

 

1,0
8 – Đồng tình với quan điểm trên.

– Vì: Khi chúng ta có một ước mơ, chúng ta thường tìm cách để biến nó thành hiện thực. Điều này thường đòi hỏi sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng để tìm ra các ý tưởng mới và phát triển các giải pháp độc đáo. Ước mơ có thể truyền cảm hứng và động lực cho chúng ta để khám phá, học hỏi và phát triển.

Vì vậy, có thể nói rằng ước mơ làm nảy mầm sáng tạo, nhưng để biến nó thành hiện thực, chúng ta cần kết hợp nó với hành động và nỗ lực.

1,0
II   LÀM VĂN 4,0
    Viết bài văn nghị luận về sự cần thiết của nền tảng số trong cuộc sống.  
a. Đảm bảo cấu trúc:

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề

Sự cần thiết của nền tảng số trong cuộc sống.

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận: Thái độ trân trọng sự sống.

2. Thân bài: Cần triển khai các ý:

– Bản chất của vấn đề và quan điểm của người viết:

+ “Chết” là trạng thái cơ thể con người dừng lại mọi hoạt động: hơi thở chấm dứt, não bộ không còn tư duy, tim ngừng đập,…Đã sinh ra trong cõi đời, không ai thoát khỏi cái chết, đó chính là cái “chết một lần” mà không người nào tránh được.

+ Nhưng bên cạnh cái chết thể xác ấy, còn có những cái chết về tinh thần, về thanh danh, chết trong khi còn đang sống. Chẳng hạn: khi con người không còn lí tưởng, mục đích sống, không có ước mơ, hoài bão; chán nản, buông xuôi trước hoàn cảnh khó khăn; khi tâm hồn vô cảm, đóng băng; khi đánh mất danh dự, lương tâm với những việc làm khiến đồng loại xa lánh, chối bỏ…

=> Tác giả của câu nói khuyên chúng ta không ngừng nỗ lực, cố gắng để không rơi vào những cái chết về tinh thần, để chỉ một lần chết theo quy luật của kiếp nhân sinh.

 Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề:

+ Sự cố gắng để “chỉ chết một lần thôi” là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Mỗi cá nhân chỉ một lần được sống, vì vậy phải phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để tạo nên cuộc đời có ý nghĩa, một sự sống đích thực, khi nhắm mắt xuôi tay được thanh thản.

+ Chết trong khi còn đang sống là điều đáng sợ và đáng tiếc, cuộc đời con người uổng phí, vô nghĩa, bị xã hội chê cười, khinh bỉ.

+ Lấy dẫn chứng về những con người đã “cố gắng để chỉ chết một lần thôi”, đã tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa, được xã hội tôn vinh, trân trọng, thậm chí họ đã bất tử sau cái chết “một lần”: Chị Võ Thị Sáu, Anh Nguyễn Văn Trỗi,…Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lớp lớp thế hệ già trẻ, nam nữ mọi thời đại, ở mọi nơi, mọi miền ngày đêm âm thầm cống hiến, sẵn sàng hi sinh,…

+ Câu nói trên là một ý kiến đúng đắn, tích cực, một lời khuyên bổ ích và là phương châm sống cần ghi nhớ đối với những ai đã may mắn có mặt trong cõi đời này.

Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều:

Phê phán những kẻ đã “chết trong khi còn đang sống”: sống buông thả, trác táng, vô cảm, để phần con lấn át phần người, làm những điều vô đạo đức, phi nhân tính,…

– Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng:

+ Mỗi người cần biết trân trọng sự sống hiện tại của mình, cố gắng tạo dựng một cuộc đời có ích, có ý nghĩa.

+ Muốn “chỉ chết một lần thôi” thì phải tích cực sống đẹp, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, lánh xa những điều xấu xa, bạc ác, mở rộng cửa trái tim để trao gửi yêu thương, có ý chí vững vàng trước những chông gai, thử thách của dòng đời,…

3. Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề

Hướng dẫn chấm:

– Viết đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm – 2,5 điểm.

– Viết đầy đủ nhưng có ý còn chưa rõ: 1,25 điểm – 1,75  điểm.

– Viết chưa đầy đủ hoặc chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 1,0 điểm.                                                                                            

2,5
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm:

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

BÀI VIẾT THAM KHẢO

Có người nói: “Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước cái chết; Người gan dạ chỉ nếm trải cái chết một lần”. Quả thực, cái chết không đáng sợ. Điều đáng sợ nhất là để tâm hồn chết ngay khi còn sống. Bàn về điều đó, Cantauzene khuyên rằng: “Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi”.

Theo nghĩa thông thường, chết là trạng thái cơ thể con người dừng lại mọi hoạt động: hơi thở chấm dứt, não bộ không còn tư duy, tim ngừng đập,…Đã sinh ra trong cõi đời, không ai thoát khỏi cái chết, đó chính là cái “chết một lần” mà không người nào tránh được. Nhưng bên cạnh cái chết thể xác ấy, còn có những cái chết về tinh thần, về thanh danh, chết trong khi còn đang sống. Chẳng hạn: khi con người không còn lí tưởng, mục đích sống, không có ước mơ, hoài bão; chán nản, buông xuôi trước hoàn cảnh khó khăn; khi tâm hồn vô cảm, đóng băng; khi đánh mất danh dự, lương tâm với những việc làm khiến đồng loại xa lánh, chối bỏ…Tác giả của câu nói khuyên chúng ta không ngừng nỗ lực, cố gắng để không rơi vào những cái chết về tinh thần, để chỉ một lần chết theo quy luật của kiếp nhân sinh.

Sự cố gắng để “chỉ chết một lần thôi” là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Mỗi cá nhân chỉ một lần được sống, vì vậy phải phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để tạo nên cuộc đời có ý nghĩa, một sự sống đích thực, khi nhắm mắt xuôi tay được thanh thản. Đừng sống cuộc đời chỉ để thở mà còn để khám phá, để ước mơ những điều thú vị và đầy ắp tình yêu với cuộc sống. Bạn đã nghe câu “Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn” chưa? Nếu bạn không thực sự cố gắng học hỏi, khám phá và thực hiện hoài bão của mình thì bạn đã chết ngay từ tuổi 25 rồi. Chúng ta sống để cống hiến, để làm những điều tốt đẹp chứ không phải sống một cuộc đời tẻ nhạt, nhàm chán, “chết trong khi còn đang sống”. Con người luôn có khát khao muốn nắm bắt cái đẹp. Thế nhưng, những điều đẹp đẽ thường rất mong manh vì thế mỗi con người cần sống thật sâu để “hút hương đời mát lành”. Câu nói đã giúp ta hiểu hơn về mục đích của mỗi người khi đến với cuộc sống này.

Chết trong khi còn đang sống là điều đáng sợ và đáng tiếc, cuộc đời con người uổng phí, vô nghĩa. Đó là những con người chỉ tồn tại, sống cuộc đời nhạt nhẽo, vô vị, không lưu dấu ấn của mình trên cuộc đời. Họ sẽ tan biến đi như hạt cát vô danh trên biển cả bao la. Với mọi người trong xã hội, những người “chết nhiều lần” đáng bị chê cười, khinh bỉ và đi vào lãng quên.

Trong lịch sử, những con người đã “cố gắng để chỉ chết một lần thôi”. Những con người ấy đã tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa, được xã hội tôn vinh, trân trọng, thậm chí họ đã bất tử sau cái chết “một lần”. Chị Võ Thị Sáu, Anh Nguyễn Văn Trỗi, chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lớp lớp thế hệ già trẻ, nam nữ mọi thời đại, ở mọi nơi, mọi miền ngày đêm âm thầm cống hiến, sẵn sàng hi sinh,…Họ đã đi xa nhưng tên tuổi, cuộc đời và lí tưởng sống của họ vẫn luôn in dấu sâu đậm trong trái tim của hàng triệu triệu người bao thế hệ. Vì vậy, câu nói của Cantauzene  “Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi” là một ý kiến đúng đắn, tích cực, một lời khuyên bổ ích và là phương châm sống cần ghi nhớ đối với những ai đã may mắn có mặt trong cõi đời này.

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn có những kẻ đã “chết trong khi còn đang sống”. Đó là những con người sống buông thả, trác táng, vô cảm, để phần con lấn át phần người. Có những người sống nhưng làm những điều vô đạo đức, phi nhân tính….Đó là những con người chết nhiều lần trong cuộc đời.

Sự sống là đáng quý, nhưng sống cuộc đời đầy ý nghĩa còn đáng quý trọng hơn. Mỗi người cần biết trân trọng sự sống hiện tại của mình, cố gắng tạo dựng một cuộc đời có ích, có ý nghĩa. Muốn “chỉ chết một lần thôi” thì phải tích cực sống đẹp, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, lánh xa những điều xấu xa, bạc ác, mở rộng cửa trái tim để trao gửi yêu thương, có ý chí vững vàng trước những chông gai, thử thách của dòng đời,… Cuộc sống đâu chỉ là hít thở. Tuổi trẻ của chúng ta quá ngắn ngủi để sống vật vờ, làng nhàng không bản sắc. Cho nên, trong sự hữu hạn của thời gian, hãy cố gắng nắm bắt từng khoảnh khắc của cuộc đời và khám phá nó bằng một tình yêu đầy ắp. Giống như một nhà văn người Nhật đã từng nói: “Ngày xưa, hồi còn nhỏ, có một ông bác đã dạy tôi rằng chết là ngừng thở. Và suốt cả một thời gian dài, tôi đã tin như vậy. Nhưng điều đó không đúng. Bởi vì sống không chỉ để thở. Điều đó chắc chắn sai rồi”.

Tóm lại, câu nói “Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi” nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc sống một cuộc đời có ý nghĩa và đáng nhớ. Chúng ta cần phấn đấu, rèn luyện và tu dưỡng bản thân để tạo nên một cuộc sống đích thực và không hối tiếc khi đến lúc kết thúc cuộc đời. Chết không có nghĩa là hết. Chết có nghĩa chuyển hóa các giá trị khi còn sống vào bên trong tâm hồn người khác. Hãy sống mạnh mẽ, sôi nổi và đầy lòng trắc ẩn. Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi. Đừng chết quá nhiều lần trong cuộc đời ngắn ngủi của mình chỉ vì hèn nhát.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *