Hàn Mặc Tử- Hồn thơ bí ẩn và phức tạp nhất trong phong trào Thơ Mới

Hàn Mặc Tử- Hồn thơ bí ẩn và phức tạp nhất trong phong trào Thơ Mới
Trong các nhà thơ mới, Hàn Mặc Tử lạ nhất, phức tạp nhất, bất hạnh nhất, bí ẩn nhất. Như ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời…
Là sản phẩm của nguồn thơ điên bằng đau thương đặc biệt, Đây thôn Vĩ Dọ là lời tỏ tình với cuộc đời của một tình yêu tuyệt vọng.
Bên dưới mỗi hàng chữ sáng tươi là cả một mối u hoài.
Tuy không có những tiếng rên la, những hình ảnh kì dị, ma quái, nhưng mạch liên tưởng toàn bài cũng rất lạ lùng, đứt đoạn, phi logic, cóc nhảy: ngoại cảnh – tâm cảnh, tươi sáng-  âm u, hi vọng – thất vọng  kết nối tương phản. Đó là hai phía của một khối u hoài uẩn khúc.
Khổ đầu: ước ao thầm kín ngấm ngầm bên trong lại cất lên như lời mời mọc  từ bên ngoài, hoài niệm âm u lại mang gương mặt sáng sủa, khát khao, rạo rực.
Khổ 2 ước mong khẩn thiết dâng lên hoá thành hoài vọng chới với, nghẹn ngào.
Khổ 3: mong ngóng vừa ló rạng hoá thành nỗi hoài nghi.
Liên tưởng điên – phi lôgic tạo ra âm hưởng nhất quán, vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Tất cả xuất phát từ tình yêu tuyệt vọng – mặc cảm sâu xa của Hàn Mặc tử. […]
Trong bệnh tật, tâm hồn Hàn hình thành hai thế giới: trong này và ngoài kia phân định nghiệt ngã, cách nhau bằng cả tầm tuyệt vọng. Ngoài kia là mùa xuân, thắm tươi, trăng, nhạc, ánh sáng, hạnh phúc, thiên đường, hi vọng,… Trong này chẳng có mùa, là đêm tối, địa ngục, khổ hạnh, âm u, mờ nhân ảnh, lãnh cung… trong này chỉ còn về lại được ngoài kia bằng ước ao thầm lén, khắc khoải hi vọng và tuyệt vọng mà thôi!
Tấm thiệp của Hoàng Cúc đã đánh thức khát vọng về cái ngoài kia. Thôn Vĩ Dạ là địa chỉ khởi đầu của ngoài kia trong hồn Tử. Khát vọng về thăm Vĩ Dạ của Tử cũng là khát vọng về ngoài kia. Vườn xa, thuyền xa, đường xa hợp thành thế giới ngoài kia đối lập với ở đây — trong này.
Sự tương phản giữa hai miền không gian không chỉ là mặc cảm của con người đang sắp chia lìa cuộc đời mà còn là mặc cảm của thi sĩ đang phải lìa xa cái đẹp mà anh đang tôn thờ, chiêm ngưỡng. Cái đẹp, theo quan niệm của Tử là thanh khiết, thanh tú, trinh nguyên, vẻ đẹp của vườn, nắng, trăng, thuyền, khách đường xa là biểu hiện cụ thể của vẻ đẹp ấy. Và mặc cảm chia lìa là mặc cảm tuyệt vọng khiến cho nó trở nên khắc khoải, da diết. Câu hỏi mở đầu là lời Tử phân thân để hỏi chính mình. Ba câu sau tả vườn. Nắng tinh khiết thanh tân lan toả trên những hàng cau, thân cau, lá cau, biến cả Vườn thành viên ngọc lớn. Vườn toả vào không gian những ánh xanh của ngọc thanh tú và cao sang. Chữ ai chuyển tải cảm giác xa xót, thực tại xa vời, tồn tại mong manh ở ngoài tầm với, thuộc thế giới ngoài kia. Từ quá chỉ mức độ, là tiếng kêu ngạc nhiên, ngỡ ngàng như chợt nhận ra vẻ đẹp của vườn trong khoảnh khắc hiếm hoi ấy. Mặt chữ điền là mặt người thôn Vĩ hay người trở về thôn Vĩ? Nếu là mặt người thôn Vĩ thì sẽ là mặt phụ nữ vì một người đàn ông thôn Vĩ trở về không phải để ngắm khuôn mặt đàn ông. Nếu là mặt người trở về thôn Vĩ thì chỉ có thể là khuôn mặt của Tử tự họạ chân dung của mình đầy kiêu hãnh và vơ vào. Có thể hiểu cả hai cách như trên.
 
Qua lăng kính chia lìa, tuyệt vọng tình yêu, những cảnh vật đơn sơ cũng trở nên vô cùng lộng lẫy. Đó là thiên đường trần gian nhưng không thuộc về mình nữa. Về thôn Vĩ là việc bình thường nhưng với Tử lại quá tầm tay với, thành hạnh phúc ngoài tầm tay.
Khổ 2 không chỉ tả dòng sông Hương mà dòng sông nào đó thể hiện mặc cảm chia lìa, phiêu tán. Tất cả như đang bỏ đi, ngang trái trớ trêu. Chữ lay rất hay. Từ câu ca dao hiện về trong hồn Tử chăng?
Ai về trồng dứa qua truông
Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em!
Hay là:
Lá ngô lay ở bờ sông,
Bờ sông vẫn gió người không thấy về.
(Trúc Thông)
Sông trăng và thuyền trăng: huyền ảo càng thêm huyền ảo. Nhưng đó cũng mới là vẻ đẹp bề nổi, dễ thấy. Chữ kịp mới mang bi kịch tâm hồn nhà thơ. Mặc cảm thân phận trong hiện tại ngắn ngủi, sống chạy đua với thời gian, từng ngày, từng khắc. Cuộc chia li vĩnh viễn đang tới gần. Mong mỏi, đau thương và tuyệt vọng.
Khổ 3 khắc khoải hoá thân thành nhịp điệu. Gấp gáp hơn, khẩn khoản hơn.
Hình ảnh người con gái áo trắng tinh khiết được Tử tôn thờ là hiện thân của thế giới ngoài kia với sắc áo trắng nhoà nhạt đến mức nhìn không ra.
Đến đây, Tử mới trở về nơi tồn tại của mình, với lãnh cung chia lìa bất hạnh của mình.
Cuộc đời ngoài kia vẫn thắm sắc và vẫn cách ở đây một tầm tuyệt vọng, vẫn cách xa một tầm tay với. Chỉ có cái tình kia là sợi dây duy nhất níu Tử với trần gian. Mà xem ra cái tình ấy cũng mong manh làm sao!
Xem thêm : Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ Ngữ văn 11

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *