* Sự thay đổi điểm nhìn trần thuật:
* Khái niệm điểm nhìn trần thuật:
Điểm nhìn trần thuật là một yếu tố thuộc về nghệ thuật tự sự, thể hiện vị trí quan sát, góc nhìn, tầm nhận thức để khám phá sự kiện, sự việc và con người của người kể chuyện. Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn về cuộc sống, con người thể hiện rõ nhất thông qua điểm nhìn trần thuật.
* Vai trò của điểm nhìn trần thuật nói chung:
Điểm nhìn là vấn đề then chốt của kết cấu tác phẩm nghệ thuật. Nó hiện diện khắp nơi, chi phối hầu hết các yếu tố trên các cấp độ của văn bản; là “vị trí từ đó người kể nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn”. Trên thực tế, “giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự thay đổi của nghệ thuật bắt đầu từ thay đổi điểm nhìn”
– Sự thay đổi điểm nhìn trần thuật là: hiện tượng tác phẩm không mặc định ở một điểm nhìn mà luôn đan xen, dịch chuyển từ điểm nhìn này sang điểm nhìn khác. Nhiều nhân vật trong tác phẩm luân phiên nhau đóng vai trò người kể chuyện, và từng nhân vật ấy bày tỏ cách nhìn riêng của mình về hiện thực.
– Tác dụng của sự thay đổi điểm nhìn trần thuật:
Giúp nhà văn có thể đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để bóc tách những chuyển biến tâm trạng tinh tế trong nhân vật, đồng thời khiến cho cách trần thuật trở nên khách quan hơn; mở ra cho người đọc những khám phá mới về đối tượng. Điều này tạo nên tính phức điệu, đa âm cho câu chuyện và tác phẩm văn xuôi trở thành một cấu trúc đa tầng, cùng lúc vang lên nhiều tiếng nói khác nhau.
– Ví dụ minh họa cho sự thay đổi, luân phiên điểm nhìn trần thuật:
VD1: Đoạn mở đầu truyện ngắn Chí Phèo:
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại, ai cũng nhủ: “ Chắc nó trừ mình ra! ” Không ai lên tiếng cả. Tức thật! ờ ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ thân hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha ! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết, hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết …”
(Trích “Chí Phèo” – Nam Cao)
Chú thích:
Màu vàng – điểm nhìn của người kể chuyện khách quan, điểm nhìn từ bên ngoài, là lời kể chuyện của tác giả.
Màu đỏ – điểm nhìn của dân làng Vũ Đại, như vậy điểm nhìn có sự luân phiên từ người kể chuyện khách quan sang nhân vật làng Vũ Đại, điểm nhìn dịch chuyển từ bên ngoài vào bên trong (người dân làng Vũ Đại nói lên suy nghĩ)
Màu xanh – điểm nhìn của Chí Phèo, tiếng nói bên trong của Chí Phèo.
=> Phân loại điểm nhìn trần thuật trong đoạn mở đầu theo các bình diện: điểm nhìn của người kể chuyện/ điểm nhìn của nhân vật (Chí Phèo, dân làng Vũ Đại); điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong:
– Điểm nhìn bên ngoài (điểm nhìn kể chuyện): được hiểu là lời kể của tác giả với vai trò là người chứng kiến, hiểu rõ toàn bộ câu chuyện dưới cái nhìn trực diện, khách quan, diễn tả sự việc diễn ra một cách chân thực, giúp người đọc hiểu được diễn biến của câu chuyện.
– Điểm nhìn bên trong (điểm nhìn của nhân vật): tác giả đóng vai thành các nhân vật trong truyện, đưa ra quan điểm, phán xét của chính nhân vật về mỗi sự việc trong truyện qua những câu cảm thán, những lời bàn tán, bình phẩm.
=> tác dụng cụ thể trong tác phẩm:
+ Làm nổi bật lên góc nhìn đa chiều, đa dạng bởi đan xen những cung bậc cảm xúc khác nhau của những người trong cuộc.
+ Cho phép chủ thể trần thuật di chuyển điểm nhìn rất linh hoạt, có điều kiện soi chiếu vào những mảng tâm trạng sâu kín nhất của nhân vật. Để từ đó, giúp người đọc hiểu rõ hơn về cảm xúc, suy nghĩ, tính cách của từng nhân vật trong tác phẩm.
– Mở rộng:
Sự luân phiên điểm nhìn trần thuật này có thể lấy dẫn chứng trong:
Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài):
“Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chì thấy nước mặt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường. ” Anh ném pao Em không bắt Em không yêu quả pao rơi rồi…” A Sử vừa ở đâu về, lại sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trằng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn đương rình bắt nhiều người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mỵ nói. Bây giờ Mỵ cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ông mỡ, sắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi. Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách.”
– Nâng cao:
+ Lồng ghép điểm nhìn trần thuật
Không chỉ luân phiên, nhiều tác phẩm văn xuôi Việt Nam sau 1975, đặc biệt là sau 1986 còn lồng ghép điểm nhìn trần thuật để làm mới kĩ thuật tự sự. Trong tác phẩm có sự tương tác giữa điểm nhìn của người kể chuyện với một hoặc nhiều nhân vật, tạo ra sự hoà phối, đan xen, phức hợp của nhiều kinh nghiệm, nhiều luồng tư tưởng, có khi cùng chiều, có khi đối nghịch. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly(6) của Nguyễn Xuân Khánh là một ví dụ. Ở đây, người trần thuật xưng “tôi” mà nhân vật cũng xưng “tôi” giành quyền tự kể (Chương II: Hồ Nguyên Trừng; chương V: Trần Khát Chân; chương VI: Cô gái vườn mai; chương XII: Đường lên Yên Tử; chương XIII: Hội thề Đốn Sơn).
=> Tác dụng:
Tác phẩm, do đó, có cấu trúc mở, giàu tính đối thoại; nói về quá khứ nhưng chất chứa những suy ngẫm sâu sắc về hiện tại. Và những sự kiện của lịch sử luôn hiện diện trong tư thế đang vận động ở thì “hiện tại chưa hoàn thành”.
Rõ ràng, luân phiên, lồng ghép điểm nhìn khiến chủ đề tác phẩm và tư tưởng tác giả không lộ diện, khó nắm bắt; đòi hỏi người thưởng thức nhiều suy nghĩ, nhưng cũng gợi nhiều liên tưởng khác nhau. Điều này khiến tác phẩm thực sự “là một quá trình”, khơi gợi ở bạn đọc sự “đồng sáng tạo”; đến với mỗi bạn đọc, tác phẩm không ngừng “sinh sôi” về nghĩa. Và tất yếu, xung quanh một tác phẩm dễ gây ra tranh luận trái chiều.
+ Giao điểm nhìn trần thuật cho những nhân vật “không đáng tin cậy”
Đây là hiện tượng trong tác phẩm, nhà văn giao nhiệm vụ kể chuyện cho những nhân vật dị biệt, đặc biệt – kiểu nhân vật “không đáng tin cậy”. Đó có thể là một thương binh bị chấn thương thần kinh như Kiên (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh); có thể là một hồn ma đã uống nước ở Bến Lú, Sông Mê nên nhớ nhớ, quên quên như các nhân vật Hương và Hoa (Người sông Mê – Châu Diên); có thể là nhân vật bào thai đang nằm trong bụng mẹ (Thiên thần sám hối – Tạ Duy Anh); có khi là một thanh niên bị điện giật chết hụt rồi bỗng có khả năng đi ngược về quá khứ (Trong sương hồng hiện ra – Hồ Anh Thái)…
Người sông Mê. Tác phẩm không chia chương mà chia khúc, vừa theo trình tự kiếp luân hồi như quan niệm nhà Phật, vừa ngẫu hứng, vu vơ: Kiếp ảo, Kiếp gốc, Kiếp thực… Hiện thực giả định này buộc người đọc phải có cách ứng xử khác: văn chương có nhất thiết chỉ có mục đích phản ánh hiện thực không? Văn chương còn có thể phản ánh những suy tư, mơ mộng về những vùng hiện thực bất khả tri – hiện thực của tâm linh, ảo giác.