Full bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn, đề số 85

ĐỀ THI THỬ  THPT QUỐC GIA 2017 TRƯỜNG THPT BÌNH HƯNG HÒA, TP. HCM

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:


Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh giặc hoảng hốt xin hàng
Có thằng sụp dưới chân anh tránh đạn
Bởi anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng ViệtNamtạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.


(Dáng đứng Việt Nam, Lê Anh Xuân)


Câu 1. Chỉ ra những phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên.
Câu 2. Ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn thơ trên có đặc điểm gì?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: “Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng”.
Câu 4.
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng ViệtNamtạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Đoạn thơ trên đã gợi cho Anh/chị tình cảm gì của người chiến sĩ giải phóng quân?

II. LÀM VĂN


Câu 1. Từ văn bản, Anh/Chị hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về đức hi sinh trong xã hội ngày nay.
Câu 2:
Những đường Việt Bắc của ta

Vui lên Việt Bắc, đèo De núi Hồng.
Cảm nhận của Anh/Chị về âm vang hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ qua đoạn thơ trên.


HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI


Câu 1. Phương thức biểu cảm, tự sự.
Câu 2. Ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn thơ trên có đặc điểm: tính hình tượng, tính truyền cảm, tính cá thể.
Câu 3. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ là so sánh.
– Tác dụng: làm nổi bật tư thế hiên ngang của người chiến sĩ mặc dù đã hy sinh; thể hiện thái độ ngưỡng mộ, khâm phục đối với người chiến sĩ.
Câu 4.
* (Gợi ý):
Khổ cuối bài thơ, giọng thơ chùng xuống như khúc tưởng niệm những con người bất diệt đã hy sinh vì nghĩa lớn. Ý thơ là lời khẳng định về ý nghĩa của cái chết. Dáng đứng của Anh và cuộc đấu tranh sôi sục của nhân dân Miền Nam đã tạc vào lịch sử một dấu son chói lọi. Sự ra đi của người chiến sĩ trên đường băng Tân Sơn Nhất năm nào sẽ là bệ phóng đưa đất nước lên tầm cao mới. Bài thơ ra đời năm 1968 mãi đến 7 năm sau Miền Nam mới hoàn toàn giải phóng và Lê Anh Xuân cũng hy sinh từ dạo ấy nhưng thi sĩ đã dự báo trước một mùa xuân sẽ đến trong tương lai.
II. LÀM VĂN
Câu 1:


* (Đoạn văn tham khảo):
Hy sinh, là hành động đánh đổi một thứ quan trọng với bản thân cho một điều khác được coi là đáng quí hơn. Sự hi sinh vẫn thường diễn ra ở bất cứ ngóc ngách nào của cuộc sống.Hàng ngày, ta cũng có thể thấy những hành động hy sinh, cho dù rất nhỏ: hành khách nhường chỗ ngồi cho một bà cụ, cha mẹ hy sinh thời gian để đưa đón đứa con đi học xa đến vài chục cây số, hay những thợ đào đường ban đêm để không làm ảnh hưởng đến sinh họat của người dân. Nhờ những sự hy sinh nhỏ bé này, mà một tập thể, xã hội mới có thể phát triển lành mạnh và bền vững. Thế nhưng không phải hành động hy sinh nào cũng được biểu dương, ca ngợi hết lời. Lý do là vì sự hy sinh cũng có nhiều nguồn gốc, nguyên nhân. Một người làm việc thu gom rác rưởi, bị người khác coi thường có phải vì anh ta nghĩ nghề đó sẽ giúp ích cho xã hội không? Những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường có đáng được coi là anh hùng không khi họ bị đẩy ra ngoài chiến trận, ngầm mắng chửi thứ chiến tranh phi lý đã hủy hoại cuộc đời họ? Tồi tệ hơn, lại có những thứ hy sinh giả tạo, tưởng như là hy sinh nhưng thực chất lại để mua tiếng tốt về mình. Nguy hiểm nhất có lẽ là việc chúng ta tự cho rằng mình đang hi sinh vì người khác. Vậy nên, sự hự sinh thực sự có ý nghĩa khi nó thấm đẫm chất nhân văn cao cả.
(Bài viết của Hoàng Thùy Trang, Lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, người biên soạn có biên tập lại)


Câu 2:
* Mở bài:
Giới thiệu tác giả tác phẩm

Giới thiệu đoạn thơ và vấn đề nghị luận :Âm vang hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ qua đoạn thơ trên.
* Thân bài:
– Đoạn thơ đã miêu tả cảnh quân và dân ta trong giai đoạn tổng phản công giành thắng lợi. Những câu thơ lồng lộng, ngợp say tạo nên bản hùng ca về cuộc chiến đấu chống Pháp gian khổ mà bất khuất của dân tộc:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”.
+ Khung cảnh sôi động của cuộc kháng chiến được miêu tả qua hình ảnh con đường; “những đường Việt Bắc của ta”. Cụm từ “của ta” thể hiện sự sở hữu cùng niềm tự hào dân tộc khi mỗi con đường, ngọn núi, dòng sông… đã thực sự trở về với với người dân Việt Nam. Đây cũng là cảm hứng chung từng xuất hiện trong bài “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta”.
+ Đối với Tố Hữu con đường là biểu tượng cho sự hợp sức chung lòng, sự mở rộng, lớn mạnh không ngừng. Lực lượng cách mạng từ trong những khó khăn trứng nước đã dần dần phát triển cả về chất và lượng, để rồi ngày hôm nay hợp lại tạo thành một khối đông đảo. Hình ảnh so sánh “Đêm đêm rầm rập như là đất nung” cùng với từ láy tượng thanh “rầm rập” miêu tả tiếng bước chân nhanh, mạnh, dứt khoát của một tập thể đông người, mỗi bước chân càng khiến trời đất dung chuyển và cuộc hành quân ra trận đã biến thành cuộc diễu binh mà mỗi con người trong đó như được nâng lên với tầm vóc vũ trụ. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được thể hiện rõ nét.
– Ở 4 dòng thơ tiếp theo, Tố Hữu đã tập trung miêu tả sức mạnh của hai đối tượng cụ thể nhưng có đóng góp lớn làm lên chiến thắng Việt Bắc hôm nay, đó là những anh bộ đội cụ Hồ và những người dân công:
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”
+ Từ láy “điệp điệp, trùng trùng” có tác dụng miêu tả những đoàn quân như nối tiếp nhau trải dài không dứt, hết lớp này đến lớp khác. Họ không chỉ được miêu tả như tập thể đầy sức mạnh mà còn hiện lên chân thực, lãng mạn qua hình ảnh “ánh sao đầu súng” quen thuộc trong thơ ca thời kì chống Pháp. Nó khiến người đọc nhớ đến câu thơ “đầu súng trăng treo” trong bài thơ của Chính Hữu. Hình ảnh thơ của Tố Hữu có thể hiểu là ánh sao trời lấp lánh nơi đầu mũi súng, cũng có thể hiểu là ánh sao gắn trên mũ của những người lính trên đường hành quân ra mặt trận. Nếu hình ảnh thơ trong bài “Đồng chí” của Chính Hữu nêu cao mục đích đấu tranh là để bảo vệ hòa bình thì hình ảnh “ánh sao đầu súng” tượng trưng cho lí tưởng của những người lính. Từ “cùng” đã nối cảm hứng lãng mạn với chất hiện thực của cuộc chiến khi con người vượt lên khó khăn để sống và chiến đấu theo lý tưởng của mình. Trên con đường ra trận không chỉ có những người lính mà còn có những đoàn dân công trực tiếp vận chuyển lương thực vũ khí ra chiến trường:
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”.
+ Biện pháp đảo ngữ đã nhấn mạnh lực lượng đông đảo thứ hai và cũng là những người quan trọng làm nên bản hùng ca cách mạng, đó là những đoàn dân công. Họ đi trong đêm, dưới những bó đuốc đỏ rực, dưới những tàn lửa bập bùng bay theo chiều gió như trải dài không ngớt tạo thành một không gian lung linh huyền ảo, mang âm hưởng huyền thoại. Cách nói thậm xưng “bước chân nát đá” khiến người đọc liên tưởng đến thành ngữ “chân cứng đá mềm”, đã nhấn mạnh sức mạnh thể chất và tinh thần của những con người hàng ngày tải lương ra chiến trường, chiến thắng mọi khó khăn gian khổ để góp phần làm nên chiến thắng. Dường như cả thiên nhiên đất trời và con người cùng hòa chung một ý chí quyết tâm “Rùng cây núi đá ta cùng đánh Tây”. Từ đó, Tố Hữu đã khái quát về thời khắc thiêng liêng của dân tộc:
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
+ “Nghìn đêm” là số từ chỉ ước lệ, miêu tả một quảng thời gian dài cả đất nước chìm trong màn đêm tăm tối của xiềng xích và áp bức nhưng đó cũng chính là khoảng thời gian mà chúng ta âm thầm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến hào hùng. Và từ trong gian khổ, ánh bình minh đã hé rạng, báo hiệu một ngày mới đang lên với niềm vui và sự hy vọng, lạc quan về một tương lai tươi sáng. Cả đoạn thơ ngập tràn ánh sáng: khi thì ánh sáng lấp lánh rực rỡ của ánh sao trời, cũng là ẩn dụ cho lý tưởng cách mạng của người chiến sĩ, khi thì hàng ngàn vạn ánh đuốc đỏ rực trong đêm… tất cả đã tạo nên một thứ ánh sáng khổng lồ soi tỏ màn đêm đen đang bao trùm. Biện pháp so sánh tạo nên cảm hứng lạc quan tràn đầy hy vọng cho con người. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được thể hiện ở niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng cho đất nước.
– Bốn câu thơ cuối là những chiến thắng dồn dập trong giai đoạn tổng phản công:
“Tin vui thắng trận trăm miền
Hòa bình Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Viết Bắc, đèo De, núi Hồng”
+ Cả đoạn thơ thứ tám bài “Việt Bắc” mang âm hưởng dồn dập với điệp từ “vui” được nhắc tới bốn lần ở cả bốn dòng thơ: vui từ, vui về, vui lên… mở ra niềm hạnh phúc vỡ òa trước những chiến thắng vang dội và liên tiếp vọng về. Biện pháp liệt kê đã chỉ ra những chiến thắng nối tiếp nhau không dứt của quân và dân ta, chiến thắng này chưa qua thì chiến thắng khác đã dồn dập… Người đọc có thể cảm nhận được trái tim náo nức say mê của quân và dân “Việt Bắc” trong những ngày tháng oanh liệt hào hùng đó, niềm vui đó hòa chung với niềm vui toàn dân tộc và góp phần khẳng định chắc chắn về một ngày mai hòa bình trên khắp mọi nẻo đường cách mạng.
-> Với lối thơ lục bát ngọt ngào như ca dao, với chất thơ trữ tình cách mạng, thật sôi nổi, hào hùng, thiết tha, nhà thơ Tố Hữu trong đoạn thơ này đã thể hiện nổi bật khí thế hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc; đồng thời đoạn thơ còn thể hiện niềm lạc quan cách mạng, ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, làm nên những chiến thắng vẻ vang, mang niềm vui về cho dân tộc. Đoạn thơ như một đoạn sử thi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
* Kết bài:
– Mười hai câu thơ ngắn gọn với giọng thơ dồn dập gấp gáp, mạnh mẽ Tố Hữu đã dựng lên bức tranh Việt Bắc ra trận thật đẹp làm sống dậy những ngày tháng hào hùng của nhân dân ta trên căn cứ địa thần thành.
– Đoạn thơ này chính là khúc hùng ca về một thời oanh liệt của dân tộc Việt Nam ta. Tất cả là kỷ niệm sâu sắc trong lòng tác giả và người về xuôi.

(Đề sưu tầm)

Xem thêm : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *