Đọc hiểu truyện ngắn Quà muộn, Đoạn văn cảm nhận bài Lá Xanh, NLXH dũng cảm để làm chủ tương lai

Đọc văn bản sau:

QUÀ MUỘN

(Tóm lược: Ba mẹ ly hôn, nhân vật tôi và em Thu phải mỗi người sống một nơi. Tôi luôn than trách mẹ vì nghĩ mẹ yêu em Thu hơn. Để hiểu được lời mẹ nói, nhân vật tôi phải trải một thời gian dài với quá trình chung sống với người dì ghẻ chỉ hơn có 8 tuổi. Từ chỗ không tìm được điểm chung và sự yêu thương đến chỗ cảm thông chia sẻ cho người dì ghẻ, nhân vật tôi thay đổi cách đối xử khi dì ghẻ đẻ em bé mà “tôi” thấy sao nó giống Thu – cô em gái yếu ớt cùng cha cùng mẹ đến vậy)

Sau bao ngày tháng, giờ đây tôi bỗng nhớ mẹ và em Thu đến cồn cào. Tôi nhớ hồi đó tôi hay giành đồ chơi với Thu và nó chẳng biết làm gì hơn là khóc ư ử….

Tôi chưa bao giờ quan tâm đến em Thu – Ba đã khiến tôi nhận ra điều này! Tôi ẵm bồng bé Bi, ru nó ngủ, may áo búp bê, mua đồ chơi cho nó. Tôi muốn làm thật nhiều cho bé để chuộc lại sự vô tâm đối với em Thu. Nhưng bé Bi là bé Bi, em Thu là em Thu và tôi bật khóc mỗi khi nhớ mẹ. Tôi lục mấy phong thư cũ, tìm địa chỉ của mẹ nhưng vô ích, con dấu ngoài phong bì với hai chữ Nha Trang lạnh lùng chẳng nói được gì hơn. Nha Trang trở thành một địa danh ám ảnh.

Giấy báo tôi thi đậu á khoa Đại Học Y Thành phố Hồ Chí Minh gởi về nhà. Ba mở tiệc mừng ngay ngày hôm sau. Tiếng cụng ly của khách khứa chúc mừng tương lai tôi vọng vào phòng khiến dì run vai lặng khóc. Tôi bồng bé Bi lên, bé nhìn tôi bằng đôi mắt lờ đờ rồi mệt mỏi ngả cổ trên vai tôi.

– Mai mốt Linh đi học…ở đây một mình…dì biết làm sao? – Dì nói nho nhỏ, thống khổ, tuyệt vọng, cô đơn. Dì già sọm như đã bốn mươi.

Tôi cắn nghiêm môi lại. Mẹ cũng đã từng thấy khổ tuyệt vọng và cô đơn như vậy. Mà hồi đó, tôi còn quá nhỏ để biết chia sẻ.

[…]

Thật là bất ngờ, tôi gặp mẹ ngay ngày đầu tiên đến trường Đại học. Trong phút giây, tôi và mẹ đứng lặng nhìn nhau. Mẹ già đi nhiều, tóc lốm đốm bạc. – Sao mẹ…đứng ở đây? Tôi ấp úng hỏi một câu ngu ngơ.

– Mẹ đợi con! – Giọng mẹ khàn khàn.

– Sao mẹ…không viết thư cho con?

– Biết ba con lấy vợ nên mẹ thôi không gởi. Mẹ ngại ba nghĩ rằng mẹ quấy rầy hạnh phúc của ba con.

– Mẹ ngại…ngại…Mẹ không nhớ đến con thì có! – Tôi dằn dỗi, như ngày xưa mỗi lần mẹ mua quà cho em Thu.

– Linh! – Mẹ dịu dàng gọi tên tôi – mẹ luôn hỏi thăm về con. Con có thấy là mẹ đang đứng đây không? Từ khi biết con đậu trường này, ngày nào mẹ cũng đến đây đợi.

Hai mẹ con mà phải đợi chừng đó năm tháng để gặp nhau ở một nơi xa lạ. Tôi gục đầu trên vai mẹ, bật khóc.

– Con về Nha Trang tìm mẹ…mẹ ơi!

– Hồi đó mẹ đưa em về Nha Trang với hy vọng khí hậu biển sẽ tốt hơn cho em con. Rồi nghe nói ở thành phố có nhiều bác sĩ giỏi nên mẹ đưa em về đây.

– Em Thu…sao rồi mẹ? – Tôi hồi hộp hỏi.

– Em con mất rồi! – Nước mắt mẹ rơi trên tóc tôi – Em con không ý thức được nguy hiểm nên đút tay vào ổ điện.

Đột nhiên tôi thấy nhẹ nhõm, nỗi nhẹ nhõm tàn nhẫn, kỳ quặc và đau đớn. Mẹ nghẹn ngào:

– Chết có lúc là giải thoát phải không con?

Nỗi đau trong mắt mẹ khiến cổ tôi cứng lại.

Tôi có thêm một đứa em trai, vì mẹ đã có chồng. Chồng của mẹ là một bác sĩ khoa tâm thần. Thật khó chịu khi biết mẹ có chồng. Việc mẹ có chồng khác hẳn việc ba có vợ! Không thể giải thích được vì sao lại như vậy.

Tôi cố tạo một vẻ mặt vô tư khi gặp cậu bé. Nó có khuôn mặt tròn và sóng mũi thanh tú của mẹ. Rồi khi đối diện với ông bác sĩ, tôi nhận ra đôi mắt nó là bản sao của đôi mắt ông.

Câu chào ngập ngừng trên môi, rồi tôi bật ra “Chào bác”.

Ông đáp lại câu chào của tôi bằng một nụ cười.

Ông đưa mẹ và tôi ra mộ em Thu. Ngôi mộ xây theo một kiểu là lạ, ngồ ngộ. Những viên đá hoa đủ màu đắp quanh mộ như những món đồ chơi bày ra bừa bãi. – Với dáng mộ này, bác mong em của cháu có được tuổi thơ ở thế giới bên kia – Ông nói bằng một giọng ấm áp, ân cần.

Tôi hình dung một cuộc sống có ông, mẹ, em Thu và đứa em tôi mới gặp. Thật khó mà hình dung được cuộc sống đó ra sao. Tuy nhiên, tôi hiểu ông rất yêu mẹ tôi. Vì yêu mẹ nên ông đã tặng cho em tôi tuổi thơ, dẫu muộn màng. Cũng như tôi thân thiện với dì vì nhớ mẹ, và nựng nịu vỗ về bé Bi vì tình yêu muộn màng dành cho em Thu.

Tôi chợt hiểu ra một điều cơ bản của cuộc sống. Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn.

(Nguyên Hương, Trích Những truyện hay viết cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng)

Thực hiện yêu cầu:                  

Câu 1. Xác định ngôi kể của truyện ngắn Quà muộn.

Câu 2. Nhân vật tôi gặp lại mẹ trong hoàn cảnh nào?

Câu 3. Qua sự thay đổi của nhân vật tôi sau khi gặp mẹ, anh/chị thấy nhân vật tôi là người thế nào?

Câu 4. Nhận xét nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tôi của nhà văn Nguyên Hương.

Câu 5. Anh/chị có đồng ý với quan điểm của nhân vật tôi ở cuối truyện Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn? Vì sao?

PHẦN II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận bài thơ sau:

      LÁ XANH

Người vá trời lấp bể

                                                            Kẻ đắp lũy xây thành

                                                            Ta chỉ là chiếc lá

                                                            Việc của mình là xanh

(Trái tim người lính (thơ), Nguyễn Sĩ Đại,

NXB Thanh niên, 1998)

Chú thích: Nguyễn Sĩ Đại là một trong những gương mặt thi ca đương đại tiêu biểu của vùng đất xứ Nghệ, từng tham gia quân đội trong chiến tranh chống Mỹ. Ông có nhiều bài thơ ghi dấu, nhắc nhớ trong lòng người đọc, ông còn được xem là “nhà thơ tâm giao” đặc biệt của người nông dân, dù “người nông dân” Nguyễn Sĩ Đại sống, làm việc lâu năm ở phố thị và từng giữ trọng trách trong đời sống văn nghệ Thủ đô với hai nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khóa 2011 – 2015. “Lá xanh” được Nguyễn Sĩ Đại viết 1997 in trong tập “Trái tim người lính”.

Câu 2. (5,0 điểm)

Nhà văn Victor Huygo từng nói: “Tương lai có rất nhiều tên: Với kẻ yếu, nó là Điều không thể đạt được. Đối với người hay sợ hãi, nó là Điều chưa biết. Với ai dũng cảm, nó là Cơ hội”.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vấn đề con người cần dũng cảm để làm chủ tương lai.

  1. ĐÁP ÁN, HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 – Ngôi kể thứ nhất – tôi.

Hướng dẫn chấm:

+ Trả lời được mỗi ý: cho 0,5 điểm

+ Trả lời sai, không trả lời: không cho điểm

0,5
2 – Nhân vật tôi gặp lại mẹ trong hoàn cảnh:

+ Bố mẹ đã li hôn khá lâu, nhân vật i ở với bố còn em gái ở với mẹ.

+ Nhân vật tôi luôn trách mẹ vì yêu em hơn yêu mình, từ đó không liên lạc với nhau.

+ Khi nhân vật tôi đỗ đại học Y, nhập trường, gặp mẹ đứng đợi ở cổng trường.

Hướng dẫn chấm:

+ Trả lời đúng như đáp án: cho 0,5 điểm

+ Trả lời được một ý: cho 0,25 điểm

+ Trả lời sai, không trả lời: không cho điểm.

0,5
3 – Sự thay đổi của nhân vật tôi sau khi gặp mẹ:

+ Xóa bỏ được những hiểu lầm về mẹ;

+ Yêu thương mẹ, thương em;

+ Hiểu được và chấp nhận tình cảm của dượng dành cho mẹ.

– Qua đó, em thấy nhân vật tối là người: người nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, nhân hậu.

Hướng dẫn chấm:

+ Trả lời được 2 ý: 1,0 điểm

+ Trả lời được 1 ý: 0,5 điểm

+ Trả lời sai, không trả lời: không cho điểm.

HS có cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa.

1,0
4 – Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tôi:

+ Đặt nhân vật vào các tình huống đặc biệt để nhân vật bộc lộ cảm xúc;

+ Để nhân vật “tôi” tự kể về mình (ngôi kể thứ nhất);

+  Nội tâm nhân vật được thể hiện qua gôn ngữ giản dị, gần gũi…

– Nhận xét:

+  Cách miêu tả sâu sắc, tinh tế tạo nên sự chân thực, hấp dẫn, giúp nhà văn thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật tôi.

+ Suy nghĩ, tâm trạng nhân vật tôi hiện lên chân thực, sống động.

Hướng dẫn chấm:

+ Trả lời được mỗi ý: cho 0,5 điểm

+ Trả lời sai, không trả lời: không cho điểm.

1,0

 

 

 

5 – Hs bày tỏ quan điểm: Đồng ý/ không đồng ý/ vừa đồng ý, vừa không đồng ý. (0,25 điểm)

– Lí giải (0,25 điểm)

+ Nếu đồng ý, có thể lí giải: Những người biết yêu thương sẽ:

·         ++ Yêu thương người khác: Giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn, đau khổ, bất hạnh; cảm hóa những con người “lầm đường lạc lối”; chữa lành những vết thương tâm hồn người khác…Từ đó thấy ý nghĩa tồn tại của mình, nỗ lực để giúp đơc người khác nhiều hơn;

·     ++ Yêu thương bản thân mình giúp con người sống nhẹ nhàng, thanh thản; biết chăm sóc cho bản thân cũng là biết cách trân quý người khác…

+ Nếu không đồng tình, có thể lí giải:

++ Để sống đẹp, cần có nhiều yếu tố;

++ Yêu thương là yếu tố cần nhưng chưa đủ.

+ Nếu vừa đồng ý, vừa không đồng ý thì kết hợp cả hai cách lí giải trên.

Hướng dẫn chấm ý 2:

+ Lí giải hợp lí, thuyết phục: 0,75 điểm

+ Lí giải hợp lí: 0, 5 điểm

+ Lí giải chung chung: 0,25 điểm

+ Lí giải sai, không lí giải: 0,0 điểm.

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận bài thơ:

Người vá trời lấp bể

Kẻ đắp lũy xây thành

                                Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh

(“Lá xanh”, Nguyễn Sĩ Đại, nguồn thivien.net)

2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:

 Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích bài thơ “Lá xanh” của Nguyễn Sĩ Đại. 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

*Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, bài thơ “Lá xanh” của Nguyễn Sĩ Đại.

– Phân tích bài thơ:

+ Nội dung: Bài thơ thể hiện quan điểm sống của “ta” (tác giả)

++ Tác giả đặt ra một đối lập giữa “người”, “kẻ” với “ta”:       Nếu “người”“kẻ” (chỉ những người khác) đều muốn làm những việc lớn lao là “vá trời lấp bể”, “đắp lũy xây thành” – cách nói khoa trương để chỉ những ước muốn to lớn, thậm chí phi thường của con người… Thì “ta” – chỉ đơn giản ý thức một cách khiêm tốn và thực tế “chỉ là chiếc lá” bé nhỏ.

++ Trong cách nói của “ta”: “chỉ là chiếc lá” có sự phân biệt giữa bản thân và người khác: “chỉ là” – một sự tự nhận thức về bản thân đúng mức, không ồn ào, không ảo tưởng hay huyễn hoặc về mình. Nhưng dù “chỉ là chiếc lá”, bản thân “ta” vẫn ý thức được “việc của mình là xanh”, như một lẽ tất yếu trong cuộc đời: chim phải hótlá phải xanh.

à Bài thơ thể hiện quan điểm của tác giả, là ý thức về cái tôi cá nhân, dù chỉ là một cá thể nhỏ bé, không có những mơ ước phi thường, cũng vẫn phải ý thức được ý nghĩa sự sống của mình trong cuộc đời: là cống hiến.

+ Nghệ thuật: Bài thơ chỉ có 4 câu, mỗi câu 5 chữ, với cách diễn đạt giản dị, tác giả đã làm nổi bật sự lựa chọn lí tưởng sống của mình – cống hiến theo khả năng của mình.

* Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận: bài thơ “Lá xanh” của Nguyễn Sĩ Đại.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và bằng chứng

0,5
đ. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ 0.25
  2 Nhà văn Victor Huygo từng nói: “Tương lai có rất nhiều tên: Với kẻ yếu, nó là Điều không thể đạt được. Đối với người hay sợ hãi, nó là Điều chưa biết. Với ai dũng cảm, nó là Cơ hội”.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vấn đề con người cần dũng cảm để làm chủ tương lai.

4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Con người cần dũng cảm để làm chủ tương lai.

0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý theo bố cục hợp lí ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích

+ Tương lai: được xem là một thuật ngữ mô tả đoạn thời gian trái ngược quá khứ. Có thể nói tương lai là ngày mai,mai mốt,…Tương lai thường  được hiểu là khoảng thời gian thời gian sau này, chưa xảy ra trong cuộc đời của con người.

+ Dũng cảm là không sợ khó khăn, nguy hiểm, thử thách, dám đương đầu với những thức gây cản trở, làm khó dễ bản thân, dám lao vào những điều mà người khác e sợ.

Bày tỏ suy nghĩ: Con người cần có lòng dũng cảm để làm chủ tương lai.

+ Tương lai của con người luôn ẩn giấu những khó khăn, gian khổ, thách thức. Nó đòi hỏi con người phải có nghị lực, sự kiên trì và lòng dũng cảm để tồn tại và làm chủ cuộc sống của mình.

+ Thái độ sẵn sàng đối diện với gian khó để thực hiện cho được mục đích đề ra sẽ khiến con người luôn có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào chính mình, vào tương lai và sự lựa chọn của bản thân trong mọi lĩnh vực.

+ Dũng cảm là nghị lực, là sức mạnh, là ý chí kiên cường để con người có thể vượt lên mọi gian nan thử thách, để có được sức mạnh chế ngự thiên nhiên và chiến thắng chính bản thân mình. Dũng cảm sẽ biến thử thách thành cơ hội để đạt được thành công trong cuộc sống.

+ Người có lòng dũng cảm luôn khẳng định được năng lực, phẩm chất của mình và chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp.

(Thí sinh sử dụng các dẫn chứng minh họa phù hợp)

– Mở rộng:

+ Dũng cảm là phẩm chất quan trọng của con người, nhất là khi con người muốn làm chủ tương lai. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có những người sống hèn nhát, dựa dẫm. Những con người đó sẽ không thể làm chủ được tương lai.

– Tuy nhiên muốn làm chủ được tương lai, con người cần có nhiều yếu tố, nhiều kĩ năng cần thiết nữa.

* Bài học nhận thức, hành động cho bản thân:

Dũng cảm là một phẩm chất cao quý trong nhân cách, đạo đức con người. Đây cũng là thái độ sống tích cực. Hãy bước vào tương lai với lòng dũng cảm.

– Cần rèn luyện và nuôi dưỡng lòng dũng cảm từng giờ, từng ngày và ngay trong hiện tại.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Đảm bảo cấu trúc: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

– Triển khai ít nhất được hai luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *