Đọc hiểu Người gánh nước thuê, Đoạn văn 200 chữ Những con đường, NLXH tôn trọng sự khác biệt

ĐỀ THI CUỐI KÌ NGỮ VĂN LỚP 10

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Chẳng ai biết lai lịch của bà, chỉ biết tên bà là Diễm. Diễm là đẹp, là diễm lệ. Ngoài vẻ đẹp, còn mang vẻ sang. Có ai gọi một củ khoai là diễm lệ đâu. Hẳn bố mẹ xưa đặt tên cho con cũng thầm ao ước sao cho con vừa đẹp lại vừa khỏi lầm than. Nhưng trông bà cả một sự nhạo báng cái mong ước đó.

Dáng người bà Diễm bé loắt choắt, bộ mặt nhăn nheo, gầy sạm chỉ còn hai con mắt. Bà vừa đi vừa lắc lư cái lưng còng. Chiếc đòn gánh không bao giờ rời khỏi đôi vai còm cõi của bà. Nó bám chặt lấy bà như một thứ nghiệp chướng. Chiếc đòn gánh của bà cũng thật đặc biệt. Nó nhẵn bóng. Ngay cả những vết sẹo cũng đã nhẵn bóng và cũng khó đoán tuổi như chủ nhân của nó vậy. Nó đã tồn tại cùng bà không biết tự bao giờ. Nó được đẽo gọt từ một thân tre cong hằn dấu vết của những cơn gió táp và ra đời chỉ để đón đợi đôi vai còm cõi của bà Diễm mà thôi. Nó và chủ nhân của nó hợp thành một chỉnh thể của sự bất hạnh, hợp thành biểu tượng của một thân cây vừa mới ra đời đã bị gió mưa vùi dập. Cuối hai đầu đòn gánh là đôi thùng đầy nước lắc lư theo những bước chân không đều của bà Diễm và để lại những vệt nước rỏ ròng ròng như suối nước mắt cạnh đường đi. Những lúc đôi vai được rảnh rang, đôi môi bà lại lẩm nhẩm những câu không đầu không cuối. Bà đi và nói như người lẩn thẩn, nhưng những cử chỉ của bà vẫn chính xác một cách kỳ lạ. Đến máy nước bao giờ bà cũng đi sát mép đường bên phải và lặng lẽ đợi đến lượt mình, không xin xỏ, không tranh giành.

Những nhà có máu mặt trong khu này thuê bà gánh nước. Họ chẳng ưa gì bà. Họ săm soi xem thùng nước bà gánh về có trong không. Có đáng đồng tiền của họ bỏ ra không. Có người nghi ngờ, bắt bà tháo cả bể nước đầy ra gánh lại, lấy cớ là bà đã lấy nước bẩn vào bể của họ. Cũng có những người trả tiền sòng phẳng, hậu hĩ là khác nhưng họ đưa tiền cho bà rồi vội quay đi như chỉ sợ dềnh dàng bà nhỡ mồm bắt chuyện thì mất cả thì giờ và mất cả thể diện nữa. Con người ta thường hay chối bỏ quá khứ, nếu quá khứ đó là không vẻ vang. Người đời nay coi nó là bệnh “sĩ”. Nếu như những năm sáu mươi của thế kỷ này người ta cố chứng minh rằng gốc gác của mình là bần cố nông thì trong những năm tám mươi người ta lại cố khoe rằng nhà mình giàu có ra sao, bịa cả những chuyện đài các rởm không biết ngượng mồm. Thôi thì cũng chẳng trách họ, âu cũng là do cách nhìn người của thời đại mà ra. Những bộ mặt đần độn trát bự son phấn vênh váo, đầy kiêu hãnh giả tạo. Và trong cơn mơ đài các sang giàu của họ, bà Diễm chỉ là một kẻ làm thuê, một người gánh nước cho nhà họ. Một thời, chúng ta đã ghê tởm những từ “con ở”, “đầy tớ”, “gái điếm”… Nhưng giờ đây, những từ đó đã và đang lặng lẽ trở về nhắc nhở người ta rằng, chúng có mặt trên đời này.

Vậy là bà Diễm hệt như con gà trụi lông giữa đàn công sặc sỡ. Nhưng bà gắn bó với họ, đúng hơn là với bể nước nhà họ, vì chỉ có họ mới đủ sức thuê bà gánh nước. Còn đa số “người nhà nước” trong khu này chẳng ai đủ tiền để mà thuê, dù muốn giúp bà. Cơm ăn chẳng đủ, lấy đâu ra tiền mà thuê gánh nước. Đành phải xếp hàng dài dằng dặc, hoặc thức đến hai ba giờ sáng để lấy mấy thùng nước.

Với đôi thùng gánh nước, cứ thế, bà Diễm đi trong đời như kẻ mộng du và rồi có lẽ với cung cách mộng du ấy bà sẽ lặng lẽ đi xuống mồ, như một hạt bụi tan biến vào không gian chẳng để lại một mảy may dấu vết.

                   (Trích Người gánh nước thuê, Võ Thị Hảo, 20 truyện ngắn chọn lọc,

                                                         NXB Lao động, 2009, tr 291 – 293)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong đoạn trích.

Câu 2. Tìm những chi tiết miêu tả ngoại hình của nhân vật bà Diễm.

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp so sánh trong câu văn sau:  “Cuối hai đầu đòn gánh là đôi thùng đầy nước lắc lư theo những bước chân không đều của bà Diễm và để lại những vệt nước rỏ ròng ròng như suối nước mắt cạnh đường đi.”

Câu 4. Nhận xét thái độ, tình cảm của nhà văn được thể hiện qua đoạn trích trên.

Câu 5. .

“Con người ta thường hay chối bỏ quá khứ, nếu quá khứ đó là không vẻ vang. Người đời nay coi nó là bệnh “sĩ”. Nếu như những năm sáu mươi của thế kỷ này người ta cố chứng minh rằng gốc gác của mình là bần cố nông thì trong những năm tám mươi người ta lại cố khoe rằng nhà mình giàu có ra sao, bịa cả những chuyện đài các rởm không biết ngượng mồm. Thôi thì cũng chẳng trách họ, âu cũng là do cách nhìn người của thời đại mà ra. Những bộ mặt đần độn trát bự son phấn vênh váo, đầy kiêu hãnh giả tạo”.

Từ lối sống của những người nhà giàu thuê bà Diễm gánh nước được nhà văn nói tới trong những câu văn trên, anh/chị có suy nghĩ gì về hậu quả của căn bệnh “sĩ” trong đời sống hiện nay?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) để làm nổi bật những nét đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn thơ sau:

Xưa xóm nghèo mái rạ chen nhau
Gồ ghề lối hẹp
Hun hút bờ tre gió rét
Mưa dầm lầy lội bùn trơn
Bà lưng còng chống gậy bước run
Còm cõi vai gầy gánh nặng
Sương trắng mùa đông ngõ vắng
Quét hoài không hết lá khô…

  ( Trích Những con đường, Lưu Quang Vũ,

Thơ tình, NXB Văn học, 2002)

Câu 2. (4.0 điểm)

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) với chủ đề: Tôn trọng sự khác biệt.

ĐÁP ÁN HƯỚNG DẪN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Ngôi kể thứ ba.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm

0,5
2 Những chi tiết miêu tả ngoại hình của nhân vật bà Diễm:

 Dáng người bà Diễm bé loắt choắt; bộ mặt nhăn nheo, gầy sạm chỉ còn hai con mắt; cái lưng còng; đôi vai còm cõi; đôi môi bà lẩm nhẩm những câu không đầu không cuối.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 4 – 5 ý như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời đúng 1 – 3 ý như đáp án: 0,25 điểm

0,5
3 – Biện pháp sánh trong câu văn:

“những vệt nước rỏ ròng ròng” ( từ đôi thùng đầy nước) – như – “suối nước mắt cạnh đường đi”

Tác dụng:

+ Nhấn mạnh hình ảnh những vệt nước từ đôi thùng trên hai đầu đòn gánh của bà Diễm; càng nhấn mạnh hơn sự gắn bó “nghiệp chướng” giữa cuộc đời bất hạnh nhiều nỗi buồn, nước mắt của bà Diễm và chiếc đòn gánh.

+ Bộc lộ tấm lòng đồng cảm, xót xa của nhà văn với cuộc đời nhân vật.

+ Làm cho cách diễn đạt gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc, giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm.

Hướng dẫn chấm:

– Chỉ ra đúng biện pháp so sánh: 0,25 điểm.

– Trả lời đúng mỗi ý tác dụng như đáp án: 0,25 điểm/ ý

1,0
4 Thái độ, tình cảm của nhà văn được thể hiện qua đoạn trích:

– Cảm thông, thương xót cho những kiếp người bé nhỏ, bất hạnh trong xã hội.

– Ngầm phê phán những mặt trái trong đời sống văn hóa khi xã hội từng bước chuyển dịch theo nền kinh tế thị trường những năm tám mươi: những lối sống giả tạo, khoe mẽ, chạy theo cơn mơ đài các sang giàu mà chà đạp lên giá trị của tình người.

 Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 3 ý như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời đúng 2 ý như đáp án: 0,75 điểm

– Trả lời đúng 1 ý như đáp án: 0,5 điểm

HS có cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa

1,0

 

 

 

5 – Lối sống của những người nhà giàu thuê bà Diễm gánh nước được nhà văn nói tới trong những câu văn trên: Họ chuộng hình thức bên ngoài, sống giả tạo, khoe mẽ, chạy theo vật chất giàu sang phù phiếm (0,5 điểm)

– Suy nghĩ về hậu quả của căn bệnh “sĩ” trong đời sống hiện nay (0,5 điểm):

+ Căn bệnh “sĩ” có sự không đồng nhất giữa hình thức thể hiện bên ngoài và bản chất bên trong khiến mỗi cá nhân, tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc.

+ Căn bệnh ‘sĩ” nếu lan rộng sẽ làm xuống cấp hệ thống giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, khiến cho người ta mải chạy theo cái giả dối hào nhoáng bên ngoài mà chà đạp lên những gì là chân thật.

Hướng dẫn chấm:

– HS nêu được lối sống của những người nhà giàu thuê bà Diễm gánh nước: 0,5 điểm.

– HS trả lời 2 ý suy nghĩ về hậu quả của căn bệnh “sĩ: 0,5 điểm

– HS trả lời 1 ý suy nghĩ suy nghĩ về hậu quả của căn bệnh “sĩ: 0,25 điểm

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) để làm nổi bật những nét đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn thơ trích trong “Những con đường” (Lưu Quang Vũ). 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:

 Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Những nét đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn thơ.

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

*Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Những nét đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn thơ trích trong “Những con đường” (Lưu Quang Vũ).

– Những đặc sắc về nghệ thuật của đoạn thơ:

+ Chủ thể trữ tình trong đoạn thơ: Chủ thể ẩn

+ Thể thơ tự do giúp khắc họa rõ nét, tinh tế tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình dành cho quê hương.

+ Từ ngữ giản dị, mộc mạc, chân chất mà gợi cảm với một loạt các từ láy tượng hình (gồ ghề, hun hút, lầy lội, còm cõi).

+ Hình ảnh thơ chân thực, sống động, thấm đẫm hồn quê (mái rạ, lối hẹp, bờ tre, mưa dầm bùn trơn, bà lưng còng vai gầy gánh nặng, sương trắng mùa đông). Các hình ảnh thơ gợi lên trong lòng người đọc một chốn quê nhà bình yên bao đời, gắn với những kiếp người mòn mỏi, tảo tần, lam lũ, với nhịp sống không đổi thay theo năm tháng.

+ Phép đảo ngữ trong các câu thơ nhấn mạnh những hình ảnh quê nhà trong tâm trí nhân vật trữ tình luôn thường trực, đầy ám ảnh: Gồ ghề lối hẹp/ Hun hút bờ tre gió rét/ …Còm cõi vai gầy gánh nặng
 + Giọng điệu trữ tình nhẹ nhàng, lắng sâu, chiêm nghiệm.

– Đánh giá chung:

+ Những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn thơ đã góp phần khắc họa khung cảnh làng quê yên bình vơi nhịp sống không đổi thay bao đời; thể hiện tình yêu và nỗi niềm của nhân vật trữ tình dành cho quê nhà.

+ Đoạn thơ phần nào thể hiện tài năng của ngòi bút Lưu Quang Vũ.

* Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ 0,25
  2 Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) với chủ đề: Tôn trọng sự khác biệt. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tôn trọng sự khác biệt. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý theo bố cục hợp lí ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

 – Giải thích:

+ Tôn trọng là thái độ đánh giá cao, không vi phạm hay xúc phạm đối phương.

+ Sự khác biệt không chỉ là về ngôn ngữ, màu da, tôn giáo mà còn là sự khác nhau trong tính cách, nhận thức, ước mơ, cá tính ở mỗi con người; rộng hơn là sự khác biệt trong phong tục, tập quán, văn hóa của mỗi vùng miền, quốc gia, dân tộc.

– Bàn luận: Vì sao cần phải tôn trọng sự khác biệt?

+ Mỗi người là một cá thể riêng biệt, có suy nghĩ, cách đánh giá, có cá tính riêng. Mỗi vùng miền, mỗi quốc gia, dân tộc có nét đặc sắc riêng về văn hóa. Sự khác biệt có thể làm cho cuộc sống phong phú, ý nghĩa hơn. Tôn trọng sự khác biệt là văn hóa ứng xử cần có của mỗi người, đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay.

+ Tôn trọng sự khác biệt giúp con người hòa nhập với cuộc sống, gắn kết những mối quan hệ tốt đẹp.

+ Tôn trọng sự khác biệt giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống, học được cách lắng nghe, đồng cảm, từ đó hoàn thiện bản thân mình hơn. Người biết tôn trọng người khác sẽ được mọi người yêu quý và tôn trọng.

+ Tôn trọng sự khác biệt sẽ góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, tích cực, văn minh, thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân, xã hội.

+ Mở rộng vấn đề: Phê phán thái độ kì thị, phân biệt đối xử, thái độ và hành vi không đúng trước những sự khác biệt. Mặt khác cần thấy rằng sự khác biệt cần hướng đến phát huy giá trị của bản thân và đóng góp cho cộng đồng, thể hiện cá tính của bản thân chứ không phải sự lập dị, sống khác người.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân: Mỗi người cần tôn trọng sự khác biệt của người khác; nỗ lực phấn đấu vươn lên để ghi dấu ấn của bản thân, cống hiến cho cộng đồng.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Đảm bảo cấu trúc: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

– Triển khai ít nhất được hai luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

1,5
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản. 0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *