Đọc hiểu tản văn Món nợ không thể đòi, Nguyễn Ngọc Tư

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II

 NĂM HỌC 2023 – 2024

 

 

 

 

Môn: Ngữ văn. Lớp: 11

Ngày: 07/05/2024

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề thi gồm 02 trang)

PHẦN I. Đọc hiểu (4.0 điểm)                                             

Đọc tản văn sau của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và trả lời các câu hỏi bên dưới:

MÓN NỢ KHÔNG THỂ ĐÒI

(Lược một đoạn: Một người mẹ dẫn đứa con nhỏ đi chợ. Cậu bé xót xa hỏi mẹ tại sao người ta lại bán những con cá con. Người mẹ bèn giảng giải cho con và dấy lên bao suy tư trăn trở trong lòng).

(1)Lứa cá nhỏ hơn đầu đũa này thường là từ 15-30 ngày tuổi, người ta gọi là ròng ròng. Hơi giống trẻ con, lúc mới chào đời ròng ròng có màu đỏ, và ngả sang đen khi chúng lớn dần lên. Lúc ấy, chúng sẽ từ bỏ cái tên cúng cơm của mình, xúng xính với tên mới: Cá lóc. […]

(2)Đây cũng là khoảng thời gian mẹ đi chợ, hay thấy lòng buồn rợn ngợp. Đầu chợ là cá ròng ròng, cuối chợ cũng cá ròng ròng. Trên nền chợ đẫm nước, bên mớ rau đồng xanh non, là những con ếch, nhái đã bị lột da tuyệt vọng chắp tay lạy lia lịa, ọc ạch nhảy trên mâm, na cái bụng trứng lặc lè. Ai cũng có thể nhìn thấy muôn vạn hạt trứng nhỏ lấm tấm bên trong.

(3)Dài theo lối đi, người ta bày bán mấy con cá lóc ốm nhom vật vờ bên cạnh lũ cá rô, cũng lép kẹp, chỉ bụng là quá khổ vì phải bọc lấy trứng. Cá quãng này ăn không béo, nhiều nhớt, tanh, thịt cứng, dai nhách. Dường như lũ cá đã cố ép xác, tự làm mình xấu đi, già đi, nhếch nhác, xóa dấu của sự hấp dẫn để bảo vệ lũ con sắp chào đời nhưng cũng không thoát khỏi bàn tay của con người.

(4)Nhưng giữa chợ đời, chẳng mấy ai để tâm mà cám cảnh cho phận ròng ròng, cho con cá… có bầu, như mẹ. Hay ai cũng thấy bất nhẫn, nhưng họ cũng im lặng làm ngơ, như mẹ. Khi lấy đũa gắp mớ ròng ròng kho tiêu thơm lựng, họ cũng thấy áy náy, quá nhiều sinh vật mất cơ hội sống chỉ vì một miếng ăn của con người? […].

(5)Mẹ đắn đo rất lâu, mẹ sợ suy nghĩ kia được nói nên lời sẽ là quá tàn nhẫn đối với đứa trẻ. Cuối cùng, mẹ nói, tại bà con mình còn nghèo. Vì nghèo, nên phải dầm mình kéo từng bầy ròng ròng, lội ròng rãi trên khắp đồng bãi tìm bắt từng con nhái, con ếch để đổi lấy ít gạo.

(6)Vì nghèo, nên đang cạy cơm cháy bữa sáng đã lo ngay ngáy bữa chiều, hơi sức đâu nghĩ tới tương lai xa vời. Và vì bụng chưa no, nên những gì người ta rao trên đài, nào là phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn hệ sinh thái… chỉ là những ngôn ngữ xa vời.

(7)Mẹ buộc phải nói những điều quá phức tạp, đối với thằng con năm tuổi. Nhưng đó là câu trả lời bao dung nhất, ít đau đớn nhất… Chắc chắn, lớn lên nó sẽ hiểu. Chỉ sợ, lúc đó, những sản vật của ao đồng trở thành hàng quý hiếm. Và vĩnh viễn thằng con không biết âm thanh ếch, nhái kêu ran ngoài đồng sau mưa, cảnh cá rô, thác lác ục sôi dưới đìa mùa hạn, tiếng cá lóc táp lụp bụp như dừa rụng xuống ao.

(8)Tất cả những thứ ấy, như một món nợ mà lớp con cháu không thể đòi lại từ những thế hệ đi trước. Có trả nổi đâu mà đòi…

(Dẫn theo Tạp chí điện tử Người đô thị, số ra ngày 26/03/2024, đường dẫn: https://nguoidothi.net.vn/mon-no-khong-the-doi-43339.html)

Câu 1. Tìm và chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh, chi tiết miêu tả đặc điểm tự nhiên của những con cá ròng ròng trong đoạn văn (1) của văn bản trên. Anh/chị hãy nhận xét về cách miêu tả đó.

Câu 2. Đoạn văn (2), (3) trong văn bản trên nêu lên hiện tượng nào đã diễn ra trong buổi chợ sớm mai ấy? Nhận xét của anh/chị về hiện tượng này trong cuộc sống hôm nay?

Câu 3. Tìm và phân tích tác dụng của 01 phép tu từ trong đoạn văn (5), (6) trong văn bản trên.

 

Câu 4. Liệt kê 04 từ ngữ, hình ảnh, chi tiết diễn tả cảm xúc, tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật người mẹ trong văn bản trên. Anh/chị có nhận xét gì về nhân vật người mẹ qua những cảm xúc, tâm trạng, suy tư của chị?

PHẦN  II . Viết (6.0 điểm)

Câu 1. (2 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về món nợ đối với các thế hệ sau khi chúng ta khai thác các sản vật tự nhiên theo kiểu tận diệt.

Câu 2. (4 điểm)

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Thúc Sinh đã chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh và lấy nàng làm vợ lẽ nhưng lại quanh co, giấu giếm không thú thật cùng vợ mình. Vì thế, Hoạn Thư – vợ cả của chàng – lập mưu, bí mật bắt cóc Kiều về, biến nàng thành kẻ hầu người hạ trong nhà mình với tên gọi là Hoa nô. Thúc Sinh, khi từ quê Vô Tích về lại Lâm Tri với Kiều, tưởng là nàng đã chết, vô cùng đau khổ. Một thời gian sau, chàng trở lại nhà, không ngờ gặp lại Kiều nhưng thân phận hai người khác biệt “con ở”- “chúa nhà”, chẳng dám nhận nhau. Hoạn Thư lại cố tình bày trò để hành hạ hai người cho thỏa lòng ghen. Đoạn thơ sau từ câu 1835 đến câu 1856 diễn tả lại cảnh đó:

Vợ chồng chén tạc chén thù (1),

Bắt nàng đứng chực trì hồ (2) hai nơi.

Bắt khoan bắt nhặt (3) hết lời,

Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay.

Sinh càng như dại như ngây,

Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi.

Ngoảnh đi chợt nói chợt cười,

Cáo say chàng đã giạm (4) bài lảng ra.

Tiểu thư vội thét: “Con Hoa!

Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn.”

Sinh càng ruột nát tan hồn,

Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay.

Tiểu thư cười nói tỉnh say,

Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi.

Rằng: “Hoa nô đủ mọi tài,

Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe!”

Nàng càng tán hoán tê mê,

Vâng lời ra trước bình the vặn đàn.

Bốn dây như khóc như than,

Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!

Cùng trong một tiếng tơ đồng (5),

Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm.

(Dẫn theo “Từ điển Truyện Kiều” – Đào Duy Anh, NXB Văn hóa – Thông tin, 2000, trang 702-703)

Chú thích:

(1)  Chén tạc chén thù: chén mời đi, chén mời trở lại.

(2)  Trì hồ: bưng bình rượu mà hầu.

(3)  Bắt khoan bắt nhặt: ý là bắt buộc, bắt bẻ từng li từng tí.

(4)  Giạm: nói ướm trước để xem tình ý thế nào.

(5)  Tiếng tơ đồng: tiếng đàn

Anh/chị hãy viết bài văn thuyết minh để giới thiệu về đoạn trích trên nhằm giúp mọi người thêm hiểu và yêu mến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II

 NĂM HỌC 2023 – 2024

  Môn thi: Ngữ văn

Lớp: 11

Thời gian làm bài: 90 phút

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu                          Nội dung cơ bản cần đạt Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
1 – Những từ ngữ, hình ảnh, chi tiết miêu tả những đặc điểm tự nhiên của cá ròng ròng trong đoạn (1) của văn bản là: nhỏ hơn đầu đũa, từ 15-30 ngày tuổi, lúc mới chào đời có màu đỏ, ngả sang đen khi lớn dần lên.

– Học sinh nêu nhận xét hợp lí, có thể là: Những đặc điểm tự nhiên của cá ròng ròng đã được miêu tả một cách chính xác, khách quan, chân thực.

0.5

 

 

 

 

0.5

2 – Trong các đoạn văn (2), (3) tác giả nêu hiện tượng những con cá ròng ròng (cá lóc ít ngày tuổi); những con cá lóc, cá rô hoặc ếch, nhái đang mang trứng bị đánh, bắt và mang bán ngoài chợ. Đó là hiện tượng khai thác đến mức tận diệt các sản vật, tài nguyên thiên nhiên khiến chúng khó có khả năng phục hồi.

– Học sinh đối chiếu hiện tượng được phản ánh trong văn bản với thực tế cuộc sống để nêu nhận xét phù hợp. Có thể tham khảo một số ý như sau:

+ Đó là hiện tượng phổ biến, điển hình, nhức nhối đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.

+ Hiện tượng này đã diễn ra trong một thời gian dài, chưa có dấu hiệu dừng lại.

+ Đây là vấn đề nan giải, hiện chưa có những giải pháp đồng bộ, khả thi.

…..

 

 

0.5

 

 

 

 

 

0.5

 

 

3 Điệp:

 + Biểu hiện: điệp từ “nghèo”, điệp cấu trúc “vì nghèo …nên…, vì …nên…..

+ Tác dụng: tạo âm hưởng thống thiết, giọng điệu ngậm ngùi, xót xa cho lời văn; nhấn mạnh cái nghèo, cái đói là nguyên nhân chính khiến con người có hành động bất nhẫn, tận diệt các sản vật; thể hiện nỗi niềm xót xa thương cảm và có ý biện minh cho những người vì cùng quẫn bởi miếng cơm manh áo mà đối xử tệ bạc với thiên nhiên,…

 

 

0.5

 

 

 

0.5

4 – Học sinh có thể nêu ra 4 từ ngữ, hình ảnh, chi tiết trong số các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết diễn tả trạng thái cảm xúc, tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật người mẹ xuất hiện trong văn bản, Ví dụ như: ngẩn ra rất lâu, phân vân tìm câu trả lời; thấy lòng buồn rợn ngợp; để tâm mà cám cảnh; thấy bất nhẫn nhưng cũng im lặng làm ngơ; cũng thấy áy náy; đắn đo rất lâu; sợ;…

 

– Học sinh dựa vào vào các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết diễn tả trạng thái cảm xúc, tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật người mẹ trong văn bản để nêu nhận xét phù hợp. Ví dụ như:

+ Đó là một người mẹ yêu thương, quan tâm, đầy nhẫn nại với con trẻ; một con người nhạy cảm, tinh tế, giàu lòng trắc ẩn với tạo vật xung quanh.

+ Đó cũng là một con người đầy ưu tư, trăn trở về cuộc sống; lo lắng về hiện tại và sự tương lai; băn khoăn về những vấn đề có ý nghĩa lớn lao đối với cả cộng đồng như môi trường, nguồn lực, phát trển bền vững,…

 

 

0.5

 

 

 

 

 

 

 

0.5

 

 

 

 

 

 

   II   VIẾT 6.0
Câu 1 a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng đoạn văn nghị luận

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng đoạn văn (khoảng 200 chữ). Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

Hậu quả lớn lao mà các thế hệ tương lai phải gánh chịu khi chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên theo lối tận diệt

0.25
c. Đề xuất được hệ thống ý hợp lí để làm rõ vấn đề nghị luận:

Xác định được các ý để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

–  Khai thác sản vật tự nhiên theo lối tận diệt là kiểu khai thác cùng kiệt (kể cả con non, ấu trùng, trứng…) khiến đối tượng bị khai thác không có khả năng hoặc khó có khả năng phục hồi.

– Kiểu khai thác này gây ra những hậu quả nghiêm trọng, những thiệt hại không thể bù đắp – đó là “món nợ” của chúng ta với các thế hệ sau. Những tác hại đó là:

+ Các sản vật tự nhiên bị cạn kiệt, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.

+ Cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá; cân bằng hệ sinh thái bị phá hủy; môi trường bị hủy hoại;…

+ Chất lượng cuộc sống con người suy giảm; kinh tế đình trệ, mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng bị sụp đổ. Vì vậy mà các thế hệ tương lai phải đối mặt với những vấn đề nan giải như đói nghèo, bệnh tật, thiên tai, xung đột vì tranh giành các nguồn tài nguyên,…

+….

– Học sinh tự do trình bày quan điểm, thái độ  bản thân về vấn đề trên như phản đối, phê phán kiểu khai thác sản vật tự nhiên theo lối tận diệt; sự thức tỉnh trong nhận thức và hành động;…

0.5

 

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác, các phương thức biểu đạt phù hợp đển triển khai vấn đề nghị luận: món nợ không thể trả cho tương lai khi khai thác sản vật tự nhiên theo kiểu tận diệt.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0.5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

 

0.25

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.  

0.25

Câu 2 a. Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài

Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: thuyết minh về tác phẩm văn học

 

0.25

b. Xác định đúng đối tượng cần thuyết minh:

Đoạn trích từ câu 1835 đến câu 1856 trong “Truyện Kiều” .

0.5
c. Xây dựng được hệ thống ý phù hợp để giới thiệu về đoạn trích trên.

– Xác định được các ý chính của bài viết.

– Sắp xếp các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn thuyết minh:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích cần thuyết minh.

* Triển khai thuyết minh về đoạn trích:

+ Giới thiệu ngắn gọn về tác giả: tên tuổi, quê quán, gia đình, con người và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du.

+ Giới thiệu khái quát về “Truyện Kiều”: nguồn gốc, thể loại, dung lượng, kết cấu; vị trí của tác phẩm trong lịch sử văn học dân tộc;…

+ Giới thiệu cụ thể, chi tiết về đoạn trích từ câu 1835 đến câu 1856:

++ Xuất xứ, vị trí của đoạn trích

++ Tái hiện diễn biến các sự việc trong đoạn trích.

++ Giới thiệu đặc điểm, tính cách, nội tâm của các nhân vật

++ Trình bày về chủ đề, giá trị tư tưởng,…của đoạn trích.

++ Giới thiệu về giá trị nghệ thuật của đoạn trích: kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố tự sự – trữ tình, nghệ thuật xây dựng nhân vật theo hướng cá thể hóa, biệt tài miêu tả tâm lí, kết hợp tinh hoa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ dân gian, …

*Khẳng định giá trị, vai trò của đoạn trích trong tác phẩm; ý nghĩa và tầm ảnh hưởng từ những nhân vật, những vấn đề của đoạn trích đối với văn học và đời sống,…

 

 

 

 

 

 

 

 

1.5

d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Bài viết đúng trọng tâm: cung cấp thông tin hữu ích về tác giả, tác phẩm, đặc biệt là thông tin về đoạn trích.

– Kết hợp thuyết minh với các yếu tố khác (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận,…) để tăng sức hấp dẫn cho bài thuyết minh.

– Văn phong bài viết cần ngắn gọn, chính xác, khoa học, phù hợp với đối tượng cần thuyết minh.

 

1.0
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết văn bản,…

0.25
e. Sáng tạo: có cách thức giới thiệu thông tin hấp dẫn, cách diễn đạt mới mẻ. 0.5

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *