Đọc hiểu đoạn trích Kiều viếng mộ Đạm Tiên

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

(Lược dẫn: Đoạn trích nằm ở phần đầu của Truyện Kiều, khi ba chị em Thúy Kiều đi hội thanh minh, gặp mộ Đạm Tiên bên đường. Đoạn trích dưới đây nói về tâm trạng của Thúy Kiều trong hoàn cảnh ấy.)

Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa1.

Đau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Phũ phàng chi bấy Hóa công2,

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

Sống làm vợ khắp người ta,

Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

Nào người phường chạ loan chung3,

Nào người tích lục tham hồng là ai4 ?

Đã không kẻ đoái người hoài,

Sẵn đây ta thắp một vài nén nhang.

Gọi là gặp gỡ giữa đàng,

Họa là người dưới suối vàng biết cho.

Lầm rầm khấn vái nhỏ to,

Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.

Một vùng cỏ áy bóng tà,

Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.

Rút trâm giắt sẵn mái đầu,

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.

Lại càng mê mẩn tâm thần

Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.

Lại càng ủ dột nét hoa,

Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.

(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2013)

Chú thích:

1Châu sa: Giọt nước mắt chảy xuống.

2Hóa công: Thợ tạo hóa, nghĩa là ví ông trời như người thợ, có thể biến hóa được vạn vật.

3Nào người phường chạ loan chung: ý nói những người từng đi lại, ân ái với Đạm Tiên ngày xưa.

4Nào người tích lục tham hồng là ai: là nói những người ham mê nhan sắc người đẹp.

Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích.

Câu 2. Đoạn trích sử dụng điểm nhìn của nhân vật nào?

Câu 3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong bốn câu thơ cuối của đoạn trích trên?

Câu 4. Khái quát nội dung của đoạn trích.

Câu 5. Tác giả thể hiện thái độ gì qua đoạn trích trên?

Câu 6. Nêu chủ đề của đoạn trích.

Câu 7. Theo anh/chị, quan niệm Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung có còn đúng với xã hội hiện nay không? Vì sao?

Câu 8. Anh/Chị có suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sau khi đọc đoạn trích? (Trả lời khoảng 6-8 dòng)

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích: Biểu cảm

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

0,5
2 Đoạn trích sử dụng điểm nhìn của nhân vật: Thúy Kiều

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

0,5
3 Biện pháp tu từ được sử dụng trong bốn câu thơ cuối: điệp ngữ/ điệp cấu trúc “Lại càng”

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời là “điệp từ”: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

0,5
  4 Khái quát nội dung của đoạn trích:

– Nỗi thương cảm của Thúy Kiều đối với Đạm Tiên.

– Nỗi thương cảm của Thúy Kiều đối với những người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được ½ đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

1,0
  5 Thái độ của tác giả thể hiện qua đoạn trích:

– Đồng cảm, xót thương đối với những kiếp người hồng nhan bạc mệnh.

– Thể hiện ước mơ về một xã hội mà ở đó nam nữ được bình đẳng.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được ½ đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

1,0
  6 – Chủ đề của đoạn trích: Thông qua tâm trạng xót xa, thương cảm của Thúy Kiều dành cho Đạm Tiên, đoạn trích thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du: đồng cảm, xót thương đối với những người phụ nữ hồng nhan, bạc mệnh nói riêng và thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được tương đối đầy đủ: 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời được 1/2 đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời được 1/3 đáp án: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

1,0
  7 – Định hướng trả lời: Tùy theo cảm nhận, học sinh bày tỏ ý kiến của mình với quan niệm được nêu ra và lí giải thuyết phục bảo vệ ý kiến của mình. Tuy nhiên cần hướng đến rằng quan niệm này không còn thật sự phù hợp với xã hội hiện đại.

– Có thể tham khảo theo hướng sau:

+ Quan niệm “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” không còn đúng với xã hội hiện đại.

+ Lí giải: Vì trong xã hội hiện đại, nam nữ đã bình quyền, người phụ nữ đã tự chủ được cuộc sống, số phận của mình.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh bày tỏ quan điểm: 0,25 điểm.

– Học sinh lí giải thuyết phục: 0,75 điểm.

1,0
  8 Suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sau khi đọc đoạn trích:

– Với quan niệm trọng nam khinh nữ, người phụ nữ trong xã hội phong kiến thường không có tiếng nói, không tự quyết định được cuộc đời của mình.

– Khi còn hương sắc, họ được yêu mến, nhưng khi hương sắc tàn phai, họ lại bị hắt hủi, bỏ rơi,…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời được ½ đáp án: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

0,5

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *