Đề văn lớp 11 Trích Miếng ngon Hà Nội – Vũ Bằng

PHẦN ĐỌC – HIỂU

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Ở Việt Nam tuy rất ít vùng có tuyết rơi, chủ yếu chỉ trên Sa Pa mới có tuyết nhưng hiện tượng này không còn xa lạ gì với chúng ta. Tuyết là một dạng kết tủa của các tinh thể nước đá, hình thành dưới áp suất thấp của không khí Trái Đất. Vậy tại sao mùa đông có tuyết rơi?

Sự hình thành tuyết rơi

Không khí trên cao, nhiệt độ thấp, điều này khiến hơi nước ở những đám mây kết dính lại với nhau tạo thành những bông tuyết nhỏ. Dần dần, nhiều dẫn đến nặng, không khí không thể lưu thông và kéo mây tiếp, dẫn đến hiện tượng tuyết rơi.

Các bông tuyết được hình thành ở nơi lạnh nhất của đám mây. Tuyết cơ bản được hình thành từ những hạt nước nhỏ li ti kết tủa thành. Các tinh thể nước đá trên mây, kết hợp lại ở nhiệt độ thấp, đóng băng ngay khi nhiệt độ đủ thấp, tạo thành các bông tuyết và rơi khi đủ nặng.

Nhiệt độ trên mây càng thấp, hạt băng kết tủa tại đấy sẽ càng đẹp, với các hình dạng như mũi kim, hình trụ, hình tấm,… và dù có hình dạng nào đi nữa thì bông tuyết cũng luôn có sáu chỉ giác đặc trưng tạo nên vẻ long lanh cho bông tuyết.

Khi nghiên cứu sự hình thành của bông tuyết, các nhà khoa học cho biết, sự kết hợp đơn giản giữa các phôi nước chưa thể tạo ra những bông tuyết đối xứng mà trong thời gian tuyết rơi, bay trong không trung, bản thân các bông tuyết luôn quay xung quanh trục của chính nó. Bởi vậy, nó luôn rất cân xứng và giữ được hình lục giác trong quá trình vận động khi rơi xuống đất.

Tại sao mùa đông có tuyết rơi?

Nhiều người nhầm tưởng rằng càng lạnh thì tuyết càng rơi. Điều này không đúng, tuyết chỉ rơi khi trong không khí còn một lượng hơi nước nhất định. Không khí càng lạnh, bầu trời càng giữ được ít hơi nước, nên nhiệt độ tuyết rơi phù hợp là – 10 độ C, nhiệt độ này ở trên các đám mây bắt đầu xuất hiện các tinh thể tuyết, kết hợp với nhau tạo thành tuyết rơi xuống đất.

Tuyết rơi vào mùa đông khá có lợi cho sản xuất và cuộc sống ở các nước có nhiệt độ thấp. Bởi lí do là sau khi tuyết rơi, không khí ẩm, có lợi cho sức khoẻ con người, có thể làm cho các loại sâu bệnh chết. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì tuyết rơi không hề tốt, bởi Việt Nam thuộc nước nhiệt đới, tuyết rơi ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống con người về sức khoẻ, sản xuất,…

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân tại sao mùa đông có tuyết rơi cũng như hiểu được quá trình hình thành những bông tuyết xinh đẹp.

(Theo Trang Trịnh, doisongphapluat.com)

Câu 1. Văn bản viết về đề tài gì?

Câu 2. Theo văn bản, tuyết được hình thành như thế nào?

Câu 3. Phần in đậm ở đầu văn bản gọi là gì? Nêu tác dụng của phần in đậm đó.

Câu 4. Sử dụng kiến thức thuộc lĩnh vực địa lí và cho biết những hạt tuyết rơi ở Việt Nam và ở Châu Âu có sự khác nhau như thế nào, vì sao có sự khác nhau đó?

Câu 5. Vận dụng những hiểu biết về tự nhiên và xã hội, em hãy lí giải vì sao ở Việt Nam hiện tượng tuyết rơi thường không tốt.

PHẦN VIẾT

Câu 1. Có ý kiến cho rằng: ngắm nhìn những hiện tượng thiên nhiên kì thú, con người không chỉ vui vẻ mà tâm hồn cũng trở nên thư thái. Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của sự thư thái tâm hồn.

Câu 2. Cho văn bản sau

Phở Gà

Ở Hà Nội, có hai ngày trong tuần mà những người “chuyên môn ăn phở” bực mình: thứ Sáu và thứ Hai. Hai ngày đó là hai ngày không thịt bò. Anh nào nghiện thịt bò, nhớ phở bò hai hôm ấy như gái nhớ trai, như trai nhớ gái.

Đặc biệt nhất là phở Tráng, hai ngày đó, nhất định “treo đòn gánh” không chịu bán miếng phở nào, trong khi các bạn đồng nghiệp của anh thay đổi phương thức xoay ra bán phở gà cả bọn. Phở gà? Tráng phản đối ra mặt. Cái lý gì mà một nắm bánh phở dẻo quẹo như thế lại cho hòa hợp với một thứ thịt ăn cứng đờ đờ, mà lại nhạt, mà lại đoảng vị, không thể nào “sánh đôi” được với cái nước dùng để làm thành một “đại thể” nhịp nhàng?

Có một số người thạo phở cũng nghĩ như Tráng vậy. Họ không chịu ăn phở gà. Nhưng đa số đã mắc nghiện phở rồi, buổi sáng, không có bát phở nóng để ăn không chịu được, nên cũng cứ phải ăn và rồi cũng quen đi.

Thật ra công việc so sánh phở bò và phở gà không thể thành được vấn đề, nhưng một buổi sáng mùa thu rỗi rãi, trời hơi lành lạnh, mà ngồi ăn một bát phở gà, có đủ rau mùi, hành sống, vừa ăn vừa nghĩ thì phở gà cũng có một phong vị riêng của nó, khác hẳn phở bò. Điều người ta nhận thấy trước nhất là phở gà thanh hơn phở bò: thịt dùng vừa đủ chứ không nhiều quá: ở giữa đám bánh phở nổi lên mấy miếng thịt gà thái nhỏ xen mấy sợi da gà vàng màu nhạt, điểm mấy cuộng hành sống xanh lưu ly, mấy cái rau thơm xanh nhàn nhạt, vài miếng ớt đỏ: tất cả những thứ đó tắm trong một thứ nước dùng thật trong đã làm cho bát phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân – nếu ta so sánh bát phở bò với một chàng trai mà hào khí bốc lên ngùn ngụt.

Thường thường, ngoài thịt gà thái mỏng ra, một bát phở gà vẫn có những miếng gan, mề, lòng, tiết, thái nhỏ để đệm vào cho thêm vui mắt và vui miệng.

Những thứ đệm này, thường ra, vẫn luộc như thịt mà thôi; nhưng có một hai hàng phở, muốn cải cách, đã đem thái hạt lựu tất cả những thứ đó, gia thêm mộc nhĩ và hành tây, đem xào lên vừa chín để điểm vào mỗi bát phở từng thìa nhỏ một.

Ăn như thế thì thơm, nhưng có người không ưa vì ngấy; ngoài ra, khi chan nước vào không còn vẻ gì thanh nhã – một điểm mà những người thích phở gà mong đợi.

Chính cũng vì thế mà phong trào “phở gà xào nhân” như nhân bánh cuốn không được tiến triển mấy, và bây giờ tất cả Hà Nội chỉ còn có hai hàng làm theo phương pháp ấy mà thôi.

Hầu hết đều chú ý về cái phần “thanh” của phở: nước ngọt mà không ngọt mì chính, nhưng ngọt bằng xương; thịt không xác, nhưng béo mềm, mà không ngấy.

Vì thế, những hàng phở gà ngon vẫn thường dùng gà mái, ăn thơm mà mềm. Về điểm này, có một hàng phở gánh, đỗ ở dưới một gốc si phố Huyền Trân Công Chúa đặc biệt lưu ý tới, mà cũng đặc biệt nữa là người hàng phở này quanh năm chỉ bán phở gà, nhất quyết làm khác hẳn phở Tráng, không bán phở bò, “dù có thể làm được phở bò ngon”.

(Trích Miếng ngon Hà Nội – Vũ Bằng)

Phân tích cái tôi tinh tế, tài hoa của tác giả trong cách cảm nhận cái ngon từ món phở gà trong đoạn văn trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

PHẦN ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Dựa vào nội dung văn bản, GV hướng dẫn HS xác định đúng đề tài

Văn bản viết về đề tài thiên nhiên: Sự hình thành tuyết và hiện tượng tuyết rơi

Câu 2: Câu hỏi là theo văn bản, vì vậy GV hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi bằng cách trích dẫn câu trả lời trong văn bản

Các bông tuyết được hình thành ở nơi lạnh nhất của đám mây. Tuyết cơ bản được hình thành từ những hạt nước nhỏ li ti kết tủa thành. Các tinh thể nước đá trên mây, kết hợp lại ở nhiệt độ thấp, đóng băng ngay khi nhiệt độ đủ thấp, tạo thành các bông tuyết và rơi khi đủ nặng.

Câu 3:

– Phần in đậm trong văn bản gọi là Sapo

– Tác dụng của phần Sapo trong văn bản:

+ Nêu bật chủ đề bài viết: sự hình thành tuyết và hiện tượng tuyết rơi

+ Dẫn dắt, tạo sự hứng thú, lôi cuốn đối với người đọc

(Câu này GV phải giải thích rõ cho HS biết thế nào là Sapo và vai trò của Sapo trong văn bản thông tin)

Câu 4: Phần lớn HS chưa có trải nghiệm về tuyết ở Châu Âu vì thế GV có thể gợi ý HS nên quan sát hiện tượng tuyết rơi ở Châu Âu qua Ti Vi hoặc qua các clip trên mạng để tìm thấy sự khác biệt.

– Những hạt tuyết rơi ở Việt Nam thường ở dạng băng, còn tuyết ở Châu Âu là những bông tuyết, có trọng lượng nhẹ hơn.

– Nguyên nhân có sự khác nhau đó là do sự khác nhau về khí hậu: Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, vì vậy độ ẩm thường cao, không khí nhiều hơi nước, tuyết được hình thành thường ở dạng băng tuyết. Khí hậu Châu Âu là khí hậu ôn đới, một số quốc gia còn nằm trong vùng khí hậu hàn đới, có độ ẩm thấp, hơi nước trong không khí ít hơn nên tuyết thường được hình thành ở dạng bông, có trọng lượng nhẹ.

Câu 5: GV hướng dẫn HS vận dụng kiến thức liên môn và những hiểu biết xã hội để trả lời cho câu hỏi này.

– Khí hậu ở Việt Nam là nhiệt đới gió mùa ẩm vì thế nếu xảy ra hiện tượng tuyết rơi thì thường những hạt tuyết được hình thành dưới dạng băng tuyết, gây ra tình trạng lạnh cóng cho con người và gia súc. Nếu con người và gia súc không kịp thích nghi, không được giữ nhiệt, sưởi ấm thì có thể dẫn đến tình trạng tử vong.

– Cây trồng ở Việt Nam chủ yếu là những cây nhiệt đới, khả năng chống chịu kém với nhiệt độ thấp. Tuyết rơi chứng tỏ nhiệt độ xuống khá thấp. Điều này có thể gây ra hiện tượng cây trồng chết hàng loạt.

=> Qua những phân tích trên có thể thấy, tuyết rơi gây hại tới sức khỏe của người và gia súc, làm chết cây trồng, ảnh hưởng đến kinh tế của người nông dân, vì vậy hiện tượng tuyết rơi ở Việt Nam phần lớn gây hại. (Chỉ những người giàu có hưởng lợi bởi họ được đi du lịch, trải nghiệm tuyết rơi)

PHẦN VIẾT

Câu 1:

* Giải thích: Thư thái tâm hồn là sự thong thả, dễ chịu, thoải mái, không có điều gì phải suy nghĩ căng thẳng.

* Ý nghĩa của sự thư thái tâm hồn:

– Giúp cho cuộc sống mỗi người trở nên dễ chịu thoải mái

– Giúp cho con người cảm thấy an nhiên, vui vẻ

– Giúp cho con người làm việc hiệu quả hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ

* Mở rộng vấn đề:

– Phê phán những người luôn trong trạng thái căng thẳng, cáu gắt, thù địch, thích gây sự với người khác một cách vô cớ.

– Bài học:

+ Nhận thức được lợi ích của sự thư thái trong tâm hồn

+ Học cách sống chậm để tâm hồn luôn ở trạng thái nhẹ nhàng, thoải mái

+ Thả hồn vào thiên nhiên giúp cho tâm hồn thư thái, dễ chịu

Câu 2:

Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Vũ Bằng và tác phẩm “Món ngon Hà Nội”

– Nêu vấn đề nghị luận: cái tôi tinh tế, tài hoa của tác giả trong cách cảm nhận cái ngon từ món phở gà.

– Trích dẫn văn bản

Thân bài:

* Thế nào là cái tôi tinh tế, tài hoa:

– Cái tôi tinh tế tài hoa ý muốn nói tới một con người có những am hiểu sâu sắc, thấu đáo và tinh vi mọi vấn đề, mọi đối tượng, mọi ngóc ngách của cuộc sống.

– Cái tôi tinh tế, tài hoa trong văn chương thường được thể hiện ở sự khác biệt trtrong cách miêu tả, cảm nhận một cách tinh tường thấu đáo về đối tượng. Về điểm này, nhà văn Vũ Bằng đã thể hiện rất tốt khi ông cảm nhận rất sâu sắc cái ngon của món Phở gà Hà Nội.

* Biểu hiện của cái tôi tài hoa, tinh tế của Vũ Bằng:

– Nhà văn đã có một cách nhìn nhận khách quan chứ không hề thiên vị về món phở gà: Cái lý gì mà một nắm bánh phở dẻo quẹo như thế lại cho hòa hợp với một thứ thịt ăn cứng đờ đờ, mà lại nhạt, mà lại đoảng vị, không thể nào “sánh đôi” được với cái nước dùng để làm thành một “đại thể” nhịp nhàng?

=> Tác giả đã mượn lời của người bán phở bò mà đánh giá về phở gà. Đây là nghệ thuật dùng đòn bẩy trong văn chương nhằm nâng tầm giá trị của đối tượng.

– Tác giả đưa ra những cảm nhận về món phở gà, sự khác nhau giữa món phở gà và phở bò:

+ Phở gà có một phong vị riêng, thanh hơn phở bò

+ Cách bài trí món phở gà qua sự miêu tả của tác giả bắt mắt và cuốn hút người ăn: ở giữa đám bánh phở nổi lên mấy miếng thịt gà thái nhỏ xen mấy sợi da gà vàng màu nhạt, điểm mấy cuộng hành sống xanh lưu ly, mấy cái rau thơm xanh nhàn nhạt, vài miếng ớt đỏ.

+ Sự lôi cuốn, hấp dẫn của món phở gà được tác giả liên tưởng tới sự lôi cuốn, hấp dẫn của một cô gái còn đang ở độ tuổi thanh xuân: tất cả những thứ đó tắm trong một thứ nước dùng thật trong đã làm cho bát phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân

– Một số người bán muốn cách tân món phở gà bằng cách thêm lòng mề, tiết gà luộc hoặc xào vào bát phở, nhưng tác giả cho rằng điều đó làm mất đi vị thanh cuốn hút của phở gà.

– Theo tác giả, yếu tố làm nên giá trị của món phở gà là nước dùng và nguyên liệu gà:

+ Nước dùng phải thanh, phải ngọt từ xương chứ không ngọt bởi mì chính

+ Thịt gà phải béo mềm, không xác, không ngấy vì vậy nguyên liệu làm thịt gà phải là gà mái.

* Đánh giá về cái tôi tài hoa, tinh tế của Vũ Bằng:

– Sự tài hoa, tinh tế của nhà văn Vũ Bằng tạo nên một phong cách viết văn rất cuốn hút của tác giả: giọng văn thường mạnh mẽ, cảm xúc bộc lộ rất tự nhiên, chân thật.

– Cái tôi tài hoa, tinh tế của nhà văn thể hiện sự am hiểu sâu sắc về văn hóa ẩm thực Hà Nội của ông, đồng thời góp phần nâng cao giá trị văn hóa ẩm thực của đất Hà Thành.

Kết bài: Đánh giá chung về tài năng của nhà văn Vũ Bằng và giá trị tác phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *