Đề văn lớp 10 Thơ văn Nguyễn Trãi, Đoạn văn 200 chữ Cô hái mơ

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

THƯ DỤ THỔ QUAN (1) THÀNH ĐIÊU DIÊU (2)

Người xưa có nói: “Quạ đi lại về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi”. Cầm thú còn thế, huống nữa là người? Các ngươi vốn đều là người dân Tây Việt(3), dòng dõi nhà quan (4). Trước nhân họ Hồ thất đức, giặc Ngô lăng loàn, có người thì thân bị hãm ở tặc đình, có người thì danh bị buộc ở ngụy chức, đó là thế không đừng được, nào phải do ở bản tâm đâu. Đấng thượng đế nghĩ thương dân ta, đã mượn tay ta. Đại thiên hành hóa Thái sư vệ quốc công(5), cứu dân đánh kẻ có tội để khôi phục cơ đồ. Quân đi đến đâu, nghĩa thanh vang dậy, dân chúng bốn phương cõng địu nhau mà kéo đến ta. Bọn các người nếu biết rửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận, hoặc ở làm nội ứng, hoặc ra để đầu hàng, thì không những rửa mối hổ thẹn ngày trước, mà cũng được phần soi xét về sau. Ta không nói lời rồi lại ăn lời. Nếu các người lại còn tiếc tham ngụy chức, chống cự vương sư thì khi hãm thành, tội ác các ngươi tất nặng hơn giặc Ngô đấy.

Bản dịch của Phan Duy Tiếp

(Thơ văn Nguyễn Trãi, Tuyển chọn Phan Sĩ Tấn, Trần Thanh Đạm,

NXB Giáo dục 1980, tr. 171-173)

Chú thích:

(1) Thổ quan: chỉ những chức tri châu, tri phủ ở thượng du. Đây chỉ bọn thổ quan ở Thanh Hóa (Tây Việt) theo giặc Minh, khi ấy đóng giữ thành Điêu Diêu.

(2) Điêu Diêu: theo Việt Sử thông giám cương mục, thành này do giặc Minh xây ở tả ngạn sông Hồng, đối diện với thành Đông quan. Nay thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội).

(3) Tây Việt: tức là Thanh Hóa, có bản chép là Nam Việt.

(4) Nhà quan: có bản chép là y quan (áo mũ). Ý nói dòng dõi lễ nghĩa.

(5) Đó là chức tước của Lê Lợi, khi còn phù Trần Cảo, con cháu nhà Trần.

Theo nguyên chú: Sử ký chép: Năm Đinh vị (1427) chư tướng suy tôn vua làm “Đại thiên hành hóa” (Thay trời làm việc). Tự đó những bảng yết, tờ dụ phần nhiều dùng chữ ấy để xưng.

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.

Câu 2. Theo Nguyễn Trãi, nguyên nhân nào khiến cho các thổ quan thành Điêu Diêu theo giặc Minh quay lưng với đất nước, nhân dân?

Câu 3. Việc sử dụng lí lẽ và dẫn chứng của Nguyễn Trãi trong văn bản đã đạt được hiệu quả như thế nào?

Câu 4. Nhận xét về tài năng và đức độ của Nguyễn Trãi thể hiện qua văn bản.

Câu 5. Từ việc Nguyễn Trãi viết thư dụ Thổ quan thành Điêu Diêu, anh/chị hãy rút ra bài học ứng xử ý nghĩa nhất đối với những người mắc sai lầm trong cuộc sống hôm nay. Và lí giải vì sao?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong bài thơ sau:

           Cô hái mơ

– Nguyễn Bính –

Thơ thẩn dường chiều một khách thơ

Say nhìn xa rặng núi xanh lơ

Khí trời lặng lẽ và trong trẻo

Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ

 

Hỡi cô con gái hái mơ già!

Cô chửa về ư? Đường thì xa

Mà ánh chiều hôm dần một tắt

Hay cô ở lại về cùng ta?

 

Nhà ta ở dưới gốc cây dương

Cách động Hương Sơn nửa dặm đường

Có suối nước trong tuôn róc rách

Có hoa bên suối ngát đưa hương

 

Cô hái mơ ơi! Cô gái ơi!

Chẳng trả lời nhau lấy một lời

Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng

Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi …

                                                                       (Nhà văn tác phẩm trong nhà trường,

                                                                Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Vũ Đình Liên

                                                                            NXB Giáo dục,1999, tr37)

Câu 2. (4.0 điểm)

Mười một tuổi, Malala Yousafzai (Pakistan) bắt đầu viết trên BBC, mô tả cuộc sống của cô tại Tây Bắc Pakistan và thúc đẩy giáo dục cho nữ giới tại quê hương cô. Mười lăm tuổi, cô bị chính quyền Taliban tìm cách thủ tiêu nhưng phát súng không thể giết chết Malala, cũng như không thể đập tan ý tưởng về quyền được đến trường của cô. Cô phát biểu về quyền được đi học trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cô được tạp chí TIME đề cử trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất trong năm 2013”, ngày sinh của cô được chọn làm ngày để tôn vinh sức mạnh của giáo dục trên toàn cầu. Năm 2014, ở tuổi mười bảy, cô đã trở thành người trẻ tuổi nhất đoạt giải Nobel Hòa bình. Câu chuyện phi thường của cô khiến nhiều người suy ngẫm về ý nghĩa của tuổi trẻ.

Từ câu chuyện của Malala Yousafzai, bằng góc nhìn của một người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) với chủ đề: “Tuổi trẻ không phải là cái cớ của sự thờ ơ”.

ĐÁP ÁN HƯỚNG DẪN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Văn bản thuộc thể loại: văn chính luận 0,5
2 Nguyên nhân nào khiến cho các thổ quan thành Điêu Diêu theo giặc Minh quay lưng với đất nước, nhân dân là:

– Triều đại Hồ thất đức

– Giặc Ngô lăng loàn

Hướng dẫn chấm: Mỗi ý trả lời được 0,25 điểm

0,5
3 – Những lí lẽ, dẫn chứng được Nguyễn Trãi đã sử dụng trong văn bản:

+ Lí lẽ: Con người luôn hướng về cội nguồn. Các quan Thổ quan đều thuộc dòng dõi nhà quan, là dân Tây Việt. Việc đi theo giặc Minh của các Thổ quan là do hoàn cảnh tác động, chứ không phải do bản tâm của họ. Nếu không rửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận thì tội ác còn hơn giặc Ngô.

+ Dẫn chứng: Câu nói của người xưa“Quạ đi lại về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi”; Sự lớn mạnh của nghĩa quân Lam Sơn.

– Hiệu quả:

+ Giúp các Thổ quan trong thành Điêu Diêu nhận thức được hành động đi theo quân Minh là điều trái ngược với đạo lí nên sớm muộn sẽ bị nghĩa quân Lê Lợi trừng trị nếu không sớm quay đầu.

+ Đánh thức niềm tự hào, tự tôn về dòng dõi tổ tiên người Việt trong tâm hồn các Thổ quan. Thuyết phục các Thổ quan tìm về chính nghĩa của quân dân ta.

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

0,5

4 – Văn bản đã cho thấy tài năng và đức độ của Nguyễn Trãi:

+ Tài năng trong nghệ thuật viết văn của Nguyễn Trãi: ngôn ngữ sắc sảo, đanh thép, trúng ý đồ; luận điểm, luận cứ và luận chứng cụ thể nên có sức thuyết phục cao, không thể bác bỏ. Lối viết thay đổi linh hoạt tuỳ hoàn cảnh, mục đích viết và đối tượng hướng tới.

+ Đức độ của Nguyễn Trãi thể hiện ở tấm lòng yêu chuộng hòa bình, không muốn gây ra cảnh binh đao cho nhân dân, binh sĩ và luôn sẵn sàng mở đường hiếu sinh cho kẻ thù.

– Nhận xét: Nguyễn Trãi có tài năng văn chương kiệt xuất, có nhân cách cao đẹp. Các tác phẩm chính luận của Nguyễn Trãi đạt tới trình độ mẫu mực, phản ánh bức chân dung tinh thần của một con người đại trí, đại nhân, đại dũng.

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

5 Từ việc Nguyễn Trãi viết thư dụ Thổ quan thành Điêu Diêu, anh/chị hãy rút ra bài học ứng xử ý nghĩa nhất đối với những người mắc sai lầm trong cuộc sống hôm nay. Và lí giải vì sao?

– Nguyễn Trãi viết thư dụ Thổ quan thành Điêu Diêu giúp họ nhận thức được hành động đi theo quân Minh là điều sai trái, đánh thức niềm tự hào, tự tôn về dòng dõi tổ tiên người Việt trong tâm hồn các Thổ quan và thuyết phục các Thổ quan tìm về chính nghĩa của quân dân ta.

– Bài học ứng xử ý nghĩa nhất đối với những người mắc sai lầm trong cuộc sống hôm nay: luôn tạo một cơ hội mới, mở ra một con đường sống cho những người mắc sai lầm.

– Bởi lẽ:

+ Ai cũng có thể mắc sai lầm trong cuộc đời. Khi được trao một cơ hội mới, một con đường mới, người mắc sai lầm sẽ có động lực, có niềm tin để sửa sai, để thay đổi bản thân, trở thành người tốt đẹp hơn.

+ Khi trao cho người mắc sai lầm một cơ hội mới, sẽ khiến mỗi chúng ta trở nên vị tha hơn, tâm hồn chúng ta có được sự thanh thản, bình yên.

Hướng dẫn chấm:

– Lí giải hợp lí, đúng quan điểm đưa ra: 0,5 điểm

– Lí giải chung chung: 0,25 điểm

 

 

 

 

0,25

 

 

 

 

0,25

 

 

0,5

II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Cô hái mơ, Nguyễn Bính 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:

 Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong bài thơ 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

*Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Giới thiệu tên tác phẩm, tác giả; khái quát vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên: Bài thơ Cô hái mơ, Nguyễn Bính đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên trong rừng mơ trong trẻo, thơ mộng, hài hòa với con người.

– Phân tích vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên. Có thể theo một số gợi ý sau:

+ Bức tranh thiên nhiên được mở ra với không gian là ở rừng mơ trong một buổi chiều muộn.

+ Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp có hình ảnh của những rặng núi xanh lơ, của động Hương Sơn, của dòng suối trong vắt, của cỏ hoa rực rỡ sắc màu. Bức tranh thiên nhiên đó còn có âm thanh róc rách của suối nước, có hương thơm ngào ngạt của hoa cỏ, với khí trời lặng lẽ và trong trẻo.

+ Bức tranh thiên nhiên ngập tràn sự sống, hài hòa với con người.

++ Bức tranh thiên nhiên đẹp hơn, thơ mộng hơn, tình tứ hơn với sự xuất hiện của khách thơ – cô gái hái mơ.

++ Bức tranh thiên nhiên của rừng mơ hiu hắt, lá mơ rơi nhiều hơn hơn khi cô gái lặng lẽ và khuất bóng.

– Khẳng định lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, tâm trạng của nhân vật trữ tình: niềm vui, sự háo hức, xao xuyến, bâng khuâng.

* Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ 0.25
  2  Từ câu chuyện của Malala Yousafzai, bằng góc nhìn của một người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) với chủ đề: Tuổi trẻ không phải là cái cớ của sự thờ ơ 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tuổi trẻ không phải là cái cớ của sự thờ ơ”. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý theo bố cục hợp lí ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu câu chuyện về Malala Yousafzai, vấn đề nghị  luận Tuổi trẻ không phải là cái cớ của sự thờ ơ.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

Giải thích:

+ Tuổi trẻ: là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người; là khi năng lực con người được bộc lộ rõ nhất (sức khoẻ, tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết); là khi con người ta dám nghĩ dám làm, dám ước mơ và dám thực hiện nhất.

+ Thờ ơ: là sự vô tâm, bàng quan trước cuộc sống, sống không lý tưởng, không mục đích, vô trách nhiệm đối với cuộc đời.

+ Cái cớ: là lý do không chính đáng. Nhiều người trẻ mặc định rằng “mình còn quá nhỏ”, “mình ngoài cuộc”, “mình thì làm được gì” để trốn tránh những vấn đề to lớn của xã hội, để tận hưởng chứ không tận hiến.

=> Vấn đề đặt ra: Thái độ cần có của người trẻ trước cuộc sống – phải sống và cống hiến hết mình cho cuộc đời.

– Bày tỏ quan điểm và bàn luận:

+ Bày tỏ quan điểm: Đồng tình với quan điểm. Nếu coi tuổi trẻ là cái cớ để lẩn tránh trách nhiệm, để sống ỷ lại vào người khác là một quan niệm sống sai lầm

+ Bàn luận:

++ Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất, giàu nhiệt huyết nhất, sung mãn nhất, là tuổi để sống và cống hiến.

++ Mỗi người trẻ, bằng tiếng nói và hành động của mình, có thể góp phần không nhỏ để thay đổi thế giới, để làm xã hội phát triển theo hướng tốt đẹp hơn.

++ Dẫn chứng chứng minh

– Mở rộng vấn đề và phản đề: Tuy nhiên, hiện nay, với nhiều người, tuổi trẻ vẫn là cái cớ cho sự thờ ơ. Điều này sẽ làm huỷ hoại bản thân với lối sống thờ ơ, ích kỉ và vô nghĩa; trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

+ Thờ ơ với các vấn đề của thế giới (những vấn đề của nhân loại, ý thức đấu tranh bảo vệ môi trường sống…).

+ Thờ ơ với các vấn đề của đất nước (lịch sử dân tộc, thực trạng đất nước…).

+ Thờ ơ với gia đình, người thân, bạn bè và với chính mình…

– Rút ra bài học nhận thức, hành động

+ Đối với người trẻ: Sống có lý tưởng, dám nghĩ, dám làm; Quan tâm đến những vấn đề lớn của thế giới, đất nước, hay ít nhất là của gia đình, quê hương mình; Hành động để góp phần giải quyết những vấn đề nêu trên (bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh,…), noi gương những người trẻ có đóng góp lớn cho cộng đồng trên thế giới.

+ Đối với xã hội: Mọi người cũng cần tạo điều kiện, khuyến khích người trẻ để họ có cơ hội phát huy năng lực, thực hiện lý tưởng của mình.

* Khẳng định lại vấn đề nghị luận

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Đảm bảo cấu trúc: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

– Triển khai ít nhất được hai luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: chấp nhận thất bại.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *