Đề văn HSG: Sáng tạo tình huống truyện là vấn đề cốt tử,Xây dựng nhân vật thành công là thước đo tài năng, sáng tạo của nhà văn

Bàn về truyện ngắn có ý kiến cho rằng: “Sáng tạo tình huống truyện là vấn đề cốt tử.” Và có người cho rằng: “Xây dựng nhân vật thành công là thước đo tài năng, sáng tạo của nhà văn.”

Anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

Bài làm

Điều gì làm nên giá trị của một tác phẩm văn học? Theo Nguyễn Khải, “tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc tình cảm” là yếu tố quyết định. Song, đánh giá một tác phẩm văn chương còn cần dựa trên hình thức của nó. Đối với truyện ngắn, có người đề cao tình huống truyện: “Sáng tạo tình huống truyện là vấn đề cốt tử”. Ý kiến khác lại khẳng định: “Xây dựng nhân vật thành công là thước đo tài năng, sáng tạo của nhà văn”. Cả hai nhận định đều đưa ra những quan niệm đúng đắn về hình thức truyện ngắn.

 

Tình huống truyện có thể hiểu là sự kiện, biến cố đặc biệt xảy ra trong tác phẩm, được thể hiện một cách lạ hóa. Coi tình huống là “vấn đề cốt tử” tức là nhấn mạnh đến tác động của tình huống truyện, nó có thể quyết định đến sự sống còn cho tác phẩm. Ý kiến thứ nhất đã đề cao vai trò của tình huống đối với mỗi tác phẩm truyện ngắn. Không giống như vậy, ý kiến thứ hai lại quan niệm: “Xây dựng nhân vật thành công là thước đo tài năng, sáng tạo của nhà văn.” Nhân vật có thể hiểu là con người được xây dựng một cách hư cấu trong tác phẩm. Hai quan điểm, một bên đề cao tình huống, một bên đề cao nhân vật, tưởng chừng như mâu thuẫn, đối lập, nhưng chúng có tác dụng bổ sung cho nhau, góp phần hình thành giá trị cho một tác phẩm truyện ngắn.

Ta hiểu rằng, truyện ngắn là một loại hình tự sư cỡ nhỏ. Nó phản ánh một mảnh, một biến cố, góc cạnh của đời sống. Song, thông qua đó phải cho bạn đọc thấy được bức tranh toàn cảnh của hiện thực. Truyện ngắn không giống như tiểu thuyết. Bởi tiểu thuyết là một loại hình tự sự cỡ lớn, có thể phản ánh chi tiết mọi vận động đổi thay của hiện thực. Truyện ngắn không thế, nó đòi hỏi tính hàm súc, cô đọng rất cao. Nói như Lỗ Tấn nói “qua một lớp da mà thấy được cả con báo”. Từ vẻ hình thức ngắn gọn như thế mà truyện ngắn khơi gợi trong lòng bạn đọc bao liên tưởng sâu xa. Để hoàn thành được sứ mệnh ấy, đòi hỏi nhà văn phải biết chắt lọc, xây dựng thành công tình huống truyện và nhân vật.

Quả thực, “sáng tạo tình huống truyện là vấn đề cốt tử”. Xây dựng tình huống, nhà văn như đem đến bạn đọc sự vỡ òa trong cảm xúc. Ngay tại tình huống, bao nhiêu bất ngờ, tình thế xảy ra. Nhân vật bộc lộ phẩm chất, tính cách rõ nhất tại đây, tư tưởng, chủ đề của truyện cũng từ đây mà hé mở. Qua tình huống, ta thấy “trăm năm của một đời thảo mộc” (Nguyễn Minh Châu), bởi nó kết tinh bao trăn trở, suy tính của nhà văn, làm sao để tạo cho câu chuyện tình huống hấp dẫn, hợp lí và độc đáo nhất. Không có tình huống, câu chuyện sẽ trôi đi một cách bình lặng, không có nút thắt, nút mở, bạn đọc tìm đến trang đầu tiên đã hiểu được trang cuối cùng. Và như thế, tác phẩm sẽ trở nên nhợt nhạt, nhàm chán, nội dung tư tưởng không được bộc lộ mạnh mẽ, cái chết sẽ rất dễ xảy đến với trang văn ấy. Vì vậy, “tình huống truyện là vấn đề cốt tử”.

Bên cạnh tạo dựng tình huống truyện, nhà văn còn cần chú trọng việc xây dựng nhân vật. Bởi đây là hồn cốt câu chuyện. Không giống tiểu thuyết tạo ra một thế giới nhân vật đồ sộ, nhân vật trong truyện ngắn rất ít và chỉ được miêu tả ở một thời khắc nào đó trong cuộc đời, những yếu tố thừa sẽ bị loại bỏ. Nhân vật truyện ngắn cũng là nơi tập trung hồn cốt câu chuyện, quyết định diễn biến tiếp theo trong truyện, đồng thời là chiếc loa nói hộ tư tưởng tác giả. Nhà văn

 

muốn khẳng định tên tuổi mình cần xây dựng thành công nhân vật. Làm được điều đó, họ nên biết đặt nhân vật trong tình huống cốt truyện phù hợp, tạo được thế giới nội tâm, tính cách, ngôn ngữ riêng cho nhân vật.

Như vậy, hai ý kiến trên đã bổ sung cho nhau, đặt ra yêu cầu với nhà văn khi sáng tác truyện ngắn là vừa phải biết sáng tạo tình huống vừa phải biết xây dựng nhân vật. Hòa trộn cả hai yếu tố, tác phẩm sẽ trở nên hấp dẫn, có sức truyền tải cao. Ngược lại, nếu chỉ chú trọng một trong hai yếu tố, hoặc không đáp ứng được yêu cầu của cả hai, trong văn ấy sẽ rất dễ trở nên nhạt nhẽo, hời hợt, nhà văn không khẳng định được tài năng, dấu ấn của riêng mình.

Đến với mỗi tác phẩm truyện ngắn, phải chăng điều bạn đọc quan tâm là tình huống bất ngờ và nhân vật đọc đáo, không trộn lẫn? Đó rất có thể là những gì ta bắt gặp qua các sáng tác của Nguyễn Tuân. Ông là một nhà văn có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, không muốn ai lặp lại mình, bỏi vậy, các trang sáng tác của ông luôn là sự độc đáo bậc nhất. Ta nhận thấy rõ điều này qua “Chữ người tử tù”. Truyện còn sức sống đến ngày hôm nay bởi tình huống hấp dẫn, nhân vật được sáng tạo mang nét riêng, mang dấu ấn phong cách Nguyễn Tuân. Đọc tác phẩm , bạn đọc ngỡ ngàng bởi câu chuyện liên tiếp tạo dựng những tình huống gay cấn. Huấn Cao – một kẻ nổi loạn chống lại triều đình, có “cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp” được đưa đến trại giam tỉnh Sơn. Nơi đây, viên quản ngục biết đến tài năng ấy và xem nó như một sở nguyện từ lâu. Hai con người đại diện cho hai thế lực đối lập , một bên là nổi loạn, một bên là tôn ti trật tự xã hội, nhưng giữa họ có điểm tương đồng, gặp gỡ là cùng trân trọng cái đẹp đã gặp nhau trong cảnh ngộ éo le, nơi ngục tù tăm tối, “người ta sống bằng lừa lọc, tàn nhẫn”. Quản ngục chấp nhận đi ngược lại những quy định nhà tù, dám biệt đãi Huấn Cao và năm người bạn tù của ông chỉ để mong Huấn Cao hiểu được mối bận tâm trong lòng. Nhưng “tính ông Huấn Cao vốn khoảnh, ngoài chỗ tri kỉ ông chẳng cho chữ ai bao giờ”, thậm chí còn có ý khinh bạc với kẻ thù. Xây dựng tình huống thứ nhất, Nguyễn Tuân để lại trong lòng bạn đọc những lo lắng, hồi hộp, và càng gay cấn hơn khi ông tiếp tục tạo dựng tình huống cho chữ. Thời gian dường như được đẩy nhanh chóng, gấp gáp hơn khi ngay hôm sau là ngày Huấn Cao ra pháp trường. Nhờ sự giúp đỡ của thầy thơ lại mà ông Huấn hiểu được lòng quản ngục. Cảnh cho chữ diễn ra vào khoảng thời gian canh ba, không gian tối tăm, “đất bừa bãi phân chuột phản gián”, “tường đầy mạng nhện”. Dây đàn diễn biến chuyện như được căng ra bởi khoảnh khắc ấy, thời gian thật ngắn ngủi và hai con người tưởng chùng như đứng trước lưỡi hái tử thần. Song, cái đẹp vẫn chiến thắng, nét đẹp con chữ, sự thưc

 

stinhr của con người đã xua tan đi cái tăm tối của ngục tù. Sáng tạo tình huống, Nguyễn Tuân đã đem đến câu chuyện bất ngờ này đến bất ngờ khác, qua đó nhà văn muốn thức tỉnh bạn đọc hãy biết trân trọng những vẻ đẹp, giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh sáng tạo tình huống, truyện còn xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao và quản ngục. Đây là hai nhân vật chân dung, mang vẻ đẹp vượt lên hoàn cảnh. Huấn Cao mang trong mình “cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp” với “nét chữ vuông vắn, tươi tắn”. Ông là bậc anh hùng khí phách ngời chói, dù bị giam vào cảnh đề lao vẫn không sợ cái cảnh chết chém. Ông luôn giữ cho mình thiện lương trong sạch, đi qua bao đọa đày, người nghệ sĩ ấy vẫn còn cảm nhận được mọi vẻ đẹp tinh tế, trân quý cái đẹp. Quản ngục cũng mang trong mình vẻ đẹp vượt hoàn cảnh. Ông có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, sở nguyện cao quý tựa hồ như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữ bản đàn mà mọi nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Bị đặt vào cảnh tù giam, đứng ở vị trí của kẻ tàn nhẫn, ông vẫn luôn giữ cho mình sở nguyện cao quý, tấm lòng trân trọng cái đẹp. Xây dựng nhân vật chân dung là đặc trưng trong sáng tác của Nguyễn Tuân. Đặc biệt, đặt nhân vật vào tình huống cho chữ, nhà văn đã làm nổi bật vẻ đẹp toàn diện của hai nhân vật. Để nhân vật mang dấu ấn riêng, tác giả còn sử dụng các thủ pháp tương phản, ngôn ngữ trang nhã, nghệ thuật tạo dựng không gian cổ kính, giọng điệu đĩnh đạc. Qua đó chẳng những làm nổi bật tư tưởng truyện mà còn tạo nên dấu ấn, phong cách nhà văn. Ông muốn khẳng định cái đẹp có thể nảy sinh từ cái xấu, cái ác. Con người muốn cảm nhận được cái đẹp phải giữ được một tâm hồn trong sáng, thiện lương. Có thể thấy, Nguyễn Tuân luôn nhìn nhận con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ, không chỉ Huấn Cao, quản ngục mà còn là ông Nghè Móm với thú thả thơ, cụ Sáu, cụ Ấm với thú thưởng trà… Qua cái sáng tác của nhà văn, ta vừa thấy rõ tư tưởng, tài năng sáng tạo của ông. Quả thực, tình huống truyện, nhân vật đóng vai trò quan trọng đối với mỗi tác phẩm truyện.

Truyện ngắn chiếm được cảm tình của đọc giả không chỉ bởi chúng có tư tưởng lớn mà còn bởi hình thức hấp dẫn. Truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân là một diển hình. Truyện đã sáng tạo được tình huống đặc biệt, éo le mà cảm động. Anh cu Tràng – một người dân ngụ cư, nhà nghèo, tính tình ngờ nghệch bỗng một ngày nhặt được vợ về nhà, mà đó là vợ theo không. Nhưng nó cũng vô cùng éo le bởi tình cảnh bấy giờ cũng đang đói khát, người ta nuôi thân chưa nổi lại còn đèo bòng. Đáng nói hơn đám cưới giữa Tràng và người vợ nhặt lại diễn ra trong không gian chung quanh “người chết như ngả rạ”, “có tiếng khóc hờ của những nhà có người chết đói”. Xây dựng tình huống này, nhà văn muốn làm nổi bật nhân vật tư tưởng truyện. Ông muốn tái hiện thảm cảnh nạn đói nươc sta năm 1945, đồng thời muốn khẳng định vẻ đẹp, tấm

 

lòng yêu thương cưu mang, đùm bọc nhau của con người. Truyện đồng thời cũng đã xây dựng thành công nhân vật Người vợ nhặt không tên tuổi không quê quán, ngoại hình áo quần “tả tơi như tổ đỉa”, vẻ ngoài của thị là chao chát, chỏng lỏn, song đằng sau đó là những nhạy cảm, lo toan, chu tất của một người phụ nữ đảm đang. Kim Lân không chỉ khắc họa thành công ngoại hình nhân vật mà còn miêu tả chân thực diễn biến nội tâm nhân vật. Vận dụng lớp ngôn ngữ bình dân, đời thường, ông khiến cho các nhân vật của mình như bước ra từ đời sống thực tại. Bằng cách tạo tình huống, xây dựng nhân vật, nhà văn đã truyền vào trang văn của mình sức sống, sức hấp dẫn mới.

Ý thức sâu sắc về nghiệp cầm bút, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng đồng thời viết nên những tác phẩm có giá trị, vừa bởi nội dung tư tưởng vừa bởi hình thức thể hiện. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được ông sáng tạo tình huống tự nhận thức. Người nghệ sĩ “Phùng đi từ lầm tưởng cảnh con tàu ngoài khơi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ” đến ngỡ ngàng đằng sau cảnh tượng ấy là bi kịch của một gia đình nghèo đói, người đàn bà làng chài liên tiếp hứng chịu những đợn đòn roi từ chồng. Anh mới đầu chưa hiểu chuyện đã cùng Đẩu – chánh án huyện nhất quyết yêu cầu người đàn bà li dị chồng, nhưng sau khi nghe câu chuyện từ gia đình ấy, trong hai người như có điều gì vừa mới vỡ lẽ. Phùng không còn nhìn cuộc đời chỉ toàn màu hông nữa, anh nhận ra cái đẹp phải gấn với cái thiện, người nghệ sĩ phải gắn bó với hiện thực cuộc sống. Vậy nên cuối cùng mỗi khi nhìn vào tấm ảnh đen trắn anh chụp chiếc thuyền, Phùng luôn nhìn ra sắc hồng của ánh ban mai buổi bình minh hôm ấy và người đàn bà hàng chài bước ra với đầy vẻ mệt mỏi, lam lũ. Xây dựng tình huống nhận thức, nhà văn muốn để nhân vật cũng như bạn đọc tự ngẫm nghĩ rút ra bài hóc cho giêng mình. Từ tình huống ấy, ta mới thấu hiểu rõ hơn số phận con người thời hậu chiến, thấy được bản chất thực sự của các nhân vật. Đồng thời bạn đọc tự nghiệm ra vấn đề cách nhìn, phải nhìn đời một cách toàn diện. Truyện đặt nhân vật vào tình huống nhận thức, xây dựng kiểu nhân vật có nhiều mâu thuẫn, nghịch lí. Một nghệ sĩ Phùng tưởng chùng như trân trọng cái đẹp nhưng lại nhìn đời chưa toàn diện, người đàn bà hàng chài tưởng như vẻ ngoài xấu xí, thô kêch, cam chịu bên trong lại giàu tình yêu thương, có đúc bao dung, thấu hiểu lẽ đời, người đàn ông ngỡ như vũ phu kia nhưng trước đó anh ta từng là một người hiền lành, không biết uống rượu… Nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu bao giờ cũng vậy, không toàn vẹn, luôn có những tốt – xấu đan xen, chứa nhiều nghịch lí. Nó khác với cách ông xây dựng nhân vật trước năm 1945, khi con người luôn mang vẻ đẹp lí tưởng, “vô trùng”. Qua đó, bạn đọc khắc sâu hơn cho mình nội dung tư tưởng tác phẩm. Cuộc đời vốn

 

không hề đơn giản, xuôi chiều, và con người dù ở thời hậu chiến cũng vẫn còn đói khổ, nhiều nhức nhối. Người ta phải biết nhìn thẳng vào sự thật ấy để mà thay đổi, nâng cao cuộc sống.

Một truyện ngắn thành công quả thực cần đến yếu tố tình huống và nhân vật. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhà văn cũng cần biết xây dựng cốt truyện, lựa chọn chi tiết, sử dụng ngôn ngữ. Những điều ấy sẽ góp phần tạo nên chỉnh thể nghệ thuật cho câu chuyện. Từ hai ý kiến trên, mỗi nhà văn tự đặt ra cho mình băn khoăn về nghề nghiệp sáng tác, làm thế nào để câu chuyện mình viết ra có sức hấp dẫn. Họ cần chú ý đến hình thức câu chuyện, cách tạo lập tình huống, xây dựng nhân vật sao cho mang đặc sắc riêng. Chúng cần có sự độc đáo những cũng cần mang tính hợp lí. Viết văn là để bộc lộ tấm lòng, suy tư của nhà văn trước cuộc sống. Vì vậy, nghệ sĩ cũng cần có cái tâm, có tầm tư tưởng gửi vào đằng sau những đặc sắc nghệ thuật. Bạn đọc phải là người khám phá, phát hiện những độc đáo trên trang giấy. Đồng thời, cảm thụ được tấm lòng, bài học, tư tưởng của người nghệ sĩ. Tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn. Bởi thế, bằng cách chăm chút hình thức, tư tưởng nội dung cho tác phẩm, nghệ sĩ ắt sẽ đem đến trang viết có giá trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *