Đề văn 11 bám sát đề minh hoạ 2025 Con thú lớn nhất Nguyễn Huy Thiệp

Truyện thứ hai
           Con thú lớn nhất

Ngày ấy, ở Hua Tát có một gia đình ngụ cư không biết ở mường nào chuyển đến. Họ dựng nhà ở ngoài rìa bản, chỗ gần rừng ma. Nhà ấy chỉ có hai vợ chồng đều luống tuổi. Họ đi đâu cũng có nhau. Người vợ lúc nào cũng âm thầm, im lặng, suốt ngày không hề thấy nói một tiếng. Người chồng cao lớn, gầy guộc, mặt sắt lại, mũi như mỏ chim. Đôi mắt của lão đục và sâu hoắm, phảng phất những tia lân tinh lạnh lẽo.

Người chồng là tay thợ săn cự phách. Khẩu súng kíp trong tay lão như có mắt. Mỗi khi khẩu súng giơ lên, ít khi có chim chóc hoặc thú rừng nào thoát chết. Đằng sau nhà lão, lông chim, xương thú chất đầy thành đống. Những đống lông chim xơ xác đen xỉn như màu mực tàu, còn những đống xương thú màu đá vôi thì lốm đốm những vệt nước tủy vàng khè, hôi hám. Những đống ấy to như những cái mả. Lão thợ săn như là hiện thân thần Chết của rừng. Chim chóc và thú rừng sợ hãi lão. Cánh thợ săn ở Hua Tát vừa ghen tị, vừa bất bình với lão. Lão không tha bất cứ con vật nào trong tầm súng của mình. Có người kể rằng đã tận mắt nhìn thấy lão bắn chết một con công đang múa. Một con công đang múa nhé: cái đầu cong như lá lúa, cái đuôi xòe nửa vòng cung với đủ màu sắc, tia nắng mặt trời hắt ánh lửa lấp lánh như vàng, đôi chân kheo khéo lượn vòng. Chỉ có tình yêu thì mới lượn vòng tinh tế như thế. Con công đang múa, thế mà – “Đùng” – khẩu súng trong tay lão già giật lên, phụt ra một lưỡi lửa đỏ. Con công ngã gục, cái cánh có ánh cầu vồng ngũ sắc nhòe máu. Vợ lão già đến, khô đét, đen ngòm, âm thầm nhặt con công cho vào cái lếp sau lưng.

Tuy vậy, suốt đời lão già chỉ săn được những con chim, con thú bình thường. Lão già chưa bao giờ săn được con thú lớn ba bốn tạ thịt. Khẩu súng lão chỉ bắn được những con vật nhỏ ngu ngốc. Đấy chính là điều lão già khổ tâm, dằn vặt.. Cả bản Hua Tát xa lánh vợ chồng lão, không ai nói chuyện, chơi bời với gia đình lão. Nhìn thấy vợ chồng lão, người ta tránh ngoắt đi. Cứ thế, lão thợ săn sống cô đơn bên người vợ âm thầm.

Cuối năm ấy, ở Hua Tát động rừng, cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt, không có dấu chân một con thú nào trong rừng. Chưa bao giờ người Hua Tát sống vất vả đến thế. Người ta đồn là Then bắt đầu trừng phạt. Lão thợ săn ngụ cư kiếm ăn cũng rất khó khăn. Vợ chồng lão lang thang khắp rừng. Lần đầu tiên trong đời lão già gặp phải cảnh này. Ba tuần trăng, khẩu súng của lão không hề được nổ. Lão già dậy từ gà gáy canh ba vác súng đi đến tối mịt. Người vợ gầy của lão không còn đủ sức đi theo chồng nữa. Mụ ở nhà nhóm lửa chờ đợi. Ngọn lửa mụ nhóm như có ma ám, không đỏ mà lại xanh lét như mắt chó sói.

Lần ấy lão già đi vắng cả tuần liền. Người lão mệt lả. Đầu gối lão chùn xuống, các bắp thịt nhão ra tưởng chừng có thể dùng tay bấu được như bấu những con vắt nhẽo bết máu. Lão đã lết khắp nơi mà không gặp gì. Đến một con chim sâu, thậm chí một con bướm lão cũng không thấy. Lão hoang mang sợ hãi. Then đã trừng phạt thế gian như lời người ta đồn đại hay chăng?

Cuối cùng, mệt lả, lão già kiệt sức phải lết về nhà. Đến con suối đầu bản, lão dừng lại nhìn về nhà mình. Nhà lão có ánh lửa, cái ánh lửa xanh lét, chắc là vợ lão vẫn thức đợi chồng. Lão nhắm nghiền đôi mắt đục và sâu hoắm lại. Ngẫm nghĩ một lát, lão lộn lại rừng. Mũi lão đã đánh hơi thấy mùi thú…Lão gặp may thật. Lão đã nhìn thấy nó. Cái con công ấy đang múa. Kìa, đôi chân con công di chuyển nhẹ nhàng về phía bên phải, cái đuôi xòe thành đường tròn lại dịch về phía bên trái, cái ánh xanh gay gắt trên túm lông dầu của nó rực rỡ làm sao! Lão già giương súng lên: “Đùng!” Phát súng nổ. Lão nghe thấy tiếng rú thất thanh. Lão chạy lại con thú bị bắn ngã. Đấy là vợ lão. Mụ đi ra rừng đợi lão, tay mụ còn cầm bộ lông chim công.

Lão thợ săn nằm sấp xuống, úp mặt vào vũng máu trên lớp lá mục nồng nồng, ngái và hoi như mùi chuột.

Miệng lão hộc lên như tiếng lợn lòi. Lão nằm thế rất lâu. Mây đen sà xuống thấp, khu rừng tối sẫm, nóng hâm hấp như da người sốt. Gần sáng, lão già .. bỗng đứng phắt dậy nhanh như con sóc. Lão nảy ý định lấy xác vợ lão làm mồi để săn con thú, con thú lớn nhất đời mình. Lão nằm trong bụi cây gần cái xác thối rữa của vợ lão một sải tay, đạn lên nòng, khắc khoải chờ đợi. Nhưng Then đã trừng phạt lão. Không có con thú nào đến với lão, chỉ có cái chết đến với lão.

Ba ngày sau, người ta lôi cái xác còng queo của lão ra khỏi bụi cây. Một vết đạn xuyên qua trán lão. Lão đã bắn được con thú lớn nhất đời mình.

(Trích Những ngọn gió Hua Tát, Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp)

Tác giả Nguyễn Huy Thiệp:

Phần I. Đọc hiểu (4,0 điểm)

Câu 1. Tìm những chi tiết miêu tả nhân vật lão thợ săn. (0,5 điểm).

Câu 2. Cảnh “động rừng” ở bản Hua Tát diễn ra như thế nào? (0,5 điểm).

Câu 3. Hình ảnh con công đang múa có ý nghĩa gì? Từ đó, anh/chị hãy đánh giá, nhận xét về hành động bắn chết con công đang múa của lão thợ săn. (1,0 điểm)

Câu 4. Hãy trình bày cách hiểu chi tiết cuối truyện “Lão đã bắn được con thú lớn nhất đời mình”. Từ đó, nhận xét về thái độ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đối với nhân vật lão thợ săn. (1,0 điểm).

Câu 5. Nhận xét về ước mơ săn con thú lớn nhất đời của lão thợ săn. Từ đó, lấy một vài ví dụ trong thực tế cuộc sống có một số người cũng săn đuổi “con thú lớn nhất” giống lão thợ săn. (1,0 điểm).

Phần II. Viết (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Anh/chị hãy viết một đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch (khoảng 12 câu) trình bày những nhận xét đánh giá của mình về nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong truyện ngắn “Con thú lớn nhất” của Nguyễn Huy Thiệp.

Câu 2 (4,0 điểm): Truy tìm và đuổi bắt; thợ săn và con mồi luôn luôn tồn tại trong cuộc sống ngày hôm nay. Có những lúc, từ tâm thế của một gã thợ săn con người ta có thể tự biến mình thành con mồi.

Theo anh/chị điều gì sẽ biến “thợ săn” thành “con thú”? Trước hiện tượng đáng sợ này, anh/chị có những giải pháp nào?

Hãy trả lời câu hỏi trên bằng một bài văn nghị luận xã hội.

——–HẾT——–

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Phần I. Đọc hiểu:

Câu 1. Tìm những chi tiết miêu tả nhân vật lão thợ săn. (0,5 điểm)

Gợi ý:

(Đây là kiểu bài nhận biết rất dễ, học sinh chỉ cần đọc kĩ đề là làm được bài. Vì thế, khi rơi vào kiểu đề này chú ý từ hỏi (chi tiết miêu tả) đối tượng (nhân vật lão thợ săn) => vì thế HS chú ý nhân vật lão thợ săn để tìm hiểu các chi tiết).

– Trả lời: Những chi tiết miêu tả lão thợ săn là: cao lớn, gầy guộc, mặt sắt lại, mũi như mỏ chim. Đôi mắt của lão đục và sâu hoắm, phảng phất những tia lân tinh lạnh lẽo.

* Lưu ý: Nếu đề bài có hai yêu cầu: yêu cầu  thứ nhất tìm những chi tiết miêu tả; yêu cầu thứ hai là nhận xét về cách lựa chọn các chi tiết ấy của tác giả => muốn làm được yêu cầu thứ hai, HS cần có kinh nghiệm đưa ra nhận xét:

+ Nhận xét liên quan đến nhân vật: góp phần khắc họa được điều gì từ nhân vật?

+ Nhận xét liên quan đến tác giả: Thấy được khả năng quan sát ra sao? Các sử dụng từ ngữ như thế nào của tác giả?

Câu 2. Cảnh “động rừng” ở bản Hua Tát diễn ra như thế nào? (0,5 điểm)

Gợi ý:

Đây là dạng câu hỏi nhận biết, HS chỉ cần đọc kĩ câu hỏi và văn bản là dễ dàng đạt 0,5 điểm.

– Trả lời: Cuối năm ấy, ở Hua Tát động rừng, cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt, không có dấu chân một con thú nào trong rừng. Chưa bao giờ người Hua Tát sống vất vả đến thế.

Câu 3. Hình ảnh con công đang múa có ý nghĩa gì? Từ đó, anh/chị hãy đánh giá, nhận xét về hành động bắn chết con công đang múa của lão thợ săn. (1,0 điểm)

Trả lời:

Hình ảnh con công múa được miêu tả rất chi tiếtMột con công đang múa nhé: cái đầu cong như lá lúa, cái đuôi xòe nửa vòng cung với đủ màu sắc, tia nắng mặt trời hắt ánh lửa lấp lánh như vàng, đôi chân kheo khéo lượn vòng. Chỉ có tình yêu thì mới lượn vòng tinh tế như thế.”, giọng kể thật say mê, cuốn hút, ta tưởng tượng ra cái nhìn đắm đuối, trái tim cũng rạo rực và đôi môi xuýt xoa trong từng lời kể. Nghĩa là lão thợ săn quan sát con công kĩ lưỡng. Lão cũng đã nhận ra vẻ đẹp của con công; vẻ đẹp say mê, cuốn hút đến lạ kì. Vốn là người sinh ra giữa núi rừng, lớn lên trên miền sơn cước, già dặn trong từng trải, nên chắc chắn lão hiểu được cái điệu múa của con công, thông điệp của điệu múa đó: tiếng gọi của tình yêu không lời mà sao lại thắm thiết, say đắm, đến ngọt ngào như vậy. Đó là điệu Slow tình cảm dành riêng cho nàng công? Đó là vũ khúc của tình yêu? Còn vũ khúc nào đẹp hơn con công đang múa, đẹp hơn tiếng gọi của tình yêu!

– Nhận xét, đánh giá về hành động bắn chết con công đang múa của lão thợ săn:  Con công đang say mê biểu diễn vũ khúc của tình yêu, biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết đến say mê cuốn hút của thiên nhiên. Trong hoàn cảnh ăn uống dư thừa, xương thú chất thành đống, lông chim đầy sau vườn, vậy mà lão thợ săn vẫn bắn con công đang múa. Lão bắn đâu phải vì vật chất, đâu phải để thử cảm giác được một lần bắn chết con thú đầu đời. Cho nên có thể nói, hành động này xuất phát từ một trái tim băng giá, lạnh lùng vô cảm. Qua hành động bắn chết con công đang múa ta mới thấy được bản chất tàn độc dãn man của lão thợ săn => lão không tha cho bất cứ một con vật nào trong tầm súng kể cả một con công đang múa.

(Gợi ý: Đối với dạng câu hỏi tại sao, người viết cần căn cứ vào hình ảnh, tình huống, bản chất nhân vật để giải thích. Ở chi tiết “con công đang múa” => HS cần vận dụng kiến thức thực tế (Đa số loài chim đực sẽ múa, hót để gọi bạn tình) => suy ra hình ảnh của con công đang múa có ý nghĩa như thế nào. Ở về câu hỏi số 2: nhận xét về hành động bắn con công: HS  căn cứ vào kết quả trả lời ở ý 1, cộng với hoàn cảnh sống (lão bắn được nhiều con vật, xương chất thành núi, nên với con công nhỏ bé không phải là điều lão thiếu thốn mà phải thèm thuồng), căn cứ vào tuổi tác (lão sinh ra từ núi rừng, từng trải nên biết con công múa nhằm mục đích gì) => từ căn cứ đó HS đi đến kết luận về hành động bắn công => bản chất của lão thợ săn) => Nói tóm lại, đây là dạng câu hỏi, HS đòi hỏi tư duy suy luận, tổng hợp móc nối các chi tiết rất cao.

 

Câu 4. Hãy trình bày cách hiểu chi tiết cuối truyện “Lão đã bắn được con thú lớn nhất đời mình”. Từ đó, nhận xét về thái độ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đối với nhân vật lão thợ săn. (1,0 điểm).

Trả lời:

* Cách hiểu về chi tiết: “Lão đã bắn được con thú lớn nhất đời mình”

– Đây là chi tiết nghệ thuật rất đặc sắc, vừa lí giải được rõ nhan đề “con thú lớn nhất”, vừa làm rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Nếu không có chi tiết ở cuối truyện, chiều sâu tư tưởng của tác phẩm sẽ không còn tồn tại, mối quan hệ giữa thợ săn – con mồi; con mồi – thợ săn sẽ vô cùng nhạt nhòa. Từ đó, bản chất, hiện thực của đời sống không được hiện rõ nét (nhất là phần hiện thực đáng sợ mà không ai dễ nhận ra).

Con thú lớn nhất là giấc mơ, khát vọng cả đời lão thợ săn theo đuổi. Đây là điều rất bình thường mà ai trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là một thợ săn, cũng khao khát mong muốn săn được một con thú lớn nhất, săn được những gì lớn lao, đẹp đẽ phi thường.

– Con thú lớn nhất: phải chăng chính lão thợ săn là con thú lớn nhất trong tác phẩm? => nhấn mạnh bản chất, thú tính độc ác dã man không tha con thú nào; ngay cả sẵn sàng lấy xác vợ làm mồi nhử để đạt được khát vọng, ước mơ, săn con thú lớn nhất đời mình => Trong mỗi người liệu có một phần :”CON” bản năng, thú tính đang ngự trị và đến lúc nào đó, con mãnh thú bạo tàn sẻ trở mình thức giấc???

– Lão thợ săn đã bắn chết lão chấp nhận cái chết trong cô đơn, đói rét, trong tội lỗi chất chồng => Lão giết chết chính mình phải chăng lão đã săn được con thú lớn nhất, đã đạt được ước mơ, khát vọng mà lão hằng theo đuổi =>  trong những cuộc săn THỢ SĂN có thể sẽ trở thành CON MỒI của chính mình và sẽ bị chết bởi hòn tên, mũi đạn của chính mình.

(Gợi ý: Đây là kiểu câu hỏi trình bày cách hiểu về chi tiết nghệ thuật đặc sắc, có sức nặng tư tưởng góp phần làm sáng tỏ chủ đề của truyện. Cho nên trước câu hỏi như thế này, HS cần kết nối các chi tiết trong toàn bộ văn bản, xem chi tiết nghệ thuật đặc sắc có mối quan hệ với nhau như thế nào? Chi tiết này là tả thực hay mang tính ẩn dụ => Việc xây dựng chi tiết như này tác giả nhằm mục đích gì?) => Kiểu bài này đòi hỏi người học khả năng xâu chuỗi, tư duy và suy luận rất cao.

* Thái độ của tác giả: vừa lên án, phê phán (qua chi tiết bắn chết con công, lấy xác vợ làm mồi nhử, qua chi tiết cuối truyện) nhưng cũng vừa xót xa, day dứt cho những kiếp người (tài năng, bị hắt hủi, cô đơn, biến chất).

(Gợi ý: Đối với kiểu câu hỏi này, HS cần căn cứ vào đặc điểm nhân vật, cách xây dựng nhân vật, cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh khi miêu tả nhân vật của tác giả để đánh giá thái độ) => khi đánh giá cần dùng các tính từ từ láy để đánh giá như lên án, phê phán, đồng cảm, xót thương, cảm phục, kính trọng, căm phẫn, yêu mến…

Câu 5. Nhận xét về ước mơ săn con thú lớn nhất đời của lão thợ săn. Từ đó, lấy một vài ví dụ trong thực tế cuộc sống có một số người cũng săn đuổi “con thú lớn nhất” giống lão thợ săn. (1,0 điểm).

Trả lời:

– Nhận xét về ước mơ săn con thú lớn nhất: Con thú lớn nhất là giấc mơ, khát vọng cả đời lão thợ săn theo đuổi. Đây là điều rất bình thường mà ai trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là một thợ săn, cũng khao khát mong muốn săn được một con thú lớn nhất, săn được những gì lớn lao, đẹp đẽ phi thường. Giấc mộng ấy luôn đau đáu trong trai tim mỗi người, có lúc tưởng nó yên giấc, nhưng có một lúc nào đó nó sẽ trào dâng mãnh liệt. ngay cả sẵn sàng lấy xác vợ làm mồi nhử để đạt được khát vọng, ước mơ, săn con thú lớn nhất đời mình => Trong mỗi người liệu có một phần :”CON” bản năng, thú tính đang ngự trị và đến lúc nào đó, con mãnh thú bạo tàn sẻ trở mình thức giấc??? Vì giấc mơ mà lão thợ săn đã lấy xác vợ làm mồi nhử, chấp nhận cái chết trong cô đơn, đói rét, trong tội lỗi chất chồng => Khi đi săn, theo đuổi giấc mơ, ước mơ nào đó, vì sân si tham lam => khát vọng ấy sẽ biến thành tham vọng => sẵn sàng không từ thủ đoạn để đạt được mục đích => biến chất, đánh mất mình, trở nên tàn bạo, dã man, mất nhân tính => trong các cuộc săn, nếu không tỉnh táo, trong những cuộc săn THỢ SĂN có thể sẽ trở thành CON MỒI của chính mình và sẽ bị chết bởi hòn tên, mũi đạn của chính mình.

(Gợi ý: Đối với kiểu bài nhận xét, HS cần đưa ra quan điểm cá nhân, song để đưa ra quan điểm có giá trị, HS không được tán ngẫu, bình tán rời xa văn bản, cốt truyện; ngược lại HS cần bám sát vào cốt truyện, những chi tiết quan trọng để đưa ra đánh giá; khi nhận xét đánh giá, HS cần dùng những hiểu biết, trải nghiệm xã hội; khả năng tổng hợp, phân tích, khả năng phân biết đúng-sai, thật – giả, tốt-xấu để đưa ra những kết luận hợp lí. Sự đánh giá cần cho thấy sự am hiểu tâm lí con người, am hiểu thời thế, am hiểu những giá trị đã trở thành thước đo về nhân phẩm, về quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức)

* Liên hệ: Những người có tham vọng, có khát vọng quá lớn khiến bản thân tàn bạo, đánh mất mình, biến mình thành con thú khát máu, con quỷ uống máu người không tanh: Tần Thủy Hoang, Hít le, A – lếch – xan đơ II…

=> Gợi ý: Ở kiểu bài này, HS cần huy động hiểu biết xã hội, khả năng so sánh để tìm ra đối tượng so sánh có nét tương đồng với lão thợ săn. HS cần phải hiểu hình ảnh biểu tượng “con thú lớn nhất” thực chất là khao khát, là ước vọng.

Phần II. Viết

Câu 1 (2,0 điểm): Anh/chị hãy viết một đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch (khoảng 12 câu) trình bày những nhận xét đánh giá của mình về nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong truyện ngắn “Con thú lớn nhất” của Nguyễn Huy Thiệp.

* Gợi ý:

– Đây là kiểu bài nhận xét, đánh giá về một khía cạnh nghệ thuật trong truyện ngắn.

– Kiểu bài này HS cần phải nắm được thật chắc:

+ Khái niệm về tình huống truyện, phân loại và ý nghĩa của tình huống truyện.

+ Chỉ ra được tình huống trong truyện.

+ Biết cách đánh giá: Tình huống hay và đặc sắc ở đâu? Tình huống đó góp phần bộc lộ, tư tưởng chủ đề như thế nào?

– Về kĩ năng: Cần nắm chắc mô hình của đoạn diễn dịch; biết viết đúng cấu trúc, nhất là chú trọng câu đầu và câu cuối.

* Dàn ý:

– Câu chủ đề: Cần đáp ứng được về tác giả, tác phẩm, VĐNL

VD: Trong truyện ngắn “Con thú lớn nhất”, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng được tình huống truyện rất đặc sắc để lại những ám ảnh khôn nguôi trong lòng bạn đọc.

– Thân đoạn: Truyện thuộc tình huống hành động. Qua tình huống, khiến cho câu chuyện hấp dẫn, giúp nhà văn thể hiện tư tưởng chủ đề của truyện

+ Tình huống truyện xoay quanh câu chuyện săn con thú lớn nhất cuộc đời của lão thợ săn. Cả cuộc đời lão vẫn theo đuổi khát vọng, giấc mơ săn con thú lớn nhất cuộc đời. Vào thời thịnh, chim muông đầy rừng, thú lớn vẫn lẩn tránh lão như có một phép thuật khó hiểu. + Trong thời thịnh đó, lão vẫn cứ đau đáu theo đuổi giấc mơ, nhưng cũng đau đớn, dằn vặt cho một tay súng tài năng, bách phát bách trúng mà lại không một lần bắn được con thú lớn 3-4 tạ thịt. Vận rủi đeo bám lão đến suốt cuộc đời nhưng lão vẫn không bao giờ bỏ cuộc. Ngay cả động rừng, Then đã trừng phạt, 3 tuần trăng lão không săn được con mồi nào, đói lả đến kiệt sức, bào mòn thân xác, tinh thần của lão. Nhưng cái khát vọng mà ước mơ ấy vẫn còn vẹn nguyên, thậm chí còn lớn mạnh hơn bao giờ hết. Con chim trước khi chết phải cất tiếng hót; phải chăng lão cũng muốn cất lên tiếng gầm rú vang dội trước khi từ giã vũ khí để trở về thế giới bên kia. Cho nên, ngay cả khi thời suy cùng cực, chạm đáy; lão thợ săn vẫn không bỏ cuộc. Khát vọng ấy khiến lão có một quyết định kì dị đến điên rồ của một con thú khát máu: dùng xác vợ làm mồi nhử. Tham vọng cuối đời khiến lão mất hết lí trí, mất hết tính người => hành động đó đã biến lão thành một con thú dã man, tàn bạo, con thú lớn nhất cuộc đời.

Câu 2 (4,0 điểm): Truy tìm và đuổi bắt; thợ săn và con mồi luôn luôn tồn tại trong cuộc sống ngày hôm nay. Có những lúc, từ tâm thế của một gã thợ săn con người ta có thể tự biến mình thành con mồi.

Theo anh/chị điều gì sẽ biến “thợ săn” thành “con thú”? Trước hiện tượng đáng sợ này, anh/chị có những giải pháp nào?

Hãy trả lời câu hỏi trên bằng một bài văn nghị luận xã hội.

Gợi ý:

MB: Dẫn dắt: Truy tìm và đuổi bắt; thợ săn và con mồi luôn luôn tồn tại trong cuộc sống ngày hôm nay. Có những lúc, từ tâm thế của một gã thợ săn con người ta có thể tự biến mình thành con mồi. Đây là hiện tượng đã diễn ra trong cuộc sống, nhiều lúc âm thầm, có khi lại trào dâng trên bề mặt dòng chảy xã hội đang cuồn cuộn chảy trôi. Trước thực tế đau lòng này, trong lòng tôi luôn tự hỏi điều gì đã làm thay hình, đổi chất; điều gì đã làm đảo chiều từ “thợ săn” thành “con thú”? Liệu hiện tượng này có đi quá xa hay không? Có những cách nào để giải quyết vấn đề nhức nhối này?

TB:

  1. Giải thích khái niệm:

– Thợ săn: Là những người đi theo đuổi, săn đuổi những hoài bão, ước mơ; đi kiếm tìm những mục tiêu của cuộc đời mình. Hình ảnh thợ săn là cách nói mang tính hình tượng và khái quát cao. Chính vì lẽ đó, thợ săn ở đây ta có thể hiểu là muôn triệu triệu người đang sống trên thế gian này. Bởi ai trong cuộc đời này mà chẳng săn đuổi một điều gì đó? Có thể đó là những điều vô cùng thực tế, thực dụng; nhưng đó có thể là những điều phù du, hão huyền; thậm chí là những điều điên rồ, cuồng dại. Chính vì thế, bản chất của một thợ săn luôn tồn tại, hiện hữu trong rất nhiều người, đặc biệt là những người tuổi trẻ, những người vừa mới bước vào đời còn nhiều mộng mơ, háo hức, nhiều khát khao.

– Con thú: được hiểu là thú tính nổi lên, vì mục đích săn đuổi một điều gì đó mà con người ta bất chấp tất cả; sẵn sàng giẫm đạp lên tình thân, đạo đức, tính mạng của người khác…

  1. Thực trạng thợ săn biến thành con thú:

– Điều này nghĩa được hiểu, thợ săn là người chủ động, luôn mang trong mình tư thế của một kẻ mạnh, một kẻ đi chinh phục. Đó là những con người dám xé rừng mà đi, dám vượt sóng để ra đoạn kình giữa bao la đất trời, giữa đại dương vô tận.

– Thế nhưng thợ săn, biến thành con thú; nghĩa là người thợ săn tha hóa, biến chất, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích…

– Đây là thực trạng đang diễn ra không quá phổ biến nhưng không phải không có, nhất là ở những nơi nhiều màu mỡ, nhiều tranh đấu, nhiều thị phi.

  1. Nguyên nhân:

– Gốc rễ của vấn đề dẫn đến vì ước mơ, vì khát vọng, mục đích đạt được mà con người tha hóa, đánh mất tất cả là do:

+ Lòng tham của con người là vô đáy, không biết thế nào cho đủ, thế nào cho vừa; để thỏa lòng tham tính người có nguy cơ tan biến, tình người có nguy cơ bị hủy hoại.

+ Một số người thích ăn trên, ngồi chốc, đam mê quyền lực => tàn bạo => gây ra những tội ác kinh hoàng.

+ Do một số người yếu thế, bị dồn vào đường cùng, không làm thì mất nghiệp => vì thế hoàn cảnh đã buộc họ phải thay đổi; họ đánh mất đi bản lĩnh, phụ thuộc vào người khác.

+ Do bị kích động, bị giật dây…

=> Khát vọng mà không đi liền với đạo đức, với bản lĩnh con người luôn có nguy cơ đánh mất chính mình.

  1. Giải pháp:

– Mỗi người cần xác định rõ mục tiêu, mục đích giống trên đời này là gì? Sau khi con người trở về thế giới bên kia cái gì mang đi, cái gì còn ở lại => Để từ đó biết đặt ra cho mình cái gì cần làm, cần hướng tới một cách  thiết thực nhất và nhân văn nhất.

– Hay nói cách khác giáo dục tư tưởng nhân văn luôn là mục tiêu hàng đầu trong mọi nhà trường, mọi gia đình.

– Mỗi người cần học cách buông bỏ, học cách biết thế nào là đủ, là đích đến của cuộc đời => giảm bớt cái tâm tham sân si.

– Luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; luôn tôi rèn đạo đức biết phân biệt phải-trái, đúng-sai, thật-giả, luôn hướng tới chân-thiện-mĩ; biết sống biết hi sinh vì mọi người, vì dân tộc, vì quốc gia.

KB:

– Những người bản lĩnh, những người thông minh luôn biết chọn việc cần, biết thế nào là đủ. Đó là cái biết của những bậc nhân giả. Chỉ có như thế, con người ta mới thực sự giữ được “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *