Đề và đáp án HSG môn văn lớp 10 trường Nguyễn Trãi Thái Bình 2024

 

 

 

 

SỞ GD-ĐT THÁI BÌNH

TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI

 

ĐỀ KHẢO SÁT CHỌN ĐỘI TUYỂN HSG VÒNG 2

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN LỚP 10

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề.

(Đề thi có 02 trang)

 

  1. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

          Bạn nói những gì, bạn làm điều gì, cảm thấy như thế nào – tất cả đều có nguồn gốc từ trong tâm trí bạn và bắt đầu chỉ bằng một ý nghĩ.

          Suy nghĩ của chúng ta cũng giống như những hạt giống, mỗi suy nghĩ sẽ đơm hoa kết trái để tạo ra một hương vị riêng biệt. Suy nghĩ có thể là sự sáng tạo hay phá hủy, yêu thương hay thù hận, nâng đỡ hay vùi dập. Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những suy nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn. Suy nghĩ tích cực dạy chúng ta cách hành động thay vì phản ứng; “hướng dẫn” cuộc đời ta thay vì để cho hành vi của người khác, những trải nghiệm quá khứ, hay hoàn cảnh hiện tại điều khiển tinh thần ta.

          Theo tính toán, mỗi người trung bình có khoảng 30.000 đến 50.000 ý nghĩ mỗi ngày. Một tâm trí đang trong tình trạng stress sẽ tạo ra nhiều ý nghĩ hơn, có thể lên đến 80.000 ý nghĩ. Hẳn bạn đã từng rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh vì gặp phải một sự kiện đột ngột xảy ra trong đời, lúc đó có đến cả hàng ngàn ý nghĩ chạy dồn dập trong đầu bạn.

          Tâm trí chúng ta có một khả năng rất lớn, làm việc không ngừng nghỉ ngay cả khi ngủ. Như đã nói, suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc. Vì vậy, bằng cách tạo nên những suy nghĩ tích cực và lành mạnh, chúng ta đã kích hoạt tiềm năng tích cực của chính mình.

(Frederic Labarthe, Anthony Strano – Tư duy tích cực, NXB tổng hợp TPHCM, 2014, tr. 20-21)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Theo tác giả, những gì bạn nói, bạn làm, bạn cảm thấy được bắt nguồn từ đâu?

Câu 2. Anh/Chị hiểu như thế nào về quan điểm: Suy nghĩ tích cực ““hướng dẫn” cuộc đời ta thay vì để cho hành vi của người khác, những trải nghiệm quá khứ, hay hoàn cảnh hiện tại điều khiển tinh thần ta”.

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những suy nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn.”

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm “suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc” không? Vì sao?

Câu 5. Từ văn bản trên, anh/chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất và lí giải. (Trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 7 dòng).

 

  1. PHẦN VIẾT (14,0 điểm)

Câu 1. (4,0 điểm)

            Anh/Chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 300 chữ) bàn về cách làm thế nào để có suy nghĩ và thái độ sống tích cực.

Câu 2. (10,0 điểm)

             Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn cho rằng: Thơ là phần người gửi vào ngôn ngữ.

Anh/Chị hãy làm sáng tỏ nhận đinh trên qua bài thơ sau:

 

Tự tình I

                                                   Hồ Xuân Hương

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom(1),
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá,
Thân này đâu đã chịu già tom.

(Theo Thơ nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, 2008)

Chú thích

  • Bom: mỏm đất

———- HẾT ———

Họ và tên thí sinh:……………………….………………;Số báo danh:…………………

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

SỞ GD&ĐT THÁI BÌNH

TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI

(Gồm có 03 trang)

  HƯỚNG DẪN CHẤM KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI LẦN II,  NĂM HỌC 2023-2024

         Môn: Ngữ văn 10

               Thời gian làm bài: 150 phút không kể thời gian phát đề

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
1 Theo tác giả, những gì ban nói, bạn làm, bạn cảm thấy được bắt nguồn từ: trong tâm trí bạn và bắt đầu chỉ bằng một ý nghĩ 1.0
2 Quan điểm: Suy nghĩ tích cực ““hướng dẫn” cuộc đời ta thay vì để cho hành vi của người khác, những trải nghiệm quá khứ, hay hoàn cảnh hiện tại điều khiển tinh thần ta” có thể hiểu là:

– Ý nghĩ, tư duy tích cực sẽ định hướng cho cuộc sống của mỗi người; tránh bị sự chi phối, tác động của người khác và của bất cứ hoàn cảnh nào.

– Quan điểm khẳng định vai trò, tác dụng quan trọng của suy nghĩ tích cực đối với cuộc đời con người.

1.0
3 Tác giả cho rằng: “Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những suy nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn” vì:

– Khi hiểu và kiểm soát được ý nghĩ của mình, chúng ta sẽ cân bằng được cảm xúc, làm chủ được suy nghĩ, hành vi của bản thân.

– Khi đó ta sẽ làm chủ được chính mình, tránh được những cảm xúc, ý nghĩ, hành động tiêu cực, sai trái. Từ đó chúng ta sẽ tìm thấy sự bình tâm, an yên và hạnh phúc trong tâm hồn…

1.0
4 – Thí sinh đưa ra quan điểm của bản thân.

– Lí giải hợp lí, logic, thuyết phục.

Ví dụ một đinh hướng trả lời:

– Đồng tình với quan điểm

– Lí giải: Suy nghĩ của con người sẽ được biểu hiện qua lời nói, hành động, cảm xúc. Suy nghĩ sẽ chi phối trực tiếp và là cơ sở tạo ra hành động, cảm xúc. Nếu suy nghĩ tích cực, con người sẽ có được cảm xúc lành mạnh, hạnh động đúng đắn, ý nghĩa và ngược lại….

1.5
5 – Thí sinh rút ta 1 thông điệp ý nghĩa nhất cho bản thân. Thông điệp phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

(VD: Biết kiểm soát suy nghĩ của bản thân; Cần có suy nghĩ tích cực…)

– Lí giải hợp lí. logic, thuyết phục.

1.5
II

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Câu Nội dung 14,0
1 Anh/Chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 300 chữ) về cách làm thế nào để có suy nghĩ và thái độ sống tích cực. 4.0
  a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 300 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,5
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cách làm thế nào để có suy nghĩ và thái độ sống tích cực. 0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, kết hợp lí lẽ và dẫn chứng.

Có thể triển khai theo định hướng sau:

Suy nghĩ, thái độ sống tích cực: là tư duy, nhìn nhận, thái độ ứng xử với mọi sự việc, sự vật, vấn đề theo chiều hướng tốt đẹp, lạc quan, tin tưởng; thấy được phương hướng để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.

– Cách thức để có suy nghĩ và thái độ sống tích cực:

+ Nhận ra quy luật vận động của cuộc sống, tập thói quen nhìn nhận cuộc sống đa chiều, toàn diện.

+ Ý thức được vai trò quan trọng của cách điều chỉnh suy nghĩ và thái độ sống theo hướng tích cực. Một người nhìn xuống vũng nước chỉ thấy vũng nước, còn người kia thấy những vì sao. Hình thành thái độ sống tích cực, giúp con người sống vui vẻ, yêu đời, tận hưởng được nhiều vẻ đẹp, giá trị của cuộc sống.

+ Bản thân mỗi người phải hiểu và làm chủ được chính mình; khi gặp khó khăn thử thách, phải biết kiềm chế những suy nghĩ bi quan, thái độ sống tiêu cực, luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp, từ đó tìm ra những hướng đi, lựa chọn, hành động đúng đắn.

+ Luôn luôn hành động: đọc sách về những tấm gương nghị lực sống, bài học thành công,…; trải nghiệm, hoà mình với thiên nhiên và cuộc sống; liên tục đặt ra mục tiêu và hành động để đạt được mục tiêu;…

– Phê phán những người bi quan, luôn chán nản, dễ dàng đầu hàng, gục ngã trước khó khăn, thử thách.

– Để có suy nghĩ và thái độ sống tích cực không nên tự huyễn hoặc bản thân hay ảo tưởng sức mạnh.

– Bài học: Hướng đến lối sống, tư duy tích cực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân; cần rèn luyện thói quen tư duy, nâng cao kiến thức, tích cực trải nghiệm và luôn giữ được tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

2,0
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,5
  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
2 Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn cho rằng: “Thơ là phần người gửi vào ngôn ngữ”.

Anh/Chị hãy làm sáng tỏ nhận đinh trên qua bài thơ Tự tình I của Hồ Xuân Hương.

10,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận với cấu trúc 3 phần:

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0,5
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Hiểu đúng ý kiến của nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn; phân tích bài thơ Tự tình I để làm sáng tỏ ý kiến.

1,0
c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; thể hiện những cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữ lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo những yêu cầu sau:

* Giải thích ý kiến:

– Phần người: thân phận con người; cuộc đời, tình cảm, khát vọng của nhà văn…

– Gửi vào ngôn ngữ: gửi gắm thân phận, tâm hồn, tình cảm, cảm xúc qua ngôn ngữ thơ.

=> Nhận định khẳng định đặc trưng của thơ:  thơ là nơi để nhà thơ thể hiện tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, thân phận bằng cách sử dụng ngôn ngữ.

* Bình luận:

– Thơ là phương thức trữ tình, thổ lộ tình cảm mãnh liệt, đã được ý thức, nơi nhà thơ chia sẻ, trút gửi tâm tư sâu kín, những giày vò và chấn động bên trong. Đối với nhà thơ, hoạt động sáng tạo thơ ca thực chất là sự giải phóng tâm hồn. Tình cảm trong thơ vừa mang tính cá thể vừa có tính điển hình, vừa là nỗi lòng riêng vừa là tiếng lòng chung.

– Cùng với tư tưởng, tình cảm, giá trị của bài thơ là những sáng tạo ngôn từ. Nhà thơ trải lòng mình qua ngôn ngữ nghệ thuật được chắt lọc, tinh luyện. Cảm xúc, tư tưởng, phần người được náu mình trong những ngôn từ vừa giản dị, vừa độc đáo.

* Làm sáng tỏ nhận định qua bải thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương

– Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương, bài thơ Tự tình I

– Phần người được gửi vào ngôn ngữ trong bài thơ Tự tình I

+ Bài thơ là nỗi niềm, tình cảm, tâm tư của chính nhà thơ Hồ Xuân Hương: nỗi xót xa, oán hờn về kiếp hồng nhan; nỗi sầu thảm, não nề của lòng người lan tỏa, thấm vào ngoại cảnh; nỗi đau chất chứa khiến nhân vật trữ tình trực tiếp thổ lộ nỗi chán chường, rầu rĩ vì tình duyên muộn màng, lỡ dở; nhưng nữ sĩ vẫn thể hiện bản lĩnh cứng cỏi thách thức cuộc đời.

+ Bài thơ thể hiện tình cảm của Hồ Xuân Hương: khổ đau, phẫn uất, phản kháng. Tác giả đồng cảm với tiếng lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa. Từ đó, nữ sĩ khái quát được thân phận bi kịch chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

+ Bài thơ thể hiện khát vọng tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội xưa. Tác giả đã cất lên tiếng nói đòi nữ quyền, khẳng định bản lĩnh và phẩm chất của người phụ nữ.

– Bài thơ được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật độc đáo, sáng tạo đặc biệt là ngôn ngữ

+ Ngôn từ hàm súc, tinh tế, gợi cảm: bài thơ chất chứa nhiều sắc thái tâm trạng, nỗi niềm của con người.

+ Ngôn ngữ chữ Nôm bình dị, mộc mạc giàu sức gợi hình và lay động cảm xúc.

+ Cách sử dụng từ ngữ độc đáo: “mõ thảm”, “chuông sầu”, “già tom”. “mõm mòm”…’, cách gieo vần “om” tài tình, ấn tượng”….

* Đánh giá

– Nhận định trên hoàn toàn đúng với đặc trưng của thơ: Thơ ca chân chính muôn đời là điểm tựa tinh thần của con người được thể hiện qua sáng tạo ngôm từ độc đáo.

– Góp phần định hướng quá trình sáng tác và tiếp nhận tác phẩm:

+ Người nghệ sĩ cần nuôi dưỡng tình cảm mãnh liệt, đồng thời phải dụng công với chữ nghĩa trong sáng tạo thơ.

+ Trên cơ sở khám phá vẻ đẹp của hình thức ngôn từ, người đọc cảm nhận, phát hiện vẻ đẹp của cảm xúc, tư tưởng và người nghệ sĩ kí thác trong tác phẩm.

7,0
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,5
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

1,0
    TỔNG ĐIẺM 20,0

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *