PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
GIÁ TRỊ HIỆN THỰC TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU
Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi ra làm quan với nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ ông đã ngoài bốn mươi tuổi, đã trải qua thời Lê – Trịnh, thời Tây Sơn đến thời Nguyễn. Những năm thiếu thời sống ở Thăng Long, ngót mười năm lưu lạc sống chung với nhân dân, và mấy năm làm quan dưới triều đình mới, ông đã chứng kiến những cảnh thối nát của xã hội phong kiến suy tàn thời Lê -Trịnh, đến sự vùng dậy mãnh liệt của thời Tây Sơn, v.v… Những biến cố ấy khắc sâu vào tâm trí của ông và được phản ánh vào văn chương một cách sâu sắc.
Trong Truyện Kiều, mới thoáng qua bề ngoài ta thấy chế độ phong kiến yên tĩnh, vững vàng “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Nhưng thực chất thì mục ruỗng từ bên trong. Bọn quan lại phong kiến toàn là lũ sâu mọt, là những thế lực vô cùng hắc ám: Một tên quan xử kiện vụ Vương Ông, thằng bán tơ vu oan cho gia đình họ Vương, nhưng quan chẳng cần điều tra, nghiên cứu gì, chỉ cốt khảo cho ra tiền: “Có ba trăm lạng việc này mới xong”, đẩy gia đình họ Vương vào cảnh tan nát, phá tan mối tình đẹp đẽ của Thúy Kiều và Kim Trọng.
Đến như “Quan Tổng đốc trọng thần” họ Hồ, đại diện cho triều đình cũng là con người bỉ ổi, mất tư cách: dụ Từ Hải hàng rồi lừa giết một cách hèn nhát, dở trò dâm ô ngay với người vợ kẻ mình giết, rồi đem gán cho một tên thổ quan, để đến nỗi Kiều phải gieo mình xuống sông Tiền Đường.
Trong lúc đó, bọn đại quí tộc như “họ Hoạn danh gia” tha hồ làm mưa làm gió. Mẹ con Hoạn bà nuôi cả một lũ côn quang để đi đốt nhà, bắt cóc người vô tội, bắt làm nô tỳ, đánh đập tàn nhẫn, thi hành theo “gia pháp” của mụ, bất chấp luật pháp nhà nước. Hoạn Thư còn lập mưu bắt cóc Kiều đem về cho mụ mẹ ngược đãi và bày ra trò gặp gỡ éo le chua xót giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh. Hoạn Thư “con quan Lại bộ”, tuy thông minh sắc sảo có thừa nhưng vô cùng nham hiểm độc ác:
“Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao.”
Bên cạnh cường quyền, bọn phong kiến quan liêu ấy còn có thứ quyền hung hãn hơn là đồng tiền. Cả một lũ quan lưu manh “trong tay sẵn có đồng tiền” nên chúng tha hồ hoành hành làm hại những người lương thiện. Đồng tiền mà trước đây Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tố cáo tác dụng phá hoại đạo đức phong kiến:
“Còn bạc còn tiền còn đệ tử, Hết cơm hết rượu hết ông tôi.”
Đến thời Nguyễn Du, đồng tiền càng tác oai tác quái hơn. Cũng vì có đồng tiền mà bọn con buôn như họ Mã mới dám “Trước thầy sau tớ lao xao”, “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, “Cò kè bớt một thêm hai”, và cả lũ Tú Bà, Bạc Hạnh mới tự do buôn bán người lại được sự che chở của pháp luật. “Nghĩ rằng cũng mạch thư hương” như Sở Khanh, vì tiền mà chịu làm “mặt mo” để thi hành độc kế của Tú Bà… Đồng tiền có thể “đổi trắng thay đen”. Nó dày xéo lên công lý, nó mua được lương tâm của con người. Nó đánh giá tài đức, phẩm cách con người như đánh giá một món hàng bán ngoài chợ. Và Nguyễn Du đã vạch mặt tác hại của đồng tiền đối với xã hội và cuộc sống con người:
“Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.”
Qua đó, ta thấy được xã hội trong Truyện Kiều là một xã hội phong kiến thối nát. Ngòi bút hiện thực sắc sảo của Nguyễn Du đã ghi chép lại những nét thật điển hình, phản ánh những bộ mặt xấu xa, tàn bạo của nhiều nhân vật: Hoạn bà, Hoạn Thư, Tú Bà, Sở Khanh… trong xã hội đó. Truyện Kiều quả thật là một “Bản cáo trạng bằng thơ lên án chế độ phong kiến xấu xa, tàn bạo”.
(Lê Văn Quán, nguồn: http://www.hannom.org.vn/) Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản? (0,5 điểm) Câu 2. Văn bản trên viết về vấn đề gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Xác định hệ thống luận điểm của văn bản? (1,0 điểm) Câu 4. Qua văn bản trên, tác giả bày tỏ quan điểm gì? (1,0 điểm)
Câu 5. Từ văn bản trên, anh/ chị rút ra được bài học gì về cách ứng xử với cái xấu, cái ác trong cuộc sống hiện nay? (1,0 điểm)
PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích ngắn gọn đặc điểm chung của ba nhân vật Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi trong văn bản sau:
(Lược một đoạn: Đời vua Hán Linh Đế, triều chính thối nát, hoạn quan chuyên quyền, nhân dân lầm than, khắp nơi nổi loạn. Giặc Khăn Vàng nổi lên, uy hiếp triều đình. Triều đình bèn treo bảng mộ quân, nhằm chiêu mộ anh hùng để dẹp loạn).
Bấy giờ Huyền Đức (tức Lưu Bị) đọc bảng văn rồi thở dài. Bỗng thấy một người đứng sau nói lớn lên rằng:
– Đại trượng phu như ông, không ra giúp nước, đứng thở dài đó, được việc chi?
Huyền Đức ngoảnh lại nhìn: người ấy mình cao tám thước, đầu như đầu báo, hai mắt tròn xoe, hàm én, râu hùm, tiếng vang như sấm. Huyền Đức thấy dung mạo khác thường, liền hỏi họ tên. Người ấy nói:
– Tôi họ Trương tên Phi, tự là Dực Đức, ở Trác Quận đã lâu đời. Gia tư có ít ruộng, vườn, trại và mở một ngôi hàng bán rượu, thịt chó. Tôi chỉ thích kết giao với hào kiệt trong thiên hạ. Vừa rồi thấy ông xem bảng văn rồi thở dài, nên tôi mới hỏi.
Huyền Đức nói:
– Tôi đây vốn dòng dõi nhà Hán, họ Lưu tên Bị; nay thấy giặc Khăn Vàng nổi loạn, có chí ra dẹp giặc yên dân, chỉ hiềm sức mình không nổi, nên mới thở dài.
Phi nói:
– Nhà tôi tư gia cũng khá. Ý muốn chiêu mộ hương dũng, cùng ông mưu đồ việc lớn, ông tính sao?
Huyền Đức mừng lắm. Hai người bèn rủ nhau vào hàng uống rượu.
Đương đánh chén, bỗng thấy một người cao lớn lực lưỡng, đẩy một cỗ xe đến cửa, vào hàng ngồi phịch xuống, gọi nhà hàng:
– Rượu mau lên! Để ta uống xong còn vào thành ứng mộ!
Huyền Đức nhìn xem thấy người ấy mình cao chín thước, râu dài hai thước, mặt như hai quả táo chồng lên nhau, môi như tô son, mắt phượng mày tằm, oai phong lẫm liệt. Huyền Đức bèn mời cùng ngồi và hỏi họ tên. Người ấy nói:
– Tôi họ Quan tên Vũ, tự là Trương Sinh, sau đổi là Vân Trường, người làng Giải Lương, tỉnh Hà Đông. Nhân thấy có đứa thổ hào ỷ thế ức hiếp người, tôi bèn giết chết rồi đi trốn tránh đã năm, sáu năm rồi. Nay nghe ở đây có lệnh chiêu binh phá giặc, nên tôi đến ứng mộ.
Huyền Đức cũng đem chí mình ra nói. Vân Trường rất mừng. Bèn cùng đến trại của Trương Phi bàn tính việc lớn. Phi nói:
– Sau trại tôi có một vườn đào đang nở hoa đẹp lắm. Ngày mai nên làm lễ tế trời đất ở trong vườn, ba chúng ta kết làm anh em, đồng lòng hợp sức, sau mới có thể tính được việc lớn.
Huyền Đức, Vân Trường đều nói: – Như thế tốt lắm!
Ngay hôm sau sửa soạn trâu đen, ngựa trắng và các lễ vật ở trong vườn đào, ba người đốt hương, lạy hai lạy, thề rằng:
– Chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, dẫu rằng khác họ, song đã kết làm anh em thì phải cùng lòng hợp sức, cứu khốn phò nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định nạn dân. Chúng tôi không cần sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, chỉ muốn chết cùng năm, cùng tháng, cùng ngày. Hoàng thiên hậu thổ, soi xét lòng này. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết.
Thề xong, tôn Huyền Đức làm anh cả, Quan Vũ thứ hai, Trương Phi em út. Mổ trâu đặt tiệc, tụ họp dũng sĩ trong làng được ba trăm người, cùng đến vườn đào uống một bữa rượu thật say.
(Trích hồi thứ nhất, Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung, Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính, Nxb Văn học, Hà Nội, 2016, tr.99 – 101)
Câu 2. (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/ chị về việc sống có kỉ luật.
ĐÁP ÁN
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận. | 0,5 | |
2 | Văn bản viết về vấn đề: Giá trị hiện thực trong “Truyện Kiều” của
Nguyễn Du. |
0,5 | |
3 | Văn bản có 2 luận điểm:
– Luận điểm 1: Bối cảnh hiện thực thời Nguyễn Du sống. – Luận điểm 2: Sự tác động của bối cảnh hiện thực đối với “Truyện Kiều”. |
1,0 | |
4 | Quan điểm: | 1,0 |
– Đánh giá cao giá trị hiện thực trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du;
– Phê phán chế độ phong kiến thời kì suy tàn. |
|||
5 | Rút ra bài học về cách ứng xử với cái xấu, cái ác trong cuộc sống hiện nay:
– Không hùa theo, không tiếp tay cho cái xấu, cái ác; – Cần mạnh mẽ lên tiếng và có những hành động để ngăn chặn, loại bỏ cái xấu, cái ác; – Cần kêu gọi mọi người cùng chung tay để đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. |
1,0 | |
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích ngắn gọn đặc điểm chung của ba nhân vật Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi trong văn bản. | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Phân tích ngắn gọn đặc điểm chung của ba nhân vật Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi trong văn bản. |
0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
Sau đây là một số gợi ý: – Đều là những con người có vóc dáng cao lớn, tướng mạo phi thường; – Đều là những con người có sức khỏe và tài năng hơn người; – Đều là những con người có chí lớn, có nghĩa khí, trung quân ái quốc. |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0,5 | ||
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | ||
2 | Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/ chị về việc sống có kỉ luật. | 4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài:
Nghị luận xã hội. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Trình bày ý kiến về việc sống có kỉ luật. |
0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
– Xác định được các ý chính của bài viết – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: 1. Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề: – Sống có kỉ luật là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. – Đây là một lối sống tích cực, cần được phát huy. 2. Triển khai vấn đề nghị luận: |
1,0 |
2.1. Giải thích:
Sống có kỉ luật là lối sống điều độ, tuân thủ một cách nghiêm túc về thời gian biểu, các kế hoạch mà bản thân đã đề ra. 2.2. Lợi ích của lối sống có kỉ luật: – Giúp bản thân vượt lên trên tính lười biếng, vô tổ chức, do đó, khiến ta cảm thấy ngày một tự tin và mạnh mẽ hơn; – Giúp hoàn thành đúng thời hạn các mục tiêu mà bản thân đã đặt ra; – Tạo được sự tin tưởng, tôn trọng từ người khác, tự đó tạo dựng được các mối quan hệ tốt đẹp; – Tạo nên một bản lĩnh vững vàng, một sức mạnh tinh thần to lớn để dám đối mặt và vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống; – Giúp ta không lãng phí thời gian, do đó không phải hối tiếc về sau;… 2.3. Giải pháp xây dựng lối sống kỉ luật: – Nhận thức được những lợi ích to lớn mà lối sống kỉ luật có thể đem lại; – Lập cho mình một thời gian biểu hợp lí và cố gắng tuân thủ một cách nghiêm túc; – Công khai thời gian biểu với gia đình và bạn bè để mọi người có thể kiểm tra, cũng là cách để tự tạo áp lực, giúp bản thân không vì lười biếng mà bỏ giữa chừng; – Kết giao với những con người sống có kỉ luật; tránh xa những con người sống vô kỉ luật;… 3. Rút ra bài học cho bản thân: – Hình thành cho mình lối sống có kỉ luật; – Tránh xa lối sống vô kỉ luật. |
|||
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1,5 | ||
đ. Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn
bản. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 |