SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
THANH HÓA NĂM HỌC 2018- 2019
ĐỀ CHÍNH THỨC Môn thi: NGỮ VĂN- Lớp 11 THPT
Số báo danh ………………….. |
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 21 tháng 3 năm 2019
(Đề thi có 02 phần, gồm 01 trang)
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều (…) Con người sinh ra và chết đi đều không theo ý mình. Chúng ta không được sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng hay gia cảnh mà mình muốn chọn lựa. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khao khát, yêu thương người mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này- một cái chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn 2018, trang146&147)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2.Lời tâm sự của tác giả:Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này- một cái chớp mắt so với những vì sao có ý nghĩa gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến:Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến sau không? Vì sao?
Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khao khát, yêu thương người mình yêu.
PHẦN II. LÀM VĂN (14,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 400 chữ) để thuyết phục mình và mọi ngườilắng nghe lời thì thầm của trái tim.
Câu 2 (10,0 điểm)
Về thực chất, thơ là tiếng nói của tâm hồn… Lời thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư nhưng lại có ý nghĩa khái quát về con người, về xã hội, nhân loại, có giá trị thẩm mĩ và giá trị nhân văn sâu sắc, đủ làm nền tảng cho sự thông cảm lẫn nhau và phát triển đời sống nội tâm phong phú của con người.
(Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXBGD Việt Nam 2017, trang 18)
Từ cảm nhận bài thơ Tràng giang (Huy Cận, Ngữ văn 11, tập hai, NXBGD Việt Nam 2018), so sánh với bài thơ Cảnh ngày hè(Nguyễn Trãi, Ngữ văn 10, tập một, NXBGD Việt Nam 2018), anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
………………….HẾT……………….
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ CHÍNH THỨC
THANH HÓA KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2018- 2019
Môn thi: NGỮ VĂN- Lớp 11 THPT
(Hướng dẫn chấm gồm có 04 trang)
Phần | Câu | Yêu cầu cần đạt | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/phương thức nghị luận | 1,0 | |
2 | Lời tâm sự của tác giả có ý nghĩa: Cuộc đời con người là hữu hạn so với cái vô cùng, vô tận của vũ trụ. Với mỗi người, được sống là một cơ hội. Vì vậy phải tận dụng cơ hội đó để sống sao cho có ý nghĩa. | 1,5 | |
3 | Ý kiến đó có thể hiểu là: Tự mình không vượt qua được sự mặc cảm, thiếu tự tin để sống đúng với con người mình đã là điều đáng tiếc. Nếu chúng ta còn bị chi phối bởi những lời gièm pha, sự phát xét của người khác thì cuộc sống sẽ càng tồi tệ, vì ta không thể làm chủ được cuộc sống của mình và không thể sống một cách thanh thản. Vì vậy, ý kiến là lời khuyên sống theo cách mình muốn. | 1,5 |
|
4 | Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng cần lí giải vấn đề phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật Nếu đồng tình, thí sinh cần lí giải được được vấn đề: – Mỗi người chỉ duy nhất một lần được sống.Cuộc sống là do chính mình tạo ra. Quyết định làm điều gì đó hay không đều tùy thuộc vào bản thân mỗi người. – Phải luôn luôn tự tin vào chính mình. Mỗi con người là một nguyên bản, duy nhất và đáng tôn trọng. Hãy sống với con người thật và ước mơ đích thực của mình. |
2,0 | |
II | LÀM VĂN | 14,0 | |
1 | Viết bài văn (khoảng 400 chữ) để thuyết phục mình và mọi người lắng nghe lời thì thầm của trái tim | 4,0 | |
Yêu cầu chung | |||
– Câu hỏi hướng đến việc đánh giá năng lực, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản để bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình. – Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
|||
Yêu cầu cụ thể | |||
1. Giải thích – Lời thì thầm của trái tim: là tiếng nói bên trong của con người, những điều mình mong muốn, ước mơ, khát vọng, tiếng nói yêu thương, thấu hiểu… – Lắng nghe lời thì thầm của trái tim là cách nói hình ảnh về việc phải nhận ra lẽ sống của đời mình và hãy sống là chính mình. |
0,5 | ||
2. Bàn luận Từ nhận thức và trải nghiệm của bản thân, thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ riêng. Tuy nhiên, dù suy nghĩ theo hướng nào cũng phải tập trung làm rõ yêu cầu: Vì sao nên lắng nghe lời thì thầm của trái tim? Điều đó có ý nghĩa gì? Làm thế nào để có thể lắng nghe lời thì thầm của trái tim? Việc lắng nghe lời thì thầm của trái tim có đối lập với cách sống bằng lí trí hay không?… |
2,5 | ||
3. Bài học nhận thức và hành động Từ nội dung bàn luận ở trên, thí sinh cần nêu được định hướng nhận thức và hành động phù hợp, ý nghĩa cho bản thân mình. |
1,0 | ||
2 | Cảm nhận bài thơ Tràng giang (Huy Cận), so sánh với bài thơ Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi) để làm sáng tỏ nhận định: Về thực chất, thơ là tiếng nói của tâm hồn… Lời thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư nhưng lại có ý nghĩa khái quát về con người, về xã hội, nhân loại, có giá trị thẩm mĩ và giá trị nhân văn sâu sắc, đủ làm nền tảng cho sự thông cảm lẫn nhau và phát triển đời sống nội tâm phong phú của con người. | 10,0 | |
Yêu cầu chung | |||
– Câu hỏi hướng đến việc đánh giá năng lực viết bài văn NLVH, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài. – Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng. |
|||
Yêu cầu cụ thể | 10,0 | ||
1. Giải thích nhận định | 2,0 | ||
* Cắt nghĩa nhận định – Thơ là tiếng nói của tâm hồn: Thơ thể hiện cảm xúc, tình cảm, tiếng nói nội tâm sâu kín. – Lời thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư nhưng lại có ý nghĩa khái quát về con người, về xã hội, nhân loại, có giá trị thẩm mĩ và giá trị nhân văn sâu sắc: Thơ là tiếng nói của nội tâm nhà thơ, nhưng qua đó vẫn toát lên những vấn đề của xã hội, thời đại, nghĩa là hướng đến những vấn đề chung của con người, tạo ra những rung động thẩm mĩ tích cực, gợi những tình cảm cao đẹp. – Nền tảng cho sự thông cảm lẫn nhau và phát triển đời sống nội tâm phong phú của con người: Thơ ca đem đến sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ giữa nhà thơ với người đọc, người đọc với người đọc; tạo nên sự phong phú trong thế giới tình cảm, cảm xúc của con người. => Nhận định đề cập đến đặc trưng cơ bản của thơ. Đồng thời cũng khẳng định ý nghĩa sâu xa của tiếng nói trữ tình trong thơ đối với con người và thời đại * Lý giải nhận định – Thơ là phương thức trữ tình, là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức, nơi nhà thơ chia sẻ, trút gửi tâm tư sâu kín, những giày vò và chấn động bên trong. Đối với nhà thơ, hoạt động sáng tạo thơ ca thực chất là sự giải phóng tâm hồn. Mặt khác, khi bộc bạch tâm tình của mình vào thơ, nhà thơ mong muốn có được sự đồng điệu, tri âm, thấu hiểu của người đọc để từ một người lan tỏa đến muôn người. Như thế, với nhà thơ, làm thơ vừa là thổ lộ, giãi bày tâm tình, vừa là tìm kiếm sự chia sẻ, đồng cảm. – Tình cảm trong thơ vừa mang tính cá thể, vừa có tính điển hình, vừa là nỗi lòng riêng, vừa là tiếng lòng chung. Bởi thế, khi đến với thơ, lắng nghe tiếng lòng của nhà thơ, người đọc tìm được sự chia sẻ, được khơi dậy những rung động, bồi đắp và tinh luyện tình cảm. |
0,25 0,25 0,25 0,75 0,5 |
||
2. Cảm nhận bài thơ Tràng giang (Huy Cận), so sánh với bài thơ Cảnh ngày hè(Nguyễn Trãi) để làm sáng tỏ nhận định | 7,0 | ||
a. Cảm nhận bài thơ Tràng giang của Huy Cận – Vài nét về nhà thơ Huy Cận và bài thơ Tràng giang – Bài thơ Tràng giang là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc riêng của Huy Cận. Toàn bộ bài thơ thấm đẫm nỗi buồn. Tràng giang là nỗi buồn có sắc thái riêng, là “cái buồn tỏa ra từ đáy hồn một người cơ hồ không biết tới ngoại cảnh”. Trong sự tương quan đối lập giữa không gian tràng giang bao la rợn ngợp với cái nhỏ bé của cõi nhân sinh, cảm giác cô đơn, lẻ loi của con người trước trời đất càng được tô đậm. – Tiếng nói trữ tình trong bài thơ Tràng giang có ý nghĩa khái quát, có giá trị thẩm mĩ và nhân văn. Tình cảm của nhà thơ được gợi ra một cách kín đáo, đó là nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn trước cuộc đời của một con người yêu đời, yêu quê hương đất nước. Tất cả hình ảnh hiện lên trong bài thơ, một dòng sông, một con thuyền, những bến bờ, cánh bèo trôi nổi đều góp phần tạo nên vẻ đẹp của bức tranh quê hương. – Tiếng nói trữ tình của bài thơ Tràng giang là nền tảng cho sự cảm thông lẫn nhau, phát triển nội tâm phong phú của con người. Huy Cận đã làm rung động tâm can người đọc bằng bài thơ Tràng giang, bởi nó gợi lên những suy nghĩ về nhân sinh, gợi tình yêu quê hương đất nước trong lòng mỗi người. – Bài thơ Tràng giang tiêu biểu cho đặc điểm phong cách thơ Huy Cận, với giọng thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, bút pháp cổ điển và hiện đại. Điều đó đã góp phần đưa Huy cận trở thành một trong những đỉnh cao thơ mới. |
0,5 1,5 1,0 1,0 0,5 |
||
b. So sánh với bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi * Vài nét về Nguyễn Trãi và bài Cảnh ngày hè * Trong những tháng ngày dài nhàn nhã “bất đắc dĩ” ở Côn Sơn, nhà thơ có lúc thấy vui trước cảnh vật mùa hè tưng bừng sức sống và kín đáo gửi vào những vần thơ tả cảnh một thoáng khát vọng mong cho dân giàu, nước mạnh. Bài thơ phản ánh tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước của một con người luôn lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Như thế, tâm sự riêng tư đã nhường chỗ cho niềm khát khao có ý nghĩa thời đại, mang giá trị nhân văn sâu sắc. |
0,5 1,5 |
||
c. Sự tương đồng và khác biệt – Tương đồng: Hai bài thơ đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước, những trăn trở về cuộc sống và con người. – Khác biệt: Bài thơ Tràng giang là tâm sự của cái tôi tiểu tư sản trong phong trào thơ mới trước sự cô đơn rợn ngợp. Bài thơ Cảnh ngày hè là tâm sự của một nhà nho hành động, bậc trượng phu hiên ngang như cây tùng, cây bách trước giông bão cuộc đời. |
0,25 0,25 |
||
3. Bình luận, đánh giá | 1,0 | ||
– Nhận định trên hoàn toàn đúng đắn về bản chất, chức năng cũng như tiếng nói trữ tình trong thơ. Thơ ca chân chính muôn đời luôn là điểm tựa tinh thần của con người. Chừng nào con người cần đến sự đồng cảm, sẻ chia, khi ấy, thơ ca sẽ còn ở lại. – Nhận định đó vừa là định hướng vừa là yêu cầu với sáng tác của nhà thơ. Đồng thời cũng định hướng về con đường tiếp nhận thơ ca từ đặc trưng thể loại. – Tràng giang và Cảnh ngày hè là những thi phẩm đẹp trong kho tàng thơ ca Việt Namvới những cảm xúc, tâm sự riêng tư nhưng lại có ý nghĩa khái quát về con người, về xã hội, nhân loại, có giá trị thẩm mĩ và giá trị nhân văn sâu sắc, làm nền tảng cho những cảm thông sâu sắc và làm phong phú tâm hồn con người. |
0,25 0,5 0,25 |
||
Điểm tổng cộng: 20,0 điểm |
Lưu ý chung:
- Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
- Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
- Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
- Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
- Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.