Đề thi văn 11 Bài hát Một vòng Việt Nam, Rác thải nhựa – Thảm họa toàn cầu

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I-  NĂM HỌC 2023-2024

MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11

Thời gian làm bài: 90 phút

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Rác thải nhựa – Thảm họa toàn cầu

Theo thống kê của tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường – SPREP, mỗi năm nhân loại sử dụng 5 triệu tỷ tấn túi nilon. Riêng ở Mỹ, khối lượng túi nilon được sản xuất và sử dụng là 100 tỷ tấn. Những chiếc túi tưởng như quen thuộc và vô hại, thường được làm từ polyethylene, cần phải có nhiên liệu hóa thạch để sản xuất. Để tạo ra 14 chiếc túi nilon, nhà sản xuất cần lượng nhiên liệu tương đương cần thiết để lái chiếc xe 1 dặm. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chỉ đơn giản là dùng túi nilon một lần rồi thải ra môi trường. Mỗi tấn túi nilon được tái chế sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tương đương với 11 thùng dầu, nhưng chúng ta chỉ tái chế khoảng 1% số lượng túi nilon sử dụng mỗi năm. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia quản lý môi trường cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank), rác thải nhựa đại dương phần lớn xuất phát từ lục địa, nên để giảm thiểu rác thải nhựa, nhất thiết phải thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi nhất. Ai cũng biết công dụng và mức độ tiện lợi của túi nilon, nhưng không phải ai cũng nhận thức được vòng đời của chúng sau khi bị con người bỏ vào thùng rác. Những chiếc túi ấy sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc bị thổi bay ra môi trường xung quanh, hòa vào những loại rác thải nhựa mà chúng ta vứt bỏ mỗi năm. Khoảng 10% tổng số rác thải nhựa này sẽ trôi ra biển. Ước tính có khoảng 300 triệu túi nhựa mỗi năm trôi dạt trên vùng biển Đại Tây Dương, trong số hàng triệu tấn nhựa được sản xuất gây ô nhiễm đại dương trên toàn cầu mỗi năm. Ở rãnh Mariana – nơi sâu nhất dưới đáy đại dương (độ sâu khoảng 10.975m), túi nilon cũng đã được tìm thấy. Tuy nhiên, hiện nay chính xác có bao nhiêu túi nilon ở đại dương là câu hỏi rất khó để trả lời.

Các nhà khoa học đã ghi nhận tác động tiêu cực của túi ni lông và các loại ô nhiễm nhựa khác trong đại dương. Kể cả tồn tại ở dạng túi ni lông hay hạt vi nhựa, rác thải nhựa đại dương đều tiềm ẩn mối đe dọa với hệ sinh thái biển, gồm các động thực vật hoang dã dưới lòng biển cùng sức khỏe con người. Động vật hoang dã, chẳng hạn như rùa biển, có thể chết hoặc bị thương nếu vướng vào rác thải nhựa, trong đó có các loại túi nilon. Rất nhiều loài động vật biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa, từ chim đến rùa, cá voi và các loại sinh vật biển khác. Chúng ăn phải rác thải nhựa vì lầm tưởng là con mồi, rồi chết đói do nhựa tích tụ trong hệ tiêu hóa của chúng. Ăn phải nhựa cũng dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề vận động đối với nhiều động vật có vú trên biển và các sinh vật khác. Năm 2019, các nhà khoa học phát hiện một chú cá voi bị chết và trôi dạt vào vùng biển Midanao (Philippines). Nguyên nhân được cho là bị mất nước và đói sau khi nuốt vào bụng hơn 40kg các loại túi nilon, gồm 16 bao tải gạo, vỏ ngũ cốc và các loại nhựa tổng hợp.

(Xác một chú chim trên đảo Midway Atoll tại khu vực Thái Bình Dương)

Tuy nhiên, tác hại của nhựa không chỉ dừng ở mức gây nguy hại đến sức khỏe đơn thuần. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ô nhiễm nhựa đại dương có thể gây ra biến đổi khí hậu. Năm 2019, Trung tâm Luật môi trường quốc tế (CIEL) ước tính quá trình sản xuất và đốt rác thải nhựa sẽ thải ra thêm 850 triệu tấn khí nhà kính vào bầu khí quyển – tương đương với khối lượng khí thải của 189 nhà máy nhiệt điện than. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 2,8 triệu tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm – tương đương của 615 nhà máy nhiệt điện than…

(Trích từ bài viết của tác giả Hồng Nam, theo https://vtc.vn/rac-thai-nhua-dai-duong-moi-de-doa-cua-toan-nhan-loai-ar702209.html, 03/10/2022)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Tác giả đã chỉ ra rác thải nhựa là thảm hoạ toàn cầu, điển hình là loại rác thải nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Nêu cách trình bày thông tin của đoạn văn sau: “Các nhà khoa học đã ghi nhận… nhà máy nhiệt điện than…” (0,5 điểm)

Câu 4. Chỉ ra bố cục của văn bản. Bố cục ấy có mối quan hệ như thế nào với nhan đề của văn bản? (1,0 điểm)

Câu 5. Các yếu tố hình thức nào được sử dụng trong văn bản? Các yếu tố ấy đã hỗ trợ như thế nào cho việc biểu đạt thông tin chính của văn bản? (1,0 điểm)

Câu 6. Nêu suy nghĩ của em về hai chi tiết: “Năm 2019, các nhà khoa học phát hiện một chú cá voi bị chết và trôi dạt vào vùng biển Midanao (Philippines). Nguyên nhân được cho là bị mất nước và đói sau khi nuốt vào bụng hơn 40kg các loại túi nilon, gồm 16 bao tải gạo, vỏ ngũ cốc và các loại nhựa tổng hợp.” và hình ảnh xác một chú chim bụng chứa đầy rác thải nhựa trên đảo Midway Atoll tại khu vực Thái Bình Dương. (1,0 điểm)

Câu 7. Em có đồng tình với nhận định: “Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi nhất.” không? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 8. Bài học ý nghĩa nhất mà em rút ra sau khi đọc văn bản trên là gì? (0,5 điểm)

II.VIẾT (4,0 điểm)

Viết một văn bản nghị luận phân tích giá trị đặc sắc của bài hát sau:

 

Ai đã ghim vào những thân tre
Bao ký ức xót xa hỡi mẹ
Ai đã ru ngủ những dòng sông
Cùng êm ả chảy về hướng đông
Con đã vẽ hình hài quê hương
Qua những khúc hát ru của mẹ
Còn bao nhiêu lời ru con vẫn
Chưa được nghe?
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm
Mặc lửa khói dày xéo tháng năm
Người Việt Nam da nâu mắt đen
Thảo thơm bất khuất như cành sen
Việt Nam ơi quê hương ta ơi?
Biển lúa chín vàng thơm ngát trời
Vọng tiếng ai hò?
Vì nhớ con đò, à ơi
Dậy với tôi nào
Dạo với tôi nào
Dạo khắp một vòng Việt Nam
Nhìn non sông trời văn, đất võ
Cùng với tôi nào

Dạo với tôi nào
Dạo khắp một vòng Việt Nam

Come with me! We’ll travel around Viet Nam.

 

(Một vòng Việt Nam – Sáng tác: Đông Thiên Đức)

 

HẾT!

 ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I-  NĂM HỌC 2023-2024

MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Phương thức thuyết minh

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0,5
  2 Tác giả đã chỉ ra rác thải nhựa là thảm hoạ toàn cầu, điển hình là túi nilon

 Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được/ trả lời không đúng như đáp án: 0 điểm

0,5
  3 Cách trình bày thông tin của đoạn văn sau: “Các nhà khoa học đã ghi nhận… nhà máy nhiệt điện than…” là mối liên hệ giữa ý chính và nội dung chi tiết hoặc ý chính và nội dung chi tiết.

 Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0,5
  4 –         Bố cục của văn bản:

+ “Theo thống kê…khó để trả lời”: Thực trạng/ Hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa, điển hình là túi nilon gây ô nhiễm môi trường biển.

+ “Các nhà khoa học…nhiệt điện than”: Tác hại khôn lường của rác thải nhựa.

–         Bố cục thể hiện sự chi tiết, làm rõ nội dung khái quát ở nhan đề “Rác thải nhựa – Thảm hoạ toàn cầu

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời 2 phần tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– HS trả lời 1 phần tương đương như đáp án:  0,5 điểm

– HS trả lời được 1 ý phần bố cục: 0,25 điểm

HS trả lời thiếu ý phần mối quan hệ với nhan đề: 0,25 điểm

1,0
  5 –         Các yếu tố hình thức được sử dụng trong văn bản: nhan đề (Rác thải nhựa – Thảm họa toàn cầu), số liệu (5 triệu tỷ tấn, 10.975m..), hình ảnh xác một chú chim trên đảo Midway Atoll tại khu vực Thái Bình Dương.

–         Các yếu tố ấy đã hỗ trợ cho việc biểu đạt thông tin chính của văn bản như sau: nhan đề làm nổi bật nội dung chính, giúp người đọc có cơ sở tiếp nhận nội dung văn bản; số liệu giúp thông tin của văn bản được xác thực, rõ ràng; hình ảnh minh hoạ trực quan làm thông tin trở nên rõ ràng, sinh động, dễ hình dung.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời được 2 – 3 yếu tố hình thức và nêu ví dụ được: 0,5 điểm

(HS có thể đưa ra ví dụ về số liệu khác vẫn chấp nhận)

– HS trả lời thiếu 1 yếu tố: trừ 0,25 điểm

– HS trả lời vai trò của 2 – 3 yếu tố tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– HS trả lời thiếu vai trò của 1 yếu tố: trừ 0,25 điểm

– Nếu HS trả lời vai trò chung cho cả 2 – 3 yếu tố: tuỳ theo câu trả lời của HS mà GV cho điểm phù hợp.

1,0
  6 HS trình bày suy nghĩ về hai chi tiết.

Hướng dẫn chấm:

– HS nêu được suy nghĩ phù hợp, có sáng tạo:0,75 – 1,0 điểm

– HS nêu suy nghĩ phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 – 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1,0
  7 HS trình bày ý kiến về nhận định của đề.

Hướng dẫn chấm:

– HS nêu được ý kiến và trình bày lý do hơp lí, thuyết phục: 0,75 – 1,0 điểm

– HS nêu được ý kiến phù hợp nhưng diễn đạt chưa thuyết phục: 0,25 – 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời thiếu lí do: 0 điểm

1,0
  8 HS nêu bài học rút ra sau khi đọc văn bản.

Hướng dẫn chấm:

– HS nêu được bài học phù hợp, diễn đạt tốt: 0,5 điểm

– HS nêu được bài học phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0,5
II   VIẾT 4,0
    a.      Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận phân tích giá trị đặc sắc của một tác phẩm nghệ thuật (bài hát)

Hướng dẫn chấm: không cho điểm phần này nếu bài văn thiếu mở bài/thân bài/kết bài.

0,5
          b.   Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Làm rõ giá trị nội dung và một số nét đặc sắc nghệ thuật của bài hát.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

0,5
          c.   Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận (tên bài hát, tác giả, khái quát nội dung, ý nghĩa của bài hát hoặc nêu định hướng của bài viết).

Thân bài:

+ Nêu khái quát giá trị đặc sắc của bài hát

+ Trình bày tóm tắt nội dung của bài hát

+ Phân tích, đánh giá giá trị đặc sắc về nội dung của bài hát; trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về bài hát. Có bằng chứng tin cậy lấy từ bài hát.

+ Phân tích, đánh giá giá trị đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài hát (giai điệu, ca từ có sử dụng biện pháp tu từ, hình ảnh…).

Kết bài: Khẳng định giá trị của bài hát hoặc nêu ý nghĩa của bài hát đối với bản thân/người đọc.

Hướng dẫn chấm:

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữ lí lẽ và dẫn chứng (2,0 điểm).

– Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (1,25 điểm).

– Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,5 điểm).

Học sinh chỉ cần trình bày được hơn một nửa trong mỗi luận điểm hoặc có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải thuyết phục, phù hợp với yêu cầu của đề và chuẩn mực của đạo đức, pháp luật.

2,0
          d.   Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,5
    e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *