Đề thi thử THPT quốc gia Ngữ Văn 12

Đề thi thử THPT quốc gia Ngữ Văn 12 có đáp án
PHẦN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN ( 4đ)
HS đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Hỏi

(Hữu Thỉnh)

Tôi hỏi đất:

Đất sống với đất như thế nào?

Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:

Nước sống với nước như thế nào ?

Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi cỏ:

Cỏ sống với nhau như thế nào?

Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời

Tôi hỏi Người:

– Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi Người:

– Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi Người:

– Người sống với người như thế nào?

( Trích “Thư gửi mùa đông”, 1992 )
Câu 1: Trong văn bản trên kiểu câu nào được sử dụng nhiều nhất ? Tác giả đã hướng đến những đối tượng cụ thể nào ?
Câu 2: Em hiểu như thế nào về lối sống “tôn cao nhau” của đất, “làm đầy nhau” của nước và “đan vào nhau” của cỏ ?
Câu 3: Từ lối sống của đất, nước và cỏ là nền tảng để nhà thơ suy ngẫm về lối sống của con người. Như vậy, Hữu Thỉnh đã sử dụng biện pháp tu từ nghệ thuật nào?
Câu 4: Tại sao Hữu Thỉnh lại đặt tên văn bản là “Hỏi” ? Em hãy phát biểu ngắn gọn chủ đề của tác phẩm ?
Câu 5: Hình thức cấu trúc của tác phẩm là đối thoại hay độc thoại ?
Câu 6: Viết một đoạn văn ngắn trả lời câu hỏi của Hữu Thỉnh “Người sống với người như thế nào ?”
PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu sau :
Câu 1 : Con người chỉ có một cuộc đời để làm điều mình mong muốn…
Viết một bài văn trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề trên.
Câu 2 : Những giật mình vỡ lẽ của nhân vật Phùng và Đẩu từ câu chuyện cuộc đời của người đàn bà hàng chài trong «chiếc thuyền ngoài xa» của Nguyễn Minh Châu
———————————- Hết ——————————-
PHẦN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Đáp án
1.
– Kiểu câu hỏi. Có 6 câu hỏi -> Hỏi là cách nhà thơ khắc khoải, day dứt về cuộc đời, con người0.25
– Đối tượng hỏi: Đất, nước, cỏ và con người0.25
2.- Đất sống “tôn cao nhau”: nâng đỡ, nương tựa tạo ra sự vững trãi trước những thử thách nghiệt ngã 0.25
– Nước sống “làm đầy nhau”: hợp lưu lấp đầy, khỏa lấp những khoảng trống, mềm mại, linh hoạt0.25
– Cỏ sống “đan vào nhau”: hòa hợp, vươn xa, tạo thành một chân trời rộng lớn0.25
3.
– Biện pháp ẩn dụ, nhân hóa0.5
4.- Nhan đề: Hỏi là hoài nghi, thắc mắc, muốn tìm lời giải đáp. Với Hữu Thỉnh, hỏi là cách tác giả muốn đối thoại về lối sống của con người, vật vã, trăn trở cho lối sống của con người hiện đại0.25
– Chủ đề: Từng sự vật đều có cách sống riêng. Vậy con người sống theo đúng nghĩa của nó phải sống như thế nào?0.2
5.
– Đối thoại: hỏi đất, nước, cỏ -> hỏi con người, cuộc đời0.25
– Độc thoại: Con người hỏi chính bản thân mình để chiêm nghiệm, nghiêm túc cho mình một câu trả lời.0.25
6.
– Trong văn bản, “Người sống với người như thế nào” lặp đi lặp lại 3 lần, lần nào cũng khắc khoải, đau đáu mà ko có một câu trả lời chính xác
Kết thúc như vậy tạo ấn tượng mạnh. Tác giả đã gieo vào lòng người câu hỏi suy nghiệm đòi hỏi mỗi người cần nghiêm túc trả lời
– Người sống với người thế nào? Câu trả lời chính là “tôn cao nhau”, “làm đầy nhau”, “đan vào nhau” -> nghĩa là sống đẹp, có ý nghĩa. 1.0
PHẦN VIẾT (6 điểm)
Câu 1.
Yêu cầu về kĩ năng
Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, kết cấu chặt chẽ, luận điểm thuyết phục, diễn đạt lưu loát, ít mắc các lỗi: chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức
TS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu bật được các ý chính sau:
Vấn đề nghị luận: con người, đặc biệt là tuổi trẻ có dám sống hết mình với những điều mình mong muốn, yêu thích say mê. (1.0 đ)
Thực trạng: (2.0 đ)
+ Cuộc sống là của chính mình. Nhưng con người lại đang đánh mất ý nghĩa sống đích thực là sống đúng với con người mình, làm những việc mình yêu thích, dám thử thách, không quyết đoán…
+ Ngày càng nhiều bạn trẻ sống vay, sống mượn, không sống cho đam mê của chính mình, không sống thật với con người mình…
Nguyên nhân: Áp lực của gia đình, mối quan hệ bạn bè, môi trường sống… (1.5 đ)
Bình luận: mỗi người chỉ có một cuộc đời, không sống cho chính mình, sống thực với con người mình -> chúng ta sẽ đánh mất các giá trị tốt đẹp của cuộc sống. (1.0 đ)
– Liên hệ bản thân: Dám sống hết mình với ước mơ, khát vọng, cuộc sống cần bản lĩnh, sự quyết đoán và cũng cần có niềm tin vào bản thân… (0.5 đ)
Câu 2.
Yêu cầu về kĩ năng
TS biết làm bài nghị luận văn học có kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn viết có cảm xúc, ít mắc các lỗi: chính tả, dùng từ, ngữ pháp
Yêu cầu về kiến thức
TS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được những nội dung có bản sau:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
– Tình huống truyện có tính nhận thức trước một hiện tượng nghịch lí của cuộc sống. Nghệ sĩ Phùng đến vùng biển miền Trung để chụp một bức ảnh làm lịch. Tại đây, anh ta đã chup được hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa tuyệt đẹp. Nhưng ngay sau đó, khi chiếc thuyền ngoài xa kia tiến vào gần bờ, anh ta chứng kiến nghịch cảnh: chồng đánh vợ, con đánh bố…
– Cuộc đời éo le, số phận bất hạnh và phẩm chất tốt đẹp của người đàn bà hàng chài: lúc nhỏ bị lên đậu nên mặt chị ta rỗ, xấu xí. Cuộc đời thuyền chài lênh đênh, đói nghèo, có tháng ăn xương rồng luộc chấm muối. bị chồng đánh đập tàn nhẫn…nhưng vì con, thương và thấu hiểu chồng nên chị ta cam chịu, nhẫn nhịn.
– Những giật mình, vỡ lẽ của Phùng và Đẩu (Nhận thức ):
Với Phùng:
+ Cái đẹp của ngoại cảnh có thể che khuất cái xấu của đời sống; cái xấu cũng có thể làm cái đẹp bị khuất lấp – vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài: thương con, giàu đức hi sinh, nhẫn nhịn, thấu hiểu chồng. vẻ đẹp ấy bị cảnh bạo hành, bị sự khó nhọc của cuộc sống che mờ
+ Để hiểu được sự thật đời sống thì không thể có cái nhìn đơn giản, một chiều dễ dãi, mà người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều
Với Đẩu:
+ Đằng sau cái vô lí là cái có lí: việc người đàn bà hàng chài cam chịu bị hành hạ là vô lí, nhưng những lí do chị ta không muốn bỏ chồng lại là có lí. Những việc tưởng chừng đơn giản lại rất phức tạp: ban đầu, Đẩu tưởng li hôn và cách giải quyết dứt điểm, nhưng qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài, anh nhận ra họ có nhiều rang buộc phức tạp hơn nhiều
+ Muốn giải quyết những vấn đề của cuộc sống không chỉ dựa vào thiện chí, pháp luật, lí thuyết sách vở mà phải hiểu cuộc sống và cần có giải pháp thiết thực
(đề sưu tầm)
Đây là đề thi soạn theo cấu trúc cũ, các em vào link này để xem thêm  những đề soạn theo cấu trúc năm nay: Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án
Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *