Đề thi thử nghiệm, kì thi THPT Quốc gia môn văn. Bộ đề thi thử kì thi THPT Quốc gia môn văn có đáp án, tổng hợp tài liệu ôn thi dành cho học sinh lớp 12
Phần đọc hiểu: (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Hằng đêm, hàng trăm bạn trẻ gác lại công việc của mình để đến với những lớp học miễn phí tại nhà mở, mái ấm hay trong nhà chùa giúp các em không may mắn. Những gia sư không lương này tâm niệm: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Từ ý tưởng “Thay đổi xã hội từ những điều nhỏ nhất”,dự án Gia sư tình nguyện , do bạn Hồ Diên Tuấn Anh, 23 tuổi, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Thành Phố Hồ Chí Minh khởi xướng, hoạt động được một năm qua. Ban đầu chỉ có 3 thành viên dạy học miễn phí cho các em ở các nhà mở, mái ấm, ở chùa; các em có hoàn cảnh khó khăn, sau gần 4 tháng, hoạt động có ý nghĩa này thu hút hơn 500 bạn trẻ tham gia.
(Theo Văn Hiếu- Báo Tiền phong).
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên? ( 0.5 điểm)
Câu 2: Xác định nội dung của văn bản trên? ( 0.5 điểm)
Câu 3: Em hiểu như thế nào về ý tưởng “Thay đổi xã hội từ những điều nhỏ nhất” được nói đến trong văn bản? ( 1.0 điểm)
Câu 4: Việc làm trên của các bạn trẻ là biểu hiện và là sự tiếp nối truyền thống gì của dân tộc tộc Việt Nam? ( 1.0 điểm)
Phần làm văn (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của lối sống “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” được gợi ra từ đoạn trích phần Đọc – hiểu.
Câu 2 (5.0 điểm)
Về hình tượng cây xà nu trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, Sách Giáo viên Ngữ văn 12 nâng cao (tập 2, NXB Giáo dục, năm 2008, trang 39) có viết: “…Xà nu trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của nhân dân làng Xô Man”.
Anh (chị) hãy phân tích hình tượng cây xà nu để làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đáp án :
1. Phong cách ngôn ngữ báo chí 0.5
2. Nội dung: Văn bản kể về một việc làm từ thiện của một nhóm cựu sinh viên. Họ mở lớp dạy học miễn phí cho các trẻ em nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn ở các nhà mở, mái ấm hay ở chùa. Tính đến nay việc làm đó đã thu hút được hơn 500 bạn trẻ tham gia. Những gia sư không lương này luôn tâm niệm “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
0,5
3. Ý tưởng “thay đổi xã hội từ những điều nhỏ nhất” có thể xem là mục đích, động cơ hành động vô cùng cao đẹp của những bạn trẻ. Bằng việc làm nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa của mình, họ đã giúp cho những trẻ em nghèo, thiếu may mắn có cơ hội được học tập và trưởng thành như bao bạn bè cùng trang lứa. Việc làm đó đã đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội, góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn và chắc chắn nó sẽ còn lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. 1,0
4. Việc làm trên của các bạn trẻ là biểu hiện của tấm lòng hảo tâm, nhân đạo, vị tha cao đẹp; là sự tiếp nối truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “tương thân tương ái’, lá lành đùm lá rách”, “thương người như thế thương thân”. Truyền thống đó cần được phát huy và nhân rộng trong xã hội hiện nay.
1,0
Phần 2
Câu 1 :
* Yêu cầu về hình thức: Viết một đoạn văn, có câu chủ đề, trình bày mach lạc, lô gic
* Yêu cầu về nội dung: Làm nổi bật vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết của lối sống biết cống hiến trong xã hội hiện đại “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
1.Giải thích:
– Mô tả lại câu chuyện
– Ý nghĩa của câu chuyện: Thể hiện tấm lòng hảo tâm của các bạn trẻ khi tự nguyện cống hiến tài năng, sức lực của mình để giúp đỡ những trẻ em nghèo, bất hạnh trong xã hội. Việc làm ấy đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
2. Phân tích, bình luận ý kiến:
– Thái độ sống “sống là cho”, cho đi nghĩa là nhận lại được thể hiện trên những phương diện sau:
+ Cống hiến những thứ mà mình có cho người khác: vật chất, tài năng, sức lực, tình cảm….
+ Hi sinh những lợi ích của bản thân vì lợi ích của người khác trên tinh thần tự nguyện. ( Dẫn chứng)
– Tại sao trong xã hội cần có những tấm lòng biết nghĩ về người khác?
+ Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, con người không thể tồn tại nếu chỉ sống vị kỉ mà không biết nghĩ đến người khác.
+ Xã hội sẽ không thể phát triển nếu mỗi cá nhân chỉ lo xây dựng hạnh phúc, tạo dựng lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của người khác.Chỉ khi con người biết nghĩ về người khác , biết cống hiên thì mới có thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
+ Đạo lí truyền thống của dân tộc là lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân, là đạo lí cao đẹp từ ngàn đời nay. Mỗi người cần ghi nhớ và phát huy. ( Dẫn chứng)
– Trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, con người sống thực dụng hơn, nghĩ về bản thân nhiều hơn, một lối sống biết cống hiến, biết cho đi lại càng vô cùng có ý nghĩa, càng cần thiết để làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
– Một lối sống vì người khác là một lối sống đẹp, tuy nhiên cũng không phải chỉ hoàn toàn nghĩ đến người khác mà quên đi cá nhân mình. Cần biết dung hòa hai lối sống để có được lối sống tích cực mà có ý nghĩa nhất.
3. Bài học nhận thức và hành động:
– Hướng tới một lối sống biết cho đi là nhận lại.
– Thực hiện những hành động cụ thể trong cuộc sống đời thường để thể hiện lối sống tốt đẹp đó.
– Bài học nhận thức, hành động cho bản thân.
Câu 2 :
Yêu cầu về kĩ năng: học sinh biết viết một bài văn nghị luận văn học có bố cục đầy đủ; sử dụng các thao tác phân tích, chứng minh, bình luận…; diễn đạt mạch lạc, logic… 0.5
Yêu cầu về kiến thức: 4.5
Giới thiệu chung 0,5
– Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, tác phẩm của ông mang đậm cảm hứng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
– Rừng xà nu được sáng tác mùa hè năm 1965, tác phẩm đã xây dựng thành công hình tượng cây xà nu “…Xà nu trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của nhân dân làng Xô Man.”
Phân tích hình tượng cây xà nu để làm sáng tỏ nhận định 4,0
a. Vai trò, vị trí của cây xà nu đối với đời sống của dân làng Xôman 0,5
– Vị trí: Là hình tượng lớn, xuyên suốt tác phẩm: Nhan đề, xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, xuất nhiện ở đầu và cuối tác phẩm. Có khoảng 20 lần nhà văn nói tới cây xà nu, nhựa xà nu, khói xà nu, đồi xà nu…
– Vai trò: cây xà nu găn bó mật thiết với dân làng Xô Man; gắn với những sinh hoạt trong đời sống hằng ngày và xuất hiện ở trong những sự kiện trọng đại của dân làng, nó còn thấm sâu vào nếp nghĩ, nếp cảm của người dân .Là hình tượng nghệ thuật thể hiện chủ đề và nội dung tư tưởng của tác phẩm. 0,25
0,25
b. Vẻ đẹp tự nhiên của cây xà nu 1,5
– Là loài cây lớn, đông đảo và hùng vĩ, bao phủ một vùng rộng lớn của mảnh đất Tây Nguyên: Cả rừng xà nu hàng vạn cây; đến hút tầm mắt cũng không nhìn thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
– Cánh rừng xà nu có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của dân làng, che chở cho dân làng: Ba năm qua rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho dân làng .
– Loài cây có sức sống mạnh mẽ, kiên cường, bất diệt và khả năng sinh sôi mãnh liệt. Dưới làn đạn của kẻ thù, rừng xà nu vẫn sinh sôi nảy nở . Trong rừng ít có cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây Xà nu mới ngã ngục, đã có bốn năm cây con mọc lên… lao thẳng lên bầu trời.
– Là loài cây ham ánh sáng, luôn vươn ra ánh sáng, hướng tới sự sống, qua đó phô ra tất cả những vẻ đẹp của tầm vóc, sắc màu và hương thơm: Cũng ít loại cây nào ham ánh sáng mặt trời đến thế…thơm mỡ màng. 0,25
c. Cây xà nu biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của nhân dân làng Xô Man 2,0
– Biểu tượng cho những mất mát, đau thương vô bờ mà dân làng Xô man nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung đã phải chịu đựng trong cuộc chiến đấu chống quân thù.
– Biểu tượng cho khối đoàn kết, gắn bó của dân làng Xôman trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Biểu tượng cho tình cảm, lòng yêu thương của dân làng Xô man. Họ đã mang tất cả lòng yêu thương, căm thù và sức mạnh để nuôi dưỡng, bảo vệ, che chở cho Tnú.
– Biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, ý chí, nghị lực , sự bất khuất kiên cường, lòng quyết tâm và sự tiếp nối nhiều thế hệ của dân làng Xôman trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Trong bom đạn, các thế hệ người dân Xôman đã nối tiếp nhau, sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù: Cụ Mết – Bà Nhan, anh Xút – Tnú, Mai – Dít – Bé Heng…Thế hệ này ngã xuống, thế hệ sau lại bất khuất đứng lên, rồi từ những đau thương mất mát tích tụ, họ đã vùng dậy quật khởi bằng sức mạnh đoàn kết vô song.
– Biểu tượng cho khát vọng tự do, niềm tin và thái độ luôn hướng tới ánh sáng cách mạng, lí tưởng của Đảng, đi theo cách mạng của dân làng Xô man .
Đánh giá 0,5
– Hình tượng xà nu là hình tượng trung tâm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, là một ẩn dụ biểu tượng, là hình tượng sóng đôi, soi chiếu vào con người Tây Nguyên anh hùng trong kháng chiến chống Mĩ.
-Rừng Xà nu, cây Xà nu là hình tượng thẩm mĩ đặc sắc, giàu ý nghĩa đã được nhà văn Nguyễn Trung Thành khắc họa bằng tất cả những tình cảm gắn bó, lòng yêu thương, sự trân trọng của một nhà văn cách mạng.
– Hình tượng cây xà nu góp phần làm nổi bật màu sắc sử thi của tác phẩm
– Nghệ thuật: phép lặp, ẩn dụ, nhân hoá, phép liên tưởng ứng chiếu song hành, xà nu vừa là đối tượng miêu tả, vừa là phương tiện biểu hiện
Xem thêm :Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn theo cấu trúc mới :http://vanhay.edu.vn/tag/de-thi-thpt-quoc-gia-ngu-van
Xem thêm : Tổng hợp những đề thi về bài Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành :http://vanhay.edu.vn/tag/rung-xa-nu