Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn, đề số 68

Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn văn. Bộ đề thi thử soạn theo cấu trúc mới
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2016-2017 MÔN NGỮ VĂN 12
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4
Chúng ta vẫn thường nghe một người tằn tiện phán xét người khác là phung phí. Một người hào phóng đánh giá người kia là keo kiệt. Một người thích ở nhà chê bai kẻ khác bỏ bê gia đình. Và một người ưa bay nhảy chê cười người ở nhà không biết hưởng thụ cuộc sống… Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng đôi khi phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng. [….]Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thể thôi sợ hãi, và thử nghe theo chính mình?

(Lắng nghe lời thì thầm của trái tim – Phạm Lữ Ân)

Câu 1: Văn bản trên chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0.5 điểm)
Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản? (1 điểm)
Câu 3: Giải thích nghĩa của từ “định kiến” trong văn bản trên? (0.5 điểm)
Câu 4: Dựa vào đoạn trích, hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng “đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng” ? (1 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến của tác giả được nêu trong đoạn trích ở phần đọc – hiểu: “Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều”
Câu 2 (5.0 điểm): Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Tnú trong đoạn trích sau:

Tnú không cứu sống được Mai.
– Ừ, Tnú không cứu sống được mẹ con Mai…
Tiếng ông cụ Mết vẫn trầm và nặng. Ông cụ vụng về trở tay lau một giọt nước mắt. Bỗng nhiên ông cụ nói to lên :
-Tnú không cứu được vợ con. Tối đó Mai chết. Còn đứa con thì đã chết rồi. Thằng lính to béo đánh một cây sắt vào ngang bụng nó, lúc mẹ nó ngã xuống không kịp che cho nó. Nhớ không, Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó tau đứng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mày bằng dây rừng. Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không. Tau không ra, tau quay đi vào rừng, tau đi tìm bọn thanh niên. Bọn thanh niên thì cũng đã đi vào rừng, chúng nó đi tìm giáo mác. Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu : Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo !…
Chúng nó trói chặt Tnú bằng dây rừng, khiêng ném vào góc nhà ưng rồi kéo đi ăn thịt con heo của anh Brôi.
Tnú nằm trong góc nhà. Bóng tối đã dày đặc. Anh suy nghĩ, ngạc nhiên tự thấy mình rất bình thản:
“Đứa con chết rồi. Mai chắc cũng chết rồi, Tnú cũng sắp chết. Ai sẽ làm cán bộ? Đến khi có lệnh Đảng cho đánh, ai sẽ làm cán bộ lãnh đạo dân làng Xô Man đánh giặc? Cụ Mết đã già. Được, còn có bọn thanh niên. Rồi con Dít sẽ lớn lên. Con bé ấy vững hơn cả chị nó. Không sao…Chỉ tiếc cho Tnú, Tnú không sống được tới ngày cầm vũ khí đứng dậy với dân làng”…
Thằng Dục không giết Tnú ngay. Nó đốt một đống lửa lớn ở nhà ưng, lùa tất cả dân làng tới, cởi trói cho Tnú, rồi nói với mọi người:
– Nghe nói chúng mày đã mài rựa, mài giáo cả rồi, phải không? Được, đứa nào muốn cầm rựa, cầm giáo thì coi bàn tay thằng Tnú đây.
Nó hất hàm ra hiệu cho thằng lính to béo nhất. Chúng nó đã chuẩn bị sẵn cả. Thằng lính mở túi se lấy ra một nhúm giẻ đã tẩm dầu xà nu. Nó quấn giẻ lên mười đầu ngón tay Tnú. Rồi nó cầm lấy một cây lửa. Nhưng thằng Dục bảo:
-Để đó cho tau.
Nó giật lấy cây lửa.
Tnú không kêu lên một tiếng nào. Anh trợn mắt nhìn thằng Dục. Nó cười sằng sặc. Nó gí cây lửa lại sát mặt anh:
– Coi kĩ cái mặt thằng cộng sản muốn cầm vũ khí này xem sao nào! Số kiếp chúng mày không phải số kiếp cầm giáo mác. Bỏ cái mộng cầm giáo mác đi, nghe không!
Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.
Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng.
Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: Người cộng sản không thèm kêu van…. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!

(Trích Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

HƯỚNG DẪN CHẤM – BIỂU ĐIỂM ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ II
MÔN NGỮ VĂN 12

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu Nội dung Điểm
1 Thao tác lập luận bình luận 0.5
2 – Cần tôn trọng sự khác biệt ở những người xung quanh mình
– Hãy làm chủ cuộc sống của mình, không nên để cuộc sống bị chi phối bởi các định kiến.
1.0
3 “Định kiến” là ý nghĩ riêng đã có sẵn, thường là không hay, khó có thể thay đổi được về một đối tượng nào đó. 0.5
4 “đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng” vì mỗi người đều có một cách sống riêng, quan điểm riêng…và không thể dùng cách sống này để làm cơ sở đánh giá một cách sống khác. 1.0
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu Nội dung Điểm
1 Trình bày suy nghĩ về ý kiến “Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều”
2.0
Yêu cầu chung:
Học sinh biết viết một đoạn văn nghị luận xã hội, đảm bảo đúng dung lượng quy định (khoảng 200 chữ); trình bày được hiểu biết suy nghĩ đúng đắn; hành văn chặt chẽ, trong sáng
Yêu cầu cụ thể
Đảm bảo đúng cấu trúc đoạn văn nghị luận, xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Không nên để định kiến của bản thân và của người khác chi phối cuộc sống của chúng ta. 0.5
Nội dung cần triển khai: 1.5
* Bàn luận về ý kiến:
– “Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ”
+ Định kiến có thể khiến con người mất đi khả năng nhìn nhận thực tế đủ chính xác.
+ Khi ta có định kiến về chính bản thân mình, chúng ta sẽ tự giới hạn mình lại, không dám vượt qua “vùng an toàn”-những thói quen mòn cũ, để khám phá cuộc sống và khám phá năng lực của mình.
+ Nếu ta có định kiến về người khác, ta có thể không thấy được những điều tốt đẹp của họ và điều đó có thể sẽ khiến ta không có cách cư xử tốt và đúng mực.
– “nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều”
+ Nhắm mắt tin theo những định kiến của người khác rất dễ khiến ta mất đi cách nhìn nhận của riêng mình, khó có thể đưa ra ý kiến đúng đắn, có thể làm nảy sinh các mâu thuẫn không đáng có với những người xung quanh.
+ Bị định kiến của người khác chi phối ta sẽ không dám sống thật với bản thân mình.
Chú ý: học sinh cần có dẫn chứng kèm theo
* Bài học nhận thức
Bớt đi định kiến chúng ta có thể làm giảm thiểu những lầm lẫn trong cuộc sống. Không để định kiến chi phối, ta sẽ sống công bằng và thanh thản hơn.
2 Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Tnú trong đoạn trích 5.0
Yêu cầu chung:
– Học sinh có khả năng tạo lập văn bản trên cơ sở cảm thụ một đoạn trích văn xuôi.
– Ý tứ sáng rõ, thuyết phục; bố cục chặt chẽ, mạch lạc; hành văn lưu loát trong sáng.
Yêu cầu cụ thể:
– Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học với đủ ba phần, các phần thực hiện đúng chức năng, xác định đúng vấn đề nghị luận
– Triển khai vấn đề nghị luận
1. Giới thiệu chung: Tác giả, tác phẩm, đoạn trích, nêu luận đề 0.5
2. Cảm nhận về nhân vật Tnú trong đoạn trích:
* Trong đoạn trích, Tnú là hiện thân cho vẻ đẹp của người anh hùng cách mạng
– Bị giặc bắt trói, trước cái chết cận kề, anh vẫn “bình thản” không sợ hãi, chỉ lo cho sự nghiệp cách mạng của buôn làng.
– Lúc giặc đốt mười đầu ngón tay, dù đau đớn tột cùng anh vẫn giữ vững bản lĩnh kiên cường bất khuất.
* Cuộc đời đau thương của Tnú là minh chứng cho tư tưởng “chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”
– Tnú phải trải qua nhiều bi kịch đau đớn : vợ con bị giặc giết, bản thân bị tra tấn dã man
– Nguyên nhân dẫn tới bi kịch: Tnú “chỉ có hai bàn tay trắng”, buôn làng chỉ có “hai bàn tay không”. Những bàn “tay trắng, tay không” không thể chống lại súng đạn và sự tàn bạo của kẻ thù…
– Bài học lịch sử rút ra từ cuộc đời đau thương của Tnú : “chúng nó…giáo”  phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Đó là con đường duy nhất và tất yếu.
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Kết hợp giữa việc miêu tả hành động, cử chỉ lời lẽ bên ngoài và những lời độc thoại nội tâm
– Ngôn ngữ và hành động của nhân vật mang đặc trưng của người Tây Nguyên.
– Giọng điệu trang trọng ngợi ca..
Sáng tạo 0.5
Chính tả, dùng từ, đặt câu 0.5
Lưu ý:
– Học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo những cách khác, nếu thuyết phục vẫn cho điểm tối đa.
– Khuyến khích những bài viết có sáng tạo, giàu chất văn

Đề sưu tầm

Xem thêm :Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn soạn theo cấu trúc mới :http://vanhay.edu.vn/tag/de-thi-thpt-quoc-gia-ngu-van

Tuyển tập những đề thi, những bài văn hay về bài Rừng xà nu : http://vanhay.edu.vn/tag/rung-xa-nu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *