Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn- đề số 67

Tài liệu luyện thi THPT Quốc gia môn văn. Bộ đề thi thử THPT Quốc gia soạn theo cấu trúc mới.Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn , đề số 69
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2016-2017
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút
           MỤC TIÊU ĐỀ KIỂM TRA:
– Thu thập thông tin để đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng theo tiến độ chương trình thi THPT Quốc gia.
– Đánh giá việc học sinh vận dụng kiến thức kĩ năng đã học.
– Cụ thể: Nhận biết, thông hiểu vận dụng các đơn vị tri thức:
+ Kiến thức về Tiếng Việt: Phép tu từ
+ Kiến thức văn học: Văn bản đọc hiểu; tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
+ Kiến thức về phương thức biểu đạt chính; Kĩ năng làm văn nghị luận văn học
HÌNH THỨC KIỂM TRA: Tự luận
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2016-2017
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút
*************
Phần I : Đọc hiểu (3.0 điểm)
        Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
          Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần – đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy sướt, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn.
        Bạn đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với người khác vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau. […]
        Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình […]
        Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. […]
        Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng. […]
        Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.
            (Trích bài phát biểu Sống trọn vẹn từng ngày của tổng giám đốc Tập đoàn Cocacola; Quà tặng cuộc sống)
Câu 1.   Xác định phương thức biểu đạt chính ? (0,5 điểm)
Câu 2.  Nêu và chỉ ra hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản? (0,75 điểm)
Câu 3. Vì sao khi so sánh mình với người khác lại là cách chúng ta hạ thấp mình? (0,75 điểm)
Câu 4. Anh, chị hiểu thế nào về câu sau: Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua (1,0 điểm)
Phần II: Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai.
Câu 2: (5,0 điểm)
Về hình tượng sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có ý kiến cho rằng: Sông Hương mang vẻ đẹp đầy nữ tính và rất mực đa tình.
Bằng hiểu biết về tác phẩm, anh (chị) hãy làm bình luận ý kiến trên.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2016-2017
Môn: NGỮ VĂN
Đọc hiểu
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
 
Chỉ ra được 2 biện pháp nghệ thuật chính:
+ So sánh (cuộc đời như một trò chơi tung hứng, công việc là quả bóng cao su, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần là những quả bóng bằng thủy tinh) =>
Lối so sánh hình tượng này tạo sự tương tác giữa các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.
+ Điệp cấu trúc (bạn … chớ để/ chớ đặt/ chớ quên….. ) khẳng định, nhấn mạnh ý thức, vai trò của bản thân trong cuộc đời.
 
– Khi đem ra so sánh mình với người khác, cả người so sánh và cả người bị đem ra so sánh đều bị tổn thương và không được tôn trọng
– Bởi vậy, hãy biết trân trọng những gì mình có bởi chúng ta là một cá nhân đặc biệt; chúng ta hãy sống cuộc sống trọn vẹn của chính mình.
 
– Cuộc đời không phải là một đường chạy thẳng liên tục và bằng phẳng để chúng ta có thể dễ dàng đến đích hay vội vàng băng qua.
– Cuộc đời là một lộ trình bao gồm nhiều chặng đường dài: có thể là chặng đường đang sống, có thể là chặng đường đã qua, cũng có thể là chặng đường ta định tới: có vui – buồn, có khổ đau – hạnh phúc, có thành công – thất bại, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt. Để có một cuộc đời trọn vẹn ta phải suy ngẫm “thưởng thức”, “nhấm nháp” lần lượt tất cả những điều đó.
Làm văn
Suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai.
Yêu cầu về kỹ năng: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (khoảng 20 – 30 dòng), xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành đoạn văn; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; khuyến khích sáng tạo; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
Yêu cầu về kiến thức:  Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách song cần đảm bảo một số ý chính sau:
1. Giải thích
– Để cuộc sống trôi qua kẽ tay: Lãng phí thời gian, tuổi trẻ, khiến cuộc sống buồn tẻ
– Đắm mình trong quá khứ: là tôn thờ quá khứ, coi quá khứ là những gì tốt đẹp nhất.
– Ảo tưởng về tương lai: vẽ ra tương lại rực rỡ như ý.
=> Nó là lời nhắc nhở mỗi bạn trẻ không nên lãng phí tuổi trẻ, lãng phí cuộc đời mình vì những điều đã qua hoặc những gì chưa tới mà phải sống hết mình với hiện tại, tận hiến, tận hướng để cuộc đời mình có ý nghĩa. ý kiến này là lời khuyên hết sức đúng đắn và ý nghĩa.
2. Bàn luận vấn đề
– Quá khứ là những gì đã qua, không bao giờ quay lại. Vì vậy nếu cứ đắm chìm trong quá khứ, ru mình giữa vinh quang hay đau khổ trách móc bản thân, nuối tiếc quá khứ ấy sẽ khiến chúng ta lãng quên, bỏ lỡ những cơ hội, những điều tốt đẹp hiện tại.
– Tương lai là cái chưa đến, sắp đến và sẽ đến. Tương lại phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của mỗi chúng ta ở hiện tại. Nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ, không ngừng phấn đấu ở hiện tại sẽ được hưởng thành quả trong tương lai.
– Sống, cống hiến, học tập và lao động cũng cần đi liền với hưởng thụ. Biết nâng niu, trân trọng những giá trị vật chất cũng như tinh thần của cuộc sống hiện tại cũng là điều quan trọng và cần thiết.
3. Bài học nhận thức và hành động
– Không chủ quan dựa vào quá khứ, không ảo tưởng trông chờ vào tương lai may mắn.
– Cống hiến hết mình cho hiện tại, xây dựng mục tiêu, kế hoạch cho tương lai
Câu 2 : Sông Hương mang vẻ đẹp đầy nữ tính và rất mực đa tình.
Yêu cầu về kỹ năng: đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận văn học; khả năng cảm thụ tốt; đảm bảo quy tắc chính tả, ngữ pháp; lập luận chặt chẽ; diễn đạt có cảm xúc…
Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, song cần đảm bảo một số ý chính sau:
*  Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích
1. Giải thích ý kiến :
– Vẻ đẹp nữ tính: Có những vẻ đẹp, phẩm chất của giới nữ (như xinh đẹp, dịu dàng, kín đáo…)
– Rất mực đa tình: Rất giàu tình cảm.
Ý kiến đề cập đến những vẻ đẹp riêng của hình tượng sông Hương trong bài bút kí.
2. Bình luận vẻ đẹp nữ tính và rất mực đa tình của sông Hương :
– Vẻ đẹp nữ tính được thể hiện qua các so sánh độc đáo:
+ Cô gái Digan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng.
+ Người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở  với một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ.
+ Khi là một người con gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại. Khi là người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Khi được ví như là người tình dịu dàng, chung thuỷ và chí tình. Khi là người con gái Huế với sắc màu áo cưới vẫn mặc sau tiết sương giáng.
Vẻ đẹp hiền hòa, dịu dàng, kín đáo như một người thiếu nữ của sông Hương.
–     Vẻ đẹp rất mực đa tình: tình cảm của sông Hương với Huế.
+ Hành trình của sông Hương đến với Huế là hành trình tìm kiếm người tình mong đợi của người gái đẹp – một hành trình nhiều gian nan nhưng đã giúp sông Hương khoe tất cả những vẻ đẹp đáng yêu nhất của mình.
+ Tình yêu của sông Hương đối với Huế được tác giả cảm nhận như tình yêu của người gái đẹp với người tình mong đợi của mình : dòng chảy của sông Hương giữa lòng thành phố Huế :
Dòng chảy chậm, thực chậm của Sông Hương như những vấn vương của một nỗi lòng. Sông Hương chảy chậm, thực chậm như để nhìn ngắm được lâu nhất thành phố yêu quý của mình.
Khúc ngoặt của sông Hương khi rời khỏi kinh thành Huế.
– Về nghệ thuật: Phối hợp kể và tả; với biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, so sánh; bằng ngôn ngữ giàu chất trữ tình, chất triết luận, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc hoạ thành công hình tượng sông Hương với vẻ đẹp lãng mạn, gợi cảm; với dáng vẻ của 1 người con gái xinh đẹp, có tình yêu say đắm với xứ Huế.
 Đánh giá
– Miêu tả sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường bộc lộ một vốn hiểu biết phong phú về nền văn hoá Huế, một ngòi bút tài hoa, một tâm hồn phóng khoáng, một trí tưởng tượng bay bổng, phong phú.
– Đằng sau những dòng văn tài hoa, đậm chất trữ tình là một tấm lòng tha thiết với quê hương, đất nước.
 Lưu ý: HS có thể làm theo cách khác nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản nói trên, ưu tiên những bài hay, sáng tạo.
                              ********* HẾT  *********
Xem thêm bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn :http://vanhay.edu.vn/tag/de-thi-thpt-quoc-gia-ngu-van
Tuyển tập đề thi về Ai đã đặt tên cho dòng sông -Hoàng Phủ Ngọc Tường :http://vanhay.edu.vn/tag/ai-da-dat-ten-cho-dong-song

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *