Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án, số 95

ĐỀ  THI THỬ QUỐC GIA THPT NĂM 2017
Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Xin đừng vội nghĩ cứ có học vấn, bằng cấp cao là nghiễm nhiên trở thành người có văn hoá. Trình độ tri thức văn hoá cũng mới chỉ là tiền đề. Nếu sự rèn luyện nhân cách kém thì tiềm năng hiểu biết đó sẽ tạo nên thói hợm hĩnh, khinh đời; phong cách sống càng xấu đi, càng giảm tính chất văn hoá. Trong thực tế, ta thấy không hiếm những người có học mà phong cách sống lại rất trái ngược. Họ mở miệng là văng tục, nói câu nào cũng đều có kèm từ không đẹp. Mặt vênh vênh váo váo, coi khinh hết thảy mọi người. Trò chuyện với ai thì bao giờ cũng hiếu thắng, nói lấy được, nhưng khi gặp khó khăn thì chùn bước, thoái thác trách nhiệm. Trong lúc đó, có người học hành chưa nhiều, chưa có học hàm, học vị gì nhưng khiêm tốn, lịch sự, biết điều trong giao tiếp, khéo léo và khôn ngoan trong cách ứng xử trước mọi tình huống của cuộc sống. Rõ ràng là chất văn hoá trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.
Tất nhiên, tác động của trình độ học vấn đến sự nâng cao phong cách văn hoá của một người rất lớn. Cách suy nghĩ, cách giải quyết mâu thuẫn, sự ước mơ, kì vọng và sự trau dồi lí tưởng có liên quan mật thiết đến tiềm năng hiếu biết. Đa số những người có học vấn cao thường có phong cách sống đẹp. Không thể phủ nhận thực tế đó, chỉ có điều cần nhớ là trình độ học vấn và phong cách sống văn hoá không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.
(Trích Học vấn và văn hoá — Trường Giang)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt  chính của văn bản?

Câu 2. Theo tác giả, trình độ học vấn có tác động như thế nào đến phong cách văn hoá của một người?
Câu 3. Đọc đoạn trích, anh/ chị hiểu yếu tố cốt lõi làm nên cốt cách văn hóa của một con người là gì?
Câu 4. Theo anh/ chị, quan điểm của tác giả có phù hợp với cuộc sống hiện đại không? Vì sao?

II. Làm Văn (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu văn được gợi ra từ phần đọc hiểu: Rõ ràng là chất văn hoá trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.
Câu 2 (5,0 điểm): Vẻ đẹp của hình tượng nhân dân trong đoạn thơ sau :
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân…
( Trích Đất nước nguyễn khoa điềm )
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Phần/ Câu/ Nội dung /Điểm
I ĐỌC HIỂU 3.0
1 Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính: Nghị luận 0,25
2 Theo tác giả, trình độ học vấn có tác động đến phong cách văn hoá của mỗi con người:
-Tiềm năng hiểu biết, vốn tri thức sâu rộng là cơ sở hình thành lối suy nghĩ, cách ứng xử, cách giải quyết mâu thuẫn, khát vọng và lí tưởng sống của một con người.
-Trên thực tế, đa số những người có học vấn cao thường có phong cách sống đẹp. 1,00
3 Đọc đoạn trích, có thể thấy yếu tố cốt lõi làm nên cốt cách văn hoá của một con người là:
-Sự giáo dục của gia đình, nhà trường.
-Đặc biệt là ý thức tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân cách và không ngừng học tập từ thực tế đời sống của mỗi cá nhân. 0,75
4 HS trình bày theo quan điểm cá nhân. Có lí giải cụ thể. Diễn đạt bằng một đoạn văn ngắn. 1,00
II LÀM VĂN 7.0
1 Bày tỏ suy nghĩ về ý kiến… 2,0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự thay đổi cách xây dựng cổng làng ngày nay làm cho những nét văn hoá xưa bị mai một. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra biện pháp khắc phục hiện tượng. 1,5
– Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan để nêu vấn đề cần nghị luận: Rõ ràng là chất văn hoá trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.
– Các câu phát triển đoạn:
+ Giải thích: Văn hoá là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra.Phong cách sống là những nét điển hình, được lặp đi lặp lại và định hình thành phong cách, thói quen trong đời sống cá nhân, nhóm xã hội, dân tộc, hay là cả một nền văn hóa. Ý thức tu dưỡng tính nết là mỗi người phải biết tự rèn luyện đạo đức của bản thân. Trường đời là đời sống xã hội, vượt ra ngoài mái ấm gia đình và trường học. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi con người được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong vòng tay yêu thương của người thân yêu. Ý cả câu: Con người có văn hoá là nhờ sự kết hợp của ba yếu tố: tự thân rèn luyện, từng trải trong đời và sự giáo dục của gia đình.
+ Phân tích ý nghĩa tác dụng của câu nói:
+ Sự tu dưỡng là một yêu cầu tự nhiên của mỗi cá nhân ở trình độ nhận thức đã phát triển. Mọi cá nhân đều cần làm cho mình tốt lên, bồi bổ tình cảm và ý chí của mình, khắc phục những thói hư tật xấu, làm cho mình biết phân biệt điều thiện với điều ác. Do đó, sự tu dưỡng là con đường nhằm hình thành những phẩm chất đạo đức ở mỗi cá nhân. Tạo cho con người khả năng tự tu dưỡng là một yêu cầu giáo dục đạo đức trong xã hội. ( dẫn chứng thực tế)
+ Muốn hình thành chất văn hoá trong phong cách sống, con người còn phụ thuộc vào trường đời. Bởi vì trường đời là nơi thử thách lớn nhất của con người. Những gì tiếp thu ở gia đình, nhà trường chỉ là một phần nhỏ, là hành trang để ta bước vào đời. Cuộc sống vốn dĩ vô cùng phong phú và phức tạp. Chỉ khi ta bước qua những trở ngại, thách thức thì mới thực sự trưởng thành về nhận thức và hành động… ( dẫn chứng thực tế)
+ Gia đình là cái nôi hình thành văn hoá trong phong cách sống mỗi người. Nhờ có gia đình, mỗi người không những được nuôi dưỡng mà còn được dạy dỗ về tình thương, cách ứng xử trong quan hệ.( dẫn chứng thực tế)
+ Ba yếu tố trên có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, hình thành nên chất văn hoá trong phong cách sống của mỗi người.( dẫn chứng thực tế)
+ Phê phán những người tuy có trình độ học vấn nhưng văn hoá thấp, nhất là trong ứng xử giao tiếp, trong nhận thức và hành động, trở thành kẻ đạo đức giả, có thái độ tự cao, hống hách, coi thường người khác… 0,25
– Câu kết đoạn: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân: Ý thức được văn hoá của con người rất quan trọng. Cần phải tu dưỡng đạo đức hằng ngày, biết tự trọng, biết xấu hổ, sống vị tha, nhân ái… 0,25
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
2 Vẻ đẹp của hình tượng nhân dân trong đoạn thơ … 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận 0,25
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 0,50
Vẻ đẹp của hình tượng nhân dân trong đoạn thơ …
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng. 3.50
– Mở bài:
+Giới thiệu về Nguyễn Khoa Điềm, trường ca Mặt đường khát vọng và chương V Đất Nước;
+ Nêu vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của hình tượng nhân dân trong đoạn thơ…
-Thân bài:
+ Nhân dân đã sáng tạo nên mọi giá trị vật chất và tinh thần cho đất nước: hạt lúa, ngọn lửa, giọng nói, tên xã, tên làng,… Những hình ảnh cụ thể và giàu sức gợi ấy được nhà thơ sử dụng để khẳng định công lao vĩ đại của nhân dân :
++ Trong những hạt lúa tưởng chừng bé nhỏ kia, có công sức, tâm huyết, trí tuệ của bao nhiêu thế hệ con người. Người tìm ra cây lúa giữa ngàn cây hoang dại, người tìm ra cách cấy trồng, chăm bón để có những vụ mùa bội thu, người sáng tạo nên những xay, giã, dần, sàng để biến hạt lúa thành hạt gạo trắng ngần…
++Trong tiếng nói ta thừa hưởng của ông cha có tình yêu và sức sống mãnh liệt của tâm hồn Việt – vẫn tồn tại bền vững bất chấp cả ngàn năm bị đô hộ trong mưu toan đồng hoá của giặc ngoại xâm : “Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất/ Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già” (Lưu Quang Vũ)…
+Nhân dân đóng vai trò là chủ thể trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
++Họ “đắp đập be bờ” tạo nên ruộng đồng, bờ bãi phì nhiêu cho đời sau cấy trồng, thu hái…
++Họ đánh đuổi cả ngoại xâm lẫn nội thù để gìn giữ tự do, độc lập cho quê hương, xứ sở…
+ Nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp nhân dân trong đoạn thơ:
++ Sử dụng chất liệu văn hóa dân gian: ngôn từ, hình ảnh bình dị, dân dã, giàu sức gợi.
++ Giọng điệu thơ biến đổi linh hoạt.
++ Sức truyền cảm lớn từ sự hòa quyện của chất chính luận và chất trữ tình.
+ Đánh giá chung:
++Trong phần 2 của đoạn trích, nhà thơ tập trung thể hiện tư tưởng đất nước là của nhân dân. Tư tưởng này bao trùm, thấm đượm trong tất cả các chiều, các phương diện cảm nhận về đất nước: không gian địa lí, thời gian lịch sử, bản sắc vãn hoá…
++ Đoạn thơ là bức tượng đài kì vĩ ngợi ca công lao vĩ đại của nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
– Kết bài
+ Tóm lại vấn đề đã nghị luận;
+ Nêu cảm nghĩ riêng của bản thân về vẻ đẹp nhân dân qua đoạn thơ. 0,50
d. Sáng tạo 0,50
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
ĐIỂM TOÀN BÀI THI : I + II = 10,00 điểm
Đề văn sưu tầm
Xem thêm : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *