Nghị luận xã hội 200 chữ về ý nghĩa tấm bằng trong cuộc sống. Nghị luận ý kiến về bài Tây tiến- Quang Dũng.Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án.
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn số 48
TRƯỜNG THPT PHÙNG KHẮC KHOAN – THẠCH THẤT
Mộn thi: Ngữ văn, Thời gian: 120 phút Năm học : 2016-2017
Phần I. Đọc hiểu ( 4,0điểm ):
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4.
Tấm bằng
“ Cuộc đời ai cũng có những tấm bằng
Để làm giấy chứng minh
Để cầu mong thành đạt
Những tấm bằng như những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp
Để đến đại lộ cuộc đời ngày càng mở rộng thêm
Có những vĩ nhân được nhân loại khắc tên
Bởi các tấm bằng xứng danh trong lịch sử
Và có những tấm bằng chứng nhận những việc làm tuy nhỏ
Nhưng cố gắng hết mình, vẫn quý trọng biết bao!
Có được điều gì lớn lao
Từ những gì nhỏ bé
Đừng bao giờ chứng minh cuộc đời bằng những gì không thể
Như những tấm bằng không bằng được chính ta
Có đi bước gần mới đến quãng xa
Mới biến được cái không thành có thể
Đừng mong chờ có ai bán rẻ
Đâu lẽ đời bánh vẽ sẽ lên tiên?
Những tấm bằng có đóng dấu kí tên
Chỉ là giấy thông hành đi vào cuộc sống
Nhưng quý giá hơn là cuộc đời ghi nhận
Mới là – TẤM BẰNG – bằng – của – chính – ta”.
( Hoàng Ngọc Quý)
- Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ ? (0,5điểm)
- Nội dung chính của bài thơ là gì? (0,5điểm)
- Vai trò của tấm bằng trong cuộc sống của mỗi chúng ta? ( 1,0điểm)
- Tại sao “ tấm bằng” ở cuối bài thơ lại được viết hoa? Tác giả muốn gửi gắm ở đó thông điệp gì? ( 1,0 điểm)
Phần II. Làm văn (6,0 điểm)
Câu 1. Nghị luận xã hội ( 2,0 điểm)
Là học sinh sắp và sẽ cầm trên tay tấm bằng để bước vào đời hay để chinh phục những tấm bằng cao hơn, anh/ chị có suy nghĩ gì về giá trị, ý nghĩa “ tấm bằng” trong khổ thơ cuối:
“ Những tấm bằng có đóng dấu kí tên
Chỉ là giấy thông hành đi vào cuộc sống
Nhưng quý giá hơn là cuộc đời ghi nhận
Mới là – TẤM BẰNG – bằng- của- chính – ta”
Trình bày bằng đoạn văn nghị luận khoảng 200 từ.
Câu 2. Nghị luận văn học ( 4,0 điểm)
Về đoạn thơ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
(Trích Tây Tiến – Quang Dũng – SGK Ngữ Văn 12, tập 1 – Trang 88)
Có ý kiến cho rằng: “ Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt” Ý kiến khác lại khẳng định: “ Đoạn thơ vẽ nên bức tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến gian khổ, hi sinh song cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa”
Anh/ chị hãy phân tích đoạn thơ trên để làm sáng tỏ hai nhận định trên?
================ HẾT===============
( Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ I – LỚP 12
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 90 phút
Năm học : 2016 -2017
Hướng dẫn chấm và biểu điểm:
Nội dung kiến thức cần đạt
I. Đọc hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính : Nghị luận
0,5
Câu 2: Nội dung chính của bài thơ:
– Giá trị của tấm bằng trong cuộc sống
– Đề cao năng lực thực sự của bản thân
0,5
Câu 3: Vai trò của tấm bằng trong cuộc sống của mỗi chúng ta:
– Để làm giấy chứng minh năng lực bản thân.
– Cầu mong mang lại tiền tài danh vọng
– Ghi danh công lao trong lịch sử
– Giấy thông hành đi vào cuộc sống.
1,0
Câu 4: Viết hoa chữ “ TẤM BẰNG” ở cuối bài, tác giả muốn nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị đích thực của “tấm bằng”.
Tác giả muốn khẳng định: Giá trị thực sự của “ tấm bằng” là ở sự nỗ lực cố gắng của mỗi người, ở giá trị vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Đồng thời bày tỏ lòng trân trọng đối với những “ TẤM BẰNG” đã được cuộc đời ghi nhận.
1,0
II. Làm văn
Câu 1: Nghị luận xã hội
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận
– Hình thức của một đoạn văn có đầy đủ: câu mở đoạn, các câu phát triển ý và câu kết đoạn. Đặc biệt, trong đoạn văn, học sinh cần làm nổi bật câu chủ đề (câu mang ý chính của toàn đoạn)
0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: “Tấm bằng” thực chất chỉ là tờ giấy thông hành để đi vào cuộc sống. Cần thiết hơn cả vẫn là năng lực thực sự của bản thân. Sự lao động chân chính mới là thước đo giá trị con người.
0,25
* Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động.
– Đoạn văn cần đảm bảo một số ý sau:
+ Về nhận thức:
Học sinh nêu các ý: Tấm bằng mở ra những nẻo đường tương lai tươi sáng, giúp mỗi người dễ dàng đi đến thành công. Nhưng quan trọng hơn cả, vẫn cần phải biết trân trọng những tấm bằng phản ánh đúng thực chất năng lực thực sự. Để có được thành công trong cuộc sống, không phải chỉ có tấm bằng là đủ, cần phải có nỗ lực và rèn luyện.
+ Về hành động:
Cần phê phán những kẻ mua danh, mua bằng cấp để mưu cầu danh lợi. Không nên đặt nặng bằng cấp, tìm cách có được bằng mọi cách mọi giá. Muốn có một tương lai vững chắc, mỗi người cần cố gắng nỗ lực rèn luyện, lao động nghiêm túc và chân chính. Cần phải chứng minh với cuộc đời bằng giá trị thực sự của bản thân.
* Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
1,5
Câu 2: Nghị luận văn học
Yêu cầu chung
– Về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận văn học về bài thơ (đoạn thơ), biết vận dụng linh hoạt các thao tác. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, lời văn trong sáng, không mắc lỗi trong diễn đạt.
– Về kiến thức:
Trên cơ sở kiến thức về nhà văn, về tác phẩm, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
1.Mở bài:
– Giới thiệu vài nét về tác giả Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến
– Giới thiệu đoạn thơ “ Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
…..Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
-Trích dẫn hai ý kiến đánh giá.
0.5
2. Thân bài:
a. Giới thuyết chung về tác giả, hoàn cảnh ra đời, xuất xứ của tác phẩm,vài nét về đoàn quân Tây Tiến, chủ đề của bài thơ….
– Quang Dũng là một nhà thơ đa tài, hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Quang Dũng đã mang cái hào hoa của người Hà Nội và của cả xứ Đoài để làm nên chất men say lãng mạn ở Tây Tiến cùng nhiều bài thơ khác.
– Bài thơ được viết năm 1948 – những năm kháng chiến chống Pháp khốc liệt rực lửa của CM Việt Nam. Bài thơ là đứa con đầu lòng tráng kiệt và hào hoa không chỉ của Quang Dũng mà còn của cả nền thơ kháng chiến.
– Về đoàn quân Tây Tiến : năm thành lập, thành phần, hoàn cảnh xuất thân, nhiệm vụ, hoàn cảnh chiến đấu, tâm hồn…
…
b. Giải thích, phân tích, chứng minh các nhận định
* Nhận định thứ nhất:
“ Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt”
Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng:
– Các hình ảnh sương mờ bao phủ cả vùng Tây Bắc rộng lớn, hoa về trong đêm hơi, những ngôi nhà bồng bềnh trong biển sương mờ, …
ð Không gian núi rừng bao la trải ra mênh mông, vô tận trước mắt người lính
– Những câu thơ nhiều thanh bằng gợi lên những gam màu êm dịu, huyền ảo, thoáng nhẹ, thơ mộng: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Một loạt các thanh bằng kết hợp với vần “ơi” khiến nét vẽ mềm mại, tạo cảm giác lâng lâng, chơi vơi trước cảnh bao la, hùng vĩ của đất trời, non nước.
– Thiên nhiên miền Tây có những khung cảnh rất đầm ấm, đó là khi đoàn binh Tây Tiến dừng chân ở một bản làng nào đó. Họ được hòa mình vào cuộc sống gia đình, quây quần bên bếp lửa, bên nồi xôi nếp đầu mùa thơm nồng nghi ngút khói. Hai câu cuối của đoạn thơ tạo nên một cảm giác êm dịu, ấm áp tình quân dân.
Thiên nhiên dữ dội khắc nghiệt:
– Gợi lên qua những địa danh xa xôi, hẻo lánh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu, …
– Vẻ hoang dại, dữ dội, chứa đầy bí ẩn của núi rừng miền Tây được nhà thơ khai thác không chỉ theo chiều không gian mà còn được mở ra cả chiều thời gian. Núi rừng hoang vu ấy luôn là mối đe dọa khủng khiếp đối với con người: “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.
– Song hành cùng với những nét vẽ mềm mại là những nét vẽ gân guốc, chắc khỏe mở ra bức tranh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hiểm trở với những núi cao, vực thẳm: từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” và cụm từ “súng ngửi trời” kết hợp với hai động từ ngược hướng: lên/ xuống, với các từ chỉ số nhiều: ngàn thước – ngàn thước gợi ra hình ảnh khe thế núi cao vút, đổ gập, khúc khuỷu quanh co, trùng điệp, hiểm trở, chọc trời. Cùng với đó là âm thanh rùng rợn: “thác gầm thét”, “cọp trêu người” khiến cho sự dữ dội của thiên nhiên được đẩy đến cao độ.
*Tiểu kết: Với con mắt thi, nhạc, họa kết hợp với cảm hứng bi tráng, lãng mạn, Quag Dũng đã tái hiện sinh động một bức tranh nghệ thuật ngôn từ về thiên nhiên Tây Bắc với sự kết hợp của nhiều nét vẽ: vừa mơ mộng, trữ tình; vừa hùng vĩ, dữ dội.
* Nhận định thứ hai: “Đoạn thơ vẽ nên bức tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến kiêu hùng, bi tráng song cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa”
Người chiến sĩ Tây Tiến kiêu hùng, bi tráng:
– Khí phách ngang tàng, tinh thần lạc quan trước khó khăn, thử thách. Hoàn cảnh chiến đấu vô cùng gian khổ: sốt rét, hành quân trên địa hình hiểm trở, thiên nhiên ẩn chứa những điều
– Dù can trường trong khó khăn nhưng trên con đường hành quân gian khổ đó, đã có những người phải hi sinh bởi những núi cao, vực thẳm. Họ hi sinh trong tư thế vẫn như đang hành quân, vẫn chắc tay súng, vẫn ôm lấy và gục lên quân trang: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời”.
Tâm hồn lãng mạn, hào hoa
– Vẻ tinh nghịch, tếu táo, chất lính ngang tàng như thách thức cùng với hiểm nguy, gian khổ của người lính Tây Tiến. Trên đường hành quân vất vả, họ thả hồn mình vào thiên nhiên, để trút bỏ mọi nhọc nhằn thể xác, đắm mình vào thiên nhiên, cảnh vật.
– Cái nhìn lãng mạn đã nâng đỡ cho ngòi bút Quang Dũng tạo nên màu sắc bi tráng khi nói tới sự hi sinh của người lính Tây Tiến.
– Nét đẹp trong tâm hồn lãng mạn, hào hoa của những chàng trai đất Hà Thành giúp họ có cái nhìn tươi sáng ngay cả trong gian khổ, hi sinh và có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ
0.5
1.25
1.25
c. Đánh giá chung:
– Hai nhận định đều khái quát được nội dung cơ bản của đoạn thơ.
– Cả hai đã cho thấy cái nhìn đầy đủ, rõ nét về thiên nhiên Tây Bắc và người lính Tây Tiến hiện về trong nỗi “nhớ chơi vơi”
của nhà thơ khi ông đã rời xa Tây Tiến, rời xa con sông Mã.
– Đoạn thơ không chỉ là thiên nhiên Tây Bắc, người chiến sĩ Tây Tiến mà còn là tình yêu, sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với Tây Bắc, với Tây Tiến.
– Đoạn thơ sử dụng nhiều từ láy, phép điệp, phép đối, nhân hóa,thay đổi linh hoạt về thanh điệu, các câu cảm thán…
– Đoạn thơ là sự phối hợp hài hoà giữa yếu tố hiện thực và bút pháp lãng mạn. Cả đoạn thơ như một bức tranh thuỷ mặc cổ điển được phác thảo theo lối tạo hình phương đông. (so sánh với bút pháp miêu tả người lính trong các sáng tác khác)
1.0
3. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề và đánh giá về thành công của tác giả, tác phẩm trong VHVN giai đoạn 1945 – 1954.
– Bài học lien hệ, mở rộng
0.5
GV linh hoạt trong khi chấm bài, trân trọng những sáng tạo của học sinh, có thể điều chỉnh thang điểm trong phần thân bài nếu thấy bài viết của học sinh thật sự sáng tạo.
Xem thêm :
- Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn có đáp án
- Tuyển tập đề thi , những bài văn hay về Tây tiến Quang Dũng : Tây tiến