Đề thi thử THPT QG môn văn số 178

Môn: Văn – Lớp 12
  Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
PHẦN ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
“Lễ hội Đền Hùng là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành “Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Trải qua bao thời đại lịch sử tuy có lúc thịnh, lúc suy nhưng lễ hội Đền Hùng vẫn được tổ chức. Điều này đã thể hiện rõ bản lĩnh phi thường và nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Người dân hành hương về đất Tổ không hề có sự phân biệt tôn giáo, chỉ cần là người Việt Nam thì trong tâm khảm họ đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng. Bởi vậy, hễ ai là người Việt Nam nếu có sẵn tâm thành và lòng ham muốn hành hương về đất Tổ thì tự mình có thể thực hiện ước nguyện chính đáng đó một cách dễ dàng và thuận tiện. Hội đền Hùng hay giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào.”
(Dẫn lại từhttp://lehoi.cinet.vn, Phú Thọ: Lễ hội đền Hùng)
Câu 1.Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên. (0,5 điểm).
Câu 2.Theo tác giả, Hội đền Hùng hay Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào trong tâm thức người Việt Nam? (0.5 điểm)
Câu 3.Theo anh/ chị, vì sao tác giả cho rằng: việc tổ chức lễ hội Đền Hùng đã “thể hiện rõ bản lĩnh phi thường và nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam”? (1.0 điểm)
Câu 4.Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/ chị? Vì sao? (1.0 điểm)
 II.PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1(2.0 điểm)Từ ý nghĩa gợi ra ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của mình về việc giữ gìn những lễ hội truyền thống ở nước ta hiện nay.
Câu 2 (5.0 điểm)Cảm nhận của anh/ chị về đoạn trích sau:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve keo rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một NXB giáo dục Việt Nam, trang111).
Từ đó, bình luận về tính dân tộc được thể hiện qua đoạn trích
                                                                Môn: Văn – Lớp: 12
HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần NỘI DUNG ĐIỂM
I. Đọc hiểu 1. Câu khái quát chủ đề:Lễ hội Đền Hùng là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. 0.5
2. Hội đền Hùng hay giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào.  0.5
3. Vì:
– Dù bất cứ hoàn cảnh nào nhân dân cũng thể hiện sức mạnh kiên cường bất khuất và ý thức gìn giữ và quyết tâm tổ chức lễ hội
– Những gì là tinh hoa, là vẻ đẹp là nét đặc sắc của dân tộc thì sẽ trường tồn.
– …
1.0
4. – HS tự lựa chọn thông điệp và lí giải phù hợp 1.0
II. Làm văn NỘI DUNG 7.0
Câu 1 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 2.0
     a. Đảm bảo cấu trúc của đoạn văn nghị luận xã hội. 0.25
b.Xác định đúng vấn đề nghị luận: việc giữ gìn những lễ hội truyền thống ở nước ta hiện nay. 0.25
     c.Triển khai hợp lí các ý cơ bản của vấn đề bằng nhiều cách, sau đây là một số gợi ý: 1.0
– Nêu vấn đề cần bàn luận: Thực trạng của lễ hội nước ta hiện nay.
– Bàn luận:
+ Lễ hội ở nước ta đa dạng, phong phú, đây là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc.
+ Mỗi lễ hội có một nét đặc trưng riêng nhưng đều thể hiện sự ghi nhớ công lao người đi trước và niềm tự hào dân tộc.
+ Hiện nay hầu hết các dân tộc vẫn giữ được nét riêng như Lễ hội Đền Gióng, Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Đền Hùng…, việc tổ chức các lễ hội này đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng  của người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
+ Việc giữ gìn các lễ hội truyền thống ngày càng được quan tâm từ các cấp lãnh đạo, ý thức người dân ngày càng được nâng cao qua nhiều hình thức, phương tiện, việc làm,…
+ Tuy nhiên hiện nay còn một số lễ hội có quy trình tổ chức với chất lượng chưa cao, nhiều nơi xuất hiện tình trạng hỗn loạn, trộm cắp, đi lễ theo phong trào…
+ Phê phán: Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng lễ hội để trục lợi, ý thức của  một số  người đi lễ hội chưa cao…
– Bài học liên hệ.
+ Cần có ý thức đúng đắn, nghiêm túc khi tham gia lễ hội.
+ Chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua các lễ hội.
+ …
 
 
  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, chuẩn ngữ pháp của câu, ngữ nghĩa của từ. 0.25
e. Sáng tạo: có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về nội dung hoặc nghệ thuật đoạn thơ. 0.25
Câu 2 NGHỊ LUẬN VĂN HỌC 5.0

 

  a.      Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học về một đoạn thơ trong một tác phẩm văn học. Bài viết phải có kết cấu chặt chẽ, đầy đủ các phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
0.5
b.      Xác định đúng vấn đề nghị luận:
Trên cơ sở hiểu biết về văn học, học sinh phân tích được vẻ đẹp thiên nhiên bốn mùa thể hiện trongđoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu. Nhận xét, đánh giá về tính dân tộc trong đoạn thơ đó.
Học sinh có nhiều cách để trình bày, sau đây là một số gợi ý.
0.5
c.      Triển khai vấn đề nghị luận:
Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.Học sinh có thể sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần đảm bảo những yêu cầu sau:
Giới thiệu vài nét về tác giả Tố Hữu, tác phẩmViệt Bắcvà vẻ đẹp bức tranh tứ bình.
– Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.
Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh tứ bình:
+ Khái quát về nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc
+ Từ nỗi nhớ da diết, sâu nặng đối với quê hương cách mạng ngừơi chiến sĩ đã dệt nên một bức tranh tứ bình về Việt Bắc thật đẹp thật đúng với “Bốn mùa hoa nở cùng người”.
·   Mùa đông được miêu tả bằng hình ảnh: hoa chuối đỏ tươi, đèo cao nắng ánh,…
·   Nét đặc sắc không chỉ dừng lại ở bức tranh mùa đông mà còn thể hiện độc đáo qua bức tranh mùa xuân.
·   Mùa hè không chỉ có màu sắc đường nét ánh sáng mà có cả âm thanh ngân vang của tiếng ve gọi hè
·   Cảnh thu hiện ra với vẻ đẹp mơ màng huyền ảo với màu sắc vàng nhạt của ánh trăng thu
èTác giả sử dụng bút pháp lãng mạn, hình ảnh bay bổng để làm rõ bức tranh thiên nhiên Việt Bắc sinh động, hài hòa, thơ mộng.
+ Ẩn hiện giữa thiên nhiên núi rừng Việt Bắc là con người Việt Bắc, con người ở đây hiện lên trong dáng vẻ lao động cần cù nhẫn nại mà thân quen
·   Trong bức tranh mùa đông hiện lên hình ảnh đặc tả người đi rừng
·   Mùa xuân là nổi nhớ về những bàn tay dịu dàng cần mẫn của cô gái đan nón chuốt từng sợi giang
·   Mùa hè gắn với hình ảnh những cô gái lên rừng hái măng
·   Mùa thu là một nổi nhớ không có hình tượng cụ thể mà là tiếng hát của người Việt Bắc
àBằng bút pháp miêu tả, tác giả làm rõ hình ảnh con người Việt Bắc với nhiều vẻ đẹp đáng trân trọng.
èQua bức tranh tứ bình thấy được tình cảm yêu mến, trân trọng và sự ngợi ca đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc.
Bình luận về tích dân tộc : Tính dân tộc của thơ Tố Hữu qua đọan thơ:
+ Ở phương diện nội dung:
·  Miêu tả được những nét đặc sắc của thiên nhiên và con người Việt Nam.
·  Thể hiện tình cảm của người cán bộ cách mạng dành cho cảnh vật và con người Việt Bắc – nhớ thương, tình cảm gắn bó, thủy chung với quê hương Việt Bắc. Đây là những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
+ Ở phương diện nghệ thuật:
·  Thể thơ lục bát: Tố Hữu đã vận dụng và phát huy được ưu thế của thể thơ lục bát – một thể thơ dân tộc có nhạc điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển rất phù hợp để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của kẻ ở, người về.
·   Kết cấu đối đáp quen thuộc của ca dao.
·  Sử dụng tài tình đại từ mình – ta.
·  Câu thơ giàu nhạc điệu, cách ngắt nhịp…
àTất cả đã làm nên giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết.
– Đánh giá chung:
+ Đoạn thơ thể hiện tính dân tộc – một trong những nét nổi bật của phong cách Tố Hữu.
+ Cảm hứng lãng mạn CM cùng với tình cảm đối với Việt Bắc đã giúp Tố Hữu đã viết nên những câu thơ hay nhất về Việt Bắc, là đoạn thơ tiêu biểu của bài thơ Việt Bắc.
 
3.0
  d.      Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, chuẩn ngữ pháp của câu, ngữ nghĩa của từ. 0.5
  e.      Sáng tạo: có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về nội dung hoặc nghệ thuật đoạn thơ. 0.5

 
Lưu ý chung

  1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
  4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
  5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

…….HẾT…….
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *