Đề thi thử THPT QG môn văn 2017 đề 26

Đề thi thử THPT QG môn văn 2017. Cảm nhận về đoạn trích Đất nước Nguyễn Khoa Điềm

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO YÊN BÁI
TRƯỜNG THPT VĂN CHẤN
(Đề thi có 02 trang)
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2017
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Người bán nước mắm dùng chiếc gáo nhỏ xíu làm bằng sọ quả dừa xiêm dẹt, chỉ lớn hơn thứ gáo của bạn hàng dầu vốn làm bằng sọ quả mù u, lớn hơn một chút thôi. Người hàng mắm vục gáo vào “thõng”, múc lên lưng gáo, rót một tí vào cái chén con sạch sẽ, đưa mời. Cô tôi đón lấy chén, đưa lên mũi, ngửi qua, mắt nhìn ngưng lại giữa khoảng không, ngẫm nghĩ, thẩm định… Xong, một cách thận trọng, cô mới le lưỡi nhấm tí nước mắm. Rồi lặng lẽ trầm tư, cô trao cái chén về phía thím tôi…
   Nhưng bà tôi sốt sắng, nóng nảy, đã vội vàng đưa tay vẫy gọi.  Và thím chuyển ngay chén mắm sang bà. Lại ngửi, lại nếm. Sau đó, đến lượt thím tôi: lại ngửi, lại nếm…
   Thím phát biểu:
   – Khá hơn thứ năm cắc kỳ trước.
   Cô tôi tán đồng dè dặt:
   – Nhấm qua thì nó dịu hơn, nhưng chị chiếp cho lâu lâu thử coi.
   Bà tôi nhận định:
   – Nè, mấy đứa thấy sao? Cái màu kỳ này tao không vừa ý, mà mùi vị của nó cũng chưa đằm đâu.…
   Trong khi người bán hàng xoắn xuýt quanh bà, thì cô tôi thong thả trao đổi một nhận xét với thím:
   – Nước kỳ trước, mới nhấp không thấy ngon lắm nhưng thâm thẩm nó ngọt ngọt hoài trên lưỡi: càng chiếp càng ngọt. Nước kỳ này không có hậu. Chị nhớ không: năm ngoái mình cũng gặp phải…
   Cuộc thưởng thức phẩm bình kéo dài. Số người được mời tham dự vào mỗi lúc một đông. Chén nước màu hàng được chuyển mời người này người kia: những người khách đàn bà vừa mới đến nhà, và lắm khi cả những người đàn ông trong gia đình nữa. Ồ, góp lời vào cuộc trưng cầu ý kiến về một chuyện có tính cách nghệ thuật rõ rệt như vậy có gì phương hại đến phong cách của hạng mày râu đâu?
(Võ Phiến – “Ăn uống sự thường” in trong tập tùy bút “Quê hương tôi” – NXB Thời đại, 2014, tr.28-29)
Câu 1: Cuộc thử nước mắm trong đoạn trích được diễn ra như thế nào? Anh/ chị có nhận xét gì về cách thử nước mắm này? (1,0 điểm)
Câu 2: Các nhân vật tham gia vào cuộc thử nước mắm đã bình phẩm về những phương diện nào của nước mắm? Qua đó, anh/ chị cảm nhận gì về những nhân vật ấy? (1,0 điểm)
Câu 3: Việc thử nước mắm trong đoạn trích được tác giả nhìn nhận/ quan niệm thế nào? (0,5 điểm)
Câu 4: Cách miêu tả trong đoạn trích có gì đặc sắc? Tác dụng của cách miêu tả ấy? (0,5 điểm)
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ nội dung đoạn trích trong phần đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) nêu suy nghĩ của mình về ý nghĩa của nước mắm trong đời sống và trong văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt.
Câu 2 (5,0 điểm):
   Anh (chị) hãy phân tích đoạn thơ sau để làm rõ nét mới lạ, sâu sắc trong cách cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

(Trích đoạn Đất Nước – Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một, NXB GD, 2008, trang 118).

——–Hết——–

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO YÊN BÁI
TRƯỜNG THPT VĂN CHẤN
(Đáp án gồm 05 trang)
 
ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM
ĐỀ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017
Môn: Ngữ Văn

YÊU CẦU CHUNG
– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
– Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,5 điểm và không làm tròn.
YÊU CẦU CỤ THỂ
 I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
* Cuộc thử nước mắm diễn ra như sau: Người bán lấy gáo nhỏ làm bằng sọ quả dừa xiêm dẹt múc ở “thõng” ra, sau rót một tí vào cái chén sạch sẽ đưa mời. Từng người nhận cái chén nước mắm đó, ngửi, nếm, nhìn rồi đưa cho người khác. Cứ như vậy chén nước mắm được chuyền mời từ người này sang người kia.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0,25: Trả lời nhưng chưa đủ ý.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
* Nhận xét: cuộc thử nước mắm diễn ra công khai, cẩn trọng, tỷ mỉ, kỹ lưỡng, qua sự thẩm định của nhiều người khác nhau. Nó được xem như một sự kiện quan trọng.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên. Lưu ý: Nhận xét linh hoạt, miễn là thí sinh thể hiện được nhận xét riêng, phù hợp với tính chất sự kiện đều cho điểm tối đa
– Điểm 0,25: Trả lời nhưng chưa đủ ý.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2:
* Các phương diện của nước mắm được bình luận, đánh giá: vị, mùi, màu.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên. Lưu ý: 3 phương diện của nước mắm được bình luận phải trả lời đủ mới cho tối đa.
– Điểm 0,25: Trả lời được 1 hoặc 2 phương diện.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
* Các nhân vật thử mắm là những người rất tinh tế, nhạy và hiểu sâu sắc, tường tận về các loại mắm ở những cảm nhận nhỏ, tinh vi nhất. Họ hiện lên như những nghệ sĩ tài hoa, tài tử.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên. Lưu ý: Ý cảm nhận chấm linh hoạt. Học sinh đưa ra cảm nhận hợp lý, đánh giá được tri thức, cái khiếu cảm nhận của các nhân vật đều được điểm tối đa.
– Điểm 0,25: Trả lời được ½ ý trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3: Các nhân vật quan niệm việc thử nước mắm là một chuyện có tính cách nghệ thuật rõ nét.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0,25: Trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
– Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không trả lời.
Câu 4:
* Cách miêu tả trong đoạn trích đặc sắc: tả tỉ mỉ, chi tiết từng sự vật, từng động tác, cử chỉ; sử dụng nghệ thuật trùng điệp.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0,25: Trả lời được ½ ý trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
* Tác dụng: Tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho đoạn trích, cuộc thử nước mắm hiện lên chân thực, cụ thể mà giàu sức gợi, mang tính chất như một nghệ thuật.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0,25: Trả lời được ½ ý trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
II.LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm): Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của nước mắm trong đời sống và trong văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt Nam.
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn. Bài viết Đảm bảo hình thức của một đoạn văn, triển khai một vấn đề thống nhất, mạch lạc; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0,25 điểm):
– Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn. Phần Mở đoạn nêu được vấn đề; phần Thân đoạn biết tổ chức thành nhiều câu văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết đoạn khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
– Điểm 0: Thiếu Mở đoạn hoặc Kết đoạn; hoặc bài viết có nhiều đoạn văn
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của nước mắm trong đời sống và trong văn hóa ẩm thực truyền thống của người, đặc biệt là người Việt Nam.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Vấn đề nghị luận đúng, phù hợp; các câu được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; phải có dẫn chứng từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Nước mắm là thành quả lao động, kết tinh của công thức pha chế, sáng tạo độc đáo, tạo nên mùi, vị, thậm chí cả màu sắc riêng, đặc trưng mỗi vùng, miền.
+ Làm nước mắm là một nghề truyền thống, cùng với đánh bắt hải sản, góp phần làm cho đời sống người ngư dân tốt hơn, tạo nên một truyền thống của người vùng biển.
+ Nước mắm mang theo quan niệm sống, chất chứa trong đó lao động, nếp sống, sinh hoạt của những vùng ven biển mặn mòi nắng gió.
+ Nước mắm là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn người Việt, góp phần tạo nên những món ăn được coi là tinh hoa của ấm thực Việt, mang bản sắc ẩm thực Việt.
– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các ý còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào nêu trên.
d) Sáng tạo (0,25 điểm)
– Điểm 0,25: Khuyến khích học sinh có tư duy phản biện, những góc nhìn mới, những lý giải sâu sắc, thấu đáo từ thực tế cuộc sống; cách tổ chức hình thức bài viết mới mẻ, diễn đạt, ngôn ngữ độc đáo, hấp dẫn; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, không trái với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi.
Câu 2. (5,0 điểm)
* Yêu cầu chung : Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng ; văn viết có cảm xúc ; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt ; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết ; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể :
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)
– Điểm 0,5 điểm : Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề ; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề ; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Điểm 0,25 : Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên ; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0 : Thiếu Mở hoặc Kết bài, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
– Điểm 0,5 : Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : Phân tích đoạn thơ đầu trong chương Đất Nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng) để làm rõ nét mới lạ, sâu sắc trong cách cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước.
– Điểm 0,25 : Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
– Điểm 0 : Xác định sai luận đề, lạc đề.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp ; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh) ; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm) :
– Điểm 3,0 : Đảm bảo các yêu cầu trên ; có thể trình bày theo định hướng sau :
+ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm; khái quát vị trí, nội dung và trích dẫn đoạn thơ.
+ Phân tích đoạn thơ để thấy được nét mới lạ, sâu sắc trong cách cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước:
++Về nội dung, cảm xúc:
+++ Đây là 9 câu thơ đầu tiên của đoạn trích, là sự lí giải và cảm nhận mới mẻ, độc đáo của tác giả về cội nguồn Đất Nước:
++++ Đất nước đã có từ lâu đời.
++++ Đất nước hình thành và phát triển gắn liền với:
• Những câu chuyện cổ tích, ca dao
• Truyền thống văn hoá, quá trình hình thành phong tục tập quán (ăn trầu, bới tóc)
• Cuộc sống lao động vất vả để chinh phục thiên nhiên và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (hạt gạo, cái cột, cái kèo; cây tre…)
• Những con người sống ân nghĩa, thuỷ chung.
+++ Như vậy, trong cách cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, lịch sử lâu đời của đất nước không được cắt nghĩa bằng sự nối tiếp của các triều đại hay các mốc son lịch sử chói lọi mà được nhìn từ trong chiều sâu văn hóa và văn học dân gian. Đây cũng chính là điểm mới trong cách tìm về nguồn cội của đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, khiến hình ảnh đất nước hiện lên như một sinh thể có hồn, có đời sống, giản dị mà gần gũi, thân thương.
++ Về nghệ thuật thể hiện:
+++ Đoạn thơ sử dụng nhuần nhị chất liêu văn hoá, văn học dân gian, tạo một không gian nghệ thuật vừa gần gũi thân quen, vừa bay bổng, sâu xa.
+++ Câu thơ dài như những câu văn xuôi, như những câu chuyện kể, góp phần là hiện ra cả một chiều dài lịch sử đất nước.
+++Từ Đất Nước được viết hoa, thể hiện niềm tự hào, trân trọng của tác giả…
+ Đánh giá chung: đánh giá, suy nghĩ của người viết về đoạn thơ và toàn bộ bài thơ “Đất Nước”; ý nghĩa về việc bồi dưỡng thêm cho chúng ta về tình yêu đất nước, quê hương mình và biến tình yêu ấy bằng thái độ, hành động dựng xây , bảo vệ đất nước.
– Điểm 3,0: Đáp ứng được đầy đủ, sâu sắc các yêu cầu trên, lập luận thuyết phục, dẫn chứng phong phú, hợp lí.
– Điểm 2,5- 2,75: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, dẫn chứng khá phong phú.
– Điểm 2,0- 1,75: Đáp ứng phần lớn các  yêu cầu trên, song một trong các luận điểm chưa triển khai đầy đủ, hoặc liên kết chưa chặt chẽ.
– Điểm 1,5- 1,75: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm chưa triển khai đầy đủ, hoặc liên kết chưa chặt chẽ, dẫn chứng còn ít, một số dẫn chứng chưa phù hợp.
– Điểm 1,0-1,25:  Đáp ứng 1/2 hoặc 2/3 yêu cầu trên.
– Điểm 0,5- 0,75: Đáp ứng 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25:  Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. Đáp ứng 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào nêu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25 : Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0 : Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
– Điểm 0,5 : Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25 : Mắc một số lỗi.
– Điểm 0 : Mắc nhiều lỗi.

………………..HẾT……………….

Xem thêm :

  1. Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn
  2. Tuyển tập đề thi về bài Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm : Đất nước Nguyễn Khoa Điềm
,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *