Đề thi thử THPT QG 2018 liên hệ Tây Tiến và Tràng Giang

 KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2018
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
GV: ThS Nguyễn Tuyết Nhung
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Bạn có “tham nhũng” không? Có đấy. Nó bắt đầu từ điều nhỏ bé tý tẹo hàng ngày. Khi bạn rời khỏi nhà buổi sáng. Đèn đỏ đầu tiên, cố gắng đừng vượt nó. Không lái xe trên vỉa hè. Đừng bóp còi và hăng hái vượt qua mọi người. Nếu hiểu tham nhũng không phải là một tội danh hình sự, mà là lạm quyền và làm hại cho lợi ích công, thì vượt đèn đỏ và leo lề là các hành vi như thế. Khi bạn vượt đèn đỏ, những người khác cũng sẽ làm theo.
Việc phá vỡ quy tắc là một thói quen của con người. Để chống tham nhũng, bạn phải đấu tranh với thói quen đó từ cái gốc, là chính mình. Không ai khác sẽ làm điều đó cho bạn. Bởi vì họ cũng tham nhũng theo nhiều cách mà chính họ còn không nhận ra.
Hãy giữ vững nền tảng của mình, lựa chọn không phá vỡ các quy tắc ngay từ đầu ngày và bước dần đến cuối ngày. Chỉ cần cố vượt qua thách thức trong các việc tiếp theo, ở cơ quan, ở nơi giao dịch với cơ quan khác, đối tác khác… Mỗi quyết định bạn đưa ra để ủng hộ không chọn tham nhũng, không gật đầu với lợi ích không phải của mình, không “vay mượn” sự ưu tiên, đều là một trận chiến. Giành chiến thắng, bạn đang chống tham nhũng.
Dorothy Newbury nói: “Kỷ luật chỉ là cách đào tạo tâm trí mình thôi”. Tức là, theo khái niệm này, chúng ta chỉ cần thực hiện một số thay đổi nhỏ trong cuộc sống, tạo ra một số thói quen tốt và những quyết định đúng hơn. Và chúng ta có thể thay đổi mọi thứ.
(Trích Cái tôi cá sấu, Jesse Peterson, dẫn theo báo điện tử VNEpress.net, 31/01/2018)
Câu 1. Đoạn trích trên thuộc phong cách ngôn ngữ chủ yếu nào?
Câu 2. Theo tác giả, “tham nhũng” bắt nguồn từ đâu?
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: “” lại quan trọng trong việc chống tham nhũng? Hãy giữ vững nền tảng của mình, lựa chọn không phá vỡ các quy tắc
Câu 4. Anh/ Chị có đồng ý với ý kiến : “Kỷ luật chỉ là cách đào tạo tâm trí mình thôi” không? Vì sao?
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Nguyên tắc chứ đừng cứng nhắc. Anh/ Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến này.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây thông qua đoạn trích thơ sau:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12 – Nâng cao, Tập một NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.68 – 69)
Từ đó liên hệ với khổ thơ sau trong bài thơ Tràng giang để làm rõ quan niệm “thi trung hữu họa” thể hiện trong hai đoạn trích thơ này.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
 Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên cao chót vót ;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
(Trích Tràng giang, Huy Cận, Ngữ văn 11 – Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.49)
GỢI Ý I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ chính luận/ Chính luận
Câu 2. Theo tác giả, “tham nhũng” bắt nguồn từ:
– Nó bắt đầu từ điều nhỏ bé tý tẹo hàng ngày. Khi bạn rời khỏi nhà buổi sáng. Đèn đỏ đầu tiên, cố gắng đừng vượt nó. Không lái xe trên vỉa hè. Đừng bóp còi và hăng hái vượt qua mọi người. Nếu hiểu tham nhũng không phải là một tội danh hình sự, mà là lạm quyền và làm hại cho lợi ích công, thì vượt đèn đỏ và leo lề là các hành vi như thế. Khi bạn vượt đèn đỏ, những người khác cũng sẽ làm theo.
– Việc phá vỡ quy tắc, thói quen thiếu kỉ luật.
Câu 3. Tác giả cho rằng: Hãy giữ vững nền tảng của mình, lựa chọn không phá vỡ các quy tắc là quan trọng trong chống tham nhũng vì: Giữ vững nền tảng về đạo đức, kỉ luật và không phá vỡ nguyên tắc là một trong những điều kiện cốt yếu giúp con người loại bỏ được thói quen tham nhũng. Trong đoạn trích, tác giả đã đưa ra các dẫn chứng chứng minh rất thuyết phục cho việc phá vỡ nguyên tắc, thiếu kỉ luật sẽ dễ tạo nên thói quen tham nhũng như: vượt đèn đỏ, leo lên lề,… Câu 4. HS có thể đồng ý hoặc không đồng ý hoặc vừa đồng ý vừa không đồng ý với ý kiến: “Kỷ luật chỉ là cách đào tạo tâm trí mình thôi” nhưng cần đưa ra lí lẽ thuyết phục. Tham khảo gợi ý dưới đây:
– Đồng ý: Tôi đồng ý rằng “Kỷ luật chỉ là cách đào tạo tâm trí mình thôi” . Vì tôi cho rằng, việc giữ vững và rèn luyện kĩ luật là cách tốt để giữ vững sự kiên định trong suy nghĩ, tâm trí của con người. Ngược lại, nếu chúng ta không giữ vững kỉ luật, tâm trí và suy nghĩ sẽ dễ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực từ thế giới bên ngoài. Ví dụ như khi đường vắng và nắng, chúng ta sẽ sẵn sàng vượt đèn đỏ chẳng hạn.
– Không đồng ý: Tôi không đồng ý, chỉ có “Kỷ luật chỉ là cách đào tạo tâm trí mình thôi”. Vì ngoài yếu tố kỉ luật, những yếu tố khác cũng rất cần thiết để rèn luyện tâm trí như tư duy cần có để phân tích và đưa ra chính kiến của bản thân chẳng hạn. Đó cũng là một cách để tâm trí cá nhân không bị tác động bởi thế giới bên ngoài. Kỉ luật chỉ là một sự lựa chọn để đào tạo tâm trí cá nhân mà thôi.
– Vừa đồng ý vừa không đồng ý: (Kết hợp cả hai ý kiến trên).

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) HS có thể đồng ý hoặc không đồng ý hoặc vừa đồng ý vừa không đồng ý với ý kiến: Nguyên tắc chứ đừng cứng nhắc. Nhưng cần đưa ra lí lẽ, bằng chứng xác đáng để thuyết phục người đọc, người nghe. Dưới đây là một đoạn văn tham khảo:
] Nguyên tắc ở đây được hiểu là những điều đã được quy định và dùng làm cơ sở cho các mối quan hệ xã hội. Còn cứng nhắc là những quan niệm không thể thay đổi. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng: Nguyên tắc chứ đừng cứng nhắc. [G] Bởi vì bản chất của nguyên tắc là những điều (có thể do bạn hoặc người khác) quy định sẵn, không thể thay đổi. Ví dụ như nguyên tắc sống của tôi là: Luôn trung thực, luôn thẳng thắn trong mọi mối quan hệ bạn sẽ nhận được sự tin yêu từ những người xung quanh. Đồng ý rằng là trung thực, thẳng thắn là những đức tính tốt và cần có ở mỗi con người. Tuy nhiên, trung thực và thẳng thắn trong mọi vấn đề trong mọi trường hợp thì sẽ dẫn đến cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Tôi giả sử như, có những sự thật làm người khác buồn, có sự thẳng thắn sẽ khiến người khác đau lòng, mất niềm tin. Nhưng nếu bạn quá cứng nhắc, luôn sống theo nguyên tắc ấy thì e rằng hiệu quả giao tiếp sẽ khó như ý bạn mong muốn. Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý rằng: Nguyên tắc chứ đừng cứng nhắc.
[M] Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bạn không nên thường xuyên phá vỡ nguyên tắc của mình. Vì nó sẽ khó giúp bạn giữ vững được những nguyên tắc sống do mình tạo ra. Chẳng hạn như Jesse Peterson nói: Để chống tham nhũng bạn cần giữ vững nguyên tắc “nói không với phong bì”, nói không với vượt đèn đỏ, không gật đầu với những lợi ích không phải của mình,…
[B] Chúc bạn luôn tinh anh, suy nghĩ thấu đáo trước những tình huống của cuộc sống để quyết định xem mình nên giữ vững nguyên tắc hay cần sự linh hoạt!
 Câu 2 (5,0 điểm) Yêu cầu cơ bản của đề là:  “Cảm nhận vẻ dẹp thiên nhiên Tây Bắc” thông qua đoạn trích thơ: Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ …/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Còn yêu cầu nâng cao là “đó liên hệ với khổ thơ sau trong bài thơ Tràng giang” nhằm mục địch “bình luận về quan niệm ‘thi trung hữu họa’”.
HS tham khảo gợi ý dưới đây:

  1. Giới thiệu đôi nét về Quang Dũng, Tây Tiến và đoạn trích thơ trong đề

– Quang Dũng (1921 – 1988) là một nhà thơ tài hoa xứ Đoài mây trắng. Đọc thơ ông, người đọc luôn cảm nhận được một tâm hồn phóng khoáng, hào hoa và lãng mạn.
– Bài thơ Tây Tiến được ông viết vào năm 1948 tại Phù Lưu Chanh. Cảm hứng bài thơ bắt nguồn từ nỗi nhớ da diết về đơn vị cũ (Tây Tiến). Ban đầu bài thơ có tên là Nhớ Tây Tiến nhưng về sau đổi thành Tây Tiến và in trong tập thơ Mây đầu ô (1986).
– Đoạn trích thơ: Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi là một trong những đoạn thơ ấn tượng của bài thơ. Không bởi chỉ vì nó lột tả được vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc mà còn ở giá trị nghệ thuật của nó.

  1. Yêu cầu cơ bản: Cảm nhận vẻ dẹp thiên nhiên Tây Bắc thông qua đoạn trích thơ đề bài yêu cầu:

− Không gian ở câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” mở ra theo chiều cao và độ sâu. Vì sao? Vì điệp từ dốc, cách ngắt nhịp 4/3 tách biệt hai vế (Dốc lên khúc khuỷu/dốc thăm thẳm) gợi địa hình cao mà chỉ toàn dốc là dốc. Bên cạnh đó, từ láy khúc khuỷu gợi hình ảnh những con đường triền dốc ngoằn nghoèo, quanh co hoặc những lát cắt địa hình núi trẻ (núi trẻ là địa hình núi điển hình của vùng núi Tây Bắc); từ láy thăm thẳm vừa gợi ra độ cao, vừa gợi ra chiều sâu thăm thẳm. Một trong những điểm thành công của câu thơ này là cách dùng từ láy giàu nhạc tính (chủ yếu là thanh trắc, nhịp điệu nhanh và mạnh) vừa giàu hình ảnh.
– Tới câu thơ Heo hút cồn mây súng ngửi trời thì không gian mở ra theo một điểm nhìn khác: từ trên cao nhìn xuống. Ở trên cao xuất hiện những cồn mây trắng, không gian hoang sơ, heo hút. Điểm đặc sắc nhất trong câu thơ là hình ảnh nhân hóa súng ngửi trời. Đây là một phép so sánh liên tưởng thú vị, độc đáo. Hình ảnh súng ngửi trời này không chỉ khiến người đọc hình dung ra độ cao địa hình (cao đến tưởng như súng có thể chạm trời, mà cao thì hiểm trở) mà còn thấy được tinh thần lạc quan, trẻ trung của Quang Dũng thông qua sự liên tưởng tinh nghịch, thú vị này. Đồng thời, nếu tinh tế ta còn cảm nhận thêm được tầm vóc kì vĩ của người lính giữa thiên nhiên. Người ta thường nói leo ngọn núi này, chinh phục ngọn núi kia. Ở đây, người lính cũng vậy, leo đến đỉnh cao của những ngọn núi: chinh phục thiên nhiên, nâng tầm hình ảnh con người, mà cụ thể ở đây là người lính.
– Điểm nhìn không gian câu thơ này cũng tương tự như câu thơ Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm. Nhưng điểm khác biệt là không gian có sự giãn nở và nguy hiểm hơn. Vì nó không còn chỉ là những con dốc nữa mà câu thơ gợi ra địa hình cao thì cao chót vót mà sâu thì sâu hun hút. Để tưởng tượng ra được hình ảnh cụ thể như vậy là nhờ điệp từ ngàn thước và tính từ mang tính chất đối nghịch: lên, xuống. Nhịp thơ (4/3, chia tách hai vế) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc biểu đạt độ cao và chiều sâu của địa hình.
− Câu thơ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi phần nào làm giảm mức độ gay gắt, gân guốc về địa hình qua những câu thơ trên, gợi cảm giác nhẹ nhàng, êm ái. Vì cấu tạo âm điệu của các tiếng đều là thanh bằng, mà thanh bằng vốn gợi âm thanh êm tai. Và còn vì điểm nhìn không gian mở rộng mênh mông, gợi cảm giác mát mẻ với những cơn mưa và gợi sự ấm cúng với mái nhà ai thấp thoáng giữa không gian núi rừng hoang vu. Tuy nhiên, nhìn chung câu thơ này vẫn gợi ra độ cao, chiều rộng của địa hình và sự khắc nghiệt của thiên nhiên – những cơn mưa bất chợt, tạo sự trơn trượt cho chuyến quân hành của những người lính.

  1. Yêu cầu nâng cao: Từ đó liên hệ với khổ thơ sau trong bài thơ Tràng giang để bình luận về quan niệm “thi trung hữu họa” thể hiện trong hai đoạn trích thơ này.

– Quan niệm “thi trung hữu họa” (tức trong thơ có họa/tranh/cảnh) đã chỉ ra một đặc trưng của thơ ca trữ tình là giàu hình ảnh. Nhưng khác với nghệ thuật vẽ, người họa sĩ dùng màu để vẽ tranh còn trong thơ ca, thi sĩ lại dùng chất liệu là ngôn từ để tạo nên chất “họa” trong thơ. Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tinh thần vốn vô hình nên nhất thiết phải dựa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để hữu hình hóa.
– Xét ở góc độ quan niệm “thi trung hữu họa” này thì giữa đoạn trích thơ Tây Tiến (Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/…/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi) và đoạn trích thơ Tràng giang (Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/…/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu) có điểm tương đồng. Cả hai đoạn trích thơ đều được tác giả vận dụng chất liệu ngôn từ gợi hình để phác họa ra bức tranh thiên nhiên phù hợp với cảm xúc, cảm hứng của mình. Tuy đối tượng cảm hứng của hai đoạn trích thơ này (cả hai bài thơ nói chung) đều là thiên nhiên nhưng cội nguồn cảm hứng lại khác nhau: Một miêu tả vẻ đẹp đẹp thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở (Tây Tiến), một bên miêu tả không gian bao la, cô quạnh đến rợn ngợp của sông Hồng về chiều.
+ Để phác họa bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, trong đoạn trích thơ này, Quang Dũng vận dụng ngôn từ tạo hình chủ yếu là từ láy (khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút), phép đối (lên – xuống), điệp từ dốc, phép nhân hóa súng ngửi trời…
+ Còn bức tranh sông nước cô liêu, hiu hắt nhưng cũng rợn ngợp của Tràng giang cũng được Huy Cận vận dụng chất liệu ngôn từ giàu tính tạo hình như từ láy (Lơ thơ, đìu hiu, chót vót), phép đối (Nắng xuống – trời lên, Sông dài – trời rộng). Ngoài ra những từ ngữ miêu tả không gian rộng như cồn nhỏ, nắng, trời, sông, bến cũng được vận dụng hiệu quả trong việc tạo tác không gian rộng lớn. Cách dùng âm thanh để miêu tả không gian cũng rất hiệu quả: Đâu tiếng làng xa. – Xét về phương diện nghệ thuật, tức là việc vận dụng chất liệu ngôn từ nghệ thuật và phương tiện nghệ thuật (biện pháp nghệ thuật) để tạo hình trong hai khổ thơ có nhiều điểm tương đồng, như việc vận dụng ngôn từ giàu chất tạo hình, phép tương phản.

  1. Đánh giá chung

Nhìn chung, cả hai đoạn trích thơ trên là một trong những đoạn thơ tiêu biểu cho quan niệm “thi trung hữu họa”. Nó không chỉ mang lại một nét đẹp riêng về phương diện nghệ thuật cho thơ ca mà còn trở thành một thành công trong việc kiến tạo nên bức tranh thiên nhiên vừa đẹp vừa lãng mạn của Việt Nam.
Xem thêm: ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NGỮ VĂN , DẠNG ĐỀ LIÊN HỆ TÁC PHẨM 12-11TÂY TIẾN , TRÀNG GIANG

, , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *