Đề thi thử kì thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn, đề số 79

Đề thi thử kì thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Thời gian làm bài 120 phút
Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững”- Ramsey Clark.
Trung thực- ứng xử cao nhất của sự tôn trọng.
Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, vv.. mới chỉ là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để đưa bạn đến thành công nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực. Bạn sẽ chẳng bao giờ cảm nhận trọn vẹn những giá trị của bản thân khi chưa tìm thấy sự bình an trong tâm hồn mình. Viên đá đầu tiên và cần thiết nhất của nền tảng đó là sự trung thực.
Vì sao tôi lại xem trọng tính trung thực đến thế? Đó là bởi vì tôi đã phải mất một thời gian rất dài mới có thể nhận ra rằng sự trung thực chính là phần còn thiếu trong nỗ lực tìm kiếm sự thành công và hoàn thiện bản thân tôi. Tôi không phải là một kẻ hay nói dối, một kẻ tham lam, một tên trộm mà tôi chỉ thiếu tính trung thực mà thôi. Giống như nhiều người khác, tôi cũng quan niệm “Ai cũng thế cả mà”, một chút không trung thực không có gì là xấu cả. Tôi đã tự lừa dối mình. Dù muộn màng, nhưng rồi tôi cũng khám phá ra rằng không trung thực là một điều rất tệ hại và để lại một hậu quả khôn lường. Ngay sau đó, tôi quyết định sẽ ngay thẳng, chính trực trong tất cả mọi việc. Đó là một lựa chọn quan trọng làm thay đổi cuộc đời tôi.
                                (Theo Hal Urban, Những bài học cuộc sống”, www wattpad.com)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?(0.5điểm)
Câu 2: Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói: “Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững”?(0.75điểm)
Câu 3: Theo anh (chị), vì sao tác giả lại cho rằng: Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, vv.. mới chỉ là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để đưa bạn đến thành công nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực?(0.75điểm)
Câu 4: Anh (chị) có đồng tình với quan điểm của tác giả: “không trung thực là một điều rất tệ hại và để lại một hậu quả khôn lường” hay không? Vì sao?(1.0điểm)
 
Phần II: Làm văn: (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người.
Câu 2: ( 5.0 điểm)
Cảm nhận của anh(chị) về hình tượng sóng và tâm trạng của người phụ nữ đang yêu trong đoạn thơ sau:
                                  “Dữ dội và dịu êm
                                   Ồn ào và lặng lẽ
                                    Sông không hiểu nổi mình
                                   Sóng tìm ra tận bể
 
                                  Ôi con sóng ngày xưa
                                  Và ngày sau vẫn thế
                                  Nỗi khát vọng tình yêu
                                  Bồi hồi trong ngực trẻ
 
                                 Trước muôn trùng sóng bể
                                 Em nghĩ về anh, em
                                 Em nghĩ về biển lớn
                                 Từ nơi nào sóng lên?
 
                                  Sóng bắt đầu từ gió
                                 Gió bắt đầu từ đâu?
                                 Em cũng không biết nữa
                                  Khi nào ta yêu nhau.”
(Trích “Sóng”, Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Đáp án:
Câu Đọc hiểu
1, Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận
2, “Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững”
– Sự trung thực: là thật thà, ngay thẳng, đúng với sự thật, không làm sai lạc đi; trái ngược với sự dối trá…
– Sự trung thực sẽ giúp tạo được niềm tin, lòng tin với mọi người, từ đó giữ cho các mối quan hệ được bền vững, lâu dài
3. Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, vv.. mới chỉ là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để đưa bạn đến thành công nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực
Vì:
– Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, vv.. là động lực, là điều kiện để con người cố gắng phấn đấu, rèn luyện mình trên con đường tìm đến thành công.
– Nhưng vẫn chưa đủ bởi để có được thành công, con người còn cần đến những mối quan hệ xã hội. Và sự trung thực và chính trực là yếu tố giúp tạo nên quan hệ bền vững, là thái độ ứng xử cao nhất của sự tôn trọng đối với những người xung quanh, cũng là tôn trọng chính bản thân mình..
-> Có cả điều kiện cần và đủ thì con người mới thành công(đạt được ước mơ, sống thoải mái, thanh thản, hạnh phúc)
4. Anh (chị) có đồng tình với quan điểm của tác giả: “không trung thực là một điều rất tệ hại và để lại một hậu quả khôn lường” hay không? Vì sao?
– Học sinh có thể đưa ra ý kiến riêng và có lí giải hợp lí
(Có thể đưa ra ý kiến đồng tình và lí giải :
+ Không trung thực sẽ đánh mất niềm tin của mọi người dành cho mình -> Sẽ không đạt được kết quả mình mong muốn trong công việc cũng như trong cuộc sống….
+ Không trung thực sẽ có lợi trước mắt nhưng làm ảnh hưởng đến người khác và để lại hậu quả về sau….
+ Người không trung thực sẽ sống không thanh thản, không vui vẻ …. )
Phần làm văn
Câu 1 : Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người.
Yêu cầu về hình thức:
– Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ
– Trình bày rõ ràng, mạch lạc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Giải thích vấn đề:
– Sự trung thực
– Vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người
2. Bình luận:
– Quan niệm về “thành công”: Đạt được kết quả, mục đích như dự định trong công việc; Đạt được mong ước trong cuộc sống; Hài lòng, hạnh phúc với những gì mình có được và có ước mơ tốt đẹp trong tương lai
– Sự trung thực là điều kiện đủ để có được thành công, là yếu tố quan trọng đưa con người đến thành công. Bởi vì
+ Sự trung thực sẽ giúp tạo được niềm tin, lòng tin với mọi người, từ đó giữ cho các mối quan hệ được bền vững, lâu dài. Điều này vô cùng quan trọng, giúp công việc thuận lợi, các mối quan hệ xã hội trở nên hài hòa.
+ Sống trung thực sẽ đem đến sự thanh thản trong tâm hồn, giúp con người luôn vui vẻ, thoải mái. Điều này lại đem đến sự tỉnh táo, sáng suốt khi đưa ra những lựa chọn, những quyết định quan trọng trong cuộc sống, trong công việc, góp phần tạo nên thành công.
(Có thể có dẫn chứng cụ thể)
3. Bài học nhận thức, hành động:
– Cần trung thực trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Câu 2 . Cảm nhận của anh(chị) về hình tượng sóng và tâm trạng của người phụ nữ đang yêu trong đoạn thơ(Trích “Sóng”của Xuân Quỳnh)
Yêu cầu về hình thức: Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu về nội dung:
Có thể trình bày theo định hướng sau:
1, Giới thiệu chung:
– Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ “Sóng”
– Giới thiệu hình tượng Sóng , tâm trạng người phụ nữ đang yêu.
2, Cảm nhận về hình tượng sóng và tâm trạng tâm trạng người phụ nữ đang yêu
– Bài thơ dựa trên sự tương đồng, hòa hợp giữa hai hình tượng “sóng” và “em”. “Sóng” chính là ẩn dụ của “em”- người phụ nữ đang yêu. “Sóng” gióng như “em” và “sóng” cũng chính là “em”. Với mỗi khám phá về “sóng”, “em” lại thấy có mình ở trong đó.
– Trong đoạn thơ, “sóng” được “vẽ” nên bằng âm điệu, hiện lên với những diện mạo và trạng thái khác nhau, qua đó làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đang yêu đứng trước biển, đối diện với cái vô biên, cái vĩnh hằng để suy tư, chiêm nghiệm về tình yêu và tự khám phá tâm hồn mình.
– Khổ 1: “Sóng” được thể hiện qua những trạng thái trái ngược: dữ dội- dịu êm, ồn ào- lặng lẽ. Đây là những biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi. Cũng như sóng, người phụ nữ đang yêu tự nhận thức về biến động trong lòng mình, chân thành bộc bạch những trạng thái tâm lí, tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của một tâm hồn khao khát yêu đương: lúc giận dữ, hờn ghen; khi dịu dàng, sâu lắng.
-> Sóng- em khát khao tìm hiểu, khám phá chính mình, khám phá tình yêu, tìm kiếm một tình yêu lớn lao, một tâm hồn đồng điệu để được cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.
– Khổ 2: Hiểu được quy luật: Từ xưa đến nay và mãi mãi về sau, những con sóng ngoài biển khơi đã, đang và sẽ luôn luôn chuyển động. Sóng mãi “bồi hồi”, dào dạt, sôi nổi trong lòng biển cũng như tình yêu mãi mãi là niềm khát khao cháy bỏng, “bồi hồi” trong trái tim con người, nhất là tuổi trẻ.
– Khổ 3, 4: “Em” truy tìm nguồn gốc của “sóng”, mượn sóng để cắt nghĩa nguồn gốc của tình yêu nhưng tình yêu mãi mãi vẫn là điều bí ẩn mà “em” không bao giờ lí giải được.
(Phân tích nghệ thuật sử dụng thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, câu hỏi tu từ…; Liên hệ mở rộng với các bài thơ, nhà thơ khác cùng viết về tình yêu).
3, Đánh giá chung:
– Mượn hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã diễn tả được sự nồng nàn, mãnh liệt, cháy bỏng mà đằm thắm, dịu dàng và cũng không ít âu lo, trăn trở của người phụ nữ trong tình yêu.(-> Đây là tình cảm mang tính truyền thống nhưng được diễn tả, giãi bày bằng hình thức mới mẻ, hiện đại)
– Bài thơ là một cách nói đậm chất Xuân Quỳnh về tình yêu của người phụ nữ, trong đó, “sóng” là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn
(Có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.)
* Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Đề sưu tầm.
Xem thêm tuyển tập đề thi thử THPT Quốc gia môn văn soan theo cấu trúc mới, bám sát chương trình của Bộ :http://vanhay.edu.vn/tag/de-thi-thpt-quoc-gia-ngu-van

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *