Đề thi khảo sát ngữ văn lớp 12

Phần I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.
Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.
Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.
(Trích: Xây dựng bản lĩnh cá nhân – Tuoitre.vn 2012)
 
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. “Bản lĩnh” (theo cách hiểu của tác giả) có khác gì với “liều lĩnh”?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về lời khẳng định của tác giả: “Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh”?
Câu 4. “ Nhận thức + Ý chí = bản lĩnh” . Anh/chị có đồng ý với quan niệm được trên không ?
Phần II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
 
Câu 1. (2.0 điểm) Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vấn đề: Bản lĩnh với tuổi trẻ ngày nay.
 
Câu 2. (5.0 điểm) Cảm nhận diễn biến tâm lí, hành động của Mị trong đêm đông cởi trói cho A Phú và chạy trốn khỏi Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài). Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với cảnh ngộ bị trói của Mị trong đêm tình mùa xuân và nhận xét về sự vận động trong số phận, tính cách của nhân vật và tư tưởng của nhà văn.
 
———————-HẾT———————-
 HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ II
NĂM HỌC: 2017 – 2018
MÔN: NGỮ VĂN; LỚP: 12; KHỐI: ABCD
Đọc hiểu (3.0 điểm)
Câu 1. (0.5 điểm) Phương thức nghị luận
Câu 2. (1.0 điểm)
– Theo quan niệm của tác giả “bản lĩnh” là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. (0,5 điểm)
– “Liều lĩnh” thường đi liền với thái độ sống không tốt (bất chấp, liều mạng …) ( 0,5 điểm)
Câu 3. (1.0 điểm)
– Bản lĩnh tốt chỉ có được khi được người khác, được cộng đồng khẳng định. (0,5 điểm)
– Bản lĩnh tốt phải hướng tới sự  hài hòa giữa mục đích phục vụ cá nhân  và việc phục vụ cộng đồng, vì cộng đồng. (0,5 điểm)
Câu 4. (0.5 điểm)
– Học sinh bày tỏ rõ quan điểm đồng ý hay không đồng ý (0,25 điểm)
– Lí giải ngắn gọn, có sức thuyết phục (0,25 điểm)
Làm văn
Câu 1 (2.0 điểm)
Về nội dung
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (vấn đề bản lĩnh với tuổi trẻ ngày nay) và triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Có thể triển khai theo hướng sau:
Giải thích (0.25 điểm)
Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt…
Bàn luận (1.0 điểm)
– Bản lĩnh là điều có ý nghĩa rất quan trọng với bạn trẻ ngày nay: Giúp bạn trẻ vượt qua những khó khăn thử thách để thành công; giúp bạn trẻ vượt qua những cám dỗ, cạm bẫy để đứng vững; giúp bạn trẻ nỗ lực vươn lên không ngừng để phát triển…
– Còn nhiều bạn trẻ thiếu bản lĩnh, sống mờ nhạt hoặc khẳng định bản lĩnh một cách lệch lạc cần phải chấn chỉnh
Bài học nhận thức và hành động (0.5)
– Nhận thức đầy đủ về bản lĩnh
– Thường xuyên rèn luyện, khẳng định bản lĩnh của bản thân bằng những cách đúng đắn nhất
Về hình thức:
Đảm bảo dung lượng đoạn văn theo quy định (khoảng 200 chữ) (0.25 điểm)
Câu 2 (5.0 điểm)
Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.5 điểm)
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận ( 0, 5 điểm)
+ Diễn biến tâm lí, hành động của Mị trong đêm đông cởi trói cứu A Phú và chạy trốn khỏi Hồng Ngài trong truyện Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.
+ Liên hệ với cảnh ngộ bị trói của Mị trong đêm tình mùa xuân.
+ Nhận xét về sự vận động trong số phận, tính cách của nhân vật và tư tưởng của nhà văn.
HS cần triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. HS có thể chọn các hướng triển khai khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
* Cảm nhận diễn biến tâm lí, hành động của Mị trong đêm đông cởi trói cứu A Phủ và chạy trốn khỏi Hồng Ngài(2.0 điểm)
– Hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng: Do làm mất bò, A Phủ bị nhà thống lí trói chờ chết. Những đêm dài mùa đông trên núi cao,  Mị thức dậy thổi lửa hơ tay, hơ lưng…
– Diễn biến tâm lí, hành động: Ban đầu là thái độ thản nhiên, vô cảm; khi nhìn nước mắt của A Phủ, Mị nghĩ tới cảnh mình bị trói, thương A Phủ; Mị nhận ra sự độc ác nhà thống lí; Mị nghĩ và quyết định cắt dây cứu A Phủ; trong nỗi sợ hãi và khao khát sống, Mị chạy theo A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài.
– Nhận xét: Vẻ đẹp tâm hồn của Mị: đồng cảm, tinh thần phản kháng và khát vọng sống, khát vọng tự do của Mi;  Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình và tư tưởng nhân đạo mới mẻ của Tô Hoài.
* Liên hệ với cảnh ngộ bị trói của Mị trong đêm xuân ở Hồng Ngài ( 0, 75 điểm)( HS chỉ liên hệ, không cần phân tích cụ thể)
– Lí do bị trói: Vì muốn đi chơi, khao khát tự do nên Mị đã vào buồng sửa soạn nhưng  A  Sử về và trói Mị.
– Cảnh Mị bị trói: A Sử dùng cả thúng sợi đay trói Mị, quấn tóc Mị, đầu không cúi, không nghiêng, nước mắt chảy không lau được. A Sử tắt điện, khép cửa đi ra để Mị một mình trong đêm tối.
– Nỗi niềm tâm trạng: Có nỗi đau thể xác bị dây trói đau dứt từng mảnh thịt; có sự tự do về tâm hồn khi nương theo tiếng sao, cuộc chơi; rồi lại trở về với cảm thức thân phận không bằng con ngựa và cuối cùng là nỗi sợ hãi khi nghĩ về cái chết như người đàn bà bị trói 3 ngày, chết ở nhà thống lí.
            * Nhận xét về sự vận động trong số phận, tính cách của nhân vật và tư tưởng của nhà văn ( 0,75 điểm)
– Sự vận động trong số phận, tính cách nhân vật Mị:
+ Số phận: từ cảnh ngộ bị trói, bị vùi dập phũ phàng trong đêm tình mùa xuân, Mị đã cởi trói cứu người đồng phận. Từ nạn nhân, Mị trở thành ân nhânchủ nhân quyết định cho số phận mình.
+ Tính cách: Nếu trong cảnh bị trói ở đêm xuân: sức sống tiềm ẩn trong vẻ bề ngoài cam chịu, nhẫn nhục; thì trong đêm đông, niềm  khao khát sống, kháo khát tự do, có sự đột khởi và bùng phát mãnh liệt. Mị không chỉ thương mình mà còn thương người, phản kháng mãnh mẽ với cái ác.
– Sự vận động trong tư tưởng của nhà văn: Tư tưởng nhân đạo, yêu thương con người của Tô Hoài đã vận động từ sự phát hiện, trân trọng sức sống tiềm tàng của nhân vật đến thái độ đồng tình, ngợi ca với khát vọng giải phóng và niềm tin mãnh liệt vào khả năng vươn tới cách mạng của họ.

  1. Sáng tạo (0.25 điểm): Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm): Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

————————————-HẾT————————————-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *