Đề thi học kì 1 ngữ văn 11.Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”. Đề đọc hiểu :Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT ĐÔNG KINH
—————-
MA TRẬN KHUNG ĐỀ THI HK I MÔN NGỮ VĂN 11
(Thời gian làm bài: 90 phút)
Mức độ/ Chủ đề |
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Tổng số |
I. Đọc hiểu Văn bản nhật dụng |
– Phương thức biểu đạt của văn bản | – Nội dung chính của văn bản. – Ý nghĩa chi tiết trong văn bản. |
– Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về vấn đề đặt ra trong văn bản. | |
Số câu | 1 | 2 | 1 | 4 |
Số điểm (Tỉ lệ) | 1,0 (10% ) | 2,0 (20%) | 1,0 (10%) | 4,0 (40%) |
II. Làm văn Nghị luận văn học |
– Viết bài nghị luận văn học về một vấn đề trong tác phẩm văn học. | |||
Số câu | 1 | 1 | ||
Số điểm (Tỉ lệ) | 6,0 (60%) | 6,0 (60%) | ||
Tổng số câu | 1 | 2 | 2 | 5 |
Tổng số điểm (Tỉ lệ) | 1,0 (10%) |
2,0 (20%) |
7,0 (70%) |
10,0 (100%) |
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI, TRƯỜNG THPT ĐÔNG KINH
ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016 – 2017, MÔN NGỮ VĂN 11
Thời gian: 90 phút (không kể phát đề)
PHẦN I – ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới
“… Lần nào cũng vậy, khi những người thắng cuộc đã lên bục nhận giải, chụp ảnh, trả lời truyền hình, rồi đã về nhà tắm rửa xong, thì nhóm người này vẫn hì hục, nhẫn nại ở những cây số cuối cùng. Tôi đứng ở ven đường để ngắm lòng quyết tâm đầy đau đớn của họ. Thường khi họ rẽ vào khúc ngoặt cuối cùng dẫn tới đích thì các băng rôn đã được tháo xuống từ lâu, cũng không còn ai đứng ở vạch đích để bấm thời gian cho họ, và người xem cũng đã ra về gần hết. Bám sát gót những người đang lê lết này là các nhân viên vệ sinh khua chổi quét đường.
Tôi không để ý tới những người về đầu vì họ là dân chuyên nghiệp, họ sinh ra để dẫn đầu, họ có tố chất để làm điều siêu phàm. Những người về cuối thì hiểu rằng họ không có vai trò gì trong cái cuộc thi thố này. Họ chẳng đem lại vinh quang cho ai, mà thất bại của họ cũng không làm ai mảy may quan tâm. Động cơ để họ cắn răng lê bước tiếp không phải là những gửi gắm của một tập thể, chẳng phải là danh dự của một quốc gia, hay danh tiếng của bản thân mà họ cần phải bảo vệ. Họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể hơi điên rồ. Họ tiếp tục chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ..”
(Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót, trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang, NXB Nhã Nam, 2015, tr.157 )
Câu 1: Hãy xác định phương thức biểu đạt có trong đoạn trích trên.
Câu 2: Em hiểu câu “Họ tiếp tục chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ..” sử dụng trong đoạn trích nghĩa là gì?
Câu 3: Hãy nêu nội dung chính của đoạn trích trên.
Câu 4: Qua đoạn trích trên, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về giá trị của việc chiến thắng chính bản thân mình trong cuộc sống? Trình bày bằng đoạn văn 7 câu.
PHẦN II – LÀM VĂN (6 điểm)
Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (trích “Số đỏ”) của Vũ Trọng Phụng.
________________________
*Lưu ý:
– Thí sinh không sử dụng tài liệu.
– Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM ĐỀ THI HK I – VĂN 11
PHẦN I – ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Câu 1 (1,0 điểm) Tự sự, nghị luận, biểu cảm.
* Nếu có 2/3 phương thức: 0,75 điểm
* Nếu có 1/3 phương thức: 0,5 điểm
Câu 2 (1,0 điểm)
– Ý cần có: họ nỗ lực để thực hiện đến cùng cái đích mà mình đặt ra, không bỏ dở giữa chừng.
* Nếu có ý “nỗ lực” hoặc “không bỏ giữa chừng”: 0,5 điểm
Câu 3 (1,0 điểm)
– Ý cần có: Sự trân trọng của tác giả với những người chạy thi về sau cùng bởi họ đã không từ bỏ, không nản chí để đạt đến cái đích của chính mình.
* Nếu có ý “trân trọng” hoặc “không từ bỏ”: 0,5 điểm
Câu 4 (1,0 điểm)
– Đảm bảo dung lượng 7 câu.
– Hình thức đoạn văn: diễn dịch, quy nạp…
– Một số ý nên có:
+ Chiến thắng chính bản thân mình giúp có ý nghĩa quan trọng với mỗi người.
+ Giúp ta mạnh mẽ hơn và không chịu khuất phục trước hoàn cảnh.
+ Luôn tạo ra niềm tin trong cuộc sống.
+ Đưa dẫn chứng ngắn gọn.
* Nếu đoạn văn từ 4 – 6 câu hoặc 8 – 10 câu mà có các ý cơ bản: 0,5 điểm.
* Nếu đoạn văn dưới 4 câu hoặc trên 10 câu: 0 điểm
PHẦN II – LÀM VĂN (6 điểm)
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ mở bài (nêu được vấn đề), thân bài (triển khai được vấn đề), kết bài (kết luận được vấn đề). 0,25 điểm
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phung trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” 0,50 điểm
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích và nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích. 0,50 điểm
– Giải thích khái niệm “trào phúng” (tiếng cười châm biếm) và chỉ ra biểu hiện của nó (mâu thuẫn – tình huống – nhân vật trào phúng) 0,25 điểm
– Phân tích mâu thuẫn trào phúng ngay trong nhan đề (hạnh phúc và tang gia). Từ mâu thuẫn đó, nảy sinh các tình huống trào phúng, gắn với các chân dung trào phúng: 0,50 điểm
+ Cảnh chuẩn bị đám tang với không khí “bối rối” trong “niềm vui của từng người của gia đình” (cố Hồng, ông bà Văn Minh và tiệm may Âu hóa, Phán mọc sừng, Tuyết, Tú tân) 1,0 điểm
+ Cảnh cất đám và đưa tang với không khí “náo nhiệt” và nhiều niềm vui “ý nhị” khác của những người ngoài gia đình (vật dụng trong đám tang, bạn cố Hồng, Xuân tóc đỏ, sư Tăng Phú, 2 cảnh sát, đám “giai thanh gái lịch”…) 1,0 điểm
+ Cảnh hạ huyệt với tài đạo diễn của Tú tân, với tiếng khóc đặc biệt của ông Phán mọc sừng đã khép lại phi vụ làm ăn với Xuân tóc đỏ. 0,50 điểm
+ Đánh giá về cách sử dụng giọng điệu, từ ngữ, hình ảnh…của tác giả để tăng thêm tiếng cười mỉa mai, châm biếm. 0,50 điểm
– Đánh giá về sức mạnh tố cáo xã hội “thượng lưu” rởm và sự băng hoại của tình người trong xã hội 0,50 điểm
- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0,25 điểm
- Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25 điểm
_______________
* Lưu ý: giáo viên linh hoạt chấm điểm trong từng phần để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Xem thêm :
- Tuyển tập đề thi học kì khối 11
- Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về Hạnh phúc của một tang gia- trích Số đỏ, Vũ Trọng Phụng : Hạnh phúc của một tang gia