ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I – NĂM HỌC 2016 – 2017 MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 11
Đề đọc hiểu Thương vợ -Trần Tế Xương,phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao để làm sáng tỏ nhận định
Thời gian làm bài: 90 phút (Không kể thời gian giao đề)
PHẦN ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không.”
- Em hãy nêu tên văn bản trên và cho biết tác giả là ai?
- Trong bài thơ trên tác giả đã sử dụng những thành ngữ nào? Chỉ ra ý nghĩa của thành ngữ em vừa tìm thấy?
- Câu thơ “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!”, theo em đó là lời của ai? Ý nghĩa của câu thơ đó?
- Viết một đoạn văn khoảng 8 – 10 dòng về hình ảnh người vợ được nói đến trong bài thơ.
PHẦN LÀM VĂN (7điểm)
Câu 1 (3 điểm)
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu:
“Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi”
Viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên?
Câu 2 (4 điểm)
Nhận định về tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, Từ điển văn học (Bộ mới, NXB Thế giới, 2003) có viết:
“Điều đặc sắc là khi miêu tả người nông dân lưu manh hóa, Nam Cao không hề bôi nhọ nhân dân mà trái lại, đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định nhân phẩm của bị xã hội cướp mất cả nhân hình, nhân tính”.
Em hãy phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao để làm sáng tỏ nhận định trên?
………………………. Hết ………………………
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I – NĂM HỌC 2016 – 2017 MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 11
Thời gian làm bài: 90 phút (Không kể thời gian giao đề)
HƯỚNG DẪN CHẤM
PHẦN ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
- Văn bản trên là bài thơ Thương vợ của tác giả Trần Tế Xương (0.5 điểm)
- – Trong bài thơ trên tác giả đã sử dụng những thành ngữ:
“Một duyên hai nợ”, “Năm nắng mười mưa”. (0.5 điểm)
– Ý nghĩa của thành ngữ trên cho thấy sự vất vả, lam lũ của bà Tú khi lấy ông Tú: “duyên” ít mà “nợ” thì nhiều. Qua đó thấy được sự cảm thông, thương yêu vợ của ông Tú (0.25 điểm)
- Câu thơ “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!” nên hiểu là lời của ông Tú. (0.25 điểm)
Ý nghĩa của câu thơ đó: Là lời ông Tú tự rủa mát mình nhưng đồng thời cũng là tiếng chửi ném vào “thói đời” bạc bẽo đã làm cho bà Tú nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến chịu bao bất công, tủi cực. (0.5 điểm)
- Viết một đoạn văn khoảng 8 – 10 dòng về hình ảnh người vợ trong bài thơ nói được những nội dung cơ bản sau: (1.0 điểm)
– Người phụ nữ chịu bao vất vả, gian truân.
– Người phụ nữ hiện lên với đức tính cao đẹp.
– Người phụ nữ được nhìn với con mắt đầy trân trọng và cảm thương.
PHẦN LÀM VĂN (7điểm)
Câu 1 (3 điểm)
1.Yêu cầu về kĩ năng:
Học sinh biết làm bài nghị luận xã hội. Bố cục hợp lí, kết cấu chặt chẽ, hành văn mạch lạc, diễn đạt trong sáng, không phạm lỗi chính tả và diễn đạt.
2.Yêu cầu về kiến thức.
Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách để bộc lộ những suy nghĩ và sự trải nghiệm của mình về việc học. Có thể bàn luận về câu ngạn ngữ về khía cạnh mà mình tâm đắc nhất.
Bài làm cần nêu được những ý cơ bản sau đây:
– Giới thiệu được câu ngạn ngữ và giải thích được hình ảnh “Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi” nghĩa là: Con thuyền bơi ngược nước trên dòng sông, người lái đò phải gò mình, sải cánh thì con thuyền mới tiến lên được. Nếu dừng tay chèo thì con thuyền sẽ lùi theo dòng nước. (0.75 điểm)
– Việc phân tích: Câu ngạn ngữ nhằm nói đến bản chất của việc học. Việc học đầy gian nan và thử thách. Điều quan trọng là có đủ kiên trì, nhẫn nại để chiến thắng. (0.75 điểm)
– Phần bình luận: Học sinh đưa ra những hiện tượng trong cuộc sống để nhìn nhận lại câu ngạn ngữ trên: (1.0 điểm)
+ Học là một hoạt động khám phá, sáng tạo của con người bao gồm hai khâu chủ yếu là: thu nhận và vận dụng sáng tạo kiến thức mới. Hiểu được như vậy mới thấy việc học khó khăn và gian khổ vô cùng.
+ Phẩm chất quan trọng trước tiên của việc học là sự kiên trì và quyết tâm, không bao giờ thối chí, nản lòng. Việc học là suốt đời, không ngừng, không nghỉ.
+ Để học tốt cũng cần tìm cho mình phương pháp học tối ưu.
– Mỗi luận điểm học sinh cần tìm chọn dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề.(0.25 điểm)
– Khái quát và nâng cao vấn đề, liên hệ bản thân (0.25 điểm)
Câu 2 (4 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
Học sinh biết làm bài nghị luận văn học. Bố cục hợp lí, kết cấu chặt chẽ, hành văn mạch lạc, diễn đạt trong sáng, không phạm lỗi chính tả và diễn đạt.
2.Yêu cầu về kiến thức.
Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách nhưng bài làm cần nêu được những ý cơ bản sau đây:
Ngoài phần giới thiệu vấn đề và kết thúc vấn đề (0.25 điểm)
– Khi miêu tả người nông dân bị lưu manh hóa, Nam Cao không bôi nhọ người nông dân: (1.5 điểm)
+ Viết Chí Phèo, Nam Cao muốn ném ra giữa cuộc đời một thằng “cùng hơn cả dân cùng”, điển hình cho những nỗi khổ tủi nhục nhất của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến.
+ Chí Phèo là người nông dân vốn “hiền như đất”, biết tự trọng, biết khinh cái đáng khinh, có những ước mơ thật bình dị, thế nhưng xã hội cũ đã xô đẩy Chí Phèo vào hoàn cảnh sống không được sống đúng như bản chất, như điều mong muốn.
+ Nam Cao đã phân tích, giải thích, truy tìm nguyên nhân xã hội đã xô đẩy Chí Phèo vào con đường tha hóa, lưu manh hóa.
+ Nam Cao khái quát hóa một hiện tượng phổ biến đã trở thành quy luật khủng khiếp của xã hội cũ: chừng nào còn bất công, vô nhân đạo thì chừng ấy vẫn còn tồn tại những người nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa.
– Nam Cao đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định nhân phẩm của họ.(1.5 điểm)
+ Khi Chí Phèo thật sự trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, Nam Cao vẫn nhận ra trong đáy sâu tâm hồn của y sự thèm khát giao tiếp với đồng loại, dẫu bằng hình thức tồi tệ nhất là tiếng chửi, nhưng khát khao ấy hắn cũng không đạt được.
+ Nhân vật Thị Nở xuất hiện đã bắc cây cầu cho Chí Phèo quay lại xã hội loài người. Nhưng khi khao khát được sống, được làm người lương thiện trỗi thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết thì Thị Nở lại buông tay hắn đẩy hắn rơi vào một bi kịch đau đớn hơn – bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Và rồi cuối cùng Chí Phèo phải chọn cái chết để bảo toàn tính “NGƯỜI” đã sống lại trong mình.
- Qua cách xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo nhà văn đã tố cáo xã hội thực dân phong kiến đương thời đầy thối nát, bóp nghẹt quyền sống của con người, đẩy họ đến bước đường cùng, đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc với những con người cùng khổ. (0.75 điểm)
…………………………. Hết …………………………
Xem thêm:
- Bộ đề kiểm tra học kì môn Ngữ văn lớp 11
- Tuyển tập đề thi, những bài văn hay về truyện ngắn Chí Phèo- Nam Cao : Chí Phèo