Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương Ngữ văn 11 năm 2019 Chuyên Lê Quý Đôn Lai Châu

 

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO LAI CHÂU
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
 ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
 TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNGLẦN THỨ XV
       (Đề thi gồm có 02 câu, 01 trang)                        Môn: Ngữ văn 11

Người ra đề:  Đặng Thị Hoàng SĐT: 0818.500.999
 
Câu 1 (8,0 điểm)
Sự sáng tạo đòi hỏi phải có can đảm để buông tay khỏi những điều chắc chắn.  (Erich Fromm)
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên
Câu 2 (12,0  điểm)
Trả lời câu hỏi: Làm thế nào để có một truyện ngắn hay, có ý kiến cho rằng:Viết ra không khó, cái khó là tìm được những câu chuyện đáng kể, những tư tưởng đáng ghi. Ý kiến khác lại cho rằng: Điều quan trọng không phải là câu chuyện được kể, mà là cách kể.
Anh/ chị suy nghĩ như thế nào về hai ý kiến trên? Hãy làm rõ quan điểm của mình qua việc phân tích một truyện ngắn thuộc giai đoạn văn học Việt Nam 1930 – 1945.
—————————–Hết————————-
Thí sinh không được sử dụng tài liệu; giám thị không giải thích gì thêm.

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO LAI CHÂU
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
 HDC ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
         TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV
       (HDC có 06 trang)                        Môn: Ngữ văn 11

Người ra đề:  Đặng Thị Hoàng
 
HƯỚNG DẪN CHẤM

CÂU Ý NỘI DUNG Điểm
1   Sự sáng tạo đòi hỏi phải có can đảm để buông tay khỏi những điều chắc chắn. (Erich Fromm)
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên
8,0
    * Yêu cầu về kỹ năng
– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.
Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
* Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở hiểu ý nghĩa nhận định, bài làm của thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng.
 
  1 * Nêu vấn đề 0,5
  2 * Giải thích (1,0 điểm)
Sáng tạo là tìm ra cái mới, cách làm mới mà không bị gò bó, phụ thuộc vào cái cũ, cái đã có…
Can đảm: thể hiện bản lĩnh, sự quyết đoán trong tinh thần thái độ và hành động
Buông tay: từ bỏ một cách dứt khoát, không đi theo những lối mòn, thậm chí là đi ngược lại hoàn toàn với những gì đã quen thuộc.
Những điều chắc chắn: là những cái đã có, đã biết, đã được thừa nhận, đã trở thành chân lý, thành thói quen, thành nếp nghĩ hằn sâu, khó thay đổi. Những điều đó có thể do bản thân tạo ra hoặc được thừa hưởng thành quả từ người khác.
-> Ý kiến yêu cầu mỗi con người cần có dũng khí, bản lĩnh để từ bỏ những cái đã cũ, đã lỗi thời, đã quen thuộc, khám phá ra những điều mới lạ, có giá trị, mang lại thành quả tốt đẹp cho cuộc sống của cá nhân và xã hội.
1,0
  3 Phân tích, chứng minh
Cuộc sống luôn vận động đòi hỏi con người không ngừng thiết lập các giá trị mới, những quan hệ mới… Vì thế, mỗi chúng ta luôn phải nỗ lực tìm tòi, làm mới mình, thay đổi bản thân từ suy nghĩ cho đến hành động để theo kịp với sự phát triển của thời đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
– Sáng tạo bao giờ cũng là con đường nhiều gian nan, thử thách. Đi trên con đường này, con người phải có bản lĩnh vượt qua những tiền đề, những thuận lợi sẵn có để dấn thân vào thử thách, chấp nhận thất bại, có nghị lực để vượt qua khó khăn và cả sự cô đơn…
– Khi dám can đảm buông tay khỏi những điều chắc chắn để sáng tạo, chúng ta sẽ:
+ Có thể khám phá và tạo ra được giá trị mới về cả vật chất lẫn tinh thần.
+ Có cơ hội đến với những thành công, những bước ngoặt lớn lao có thể làm thay đổi nhận thức, hành động của mọi người, đem lại bước tiến nhảy vọt cho xã hội.
+ Khám phá và phát huy được những năng lực ẩn giấu trong bản thân mỗi người mà khi đi theo lối mòn, theo những gì đã cũ khó được thể hiện ra. Đó cũng là cách giúp chúng ta rèn luyện bản lĩnh, ý chí, nghị lực, sẵn sàng chấp nhận thất bại và đứng lên để bước tiếp. Sáng tạo sẽ phá vỡ sức ì của con người, khiến bản thân trở nên năng động, mạnh mẽ và giàu năng lượng sống hơn.
+ Sáng tạo thực sự đem đến cho mọi người một cuộc sống tốt đẹp, giàu ý nghĩa,…
– Khi mải miết đi theo vết chân của những người đi trước, không dám và không đủ dũng khí để sáng tạo:
+ Bản thân sẽ trở nên lười biếng, ỉ lại, tư duy sẽ cũ mòn, máy móc, thụ động, không thể tạo nên được những điều mới mẻ, ý nghĩa, khiến cho mục đích cuộc sống dù có đạt được cũng không rực rỡ, không có tiếng vang lớn.
+ Xã hội không có sáng tạo sẽ trở nên lạc hậu, không thể phát triển được.
4,0
  4 * Bàn luận, mở rộng vấn đề
– Khẳng định được ý nghĩa quan trọng của sáng tạo và bản lĩnh của con người cần có để sáng tạo
– Tuy nhiên, muốn sáng tạo, ngoài sự can đảm, chúng ta cần trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng và sự trải nghiệm thực tế,… Đặc biệt là những người trẻ, cần dám nghĩ, dám làm, dám buông tay khỏi những điều chắc chắn để đột phá, sáng tạo…
– Sáng tạo không đồng nghĩa với sự liều lĩnh, bất chấp, không giống ai, sáng tạo cần dựa trên hành trang mà mỗi người có.
– Phê phán những người không sáng tạo, không có tư duy sáng tạo, không dám phá cách.
2,0
  5 * Kết thúc vấn đề 0,5
2   Trả lời câu hỏi: Làm thế nào để có một truyện ngắn hay, có ý kiến cho rằng:Viết ra không khó, cái khó là tìm đượcnhững câu chuyện đáng kể, những tư tưởng đáng ghi. Ý kiến khác lại cho rằng: Điều quan trọng không phải là câu chuyện được kể, mà là cách kể.
Anh/chị hiểu như thế nào về hai ý kiến trên? Hãy bày tỏ quan điểm của mình qua việc phân tích một truyện ngắn tự chọn thuộc giai đoạn văn học Việt Nam 1930 – 1945.
12.0
    * Yêu cầu về kĩ năng:
– Học sinh biết cách làm bài nghị luận hai ý kiến bàn về văn học, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận và lựa chọn một tác phẩm tiêu biểu phân tích, cảm thụ để làm sáng tỏ vấn đề.
– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
 
  1 * Giải thích hai ý kiến
– Ý kiến thứ nhất: Từ việc nêu cách hiểu về các cụm từ những câu chuyện đáng kể, những tư tưởng đáng ghi, học sinh cần khái quát được nội dung chính của ý kiến này là nhấn mạnh vai trò của nội dung tư tưởng trong việc tạo nên giá trị của một truyện ngắn.
– Ý kiến thứ hai: Học sinh giải nghĩa được các cụm từ câu chuyện được kể và cách kể, từ đó khái quát nội dung của ý kiến này là nhấn mạnh đến vai trò của hình thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật trần thuật trong việc tạo nên nét đặc sắc cho một tác phẩm truyện ngắn.
 
  2 * Trình bày suy nghĩ về  hai ý kiến
– Học sinh có thể đồng tình với một trong hai ý kiến, cũng có thể đồng tình với cả hai bởi thực chất hai ý kiến này không hoàn toàn đối lập loại trừ nhau mà chỉ là những cách nói nhấn mạnh, bổ sung cho nhau để giúp ta nhận thức rõ hơn về giá trị thực sự của một tác phẩm truyện ngắn. Dù bày tỏ quan điểm theo hướng nào, học sinh cũng cần có những luận giải phù hợp, chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.
– Ý kiến thứ nhất đề cao vai trò của nội dung tư tưởng, bởi đó là yếu tố quan trọng trong truyện ngắn. Không giống như tiểu thuyết, truyện ngắn là một lát cắt của đời sống, một khoảnh khắc đầy ý nghĩa mà nhà văn lựa chọn để chuyển tải thông điệp của mình. Vì vậy lựa chọn câu chuyện đáng kể và chắt lọc những tư tưởng mới mẻ nhân văn là điều tạo nên sức hấp dẫn đáng kể cho truyện ngắn.
– Ý kiến thứ hai nhấn mạnh vai trò của hình thức nghệ thuật, bởi cách kể câu chuyện như thế nào cũng là một vấn đề then chốt tạo nên cái hay cho truyện ngắn. Cùng một cốt truyện, một chủ đề, nhà văn sáng tạo tình huống, sắp đặt trình tự kể, lựa chọn ngôi kể, giọng điệu, linh hoạt điều chỉnh tốc độ kể nhanh hay chậm, phối hợp đa dạng các điểm nhìn trần thuật…Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó sẽ tạo nên sự lôi cuốn cho câu chuyện, đưa người đọc vào thế giới nghệ thuật riêng biệt mà nhà văn sáng tạo nên.
– Hai yếu tố trên thực ra thống nhất và gắn bó với nhau vô cùng chặt chẽ. Nội dung tư tưởng sâu sắc bao giờ cũng chỉ được làm nổi bật khi nó được chuyển tải qua một hình thức phù hợp. Và ngược lại, nếu hình thức nghệ thuật độc đáo hấp dẫn nhưng câu chuyện kể và tư tưởng của nhà văn cũ kĩ sáo mòn hoặc thậm chí lệch lạc thì sức sống của tác phẩm truyện ngắn đó cũng không thể bền lâu…
 
  3 * Phân tích một truyện ngắn tự chọn để làm sáng tỏ quan điểm của bản thân.
-Học sinh có thể lựa chọn một truyện ngắn  bất kì trong chương trình thuộc văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 và phân tích theo định hướng lý luận như trên để làm rõ quan điểm của mình. Tránh phân tích lan man dài dòng không cần thiết hoặc diễn xuôi văn bản.
 
  4 * Đánh giá, mở rộng vấn đề:
– Yêu cầu đối với người sáng tác: Để tạo nên một truyện ngắn hay, nhà văn cần phải biết đi sâu vào đời sống để tìm hiểu và khai phá chất liệu hiện thực, từ đó chắt lọc những tư tưởng lớn lao giàu ý nghĩa nhân văn, mang tinh thần thời đại; đồng thời không ngừng lao động và sáng tạo để tạo nên sự hài hòa cân xứng giữa nội dung và hình thức nghệ thuật…
– Yêu cầu đối với người tiếp nhận: Người đọc cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của mình trong việc tiếp nhận những giá trị nội dung tư tưởng  và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm truyện ngắn, làm giàu cho đời sống tâm hồn và thị hiếu thẩm mỹ của mình.
 
    Lưu ý:
– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kĩ về yêu cầu và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.
– Cần khuyến khích những tìm tòi sang tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.
 

 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *