TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC
|
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎIMÔN: NGỮ VĂN – KHỐI: 11 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Đề thi gồm có 01 trang |
Câu 1 (8,0 điểm)
“Tôi nhớ khi Pia Wurtzbach đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 3 năm trước, cô ấy trở về Phillippines, người ta đưa xe sang ra đón cô ấy, tôi nhìn cảnh đó và khóc, dù không hiểu tại sao. Tôi ước cũng có ngày tôi được trở về trong vinh quang như thế, để cha mẹ tự hào, buôn làng tự hào.
Thế rồi cuối cùng, năm ngoái khi tôi đăng quang, tôi trở về buôn làng của mình nơi gia đình tôi sống, các ông bà, các cô chú trong buôn đón tôi hệt như thế. Chỉ khác là vì không có xe sang, nên họ đón tôi trên chiếc máy cày. Dù vậy, tôi biết họ yêu tôi không kém gì Pia khi cô ấy dành vương miện trở về”.
(Theo Netnew.vn)
Từ câu chuyện của H’henNiê, hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về hai chữ “Vinh quang”.
Câu 2 (12,0 điểm)
“Hồn thơ vừa là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của một thi sĩ, vừa là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác, kể cả những thi sĩ cùng một thời đại, một khuynh hướng chịu chung một ảnh hưởng (đôi khi) cả trong cùng một trường phái” (Trần Nhựt Tân)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua phong trào Thơ mới 1932-1945, hãy làm sáng tỏ.
………………………HẾT……………………..
Lưu ý: – Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:…………………………………………Số báo danh:…………………
Người soạn đề: Nguyễn Thị Thắm
TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC
|
HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HỌC SINH GIỎIMÔN: NGỮ VĂN – KHỐI:11 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) |
Câu | Nội dung chính cần đạt | Điểm |
1 | “Tôi nhớ khi Pia Wurtzbach đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 3 năm trước, cô ấy trở về Phillippines, người ta đưa xe sang ra đón cô ấy, tôi nhìn cảnh đó và khóc, dù không hiểu tại sao. Tôi ước cũng có ngày tôi được trở về trong vinh quang như thế, để cha mẹ tự hào, buôn làng tự hào. Thế rồi cuối cùng, năm ngoái khi tôi đăng quang, tôi trở về buôn làng của mình nơi gia đình tôi sống, các ông bà, các cô chú trong buôn đón tôi hệt như thế. Chỉ khác là vì không có xe sang, nên họ đón tôi trên chiếc máy cày. Dù vậy, tôi biết họ yêu tôi không kém gì Pia khi cô ấy dành vương miện trở về”. (Theo Netnew.vn) Từ câu chuyện của H’hen Niê, hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về hai chữ “Vinh quang”. |
8,0 |
I. Yêu cầu vềkĩ năng – Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội, biết huy động các kiến thức sách vở, kiến thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình để làm bài. – Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, songcần đạt được những nội dung cơ bản sau: |
||
1. Giải thích – Vinh quang: Là đỉnh cao của kết quả mà con người đạt được, khiến con người có cảm giác hãnh diện, thỏa mãn. – “Vinh quang” từ 2 sự kiện trong câu chuyện của H’hen Niê: + Giống nhau: Đăng quang Hoa hậu, trở về quê hương, được chào đón nồng nhiệt. + Khác nhau: Hình thức xe sang (hoành tráng, lộng lẫy), máy cày (thô sơ, giản dị). =>Vinh quang không phải là sự hào nhoáng bên ngoài mà nằm ở sự thỏa mãn của con người về những gì mình đã làm được và sự ghi nhận, trân trọng của những người xung quanh. |
1,5 |
|
2. Bình luận, mở rộng – Vinh quang bắt đầu từ những khao khát, ước mơ cháy bỏng của con người; là kết quả của cả một hành trình sống phấn đấu, tin tưởng, nỗ lực hết mình vượt lên trên mọi nhọc nhằn, khó khăn, thử thách. – Vinh quang đích thực không chỉ mang lại điều tốt đẹp cho cá nhân mà còn đem lại điều tốt đẹp cho cả cộng đồng, vinh quang ấy sẽ được cộng đồng công nhận và lan tỏa. – Vinh quang không phải là cái biểu hiện ra bên ngoài một cách hào nhoáng mà nằm ở những giá trị thực sự bên trong như: niềm vui khi đạt được thành tựu; sự trưởng thành của bản thân; sự yêu thương, quý trọng của mọi người… – Cần ứng xử với vinh quang của bản thân một cách phù hợp với hoàn cảnh, khi đó vinh quang mới đem lại cho con người hạnh phúc, mới có thể bền lâu. – Tránh ảo tưởng về bản thân mình sau khi có được vinh quang; không nên có những so sánh, đòi hỏi khi cùng đạt được vinh quang bởi hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác; phải ý thức được trách nhiệm của mình trước vinh quang mà cộng đồng đã công nhận, trao tặng. (Học sinh liên hệ với thực tế để thấy được những vinh quang đích thực trong cuộc sống). |
5,5 |
|
3. Bài học – Vinh quang là một giá trị sống đúng đắn, đẹp đẽ mà con người nên theo đuổi trong cuộc đời của mình. – Cuộc sống là những hành trình mà chúng ta cần chinh phục không ngừng, bởi vậy không nên dừng lại ở một đỉnh cao nào đó, mãi hài lòng với nó mà cần thêm nỗ lực để chinh phục những đỉnh cao mới, vinh quang mới. |
1,0 | |
2 | “Hồn thơ vừa là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của một thi sĩ, vừa là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác , kể cả những thi sĩ cùng một thời đại, một khuynh hướng chịu chung một ảnh hưởng (đôi khi) cả trong cùng một trường phái” (Trần Nhựt Tân) Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua phong trào Thơ mới 1932-1945, hãy làm sáng tỏ. |
12,0 |
I. Yêu cầu vềkĩ năng – Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài. – Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, songcần đạt được những nội dung cơ bản sau: |
||
1. Giải thích – Hồn thơ: Là tình điệu cảm xúc của thi phẩm. Hồn thơ phản ánh tâm hồn người làm thơ, là sắc thái sáng tạo riêng của thi nhân. Hồn thơ làm cho nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm sinh động, có sức sống. – Hồn thơ vừa là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của một thi sĩ: Hồn thơ là sự ổn định, thống nhất của các xúc cảm, tình điệu thẩm mỹ trong quá trình sáng tác của nhà thơ, giúp cho người đọc nhận diện được thi sĩ qua các sáng tác của họ. – Vừa là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác, kể cả những thi sĩ cùng một thời đại, một khuynh hướng chịu chung một ảnh hưởng (đôi khi) cả trong cùng một trường phái: Hồn thơ là phạm trù đầu tiên để xác định một thi nhân là thi sĩ, và thi nhân này khác với thi nhân kia. Sống trong cùng một thời đại, hít thở cùng một bầu không khí của lịch sử, cùng chịu những ảnh hưởng của đời sống, không có nghĩa là các nhà thơ sẽ có hồn thơ giống nhau. Bởi cảm xúc, rung động là cái bên trong, không thể bị đồng hóa do tác động bên ngoài. => Hồn thơ không chỉ là nội lực tạo cảm xúc cho thi nhân trong quá trình sáng tạo, còn là yếu tố làm nên nét đặc biệt của mỗi người nghệ sĩ hay của mỗi trường phái thơ ca. |
1,5 |
|
2. Bình luận: Khẳng định ý kiến đúng đắn, sâu sắc. *Hồn thơ là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của một thi sĩ: – Mỗi thi phẩm có thể được ngân rung ở những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng sẽ gặp nhau ở trong cách cảm nhận, xúc động của người nghệ sĩ trước thế giới. Gia tài của nhà thơ có thể phong phú, đa dạng nhưng nhờ hồn thơ vẫn hợp thành một thể thống nhất. – Bài thơ chỉ có thể có hồn khi đó là tiếng lòng chân thật vì thi sĩ viết ra nó với tâm thế của “cái tôi đích thực”. Không phải nhà thơ nào cũng tạo ra được một hồn thơ trong thế giới nghệ thuật của mình, và không phải hồn thơ nào cũng độc đáo, có sức hấp dẫn. Chỉ những nhà thơ có năng lực cảm nhận và cá tính trong biểu hiện mới làm nên được diện mạo riêng cho sáng tác của mình. – Hồn thơ là một dấu ấn thẩm mỹ quan trọng, là gương mặt riêng độc đáo trong thế giới nghệ thuật của mỗi nhà thơ, mỗi thời đại văn học, giai đoạn văn học hoặc một nền văn học. Qua đó, nó giúp nghệ sĩ khẳng định cái tôi cá nhân, giúp tác phẩm cuốn hút người đọc. *Hồn thơ là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác, kể cả những thi sĩ cùng một thời đại, một khuynh hướng chịu chung một ảnh hưởng (đôi khi) cả trong cùng một trường phái – Tiêu chuẩn cơ bản nhất để đánh giá một nghệ sĩ là ở chỗ anh ta có đem lại một cái gì mới mẻ, một diện mạo riêng biệt nào hay không. Như Tagore đã nói: “Có thể vượt qua thế giới lớn lao của loài người không phải bằng cách tự xóa mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình”. – Kĩ thuật và thi pháp có thể học hỏi, nhưng tình điệu cảm xúc thì không. Thơ là sản phẩm của tâm hồn, là con đẻ của “những trạng thái tâm hồn”. Mà mỗi tâm hồn là một vương quốc riêng, đầy bí ẩn, nên thơ không thể là sự “cộng tác” của những tâm hồn, cho dù là “những tâm hồn đồng điệu”. Nó phải là “một việc do cá nhân thi sĩ làm”. – Mỗi thi sĩ có một “cái tạng” riêng, một khuôn mặt riêng sẽ tạo nên sự đa diện cho thời đại, khuynh hướng hay trường phái văn học của mình. |
3,0 | |
3. Chứng minh: Trong “Một thời đại trong thi ca”, Hoài Thanh và Hoài Chân đã giúp ta nhận mặt thi nhân Việt: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thư rộng lớn như Thế Lữ. mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy Thông, trong sáng như Nquyền Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên…. và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Học sinh có thể lựa chọn phân tích một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu, song trong quá trình phân tích, bình giá cần chú ý những điểm sau để làm sáng rõ vấn đề đặt ra trong đề bài: – Qua những tác phẩm ấy, nhà thơ đã thể hiện được điệu hồn riêng biệt, độc đáo của mình như thế nào? – Hồn thơ đó đã có những đóng góp gì cho thời đại, khuynh hướng, trào lưu văn học? – Từ đó đánh giá những giá trị mới mẻ, ý nghĩa của tác phẩm, khẳng định cái tôi của thi nhân. |
6,0 |
|
4. Đánh giá, mở rộng, nâng cao – Đây là một nhận định đúng đắn, khẳng định tầm quan trọng của phong cách nghệ thuật, cái tôi nhà thơ trong quá trình sáng tác. – Nhận định đã đặt ra những yêu cầu với cả người sáng tác và người tiếp nhận: + Mỗi thi sĩ cần tạo nên được một hồn thơ của riêng mình. “Hồn thơ là dấu hiệu chứng tỏ bài thơ đã đến được Bến Bờ Thi Ca, phần thưởng cao quý nhất cho công việc làm thơ” (Phạm Đức Nhì). + Đối với người tiếp nhận, phải biết phát hiện, trân trọng, thấu hiểu, giao cảm, giao hòa với nhà thơ, cảm được cái hồn của bài thơ. |
1,5 | |
TỔNG | ĐIỂM TOÀN BÀI | 20,0 |
…………………………………HẾT……………………………..
Lưu ý:
– Giám khảo phải đánh giá chính xác bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết cảm xúc, sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
– Giám khảo làm tròn điểm tổng bài thi đến 0,5 điểm