Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 11 – THPT Hùng Vương – Phú Thọ

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG 2022

Môn: NGỮ VĂN 11

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1:

Em hãy trông, cành cây kia xù xì và đen

Vỏ trơ trụi, mưa rót vào như xối

Ít lâu nữa mùa đông trôi qua, em lại thấy

Một lá con, nơi mắt cứng, đâm cành

Em sẽ hỏi sao chồi yếu mỏng manh

Xanh non thế, mà nhoi gỗ đen lên được…

(Em hãy trông, cành cây kia, Victor Hugo, thivien.net)

Suy nghĩ của anh/chị về bài học cuộc sống được gợi ra từ ý thơ trên.

Câu 2:

Mỗi truyện ngắn hảo hạng giống như một hạt cây trong đó có thân đại thụ đang ngủ yên.

Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

 

YÊU CẦU CHUNG

– Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.

– Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Nội dung cần đạt Điểm
1 Giải thích 1,5
  Cành cây kia, xù xì và đen, vỏ trơ trụi, mưa rót như xối:hình ảnh cành cây chịu sự tàn phá của thiên nhiên gợi hiện thực nhiều khó khăn, thử thách.

Mùa đông: biểu tượng cho hoàn cảnh lạnh lẽo, khắc nghiệt.

Một lá con, nơi mắt cứng đâm cành, chồi yếu mỏng manh, xanh non, nhoi gỗ đen lên:hình ảnh lá non dù yếu ớt, mỏng manh vẫn kiên cường đâm cành, nhoi lên từ gỗ đen thể hiện sức sống mạnh mẽ của cây.

=> Các câu thơ miêu tả hiện tượng thiên nhiên kì thú và đẹp đẽ. Qua đó, gợi bài học cuộc sống đầy ý nghĩa: con người cần có sức sống và ý chí kiên cường để vươn lên trong mọi nghịch cảnh.

 

 

 

 

2 Bàn luận 4,0
  –  Cuộc sống không bằng phẳng, luôn có những hoàn cảnh khó khăn, thử thách buộc con người phải đối diện.

– Sự gian khổ, khắc nghiệt của hoàn cảnh chính là môi trường để tôi luyện bản lĩnh, giúp con người vững vàng hơn trong cuộc sống. Trước những thách thức, khó khăn, sức sống và nghị lực của con người càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Ý chí kiên cường vươn lên trước mọi nghịch cảnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng:

+ Giúp con người bình tĩnh, tự tin nhìn nhận hoàn cảnh, nỗ lực biến khó khăn thành cơ hội để hoàn thiện bản thân.

+ Tạo niềm tin, sự lạc quan hướng về những điều tốt đẹp, là động lực để con người dũng cảm vươn lên, chủ động trong cuộc sống và đạt được thành công.

– Hình ảnh lá non dù yếu ớt mỏng manh vẫn dũng cảm đâm cành nơi mắt cứng, nhoi gỗ đen vươn lên là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi. Chính vì thế mà những thành quả con người đạt được khi không ngừng nuôi dưỡng ý chí, nghị lực vươn lên càng có ý nghĩa và đẹp đẽ hơn.

 

 

 

3 Mở rộng vấn đề 1,0
  – Cuộc sống con người thật bất hạnh khi gặp phải những hoàn cảnh trớ trêu, khắc nghiệt, nhưng càng bất hạnh hơn khi ta thôi không cố gắng. Thành quả đẹp đẽ không thể đến với những người yếu đuối, dễ nản lòng thoái chí trước khó khăn, thử thách.

– Phê phán những người sống trong môi trường, hoàn cảnh thuận lợi nhưng không biết tận dụng cơ hội để phát triển, hoàn thiện bản thân và đóng góp cho xã hội.

 

 

 

4 Bài học nhận thức và hành động. 1,5
  – Nhận thức được bài học cuộc sống ý nghĩa rút ra từ đoạn thơ: Để có thể vượt lên khó khăn, thử thách và đóng góp cho cuộc đời, con người cần có bản lĩnh sống, có nghị lực, ý chí kiên cường.

– Bài học hành động: Nỗ lực phấn đấu, phát triển bản thân và bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp.

(HS liên hệ bản thân)

 

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng một cách xác đáng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Nội dung cần đạt Điểm
1 Giải thích 2,0
  Truyện ngắn: là thể loại tự sự cỡ nhỏ, nội dung thường bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống. Truyện ngắn “thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người” (Từ điển thuật ngữ văn học).

– Nghệ thuật so sánh Mỗi truyện ngắn hảo hạng giống như một hạt cây trong đó có thân đại thụ đang ngủ yên: nhấn mạnh đặc trưng của thể loại truyện ngắn. Tuy dung lượng ngắn gọn nhưng truyện ngắn lại có sức chứa đựng tư tưởng lớn, bao trùm các vấn đề của đời sống, như hạt cây nhưng lại chứa đựng cả thân đại thụ, thôi thúc người đọc tới khám phá, tìm tòi.

=>Ý kiến đã khẳng định một đặc trưng quan trọng về khả năng phản ánh của truyện ngắn: đây là thể loại có sức chứa lớn với khả năng phản ánh cuộc sốngrộng hơn nhiều lần hiện thực được thể hiện trực tiếp trong tác phẩm.

 
2 Bàn luận 2,0
  – Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ, thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, kể một tình huống đặc biệt của đời sống với số lượng không nhiều các nhân vật, sự kiện, chi tiết, qua đó gửi gắm thông điệp tư tưởng, tình cảm của tác giả. Một truyện ngắn hảo hạng là khi dung lượng ngắn, cốt truyện đơn giản, ít nhân vật, sự kiện nhưng có độ dồn nén tư tưởng cao, đặt ra được một hoặc nhiều vấn đề tuy giản dị, bình thường nhưng là bản chất, cốt lõi trong đời sống con người.

– Truyện ngắn được coi như một “hạt cây”, một “lát cắt của đời sống”. Nó không có khả năng chiếm lĩnh đời sống rộng lớn như tiểu thuyết mà chỉ là những mảnh nhỏ được đặt trong giới hạn nhất định.

– Từ hình thức ngắn gọn, dung dị, truyện ngắn có khả năng khái quát lên các vấn đề có ý nghĩa sâu sắc về con người và xã hội, từ một mảnh nhỏ mở toang một hiện thực rộng lớn hơn rất nhiều.Làm được điều đó là nhờ khả năng xây dựng hình tượng, sử dụng những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm chiều sâu không nói hết.

– Nhà văn tài năng chính là người có tư tưởng cao sâu, có sự hiểu biết, khám phá và sáng tạo, biết gọt tỉa từ ngữ, chi tiết rườm rà, dồn nén thông tin, tình cảm trong tình huống, nhân vật, chi tiết cô đúc để khái quát những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, tạo nên truyện ngắn hảo hạng, có ý nghĩa sâu xa.

 

 

 

3 Chứng minh 6,0
  – Học sinh chọn một số tác phẩm đã học (đã đọc), trong hoặc ngoài chương trình để làm sáng tỏ vấn đề.

– Học sinh không phân tích toàn bộ tác phẩm mà phải biết chọn lọc nội dung, nghệ thuật phù hợp.

 

 

 

4 Đánh giá 2,0
  – Khẳng định ý kiến đúng đắn, vừa khẳng định nét đặc sắc của của thể loại, nêu lên một quan niệm về truyện ngắn vừa đặt ra những yêu cầu cho người cầm bút trong sáng tạo nghệ thuật.

– Đặt ra bài học:

+ Để sáng tạo truyện ngắn hay đòi hỏi công phu lao động lớn của nhà văn: phải có tư tưởng sâu sắc, khả năng quan sát, khái quát, đánh giá đời sống trong sự vận động và phát triển, năng lực tổ chức kết cấu, chọn lọc chi tiết, từ ngữ, xây dựng nhân vật… .

+ Để tiếp nhận một truyện ngắn cũng đòi hỏi sự kĩ lưỡng, tinh tế của người đọc trong việc đọc hiểu, cảm thụ, lĩnh hội tư tưởng, thông điệp và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Người đọc cần tiếp nhận với ý thức khám phá, tìm tòi, đồng sáng tạo với tác giả để đem đến sức sống mới cho truyện ngắn.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *