THI TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG
NĂM HỌC 2021 – 2022
Môn: Ngữ văn – Lớp 11
Thời gian làm bài 180 phút (không kể thời gian phát đề)
Câu 1 (8,0 điểm)
Đọc câu chuyện sau
“Đã lâu lắm rồi, có một vị hiền triết sống trên đỉnh ngọn núi cao. Dân làng dưới chân núi mỗi khi gặp khó khăn thường tìm đến vị hiền triết để xin lời khuyên.
Ngày nọ, một chàng trai được xem là khá thành đạt, đang băn khoăn cho chặng đường sắp tới của mình, quyết định lên núi gặp vị hiền triết.
– Điều gì có thể giúp con thành một người thực sự vĩ đại? – Chàng trai hỏi.
Vị hiền triết nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi:
– Có chắc là ngươi muốn biết điều đó không?
– Vâng! Con thực sự rất muốn biết. – Chàng trai quả quyết trả lời.
– Được! – Vị hiền triết đáp. – Ngươi hãy tự tìm cho mình câu trả lời qua câu chuyện ta kể sau đây:
“Thuở xưa, có một chàng thanh niên ở đất nước Hy Lạp mắc bệnh hiểm nghèo. Biết mình không còn sống được bao lâu nữa, anh xung phong gia nhập quân đội lúc đó đang bước vào trận chiến khốc liệt với kẻ thù. Với hy vọng được hy sinh anh dũng trên chiến trường, anh đã chiến đấu hết mình, không ngại phơi mình trước làn tên mũi đạn của kẻ thù và không mảy may lo cho mạng sống của mình. Cuối cùng, khi kẻ thù bị đánh bại, anh vẫn còn sống! Vô cùng cảm phục trước lòng dũng cảm, can trường của người lính nọ vì đã góp phần không nhỏ tạo nên chiến thắng ấy, vị tướng quyết định thăng chức và trao tặng cho anh huân chương danh dự cao quý nhất cho lòng dũng cảm.
Song, đến ngày được trao huân chương, trông anh rất u buồn. Ngạc nhiên, vị tướng hỏi lý do và được biết về căn bệnh nguy hiểm mà anh ta đang phải gánh chịu. Làm sao ông lại có thể để cho người lính dũng cảm của mình phải chết! Vị tướng đã cho tìm vị lương y giỏi nhất nước về trị bệnh cho anh. Căn bệnh chết người cuối cùng đã được chữa khỏi.
Nhưng, từ đó trở đi người ta thấy người lính can-trường-một-thời đã không còn xuất hiện nơi tuyến đầu vất vả hiểm nguy nữa! Anh luôn né tránh mọi khó khăn và cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ mạng sống của mình thay vì đương đầu với thử thách.
Về sau có dịp gặp lại, vị tướng đã nói với người lính nọ một câu: ‘Giờ đây, anh mới thực sự là chết hẳn rồi!”
(Trích Hạt giống tâm hồn – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh)
Suy nghĩ của anh (chị) từ ý nghĩa của câu chuyện trên?
Câu 2 (12,0) điểm
Bàn về truyện ngắn, nhà văn Lỗ Tấn cho rằng:
“Trong hoàn cảnh ngày nay, con người phải bận tâm vì cuộc sống, không có thì giờ để xem truyện dài, đó cũng là một trong những nguyên nhân rất lớn làm cho truyện ngắn thịnh hành. Chỉ trong chốc lát nhưng vẫn có thể qua mảng lông mà biết toàn con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần.”
(Theo Phương Lựu, Lỗ Tấn nhà lý luận văn học,
NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HN, 1997, tr.27)
Bằng trải nghiệm văn học, anh chị hãy bày tỏ quan điểm của mình về nhận định trên.
———–Hết———-
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ ĐỀ XUẤT
Câu 1 (8,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
– Thí sinh có kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội, kết hợp các thao tác lập luận để làm sáng tỏ vấn đề.
– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục; diễn đạt, văn phong trong sáng; dùng từ, đặt câu chuẩn xác, không mắc lỗi chính tả.
- Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng cần đạt được các nội dung cơ bản sau:
- Phân tích câu chuyện, rút ra vấn đề nghị luận
Câu chuyện khởi nguồn từ băn khoăn của một chàng trai được xem là khá thành đạt –anh có được những thành công trong cuộc sống, nhưng vẫn trăn trở cho chặng đường sắp tới nên quyết định lên núi gặp vị hiền triết.
Người hiền triết không rao giảng, không thuyết giáo mà kể cho anh nghe câu chuyện về một chàng trai đất Hy lạp, để anh tự rút ra bài học cho mình vì chỉ khi tự thấu tỏ, thông suốt, vỡ ra những điều ý nghĩa trong nhận thức, con người mới vạch ra cho mình một hướng đi rõ ràng với những có hành động đúng đắn, hướng tới lý tưởng, mục tiêu của bản thân.
=> Câu chuyện, chất chứa nhiều điều giản dị mà sâu sắc
– Hành động dũng cảm, quyết liệt của người thanh niên đất Hy Lạp khi mắc bệnh hiểm nghèo, khi sự sống với anh chỉ còn gang tấc nhưng anh đã sống một đời thật ý nghĩa. Tấm huân chương danh giá cao quý, quân hàm cấp bậc sáng chói là sự ghi nhận cho những dũng cảm, phi thường của anh trên mặt trận, đó cũng là chứng tích cho một tâm hồn đã chiến thắng những đau thương, nghiệt ngã của số phận. Anh đã vươn lên quyết định cuộc đời mình, không để mình chìm nghỉm trong lặng lẽ, nhạt nhòa, quên lãng và sự hủy hoại của bệnh tật quái ác. Anh đã vượt qua được những thói thường, sự yếu đuối của tâm hồn để sống như một đóa hoa rạng rỡ sắc hương.
– Sau đó con người ấy lại sống một đời ươn hèn, vị kỉ sau khi căn bệnh chết người được chữa khỏi,” anh đã không còn xuất hiện nơi tuyến đầu vất vả hiểm nguy nữa! Anh luôn né tránh mọi khó khăn và cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ mạng sống của mình thay vì đương đầu với thử thách”. Thái độ, cách sống của anh đã làm cho vị tướng ngày xưa phải ngậm ngùi thốt lên: ‘Giờ đây, anh mới thực sự là chết hẳn rồi!”=> Anh không còn sự can trường, mạnh mẽ, sự nhiệt huyết của một trái tim sống chạy đua với thời gian. Anh vẫn tồn tại nhưng anh đã chết trong tâm hồn, ý chí. Sự sống, giàu sang, quyền chức đã bủa vây làm nhạt phai lý tưởng, mục tiêu và những tính cách cao đẹp của anh. Anh thỏa hiệp và chết mòn trong những vinh hoa, anh ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân mình.
Câu chuyện khép với một câu nói làm lòng người day dứt và trăn trở để rồi vỡ ra bao điều ý nghĩa: Muốn trở nên vĩ đại con người không thể “ôm cây đợi thỏ”, “há miệng chờ sung” mà phải hành động, sẵn sàng đối đầu với gian nan, thử thách, sống nhiệt huyết sôi trào bằng trái tim căng tràn nhựa sống. Nhưng thế thôi có lẽ vẫn chưa đủ, bởi người ta khi đạt được danh vọng sẽ đắm chìm trong men say hạnh phúc, bị cái ngọt ngào, hào nhoáng đó ru ngủ, ve vuốt để rồi gục ngã trước cám dỗ, tâm hồn trở nên mòn rỉ, ươn hèn, bởi vậy hãy cố gắng sống trọn vẹn mỗi ngày
- Bình luận
Vì sao “ Sống hết mình, trọn vẹn từng giây phút, không để mình ngủ quên trong chiến thắng” sẽ làm nên con người vĩ đại
– Cuộc sống ngắn ngủi, hữu hạn, để mình sống không phải là một hạt cát vô danh, chỉ có sống bằng niềm tin, bằng nhiệt huyết, cống hiến hết mình chúng ta mới dễ dàng chạm tay vào thành công, để lại cho đời những điều quí giá. Hạnh phúc đời người đâu phải là bạc vàng, vật chất, hạnh phúc là khi ta đã sống mà không hối tiếc những gì đã qua, không day dứt, trách giận bản thân “Điều quan trọng không phải là chúng ta có chết hay không mà là chúng ta sống như thế nào” (J.Z.Borysenko). Người vĩ đại là người có lựa chọn sáng suốt, làm nên những điều lớn lao, có lòng dũng cảm, sẵn sàng cống hiến cho cuộc đời dù phải đối diện với nguy nan. Những việc làm đó sẽ nhận được những trân trọng, yêu mến của người đời và tâm hồn chúng ta cũng thỏa nguyện với ước mơ, đam mê và hành động của mình từ đó mà trở nên vĩ đại
– Trên hành trình nuôi dưỡng đam mê, hết lòng vì đam mê chúng ta không tránh khỏi những sợ hãi, thử thách. Nghịch cảnh không thể làm con người chùn bước mà những khó khăn, thử thách trên đường đời là chất xúc tác làm ta thêm mạnh mẽ, để ta vươn dậy với một nguồn năng lượng mới. “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Một giống tố qua đi lại mang đến cho ta bao điều bổ ích: sự trải nghiệm, những bài học quý giá được đúc rút và thêm một lần chúng ta nhận thức rõ hơn về con người người mình
– Chạm tay vào hạnh phúc chỉ mong là mỗi người đừng ngủ quên trong những chiến thắng, vinh quang. Có như vậy mỗi người mới làm nên “danh tiếng” đời mình. Đó không phải là sự vĩ đại cả thế giới gọi tên, đó là sự vĩ đại khi ta đã thực hiện trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời. Người vĩ đại là người không để những thành công ru ngủ mình, men say của danh vọng sẽ làm nên những kẻ ích kỉ hẹp hòi, thỏa hiệp với số phận. Sống cần có bản lĩnh để được là chính mình vượt qua mọi cám dỗ cuộc đời.
- Chứng minh: Học sinh tự đưa dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
- Mở rộng
Sống hết mình không có nghĩa là làm liều, bất chấp mọi điều để thực hiện việc mình định ra
- Liên hệ bản thân và rút ra bài học
– Câu chuyện giản dị nhưng là bài học nhân sinh sâu sắc, thấm thía về cách sống ý nghĩa đối với mỗi người.
– Tuổi trẻ chúng ta ai cũng có ước mơ, hoài bão và có lẽ ai cũng trăn trở, muốn tìm ra một con đường đi để lại dấu ấn đời mình
III. Biểu điểm:
– Điểm 8: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, luận giải sắc sảo, tri thức phong phú.
– Điểm 6-7: Đáp ứng tương đối tốt yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc vài lỗi về chính tả, diễn đạt
– Điểm 4-5: Đáp ứng được khoảng một nửa số ý cơ bản, ít mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.
– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
Câu 2 (12,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
Làm tốt bài nghị luận văn học; bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, hành văn trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
- Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Giải thích nhận định
– Trong hoàn cảnh ngày nay, con người phải bận tâm vì cuộc sống, không có thì giờ để xem truyện dài, đó cũng là một trong những nguyên nhân rất lớn làm cho truyện ngắn thịnh hành: Lợi thế của truyện ngắn là ngắn gọn, cô đọng vì số lượng câu chữ ít.
– Chỉ trong chốc lát nhưng vẫn có thể qua mảng lông mà biết toàn con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần: sức chứa, ý nghĩa của truyện ngắn là vô tận, không bị giới hạn bởi số lượng câu chữ.
=> Vấn đề nghị luận: Đặc trưng thể loại của truyện ngắn: nhỏ gọn về hình thức nhưng ý nghĩa lại lớn lao. “Đây là thể loại có nội khí một lời mà thiên cổ, một gợi mà trăm suy” ( Nguyễn Thanh Hùng).
- Bình luận
– Đây là nhận định đúng và sâu sắc. Bởi vì đề cập đến đặc trưng nổi bật, quan trọng của truyện ngắn đó là: sự tinh lọc, cô đọng và tiết kiệm tối đa về câu chữ nhưng sức khái quát xã hội lớn, thể hiện số phận con người ý nghĩa, sâu sắc, dư ba. Nói như Nguyễn Khải “dung lượng nhỏ nhưng sức chứa lớn, lõi phải dầy, vỏ phải mỏng”.
– Về dung lượng: truyện ngắn được xem là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, nhân vật và tình tiết không nhiều, số trang không dài lắm. Điều đó có nghĩa là phải ngắn, thậm chí cực ngắn. J.Borges, một bậc thầy văn chương của Mỹ Latinh, cự tuyệt với các thể loại dài vì sợ rằng mình sẽ thừa mứa và không kiểm soát được ngôn ngữ.
– Dù số lượng câu chữ ít nhưng về chất lượng, hiệu quả thì truyện ngắn không thua kém tiểu thuyết: “Chỉ trong chốc lát nhưng vẫn có thể qua mảng lông mà biết toàn con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần” là vì: .
+ Luôn nhạy cảm và kịp thời với những biến động của xã hội nên truyện ngắn hoàn toàn có thể thâu tóm, nắm bắt những bức tranh hiện thực cùng nhiều kiểu loại số phận con người.
+ Truyện ngắn là thể loại phát hiện nghệ thuật đời sống theo chiều sâu nên nhà văn được phép lựa chọn và loại bỏ những thứ không cần thiết chỉ giữ lại những gì cơ bản, cốt lõi của vấn đề. Vì thế hàm chứa trong hình thức nhỏ gọn luôn là những điều thú vị, sâu sắc và ý nghĩa nhất.
+ Trong truyện ngắn, nhà văn tập trung xoáy sâu vào những thời điểm quan trọng để từ đó người đọc dù “chỉ lướt qua những đường vân trên khoanh gỗ tròn” thì “sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc” (Nguyễn Minh Châu).
=> Trong văn học giá trị của một tác phẩm bao giờ cũng là ở chất lượng và truyện ngắn cũng vậy. Đặc trưng bao trùm này đã bao quát và chi phối các đặc điểm cụ thể của thể loại truyện ngắn: nhân vật, cốt truyện, tình huống, ngôn ngữ…
- Chứng minh
Học sinh tự lựa chọn dẫn chứng để làm sáng tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề nghi luận. Khi phân tích dẫn chứng cần chú ý bám sát vấn đề:
+ Giới hạn về hình thức, câu chữ của truyện ngắn.
+ Sức biểu hiện lớn, không bị giới hạn bởi bất kì điều gì.
- Mở rộng
– Đặc trưng của truyện ngắn là ngắn nhưng vẫn có những ngoại lệ. Có nhà văn viết truyện ngắn theo kiểu tiểu thuyết, nghĩa là chú trọng đến kết cấu và bố cục… Điều này dẫn đến một sự thực: có những tác phẩm khiến người ta tranh luận vì không biết xếp chính xác vào thể loại nào, hiện tượng phá vỡ lằn ranh thể loại…
– Ngắn không có nghĩa là tầm vóc của tác phẩm bị thu hẹp. Sự khiêm tốn về dung lượng không tạo ra những rào cản hay bó buộc sự bao quát của truyện ngắn. Một nhà văn viết ngắn không có nghĩa là tầm vóc của anh ta thua kém những người viết dài. Vấn đề là sự cô đặc, sự dồn nén, ngôn từ được lựa chọn kĩ càng, sức nặng của vấn đề cũng như tài năng và kĩ thuật của người viết.
– Xã hội phát triển tác động mạnh mẽ đến thị hiếu của độc giả. Thời gian của con người hiện đại luôn luôn bận rộn, gấp gáp, dung lượng ngắn đã giúp truyện ngắn phù hợp hơn rất nhiều về mặt thời gian cho đa số mọi người. Nhờ nhỏ gọn mà truyện ngắn được báo chí và các phương tiện truyền thông có thể chuyền tải kịp thời đến bạn đọc.
=> Vị trí, vai trò của truyện ngắn trong việc chiếm lĩnh và phản ánh đời sống được tạo nên từ những ưu thế đó.
– Bài học đối với người sáng tác và tiếp nhận:
+ Người sáng tác: Các nhà văn phải cô đọng và tiết chế hơn về mặt ngôn ngữ. Dồn nén, cô đặc những giá trị, ý nghĩa nhân sinh vào sâu con chữ để tăng sức truyền tải, hiệu quả diễn đạt cho ngôn ngữ trong tác phẩm của mình.
+ Người đọc: Không chỉ quan tâm đánh giá truyện ngắn qua dung lượng và hình thức mà còn cần suy ngẫm về những vấn đề, những hàm ý được tác giả gửi gắm vào con chữ.
III. Biểu điểm
– Điểm 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, lập luận sắc sảo.
– Điểm 10-11: Đáp ứng được hầu hết các ý cơ bản, mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
– Điểm 8-9: Đáp ứng được phần lớn những ý cơ bản, mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
– Điểm 6-7: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 4-5: Bài viết sơ sài, kiến thức nghèo nàn, phân tích dẫn chứng hời hợt, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, chưa nắm được kĩ năng làm bài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
———-Hết———-