Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 10 – THPT Chuyên Bắc Kạn

 ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN – LỚP 10

         Thời gian làm bài: 180 phút

Câu 1 (8 điểm).

Trách nhiệm của mỗi dân tộc là thể hiện rõ bản sắc của mình trước thế giới.

(R. Ta-gor)

Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

 

Câu 2 (12 điểm).

Nhà văn có thể viết về bóng tối nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sáng.

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một vài tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn 10  Nâng cao, hãy làm sáng tỏ.

 

——— HẾT ———

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM                    

Câu Nội dung Điểm
Câu 1 I.Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết vận dụng những thao tác lập luận phù hợp, nhuần nhuyễn, huy động được các dẫn chứng trong đời sống để làm sáng tỏ nội dung đề yêu cầu. Diễn đạt lưu loát, trình bày khoa học, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu….

II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần làm rõ những nội dung cơ bản sau.

 
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận 0,5
1. Giải thích

– Bản sắc dân tộc: là những giá trị lâu đời, bao gồm cả những giá trị vật chất và tinh thần đặc trưng, độc đáo, đặc sắc của mỗi dân tộc. vừa bền vững, vừa biến động

– Trách nhiệm: ý thức được việc cần làm , suy nghĩ và hành động thiết thực cho việc cần làm đó đạt hiệu quả

=> Ý kiến của Tagor :  việc cần làm và phải làm cho kì được của mỗi dân tộc là phải giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của mình trước thế giới.

2,0
2. Bàn luận

– Bản sắc dân tộc được tập trung trong truyền thống văn hoá của dân tộc. Truyền thống văn hoá là các giá trị do lịch sử truyền lại được các thế hệ sau gìn giữ và kế thừa, phát huy trong thời đại của mình, tạo nên dòng chảy liên tục của lịch sử văn hoá. Giữ gìn bản sắc dân tộc chính là giữ gìn sự tồn tại của quốc gia, dân tộc đó. Đó là biểu hiện của lòng yêu nước, của tinh thần tự hào tự tôn dân tộc

– Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cũng là việc cần làm để phát triển đất nước ( ví như ngành du lịch sẽ phát triển nếu bản sắc văn hoá dân tộc đó được gìn giữ và phát huy…)

– Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cũng là giữ gìn những di sản văn hoá phong phú của nhân loại

– Tuy nhiên, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc không có nghĩa là bài trừ  văn hoá dân tộc khác, nên tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới để làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc mình

– Phê phán những kẻ sùng ngoại, quay lưng hoàn toàn với những những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

4,0
3. Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc

– Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc bằng những hành động cụ thể, thiết thực

1,5
* Lưu ý: Trong quá trình bàn luận, thí sinh cần kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và dẫn chứng minh họa để tăng sức thuyết phục cho lập luận.
Câu 2 I. Yêu cầu chung: Hiểu đúng vấn đề, nắm được cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bài viết nêu được ý kiến riêng, có sức thuyết phục. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.  
II. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:  
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận 0,5
2. Giải thích ý kiến

Bóng tối: trạng thái tiêu cực ( đau khổ, chán chường, tuyệt vọng…); cái xấu, cái ác trong hiện thực cuộc sống hay trong tâm hồn con người..

Ánh sáng: là trạng thái sống tích cực; là cái tốt đẹp, tươi sáng trong đời sống

=> Ý kiến đặt ra yêu cầu đối với nhà văn: khi viết về cái xấu, cái ác , hay về nỗi đau đớn tuyệt vọng trong tâm hồn con người thì nhân sinh quan của anh phải tươi sáng, thấm đẫm tinh thần nhân văn, hướng con người tới cái chân, thiên, mĩ.

2,0
3. Bình luận

– Phản ánh hiện thực toàn vẹn, chân thật là yêu cầu cũng như khao khát của văn học mọi thời đại. Mà cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, bên cạnh những điều tốt đẹp cũng vẫn tồn tại nhiều cái xấu xa, bất hạnh. Vậy nên, văn học cần viết về bóng tối bên cạnh việc nâng niu ánh sáng.

– Văn học chân chính phải “vị nhân sinh”, chức năng quan trọng của văn học là nhân đạo hoá con người, hướng con người tới những điều tốt đẹp. Nhà văn viết về cái xấu, cái ác, về nỗi buồn đau, bất hạnh không chỉ để phản ánh hiện thực xấu xa, mà còn phải giúp người đọc biết phê phán, lên án, tránh xa cái xấu xa, khao khát những điều tốt đẹp, có niềm tin vào cuộc sống

2,0
4. Chứng minh

Học sinh chọn một số dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh như: ca dao than thân, truyện cổ tíchTấm Cám, Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn- bản dịch của Đoàn Thị Điểm), Truyện Kiều (Nguyễn Du)…

5,5
5. Đánh giá, mở rộng, nâng cao

– Từ bóng tối hướng đến ánh sáng là một yếu tố tạo thành cũng là một tiêu chí đánh giá tinh thần nhân văn, nhân đạo mới mẻ, sâu sắc của tác phẩm văn học.

-Viết về bóng tối nhưng lại hướng độc giả tới ánh sáng là sứ mệnh cao cả của văn chương nghệ thuật cũng là thử thách đối với người nghệ sĩ. Để làm được điều đó, nhà văn phải có bản lĩnh, có cái tâm cao cả, có tài năng nghệ thuật.

– Ý kiến cũng giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc, đúng đắn về một tác phẩm văn học có giá trị.

2,0
  * Lưu ý: Có thể chấp nhận cả những bài làm có cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng và có hệ thống ý riêng không giống với đáp án, với điều kiện phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.  

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *