Đề thi HSG ngữ văn 11 Bài thơ hay là bữa tiệc ngôn từ

SỞ GD&ĐT QUẢNG TRỊ                             ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI  CẤP TRƯỜNG
TRƯỜNG THPT CHẾ LAN VIÊN                           NĂM HỌC: 2018 – 2019
                                                                                       Môn: Ngữ văn Lớp 11
              ĐỀ CHÍNH THỨC                  Thời gian: 180  phút (không kể thời gian giao đề)
                                                                      
Câu 1 ( 8,0 điểm)
                                                     NGỌN NẾN
 
Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt giữa phòng. Người ta châm lửa cho ngọn nến và nến lung linh cháy sáng. Nến hân hoan nhận ra rằng ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã mang lại ánh sáng cho cả căn phòng. Mọi người đều trầm trồ: “Ồ nến sáng quá, thật may, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì mất”. Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh.
Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra, lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình: “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?”. Nghĩ rồi, nên nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm. Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau: “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện vì tầm quan trọng của mình. Nhưng bỗng một người đề nghị: “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm cái đèn dầu”. Đèn dầu được thắp lên, còn ngọn nến đang cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ. Ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người, dù chỉ có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi. Bởi vì nó là ngọn nến.
                                                            (Theo Quà tặng cuộc sống)
     Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn chia sẻ suy nghĩ của mình.
Câu 2 (12 điểm)
Bàn về thơ có ý kiến: Bài thơ hay là bữa tiệc ngôn từ. Trong khi đó lại có ý kiến cho rằng: Gốc của thơ là tình cảm.
Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ những nhận định trên.
 
HƯỚNG DẪN CHẤM
HƯỚNG DẪN CHUNG
– Giám khảo căn cứ vào nội dung triển khai và mức độ đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng để cho từng ý điểm tối đa hoặc thấp hơn.
– Có thể cho điểm toàn bài như sau: 0; 0,25; 0,5; 0,75; … đến tối đa là 20.
HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Câu 1 ( 8,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng: (1,0 )
– Biết cách làm bài nghị luận xã hội; bố cục và cách trình bày hợp lí.
– Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
– Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
Yêu cầu về nội dung: (7,0) Học sinh có thể trình bày, sắp xếp nhiều cách có thể hướng đến những nội dung cơ bản sau:
Giải thích (2đ)
– Giải thích ngắn gọn ý nghĩa câu chuyện: ngọn nến ban đầu vui sướng vì được cháy sáng nhưng khi bắt đầu tan chảy ra nó cảm thấy thiệt thòi vì vậy mà tự tìm cách tắt sáng đi.-> Muốn tỏa sáng nhưng lại không muốn tan chảy, đó là thói ích kỉ của con người, sợ mình bị thiệt hơn người khác nên chỉ lo nghĩ cho bản thân mình
– Cây nến nhận ra một cách muộn màng rằng: hạnh phúc của nó là được cháy sáng, dù sau đó có tan chảy đi -> Con người cần nhận thức đúng về vai trò của mình trong gia đình, cộng đồng xã hội. Dù ở vị trí nào con người phải cống hiến hết khả năng của mình để trở thành người có ích cho xã hội. Có như thế con người mới không hối tiếc vì đã sống hoài, sống phí
=> Câu chuyện đơn giản nhưng chứa đựng một bài học nhân sinh sâu sắc. Từ việc phê phán lối sống ích kỉ người viết nhắn gửi: sống là phải biết cống hiến làm những điều có ích. Đó cũng là cách tự khẳng định giá trị của bản thân
Bàn luận (4đ)
– Ích kỉ là một thói xấu hay gặp và mắc phải. Con người cần có bản lĩnh, sự nhân hậu để vượt lên trên sự ích kỉ cá nhân để sống có ích, đem lại niềm vui cho mọi người và chính bản thân mình
Điện, đèn, nến là ẩn ý cho cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng, gia đình, xã hội; Con người không thể tách mình ra khỏi cộng đồng, phải hòa nhập, bổ sung, tương hỗ cho nhau
– Con người ai sống ở trên đời đều có ý thức về cái tôi của mình, thậm chí tự ý thức về cái tôi của mình để nâng mình lên, để tự khẳng định mình là một nhu cầu  chính đáng. Song cần phải phân biệt rõ khát vọng tỏa sáng khác với tham vọng đánh bóng bản thân; ý thức khẳng định bản thân khác hẳn với cá nhân chủ nghĩa
– Mối quan hệ giữa đượcmất, chonhận rất tinh tế. Giọt nước muốn không khô cạn phải hòa vào biển cả khi sống cống hiến vô tư, con người sẽ có nhiều hạnh phúc
– Trong cuốc sống có rất nhiều tấm gương cống hiến hết năng lực trí tuệ, thậm chí dâng hiến cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân ( những người lính hi sinh mình để bảo vệ đất nước, những bạn trẻ đam mê học tập, lao động làm giàu cho quê hương, những thầy cô giáo miệt mài từng con chữ dạy học sinh nên người ) ; bên cạnh đó không ít người sống ích kỉ, tự thõa mãn, chỉ biết vun vén cho bản thân, không biết cống hiến
Bài học (1đ)
– Đừng sống ích kỉ, hãy cống hiến trong mỗi vị trí, công việc để mang lại hạnh phúc cho mình và mọi người; hãy nhìn xung quanh mình bằng tấm lòng nhân ái, biết đồng cảm yêu thương, chia sẽ với mọi người
– Đừng bao giờ như ngọn nến bị bỏ quên trong ngăn kéo rồi không còn ai nhớ đến nó nữa. Hãy dũng cảm hành động, có thể bản thân sẽ chịu thiệt thòi nhưng để tỏa sáng cho cuộc đời
* Lưu ý: Quá trình triển khai HS phải biết lấy dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề.
Câu 2 (12,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng (1đ)
– Biết cách làm bài nghị luận văn học; bố cục và cách trình bày hợp lí.
– Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt; dẫn chứng phù hợp.
– Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
Yêu cầu về nội dung (11,0đ)
(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách nhưng cần hướng tới nội dung cơ bản sau):
Giải thích (3đ)
– Thơ hay là bữa tiệc ngôn từ: ý nói cái hay của bài thơ trước hết là nhờ cái hay của ngôn từ (sống động, phong phú…), giống như sự hấp dẫn của những ”món ăn” ngon bằng ngôn từ.
– Gốc của thơ là tình cảm: nhấn mạnh tư tưởng tình cảm là then chốt quyết định giá trị của một bài thơ.
– Hai ý kiến là hai cách định nghĩa về thơ có sự nối tiếp những quan niệm trước đó. Một bên khẳng định sức mạnh của thơ là ở ngôn từ, một bên khẳng định sức mạnh của thơ nằm ở tư tưởng, tình cảm chứ không phải ở ngôn từ.
Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề (6đ )
– Nói thơ hay là bữa tiệc ngôn từ bởi vì: một bài thơ ngôn ngữ trúc trắc, sáo rỗng, tầm thường thì không thể gọi là thơ hay. Ngược lại, bài thơ hay là khi nó bày ra trước độc giả một “bữa tiệc ngôn từ”, với những ngôn từ được nhà thơ công phu lựa chọn, tổ chức, biến nó từ lời bình thường trở thành nghệ thuật {vừa thể hiện tâm hồn thi nhân; vừa chính xác hàm súc; vừa có dấu ấn riêng của tác giả..}.
(HS lấy dẫn chứng làm sáng tỏ)
– Gốc của thơ là tình cảm bởi vì: thơ là chuyện của tâm hồn, của lòng người cho nên việc thể hiện tất cả mọi vui buồn trong cuộc đời là một nhu cầu bức thiết của thơ. Hơn nữa tình cảm ấy thường tiêu biểu, điển hình, khơi dậy trong trái tim người đọc những rung động sâu xa, những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt vời.
(HS lấy dẫn chứng làm sáng tỏ)
– Mỗi ý kiến đều xác đáng nhưng chưa toàn diện, chưa khái quát được đặc trưng thơ ca vì:
+ Nếu người nghệ sĩ chỉ chú ý rèn câu đúc chữ mà không chú ý đến nội dung tư tưởng của tác phẩm thì sáng tác thơ ca chỉ là những kỹ xảo vờn vẽ, là lối thơ chuộng hình thức. Thơ ca chỉ neo đậu vững chắc trong bạn đọc khi nó có nội dung tư tưởng sâu sắc, hình thức thể hiện độc đáo.
+ Gốc của thơ là tình cảm, sức sống của thơ là tư tưởng, nhưng các nhà thơ từ xưa đến nay nếu không muốn lặp lại người khác và lặp lại chính mình thì quá trình sáng tác đòi hỏi người nghệ sĩ phải tìm đến “bữa tiệc ngôn từ”.
(HS lấy dẫn chứng làm sáng tỏ)
Mở rộng, nâng cao ( 2đ)
– Tác phẩm đích thực là sự kết hợp của hai yếu tố trên {bữa tiệc ngôn từ và tình cảm} mới có thể tạo nên sự xuất thần cho thơ.
– Nhà thơ không ngừng trải nghiệm lắng nghe rung cảm của đời để tạo được cái gốc tình cảm cho thơ, và không ngừng mài dũa để thực sự trở thành bậc thầy về ngôn từ.
– Người tiếp nhận phải sáng suốt linh hoạt, không nên cực đoan trong tiếp nhận một quan niệm mà đi đến phủ nhận những quan điểm còn lại.
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *