Đề thi Học sinh giỏi môn văn lớp 11 THPT Hậu Lộc 1 , 2024

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA

TRƯỜNG THPT HẬU LỘC 1

Đề thi gồm 03 trang

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI TRƯỜNG

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn thi: Ngữ văn 11

Thời gian làm bài: 150 phút

ĐỌC HIỂU ( 6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Chuyến xe giáp Tết

                          ( Vũ Thị Huyền Trang)

Ông Thuộc tỉnh dậy bởi tiếng loa rao bánh giò, bánh bao, mài dao mài thớt ngoài đường văng vẳng vọng vào. Giật mình sờ lên chiếc gối trên đầu, ông thở phào nhẹ nhõm khi thấy cọc tiền vẫn còn nguyên. Tối qua trong bữa cơm chia tay anh em thợ, chủ thầu nhiệt tình lắm mà ông cũng không dám uống say. Chỉ sợ nếu say, đêm trộm cắp vào lấy mất cọc tiền thì coi như mất Tết. Ngó ra đường thấy không khí Tết lao xao khiến ông càng thêm nhớ quê nhà. Thu vội quần áo cho vào chiếc ba lô ông đi bộ ra ngoài đường lớn bắt xe bus di chuyển tới bến xe.

Xe bus đông kín người, một bạn trẻ nào đó vừa đứng lên nhường chỗ cho ông. Nhìn ra ngoài cửa xe mắt ông bị hút vào cành hoa đào ai đó chở sau xe. Nhà ông cũng có vài cây đào như thế. Cây thì mọc hoang dưới vệ đường trước nhà, cây thì trồng ở hàng rào, cây ngay đầu nhà bếp. Chẳng cần phải chăm bón, tỉa cành, vặt lá. Cây cứ thế mà lớn lên, ngậm bốn mùa trong thân, chờ Tết là ra hoa đúng dịp. Ngắm hoa chán thì chờ mùa quả. Quả đào ngọt và thơm, cả xóm chỉ chờ chín để chia nhau. Giờ này chắc thằng cháu nội đã chạy ra chạy vào ngóng ông về. “Ông mang Tết về cho cháu đây”, ôm chặt chiếc ba lô trong tay, lòng ông đầy xúc động…

Đường phố ngày giáp Tết đông đúc, xe phải nhích từng chút một. Gần trưa ông mới ra đến bến xe. Người xô người, có khi đang đi ngã dúi dụi về phía trước. Cứ như thể người của cả thành phố đổ dồn về hết bến xe. Dùng dằng bắt khách mãi gần một giờ chiều xe mới chạy ra khỏi bến. Ông nhìn xung quanh lối đi thấy chỗ nào cũng để đầy hàng hóa. Đó là những thứ mà người ta thường không yên tâm nhét dưới cốp xe. Ngồi ngay kế ông là một cậu thanh niên, vừa lên xe đã ngủ. Nhưng thỉnh thoảng giật mình thức giấc, cậu thanh niên lại liếc xuống bó cành mận rừng nhỏ bọc bằng giấy báo để dưới gầm ghế phía trước. Bắt gặp ánh mắt của ông, cậu chàng dụi mắt cho tỉnh ngủ cười bảo:

– Giống hoa này nở đẹp và bền lắm bác ạ.

– Mấy năm nay nổi lên phong trào chơi đào rừng, mận rừng. Nhưng không phải ai cũng biết chơi. Chắc là mang về tặng người yêu hả cháu?

– Dạ không ạ. Cháu mang về tặng bố. Bố cháu là lính biên phòng, từng đóng quân ở biên giới phía Bắc. Nơi bố cháu đi tuần, mùa xuân này rẽ màn sương trắng xóa ra sẽ thấy hoa đào, hoa mận nở bạt ngàn.

– Thế chắc bố cháu đã về hưu lâu rồi nhỉ?

– Bố cháu hy sinh năm 2019 trong một chuyên án ma túy bác ạ. Năm nào cháu cũng mang một bó mận rừng về thắp hương cho bố.

– À…

Ông Thuộc lặng người đi một lúc, chợt thấy rưng rưng xúc động trước một bó mận rừng đang thò ra ngoài lớp giấy báo những cành nhánh xù xì, khô mốc.

Ông Thuộc tính chợp mắt đi một lúc nhưng lại nhớ đến cọc tiền để trong chiếc túi đang ôm khư khư trong bọc. Xe dập dềnh trôi trên con đường nhỏ, những câu chuyện lắng dần, ông Thuộc chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Đi được nửa đường nhà xe bỗng bật đèn. Tiếng cậu phụ xe hỏi to:

– Có ai buồn đi vệ sinh không ạ? Nếu có thì để nhà xe bố trí còn không thì chúng ta chạy thẳng?

Vài người dụi mắt trả lời: Có! Cho dừng chân đi vệ sinh một lúc bác tài ơi!

– Vâng, vậy đợi lát nữa đến nhà hàng ăn uống phía trước mời các bác xuống xe. Cũng đi được nửa đường rồi nhà xe xin phép được thu tiền vé ạ.

Mọi người lục đục tìm tiền để trả cho phụ xe. Ông Thuộc cũng bị đánh thức dậy, lúi húi mở chiếc ba lô lấy tiền. Nhưng bất giác ông chột dạ, tay dừng lại vài giây rồi vội vàng bới tìm. Không thấy! Rõ ràng là cọc tiền ông đã để xuống đáy ba lô mà giờ không thấy đâu cả. Ông lấy từng bộ quần áo lao động giũ mạnh vẫn không thấy gì ngoài lọ dầu gió rơi ra.

– Có chuyện gì thế bác? – cậu thanh niên ngồi bên cạnh quay qua hỏi.

– Tiền! Toàn bộ tiền công làm lụng mấy tháng của tôi không thấy đâu hết. Hơn hai mươi triệu. Tiền của tôi…

Giọng ông run run. Tiếng của ông nghe như đang sắp khóc. Đó là toàn bộ số tiền ông mang về cho người vợ tần tảo ở nhà. Nói là tiền tiêu Tết nhưng thật ra nó dùng trả một vài món nợ mà bà nhà đã vay mượn lúc túng bí để xoay xở tiền học hành, thuốc thang cho cháu. Ông đi phụ hồ đâu phải tháng nào cũng nhận lương tháng ấy. Chủ thầu thường nợ vài tháng một. Hôm qua lúc thanh toán tiền thợ cho anh em, chủ thầu còn đưa ông thêm một triệu nói quà cho thằng nhỏ ở nhà. Ấy vậy mà giờ ông không thấy đâu. Hay là ông đang mơ? Không! Mọi người đang xúm lại lục tung đống đồ đạc để tìm giúp ông. Họ bùi ngùi khi thấy hành trang về quê ăn Tết của ông không có gì ngoài mấy bộ quần áo lao động sờn vai, thủng lỗ chỗ, bám đầy vôi vữa. Cậu thanh niên đưa ba lô lên cao, thấy ánh sáng luồn qua một vết cắt sắc lẹm bên hông, sát ngay đáy ba lô.

– Bác bị rạch túi rồi. Vết rạch này nhìn có vẻ chuyên nghiệp đấy.

– Bác thử nhớ kĩ lại xem lần cuối nhìn thấy tiền là ở đâu?

– Thì ở phòng trọ. Tôi cất vào đó, chỉ bỏ ra mấy chục tiền lẻ đi xe chứ đâu dám lấy ra lấy vào.

– Thôi đã mất là mất. Nhớ lại thì giờ cũng làm sao tìm thấy. Có thể bác bị rạch ở bến xe rồi. Lợi dụng lúc đông đúc, chen lấn nó móc mất rồi.

– Lũ mất dạy. Ăn cắp đồng tiền mồ hôi nước mắt của một người già.

Ông không còn nghe thấy những lời bàn tán, chửi rủa bên cạnh nữa. Trong đầu ông chỉ hiện ra hình ảnh người vợ gầy gò và đứa cháu nhỏ tội nghiệp đang trông ngóng mình về. Con trai ông đi xuất khẩu lao động bỏ mạng ở xứ người. Con dâu để con lại cho hai ông bà để đi bước nữa. Hoàn cảnh khó khăn nên ngoài sáu mươi tuổi ông vẫn phải đi làm ăn xa, gò lưng xách từng xô vữa. Hôm qua, bà nhà gọi nói chờ ông về mới đi sắm Tết. Tết cũng chẳng sắm sửa gì nhiều ngoài ít thức ăn, bánh kẹo, vài bộ quần áo mới cho cháu được vui. Lợn thì ăn đụng hàng xóm nửa đùi. Bánh chưng gói vài cân gạo thôi, để lâu sợ cứng. Giờ mà về không có đồng nào ông biết phải ăn nói làm sao với vợ. Lúc này xe đã dừng lại bên quán dọc đường. Bác tài nói mọi người tranh thủ đi vệ sinh hay mua bán, ăn uống gì đó nhanh nhanh, mười lăm phút nữa xe sẽ chạy. Ông Thuộc ngồi lại trên xe, ngẩn ngơ chẳng thiết tha gì. Cậu thanh niên hỏi:

– Bác có xuống đi vệ sinh không?

Ông khẽ lắc đầu, đổ người ra phía sau thành ghế. Ông nghĩ lại mọi chuyện, hay là không mất ở bến xe mà mất trên xe. Nhưng trên xe thì ai ở chỗ người đó, nếu muốn làm gì thì chỉ có cậu thanh niên ngồi gần bên cạnh. Không! Ông không thể đổ oan cho con của một liệt sĩ thời bình. Bố cậu ấy đã ngã xuống vì bình yên đất nước. Nhưng nếu câu chuyện về người bố chỉ là cậu ta bịa ra nhằm lấy lòng tin của ông thì sao? Nhưng ánh mắt cậu ấy khi nói về bố của mình không thể nào gian dối. Ông không thể vì mất của mà nghi hoặc tất cả mọi người. Ông gục đầu vào đôi bàn tay chai sạn nồng mùi vôi vữa của mình mà bật khóc. Lúc này hành khách đều đã đi vệ sinh xong, tập trung ở quán nghỉ chân. Mọi người đang bàn bạc về việc mất cắp của ông Thuộc. Cậu thanh niên lên tiếng:

– Nãy ngồi cạnh, cháu nghe bác ấy kể hoàn cảnh cũng đáng thương lắm. Con trai mất sớm, con dâu đi bước nữa bỏ lại cho hai ông bà đứa cháu nội vẫn còn bé bỏng.

– Ờ! Khó khăn lắm thì tuổi ấy mới phải đi làm thuê làm mướn xa nhà, chứ nếu không đã ở nhà vui vầy với con cháu.

– Giờ mất hết biết lấy gì trang trải, Tết đến chân rồi. Hay là chúng ta ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít gọi là chút tấm lòng giúp đỡ bác ấy lúc khó khăn. Hoặc coi như gửi cho đứa cháu nội của bác ấy ít quà. Các bác thấy được không ạ?

– Nhất trí.

– Nhất trí.

Gần ba chục hành khách trên chuyến xe đã đứng quây quần lại. Người rút ví lấy ra vài trăm. Người chẳng đắn đo gì, đếm mấy tờ polime xanh lét. Người lôi từ cạp quần ra chiếc túi vải, chọn một tờ tiền chẵn đưa cho cậu thanh niên. Người kịp vuốt phẳng phiu xấp tiền lẻ năm ngàn vẫn còn phảng phất mùi tanh của cá. Bác tài dập vội điếu thuốc, thò vào túi áo ngực lấy tiền góp chung với mọi người. Cậu thanh niên ngồi xếp lại những đồng tiền vừa nhận, đếm đi đếm lại. “Chín triệu cả thảy. Cháu sẽ bỏ thêm cho tròn mười triệu”. Tất cả mọi người vui vẻ vỗ tay, cậu phụ xe bảo:

– Lên xe thôi các bác ơi để về với vợ con cho sớm.

Lúc mọi người bước lên xe, ông Thuộc vẫn thẫn thờ ôm chiếc ba lô rách, mắt nhìn đăm đăm ra ngoài cửa kính xe. Cậu thanh niên ngồi vào chỗ của mình quay sang nhìn mái tóc hoa râm của người bạn đường. Nếu bố cậu còn sống giờ chắc cũng tầm tuổi ông, ý nghĩ ấy khiến cậu chạnh lòng. Lúc nhận từ tay cậu thanh niên số tiền của cả xe góp lại ông Thuộc thêm một lần bật khóc. Những lời cảm ơn vụng về nói mãi chẳng thành câu. Sau phút giây xúc động cả xe bỗng ồn ào, vui vẻ hẳn lên. Bao câu chuyện cứ thế nối dài, xe trôi qua cây cầu bắc qua sông, mùa xuân hiện ra trên làng hoa thắm những đào những cúc. Đường về nhà mỗi lúc một gần hơn, tưởng như có thể nghe thấy tiếng cơm sôi bếp củi. Số tiền mồ hôi công sức của ông không may đã mất đi. Nhưng ông lại cầm về cho bà những đồng tiền tình nghĩa. Cầm thật chặt xấp tiền trên tay ông đưa mắt ngắm kĩ lại từng khuôn mặt xung quanh như một lần nữa muốn lưu lại tất cả những ân tình mà người dưng đã dành tặng cho mình. Cậu thanh niên đã ngủ tự lúc nào. Dưới gầm ghế xe bó hoa mận rừng vẫn âm thầm ủ nụ trong lớp vỏ xù xì rêu mốc…

( https://baohaiduong.vn/chuyen-xe-giap-tet-371963.html)

Chú thích: Vũ Thị Huyền Trang sinh năm 1987, quê ở Phú Thọ, là cây bút trẻ, khá thành công trong thể loại truyện ngắn những năm gần đây. Truyện của chị đôi khi chỉ là những lát cắt vụn vặt trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, tất cả những tình huống mà con người có thể dễ dàng chứng kiến ở bên ngoài xã hội. Song, Huyền Trang lại khéo léo tái tạo, nhào nặn nên một thế giới nghệ thuật gần gũi, mang đậm triết lý nhân sinh.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Truyện “Chuyến xe giáp Tết” được kể theo điểm nhìn của ai?

Câu 2. Tối hôm trước, trong bữa cơm chia tay anh em thợ, chủ thầu rất nhiệt tình nhưng ông Thuộc không dám uống say bởi lí do nào?

Câu 3. Theo anh/chị, trong truyện nhân vật ông Thuộc bật khóc mấy lần? Chỉ ra sự khác nhau của mỗi lần bật khóc đó?

Câu 4. Viết một đoạn văn ( khoảng 5 đến 7 dòng) chia sẻ ấn tượng của em về nhân vật cậu thanh niên ngồi kế ngay ông Thuộc trên chuyến xe?

Câu 5. Theo anh/chị, đâu là nét đặc sắc nhất về nghệ thuật truyện ngắn qua văn bản trên? Tại sao?

  1. LÀM VĂN ( 14,0 điểm)

Câu 1: (4,0 điểm)

                 Mùa Xuân – Lễ Chùa – Nét đẹp văn hóa

Theo anh/chị, điều quan trọng để giữ vững nét đẹp văn hóa tâm linh trong bối cảnh hiện nay là gì? Hãy kết nối với cuộc sống và viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ về điều đó.

Câu 2: ( 10,0 điểm)

“Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người” ( George Sand)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy đi tìm “ánh sáng” mà nhà văn Vũ Thị Huyền Trang đã đưa vào “trái tim con người” trong truyện ngắn “Chuyến xe giáp Tết”.

……………………………………..Hết………………………………..

 

Họ và tên…………………………………………………………………………………..Số báo danh…………………………………..

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA

TRƯỜNG THPT HẬU LỘC 1

Hướng dẫn gồm 5 trang

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI TRƯỜNG

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn thi: Ngữ văn 11

Thời gian làm bài: 150 phút

 

Phần Câu Nội dung Điểm
       
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 Chuyện được kể qua điểm nhìn của tác giả/ người kể chuyện 0,75
2 Ông Thuộc không dám uống say bởi lí do: đêm trộm cắp vào lấy mất cọc tiền công mới được thanh toán. 0,75
3 – Trong truyện, nhân vật ông Thuộc hai lần bật khóc, cụ thể như sau:

+ Ông gục đầu vào đôi bàn tay chai sạn nồng mùi vôi vữa của mình mà bật khóc.

+ Lúc nhận từ tay cậu thanh niên số tiền của cả xe góp lại ông Thuộc thêm một lần bật khóc.

– Điểm khác biệt của các lần khóc như sau:

+ Lần đầu, ông khóc bởi mất số tiền mồ hôi công sức, niền vui về tết trở thành nỗi lo, mất tiền là mất tết.

+ Lần sau, ông khóc bởi xúc động trước ân tình của hành khách trên xe dành tặng, họ góp tiền, chia sẻ với ông lúc khó khăn.

1,5
4 Học sinh chọn cách diễn đạt phù hợp, song cần nêu bật các ý sau:

– Một người con hiếu thảo

– Một người tốt bụng, sẵn lòng giúp đỡ người khác một cách vô tư, chân thành.

– Nhân vật cậu thanh niên là hiện thân tiêu biểu cho những người trẻ bình dị, vô danh  mà thơm thảo tấm lòng thiện ta bắt gặp trong cuộc sống đời thường.

1,5
5 – Nét đặc sắc nhất về nghệ thuật truyện ngắn qua văn bản trên: nghệ thuật sáng tạo tình huống, ông thuộc mất cắp tiền trên đường về quê ăn tết. Tình hưống tạo nên bước ngoặt của câu chuyện, sự bất ngờ cho người đọc. Thông qua tình huống, người đọc hiểu rõ những nỗi niềm tâm trạng của nhân vật ông Thuộc, cách ứng xử đẹp của cậu thanh niên và hành khách trên xe. Đặc biệt, tình huống truyện còn góp phần làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của truyện, trong cái khó, ló cái tình; lòng tốt, sự sẻ chia sẽ giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn rất đáng trân trọng, mang lại những điều kì diệu.

( Câu này, nếu học sinh lựa chọn phương án khác, có sự lí giải thuyết phục vẫn cho điểm nhưng không quá 1,0 điểm)

1,5
II   VIẾT 14,0
 

 

1                  Mùa Xuân – Lễ Chùa – Nét đẹp văn hóa

Theo anh/chị, điều quan trọng để giữ vững nét đẹp văn hóa tâm linh trong bối cảnh hiện nay là gì? Hãy kết nối với cuộc sống và viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ về điều đó.

4,0
  a. Xác định được về hình thức, dung lượng của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp; song hành hoặc móc xích. 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: điều quan trọng nhất để giữ vững nét đẹp văn hóa tâm linh trong bối cảnh hiện nay.

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận

Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Đi lễ chùa ngày đầu xuân từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Đi lễ không đơn giản chỉ để ước nguyện mà còn là khoảnh khắc để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những vất vả, nhọc nhằn mưu sinh trong cuộc sống.

– Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa, song không ít người đến vãn cảnh chùa lại ăn mặc phản cảm, áo ngắn, quần cộc, hở hang; ứng xử thiếu văn minh… làm xấu đi không gian linh thiêng nơi cửa phật. Bên cạnh đó nhiều người dân đi lễ chùa còn có những hành động thiếu văn hóa như: Ném tiền xuống hồ cá, dúi tiền vào tay phật; bán hàng chặt chém; nạn trộm cắp, móc túi, ăn xin…

– Điều quan trọng để giữ vững nét đẹp văn hóa tâm linh trong bối cảnh hiện nay:  mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, góp sức cùng chính quyền để tiến tới xóa bỏ những hủ tục, hành vi lệch chuẩn, từ đó tạo nên giá trị đặc biệt của văn hóa lễ chùa, về chốn cửa phật mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn; mỗi người cần hiểu những kiến thức cơ bản về tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các nghi lễ, thực hành liên quan, có như vậy mới không bị rơi vào mê tín dị đoan, hoặc có những ứng xử, hành vi phản cảm, lệch lạc; các cơ quan quản lý phải siết chặt công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời điều chỉnh, ngăn chặn các hiện tượng lệch lạc. Và quan trọng hơn là các ngôi chùa phải có công tác tự quản tốt, có quy định, nội quy cụ thể đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhưng không cho phép các hành vi biến tướng, trục lợi để kiếm tiền.

2,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt hợp lý để triển khai vấn đề.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng hợp lý.

0.5
đ. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0.25
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ, văn phong trôi chảy. 0.25
  2             “Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người” ( George Sand)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy đi tìm “ánh sáng” mà nhà văn Vũ Thị Huyền Trang đã đưa vào “trái tim con người” trong truyện ngắn “Chuyến xe giáp Tết”.

10,0

 

 

 

  a. Xác định được yêu cầu và cách làm kiểu bài: nghị luận về ý kiến bàn về văn học. 0.25
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: thiên chức cao cả, sứ mệnh vinh quang nhất của nhà văn đó là nâng niu, trân trọng và hướng con người tới những điều tốt đẹp; làm sáng tỏ qua truyện ngắn “Chuyến xe giáp Tết” ( Vũ Thị Huyễn Trang) 0.25
    c. Triển khai vấn đề cần nghị luận:

Thí sinh có thể vận dụng các thao tác lập luận khác nhau để triển khai vấn đề cần nghị luận, tuy nhiên phải đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Dưới đây là những gợi ý:

* Cắt nghĩa và lí giải ý kiến

– Cắt nghĩa

+ Thiên hướng: là khuynh hướng thiên về những điều có tính chất tự nhiên. Thiên hướng của người nghệ sĩ: là khuynh hướng chủ đạo của người cầm bút.

+  ánh sáng: gợi ra vẻ đẹp lung linh, kì diệu và có khả năng soi rọi, chiếu tỏ; đó là khả năng kì diệu trong việc tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của con người.

+ Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người: Nghĩa là người nghệ sĩ thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình, đem đến cho bạn đọc những hiểu biết về thế giới xung quanh, giúp người đọc nhận thức sâu sắc về bản chất cuộc sống và con người, nhận ra những bài học quí giá về lẽ sống, thắp sáng trong trái tim con người những tư tưởng tình cảm đẹp đẽ nhân văn giúp con người sống tốt hơn, nhân văn hơn. ⇒ Ý kiến đã đề cập đến thiên chức cao cả của nhà văn: nâng niu, trân trọng và hướng con người tới những điều tốt đẹp, đó cũng chính là chức năng của văn học đối với cuộc đời, con người.

– Lí giải ý kiến

+ Xuất phát từ chức năng của văn chương: Văn chương hướng con người tới cái đẹp, cái thiện, là đưa ánh sáng vào trái tim con người. Ánh sáng văn chương chính là vẻ đẹp của cảm xúc, tư tưởng, tình cảm của nhà văn chuyển hóa vào tác phẩm thông qua hình thức nghệ thuật độc đáo. Ánh sáng ấy có khả năng kì diệu, soi sáng nhận thức, thắp sáng niềm tin, giúp con người hiểu hơn về cuộc sống và con người, từ đó soi chiếu nhận thức về chính mình. Ánh sáng văn chương có tác dụng khơi dậy, bồi đắp những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn con người, giúp con người sống đẹp đẽ, nhân văn hơn.

+ Bắt nguồn từ công việc sáng tạo của người nghệ sĩ: Nhà văn viết tác phẩm xuất phát từ nhu cầu giãi bày, thể hiện tâm tư, tình cảm vì thế nên nâng đỡ cho cái tốt không chỉ là thiên chức, là trách nhiệm mà còn là mong mỏi, nhu cầu của người cầm bút. Để đưa ánh sáng vào trái tim con người, người nghệ sĩ còn ý thức phát huy cái tài trong cách sử dụng ngôn từ, sáng tạo hình ảnh, xây dựng hình tượng, tạo kết cấu tác phẩm … với sức truyền cảm cao nhất của hình thức nghệ thuật. Ánh sáng được đưa vào trái tim con người từ tác phẩm văn học chính là sự hòa quyện của cái tâm, cái tài của người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật nhiều vui sướng mà cũng lắm khổ đau.

* Đi tìm “ánh sáng” mà nhà văn Vũ Thị Huyền Trang đã đưa vào “trái tim con người” trong truyện ngắn “Chuyến xe giáp Tết”.

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

+ Vũ Thị Huyền Trang sinh năm 1987, quê ở Phú Thọ, là cây bút trẻ, khá thành công trong thể loại truyện ngắn những năm gần đây. Truyện của chị đôi khi chỉ là những lát cắt vụn vặt trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, tất cả những tình huống mà con người có thể dễ dàng chứng kiến ở bên ngoài xã hội. Song, Huyền Trang lại khéo léo tái tạo, nhào nặn nên một thế giới nghệ thuật gần gũi, mang đậm triết lý nhân sinh.

+ Truyện “Chuyến xe giáp Tết” được đăng trên báo Hải Dương nhân dịp đầu năm mới 2024. Truyện xoay quanh nhân vật chính là ông Thuộc, một người làm nghề phụ hồ, về quê ăn Tết, trên đường về ông bị mất sống tiền mồ hôi công sức, hành khách trên xe mỗi người môt chút góp lại chia sẻ với ông lúc khó khăn. Truyện giản dị, gợi nhiều suy ngẫm.

– Ánh sáng Vũ Thị Huyền Trang đưa vào truyện ngắn “Chuyến xe giáp Tết”:

+ Ánh sáng tỏa ra từ niềm thương cảm với những người lao động vất vả vì cuộc sống mưu sinh. Ông Thuộc ngoài sáu mươi tuổi, con trai đi xuất khẩu lao động bỏ mạng nơi xứ người, con dâu đi bước nữa, ông bà già nuôi cháu. Bởi thế, ông Thuộc lên thành phố đi làm, “đôi bàn tay chai sạn nồng mùi vôi vữa” nhọc nhằn chăm lo cho gia đình, oái oăn thay, trên đường về quê đón tết, ông bị móc túi, mất cả số tiền. Ông Thuộc lo lắng, buồn bã, tuyệt vọng, ông mang Tết về cho bà, cho cháu nhưng còn đâu. Đọc truyện, người ta cảm thương cho ông Thuộc, cho những người nghèo khổ đã khốn lại gặp khó. (HS phân tích văn bản làm rõ vấn đề)

+ Ánh sáng nhen lên bởi lòng tốt, sự chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn, khó khăn: Ông Thuộc mất tiền, hành khách trên chuyến xe của ông, đặc biệt là cậu thanh niên đã có một nghĩa cử đẹp, quyên góp giúp đỡ ông với số tiền mười triệu. Đó là  số tiền tình nghĩa của những “người dưng” ( không quen biết nhau) chia sẻ với ông Thuộc lúc buồn nhất, tuyệt vọng nhất. Số tiền ấy ngỡ như chiếc phao cứu sinh của ông. Vậy là, lòng tốt được đặt đúng chỗ, đúng người. Ánh sáng từ câu chuyện, cũng là bài học giá trị với mỗi người, cuộc sống rất cần sự chia sẻ, yêu thương. Trong cái khó, ló cái tình, ân tình những hành khách xa lạ trên chuyến xe ngày Tết dành cho ông Thuộc rất đáng quý. (HS phân tích văn bản làm rõ vấn đề).

+ Ánh sáng thức tỉnh lương tri mỗi người, hãy sống bằng lòng thiện, công sức lao động của chính mình. Đừng tham lam, lấy đi mồ hôi công sức của người khác, nhất là người già cả, tội nghiệp. Dõi theo tác phẩm, người đọc nhận thấy thái độ bức xúc của hành khách trên xe khi biết ông Thuộc bị rạch túi, lấy cắp tiền: “Lũ mất dạy. Ăn cắp đồng tiền mồ hôi nước mắt của một người già”…

+ Ánh sáng Vũ Thị Huyền Trang đưa vào truyện bằng nghệ thuật truyện ngắn đặc sắc: Sáng tạo tình huống, ngôi kể thứ ba, điểm nhìn trần thuật có sự hoán đổi, khi là điểm nhìn bên ngoài, quan sát kể lại câu chuyện, khi đặt mình vào nhân vật để thấu tỏ nỗi niềm tâm trạng. Nhà văn rất thành công khi miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, cách kể lôi cuốn, hấp dẫn, tạo nên sự hồi hộp cho người đọc.

+ Khái quát chung: Chuyến xe giáp Tết – Chuyến xe tình người, truyện chân thực, xúc động, cuộc sống muôn màu, nỗi buồn xen lẫn niềm vui, rủi may luôn hiện hữu. Song, lòng tốt giữ, sự yêu thương sẻ chia sẽ gieo mầm hạnh phúc, lan tỏa yên vui. Số tiền mồ hôi của ông Thuộc mất đi, số tình tình nghĩa ông mang về cho vợ, cho cháu mãi còn. Câu chuyện nhỏ mà hàm ẩn bài học lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

* Đánh giá, rút ra ý nghĩa của ý kiến

– Ý kiến của George Sand đã khẳng định yếu tố cốt lõi để người nghệ sĩ viết nên những tác phẩm giá trị, hoàn thành sứ mệnh cao cả của ngòi bút và khẳng định vị trí trên văn đàn, đó là đưa ánh sáng vào trái tim con người.

– Ý kiến là bài học quý với người viết và người đọc: Người nghệ sĩ viết tác phẩm cần phải sống sâu với cuộc đời, có được tình cảm chân thành, mãnh liệt, nắm bắt và phản ánh được những vấn đề cuộc sống và con người, có tài năng và bền bỉ nghiêm túc luyện rèn ngòi bút để có thể đưa ánh sáng vào trái tim con người  hiệu quả nhất. Người đọc khi đến với tác phẩm vì thế cần có ý thức bồi đắp tâm hồn, biết khám phá, đón nhận thứ ánh sáng đặc biệt từ tác phẩm, lĩnh hội được những ý tình sâu sắc mà nhà vân gửi gắm để hiểu cuộc sống, hiểu con người, hiểu chính mình hơn, từ đó sống đẹp, sống nhân văn hơn.

– Với truyện ngắn “Chuyến xa giáp Tết”, Vũ Thị Huyền Trang đã đưa vào trái tim người đọc thứ ánh sáng thức tỉnh tâm hồn, chia sẻ yêu thương sẽ xoa dịu nỗi đau, mang đến nụ cười hạnh phúc cho con người, cuộc đời.

8,5

 

 

 

 

1,5

0,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5,5

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5,0

 

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,75

 

 

 

 

 

0,75

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

    d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được vấn đề nghị luận, đảm bảo bố cục

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Bài viết lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.

0,25
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

0.25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5
Tổng điểm 20,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *