SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG THPT BÌNH TÂN ĐỀ CHÍNH THỨC |
KIỂM TRA HỌC KỲ II Năm học: 2017-2018 Môn: NGỮ VĂN 10 Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian phát đề) |
- ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Khách có kẻ :
Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,
Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.
Bèn giữa dòng chừ buông chèo,
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.
Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,
Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều.”
(Trích Phú sông Bạch Đằng – Trương Hán Siêu)
Câu 1. Nhân vật trữ tình (khách) là người thế nào?
Câu 2. Tráng chí (chí lớn) của nhân vật khách được gợi lên qua mấy loại địa danh? Đó là những loại địa danh nào?
Câu 3. Xác định một biện pháp nghệ thuật trong đoạn trích. Chỉ rõ từ ngữ chứa biện pháp đó.
- LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để tự khẳng định mình”.
Câu 2 (5.0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau:
“Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
-HẾT-
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG THPT BÌNH TÂN |
KIỂM TRA HỌC KỲ II Năm học: 2017−2018 Môn: NGỮ VĂN 10 Thời gian làm bài: 90 phút |
HƯỚNG DẪN CHẤM
- ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1. Nhân vật trữ tình (khách) là người có thú du ngoạn, có tráng chí (chí lớn), tâm hồn khoáng đạt. (1.0 điểm)
Câu 2. Tráng chí (chí lớn) của nhân vật khách được gợi lên qua hai loại địa danh:
+ Thứ nhất là địa danh Trung Quốc mang tính ước lệ (Nguyên, Tương,Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt) (0.5 điểm)
+ Thứ hai là địa danh của nước Việt mang tính tả thực (cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng) (0.5 điểm)
Câu 3. HS có thể chỉ một trong các phép tu từ sau:
– Liệt kê (các địa danh Nguyên, Tương,Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt; cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng) (1.0 điểm)
– Đối (đối ngẫu):
+ Giương buồm giong gió chơi vơi – Lướt bể chơi trăng mải miết.
+ Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương – Chiều lần thăm chừ Vũ, Huyệt.
+ Qua cửa Đại Than – ngược bến Đông Triều (1.0 điểm)
- LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng :
HS biết cách trình bày một đoạn văn nghị luận. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
Học sinh cần làm rõ được những ý chính sau:
– Mở đoạn (0.25 điểm): Nêu vấn đề nghị luận: Có lẽ nhiều người trong học sinh chúng ta đi học nhưng chưa nhận thức đầy đủ m ục đích của sự học. Học để làm gì? Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO đã gởi thông điệp về vấn đề này đến tất cả mọi người: “Học để tự khẳng định mình”.
– Thân đoạn (1.5 điểm): Giải thích, chứng minh, bình luận: Trước hết, ta cần hiểu “học”là gì? Học là hoạt động thu nhận kiến thức và hình thành kỹ năng của một người nào đó. Còn “Học để tự khẳng định mình” liên quan đến việc khẳng định cả tài năng và nhân cách. Mỗi con người đều phải tạo cho mình một vị trí, một chỗ đứng trong xã hội, khẳng định giá trị của bản thân trước cuộc sống. Nếu là công nhân phải là công nhân lành nghề. Nếu là giáo viên thì phấn đấu là giáo viên giỏi. Nếu là một nhà chính trị thì phải giúp cho đất nước được hòa bình, độc lập, kinh tế phát triển, phồn vinh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Và dù chúng ta giỏi ở lĩnh vực nào thì hai chữ “đạo đức” vẫn không thể thiếu vắng trong mỗi con người. Việc học quan trọng là thế những hiện nay vẫn còn không ít bạn trẻ có cách học thụ động, học đối phó, học vì điểm số, vì thành tích hoặc là học do cha mẹ bắt, học để trốn nghĩa vụ quân sự… Cũng có những người đem kiến thức học được chỉ để tư lợi cho bản thân mà không nghĩ đến sức khỏe của cộng đồng, sẵn sàng làm phương hại đến người người khác. Đó là những kẻ tạo ra thuốc tăng trưởng cho động, thực vật; những đột nhập bất hợp pháp vào mạng máy tính để phá hoại (hacker). Hay như công ti bột ngọt Ve-dan đã xả chất thải chưa qua xử lí vào sông Thị Vải (Đồng Nai) gây bao thảm họa cho thiên nhiên và người dân địa phương,…
– Kết đoạn (0.25 điểm): Nêu ý nghĩa, tác dụng, phương hướng hành động: Tóm lại, “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường” (Đi-đơ-rô). Một khi chúng ta xác lập được mục đích học tập, tất yếu chúng ta sẽ học tập tốt hơn.
* Lưu ý:
– HS trình bày không đúng hình thức đoạn văn, điểm tối đa là 1.0 điểm
– Sai nhiều lỗi chính tả, giám khảo trừ từ 0.5 điểm – 0.75 điểm
Câu 2 (5.0 điểm)
ĐÁP ÁN
| Yêu cầu về kĩ năng
– Học sinh tạo lập được một văn bản nghị luận thơ: Có khả năng trình bày nhận xét của mình về nội dung của một bài thơ thông qua phân tích, bình giá các yếu tố nghệ thuật.
– Bố cục rõ ràng; luận điểm, luận cứ đúng đắn; lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
– Văn viết mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; thể hiện được cảm nhận riêng của người viết.
|| Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bám sát yêu cầu của đề bài, cần làm rõ được những ý chính sau:
I. Mở bài:
Nguyễn Du là tác giả lớn của văn học Việt Nam. Ông đã đưa thể loại truyện thơ lục bát và ngôn ngữ văn học dân tộc đã đạt đến đỉnh cao chói lọi trong “Truyện Kiều”. Đoạn trích “Trao duyên” có một vị trí đặc biệt trong kiệt tác này. Đây là phần mở đầu cuộc đời lưu lạc, đau khổ của nhân vật chính Thuý Kiều. Đoạn thơ thể hiện sâu sắc bi kịch tình yêu tan vỡ và chứng minh tài nghệ tuyệt vời của Nguyễn Du trong việc miêu tả nội tâm nhân vật. Chỉ cần phân tích đoạn đầu từ “Cậy em, em có chịu lời” đến “Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”, ta cũng thấy rõ điều đó.
II. Thân bài:
Gia đình Kiều bị kẻ bán tơ vu oan. Cha và em trai Kiều bị bắt giam. Thúy Kiều phải bán mình làm vợ lẽ Mã Giám Sinh để lấy tiền cứu cha và em. Kiều hi sinh cao cả cho gia đình, song vẫn lo nghĩ cho Kim Trọng, thấy cần có một sự đền bù trước tấm chân tình của Kim Trọng. Đêm cuối cùng trước ngày ra đi theo Mã Giám Sinh, Thúy Kiều nhờ cậy Thúy Vân thay mình trả nghĩa lấy Kim Trọng.
Thuý Kiều đã mở đầu bằng những lời yêu cầu khẩn thiết đối với Thuý Vân: “Cậy em, em có chịu lời, Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”
“Cậy” là nhờ vả với tất cả tấm lòng tin tưởng, trân trọng. “Chịu lời” là nhận lời, đồng ý nhưng có hàm ý Thuý Vân chấp nhận phần thiệt thòi về mình. Thuý Kiều là vai chị lớn hơn nhưng lại “lạy”, “thưa” em. Đó là thái độ kính phục, tri ân đối với Thuý Vân vì Kiều coi việc em “chịu lời” lấy Kim Trọng là một việc hi sinh cao cả. Lời nói và hành động của Thúy Kiều đã tạo một không khí thiêng liêng, trang trọng cho cuộc nói chuyện và cho thấy khả năng lựa chọn từ ngữ vô cùng tinh tế của Nguyễn Du.
Để em gái thấu hiểu, Thuý Kiều tâm sự với em về tình yêu nồng thắm, gắn bó của mình với Kim Trọng (“Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”). Nhưng nay gia đình đột ngột gặp tai biến (“Sự đâu sóng gió bất kì”), Kiều đã chấp nhận hi sinh chữ “tình” để làm tròn chữ “hiếu” (“Giữa đường đứt gánh tương tư”, “Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai ?”). Tình duyên của nàng và Kim Trọng giờ đây đã lỡ làng.
Lúc này, Kiều đã cố nén nỗi đau để trao duyên cho em bằng những lời lẽ vừa chân tình, thống thiết vừa đầy lí trí. Kiều nói “Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”. Kiều hiểu rất rõ Thúy Vân lấy Kim Trọng không phải là một tình duyên trọn vẹn mà là chắp mối “tơ thừa” của chị. “Mặc em” có nghĩa là tuỳ em quyết định, chị không có quyền và không thể nào bắt buộc em trong chuyện tình cảm. Nhưng Kiều cũng tìm cách phân tích, khẩn nài :
“Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.”
Cách nói ẩn dụ ở đây thật đặc sắc: “Ngày xuân” là tuổi trẻ. “Tình máu mủ” là tình chị em ruột thịt. “Lời nước non” là lời thề nguyền chung thuỷ trong tình yêu. Thuý Kiều đã đặt mình vào chỗ Thuý Vân để thấu hiểu tất cả nỗi khó xử và tấm lòng hi sinh của em gái: Em còn trẻ, còn có thể được hưởng bao nhiêu mật ngọt của tình yêu nhưng xin em hãy xót thương người chị ruột thịt này mà thay chị lấy Kim Trọng, thay chị làm tròn lời nguyện thề thủy chung. Có thể nói, Kiều đã rất khéo léo khi đưa ra mối quan hệ ruột thịt để “ràng buộc”, dẫn Thuý Vân đến chỗ “mặc nhiên” chấp nhận.
Nhờ cậy rồi, Kiều tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Thuý Vân:
“Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
Các thành ngữ “thịt nát xương mòn, “ngậm cười chín suối” đều chỉ cái chết. Ơn của em, đến chết chị vẫn còn ghi nhận. Hơn thế nữa, nghĩa cử cao đẹp của em dù có chết chị cũng thoả lòng, mãn nguyện và vô cùng vinh dự.
Đoạn thơ cho thấy Thuý Kiều rất đồng cảm, khéo léo khi nhờ cậy Thuý Vân chuyện trọng đại của cả một đời người : thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Cách nói của Thuý Kiều khẩn thiết mà vẫn đúng mực, kêu nài mà vẫn chí nghĩa, chí tình (nhờ cậy thì viện đến tình máu mủ, cảm tạ thì đề cao nghĩa cử của Thuý Vân) khiến Thuý Vân khó lòng thoái thác.
III. Kết bài:
Với cách chọn lựa từ ngữ tinh tế, vận dụng thành thạo nhiều thành ngữ, nghệ thuật đối, ẩn dụ, đặc biệt là bút pháp miêu tả nội tâm đặc sắc, đoạn trích cho ta cảm nhận được bi kịch tình yêu tan vỡ, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Kiều (đức hi sinh, sự thông minh, vị tha, tình nghĩa,…). Qua đoạn thơ, ta hiểu thêm về tấm lòng nhân đạo có sức đồng cảm sâu xa của nhà thơ đối với những khát vọng hạnh phúc và những đau khổ của con người.
| Cách chấm điểm:
Điểm 5 – 4,5 : Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 4 – 3,5 : + Bài làm khá.
+ Lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp không đáng kể.
Điểm 3 – 2,5: + Bài viết rõ bố cục, đúng kiểu bài, ý được nhưng chưa sâu.
+ Diễn đạt đôi chỗ còn vụng.
Điểm 2 : + Bài viết còn sơ sài, tuy nhiên vẫn đúng kiểu bài.
+ Diễn đạt nhiều chỗ còn vụng, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 1 : Bài quá kém, lạc đề hoặc chỉ viết mở bài, một vài dòng có liên quan đến nội dung.
Điểm 00 : Bỏ giấy trắng.
Lưu ý: Tùy theo mức độ sai sót về hành văn, bố cục, …giám khảo xem xét trừ điểm