Đề theo ma trận mới của Bộ bài thơ Dại khờ của Xuân Diệu

(Giới hạn: Thơ Đường luật, thơ mới)

I. ĐỌC- HIỂU (4,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi ở dưới:

DẠI KHỜ (Xuân Diệu)

Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.

Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó!
Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương.
Vì thả lòng không kiềm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa.

Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa;
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy;
Muôn ngàn đời tìm cớ dõi sương mây,
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất.

Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao,
Không muốn chữa, không muốn lành thú độc.

(Nguồn: Xuân Diệu, Gửi hương cho gió, NXB Hội nhà văn, 1992)

Câu 1(0.75 điểm). Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2(0.75 điểm). Em hãy giải nghĩa từ dại khờ có trong bài thơ?

Câu 3(0,75 điểm): Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 4(0,75 điểm): Hãy chỉ  ra nguyên nhân làm “người ta khổ” trong đoạn thơ sau:

“Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ”
Câu 5(1.0 điểm). Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ ẩn dụ trong các câu thơ:

“Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó!
Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương”
Câu 6(0,75 điểm): Vì sao nhà thơ lại sử dụng điệp cấu trúc “người ta khổ”?

Câu 7(0,75 điểm). Nhận xét về tâm trạng nhân vật trữ tình trong những câu thơ sau:

“Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa;
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy;
Muôn ngàn đời tìm cớ dõi sương mây,
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất.”
Câu 8(0,5 điểm): Em có suy nghĩ gì cách lý giải nguyên nhân nỗi khổ đau của nhà thơ trong bài thơ trên?

PHẦN II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ trên.

 

……….HẾT……….

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KIỂM TRA GIỮA I NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn 10

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
1 Bài thơ “Dại khờ” thuộc thể thơ tám chữ

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

Học sinh trả lời không đúng thể thơ: Không cho điểm.

0,75
2 Dại khờ nghĩa là còn non nớt, suy nghĩ và hành động dại dột.

Hướng dẫn chấm: Học sinh có thể diễn đạt khác, nếu đúng vẫn được điểm tối đa

0.75
3 Nhân vật trữ tình trong bài thơ là nhà thơ 0,75
4

 

Nguyên nhân làm “người ta khổ” là: “Thương không phải cách”, “yêu sai duyên”, “Mến chẳng nhằm người”, “tặng chẳng tùy nơi”, “xin không phải chỗ”. 0,75
5 Biện pháp tu từ ẩn dụ: “Đường êm”, “gai nhọn đã vào xương”.

Tác dụng:

– Nhấn mạnh biến cố bất ngờ diễn ra khi con người đang chìm đắm trong mộng tưởng.

– Tạo tính hình tượng, gợi hình, gợi cảm cho câu thơ

1,0
6 Tác giả sử dụng phép điệp cấu trúc “Người ta khổ” để nhấn mạnh hoàn cảnh như thế này không phải là cảnh ngộ của riêng ai. 0,75
7 Tâm trạng của nhân vật trữ tình: Chìm đắm trong ảo tưởng, không ngờ hiện thực lại quá phũ phàng, gây ra nỗi mất mát và đau khổ cho con người. 0,75
8 Cách lí giải nguyên nhân nỗi khổ dau của nhà thơ rất chân thực, hợp lí, dễ tìm được tiếng nói đồng cảm của bạn đọc. 0,5
II Phân tích những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ trên. 4,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Dại khờ”.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cần đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Giới thiệu khái quát về nhà thơ Xuân Diệu, bài thơ “Dại khờ”, giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh chỉ giới thiệu được 01-02 trong 03 ý: 0,25 điểm.

0,25
2. Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

– Chủ đề: Tình yêu lứa đôi.

– Mạch cảm xúc: Lí giải cảm xúc khổ đau vì dại khờ của con người trong tình yêu.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

+ Nỗi khổ đau vì dại khờ được diễn giải trên các nguyên nhân: “Thương không phải cách”, “yêu sai duyên”, “Mến chẳng nhằm người”, “tặng chẳng tùy nơi”, “xin không phải chỗ”.

+ Khi đang hạnh phúc, con người đâu biết được những gì đau đớn đau chờ đợi mình.

+ Họ ảo tưởng và ngộ nhận trong tình yêu

+ Cố theo đuổi những thứ hão huyền để rồi chuốc lấy đau thương.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Ngôn ngữ sáng tạo, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc

+ Sử dụng các biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc, ẩn dụ, liệt kê…

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

Bài thơ đặc sắc khi lí giả căn nguyên nỗi khổ đau của con người khi sa vào lưới tình. Họ ảo tưởn, nhầm lẫn, dại khờ. Đó là tâm lí chung của con người khi yêu.

Hướng dẫn chấm:

Trình bày đầy đủ, sâu sắc:2,5 điểm

– Trình bày chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,5 điểm  – 2,25 điểm.

– Trình bày chung chung, chưa rõ: 0,25 điểm – 1,0 điểm.

2,5

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ “Dại khờ”, vị thế của nhà thơ Xuân Diệu.

Hướng dẫn chấm:.

– Trình bày rõ ràng, hợp lý: 0,5 điểm.

– Trình bày chưa  rõ ràng: 0,25 điểm.

0,25
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo: Vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

Hướng dẫn chấm:.

+ Đáp ứng được 2-3 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

+ Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

+ Không đáp ứng được yêu cầu: 0,0 điểm.

0.25

 

Bài viết tham khảo

 

DẠI KHỜ – CĂN NGUYÊN GÂY RA NỖI KHỔ CỦA CON NGƯỜI KHI YÊU

Tình yêu là một chủ đề lớn của văn thơ. Trong phong trào thơ mới, Xuân Diệu là nhà thơ có nhiều bài thơ tình yêu đặc sắc. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu không phải là tình yêu thủ thỉ “Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc” mà là tình yêu đầy say đắm, khát khao. Có lẽ vì vậy, Xuân Diệu đã được nhà phê bình Hoài Thanh nhận định là: “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Ngoài những bài thơ tình độc đáo, Xuân Diệu còn có những bài thơ mang đậm triết lý nhân sinh. “Dại khờ” là một tác phẩm như thế. Bài thơ là những nhận định về thế giới nhân sinh với một chuỗi những đau khổ do con người tự gây ra cho mình. Bằng tư duy và cảm quan của một người từng trải, Xuân Diệu đã cắt nghĩa những cái khổ con người hay vướng phải. Đây là một bài thơ có nhiều giá trị độc đáo về nội dung và nghệ thuật.

Có rất nhiều căn nguyên dẫn đến nỗi đau khổ của con người. Phật cho rằng khổ vì sinh- lão bệnh tử, khổ vì hỉ nộ, ái ố, khổ thì tham sân si.  Trong “Dại khờ”, nhà thơ đã lí giải lí do chính dẫn đến nỗi đau khổ của con người trong tình yêu lứa đôi. Bài thơ “Dại khờ” nằm trong mạch cảm hứng sáng tác mang tính triết lý về cuộc đời. Ở đó nhà thơ đặt ra rất nhiều những lý do khiến con người phải khổ. Cái khổ đầu tiên và cũng là lớn nhất của con người chính là cái khổ vì tình.

“Người ta khổ vì thương không phải cách,

Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người”

Là một người có nhiều trải nghiệm, sống hết mình vì tình yêu, Xuân Diệu cho rằng cái khổ lớn nhất của con người chính là yêu không đúng người, là cố yêu dù không được đáp trả. Biết là như vậy nhưng trong tình yêu con người thường hay mù quáng, cố chấp, cố theo đuổi tình yêu dù biết sẽ không bao giờ được đền đáp. Cũng đau khổ còn vì nhiều lý do khác ngoài tình:

“Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi

Người ta khổ vì xin không phải chỗ”

Không phải chỉ nghèo khó, túng thiếu mới là khổ mà giàu có “có kho vàng” nhưng “cho không đúng nơi” cũng khổ; cầu xin không phải chỗ cũng khổ. Như vậy theo ông nguyên nhân của cái khổ cũng chính xuất phát từ quan điểm và cách ứng xử của mỗi người. Cách thể hiện tình cảm của con người không đúng chỗ, thiếu vắng đi sự hiểu biết và cũng chính vì điều này nên khiến con người rơi vào bi kịch. Và thế là hành trình của con người mãi không thể thoát được chữ “khổ”:

“Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó!

Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương.

Vì thả lòng không kiềm chế dây cương,

Người ta khổ vì lui không được nữa”

Là một người từng trải và tin vào Phật pháp nên Xuân Diệu rất hiểu về đại ý của Phật pháp. Phật pháp dạy rằng con người không nên tham, sân, si, con người không phải cứ xin cái gì là sẽ có cái đó. Khi không đạt được thì cũng đừng nên oán trách, than vãn số phận hoặc bất kỳ ai. Bởi vì sướng khổ trong cuộc đời, số phận của mỗi người là do con người tự quyết định.

“Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,

Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.

Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao,

Không muốn chữa, không muốn lành thú độc”

Bằng mỹ cảm của người say thơ, bằng sự từng trải của cuộc đời, Xuân Diệu đã khắc hoạt tài tình những góc khuất của cuộc đời con người. Nhà thơ đã chỉ ra muôn vàn cái khổ đau chồng chất của con người mà nguyên nhân cũng do con người gây ra “khổ vì cố chen vào ngõ chật”, “ khổ vì cửa đóng chặt mà cứ cố xông vào”, “khổ vì bị thương mà không muốn chữa”… Tất cả cái khổ ấy đều là do con người cố chấp, không chấp nhận theo quy luật của tự nhiên, luôn muốn mọi thứ theo ý mình. Cũng có thể nói chính lòng tham, sự độc đoán của con người là mầm mống khiến con người mãi đau khổ. Tham sân si để được gì? Cuối cùng chỉ chuốc lấy khổ đau mà thôi.

Để góp phần truyền tải nội dung tư tưởng, bài thơ sử dụng thể thơ 8 chữ phù hợp việc diễn tả, biểu lộ cảm xúc mang tính triết lý. Phép điệp ngữ, liệt kê, hình ảnh ẩn dụ độc đáo.Thêm vào đó là ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc và đậm chất triết lý. Tất cả đã góp phần tạo nên một thi phẩm mang tính triết lý sâu sắc về cuộc đời, thể hiện tài năng của nhà thơ Xuân Diệu.

“Dại khờ” là một bài thơ giàu tính triết lí và mang giá trị nhân bản sâu sắc. Dù thời gian qua đi đã lâu, nhịp sống đã đổi thay, nhưng có những điều mà dòng chảy thời gian không thể chuyển hóa. Trong đó có nỗi đau khổ vì yêu mù quáng, yêu đến dại khờ. Không chỉ một nhà thơ Xuân Diệu đầy nghĩ suy, trăn trở., mà chúng ta cũng vậy. Khi đứng ngoài con người vô cùng sáng suốt. Nhưng một khi đã đặt chân vào cánh cửa tình yêu, mấy ai dám chắc mình luôn sáng suốt? Xuân Diệu đã và mãi là nhà thơ “mới nhất”, bởi lẽ ông ca tụng tình yêu mà tình yêu thì không chia kim cổ.

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *