Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 28

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

CHÉN TRÀ TRONG SƯƠNG SỚM

       Trời rét như cắt. Không kể tiểu hàn, không kể cả đến đại hàn, buổi sớm mùa đông nào, cụ Ấm cũng dậy từ lúc còn tối đất. Từ trên bàn thờ đức Thánh Quan, cụ nhắc cây đèn để xuống. Ðược khêu hai tim bấc nữa, cây đèn dầu sở phô thêm màu xanh lá mạ phủ trên chất sứ Bát Tràng.

      La liệt trên chiếu cói cạp điều đã sờn cạnh, cụ Ấm đã bày lên đấy khay trà, ống nhổ, ấm đồng và hỏa lò đất. Cái điếu bát vẽ Mai Hạc kêu vang lên một hồi rất giòn, rất đều. Khói thuốc lào đặc sánh lại bao trùm lấy ánh sáng yếu ớt của một ngọn đèn dầu. Rồi làn khói loãng dần biến ra màu nhờ nhờ như làn hơi nước sủi. Sau màn khói, ẩn hiện một ông già chống nạnh bên gối xếp, cặp mắt lim dim như một nhà sư nhập định. Vẻ nghiêm trang lặng thinh của ông già muốn làm ngừng cả áng khói trắng hiếu động đang trôi trong không khí gian nhà gạch. Ba gian nhà, chỉ có một người thức.
Trong cảnh trời đất lờ mờ chưa đủ phân rõ phần đêm và phần ngày, ông cụ Ấm có cả phong thái một triết nhân ngồi rình bước đi của thời gian.
Ðêm đông dài không cùng. Nó mênh mông và tự hết rất chậm chạp…
[…] Cụ Ấm cũng thở đánh phù một cái, như khi người ta được gặp lại bạn cố nhân sau nhiều giây phút mong chờ.  Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ khắc có chân quỳ. Nhẹ nhành, khoan thai, cụ Ấm nhắc cả đĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Ðến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kểnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng không một chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung và khi luyện đất cho vào lò lửa, nguời thợ Tầu lấy dáng cho ấm kia đã là một người thợ có hoa tay. Cụ Ấm thử mãi da lòng tay mình vào mình cái ấm độc ẩm, hình như cố tìm tòi một chút gợn trên đất nung để được sung sướng hoàn toàn sau khi nhận thấy cái ấm độc ẩm kia là nhẵn nhụi quá.
Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen vẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút nước xuống đất xem có thực là sôi không.Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông già đã sợ nhất cái ấm trà tầu pha hỏng lúc sớm mai.
       Từ trên bề cao cỗ sập, dòng nước sôi trút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp. Trên chiếc hỏa lò để không, cụ đã đặt thêm một ấm đồng cò bay khác. Những người uống trà dùng cách thức như cụ Ấm bao giờ cũng có ít ra là hai ấm đồng đun nước. Ấm nước sôi nhắc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt lên đấy rồi. Và hai ấm đồng đó cứ được mãi mãi thay phiên nhau đặt lên lò than đỏ rực, vì bữa nước trà cứ kéo dài không hết hồi. Như thế lúc nào người ta cũng có một thứ nước sôi đủ độ nóng để pha một ấm trà ngon.
      Nhưng có mấy khi cụ Ấm uống trà tầu một cách tàn nhẫn như vậy. Riêng về phần cụ, chỉ hai chén con là đủ rồi. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc đến nhiều quá.
    Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi, nếu trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.
    Cụ Ấm sau mỗi lần gặp phải một ông khách tạp,uống trà rất tục, cụ thường nói với vài bạn nhà nho:
    – Có lẽ tôi phải mua ít chén có đĩa ở hiệu Tây, để mỗi khi có mấy thày làm việc bên Bảo Hộ tới thì đem ra mà chế nước pha sẵn trong bình tích. Các cụ cứ suy cái lẽ một bộ đồ trà chỉ có đến bốn chén quân thì các cụ đủ biết cái thú uống trà tầu không có thể ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc chứ không huyên náo như bây giờ. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính.

[…] Sớm nay, cụ Ấm cũng ngâm thơ. Cụ tin rằng ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là một cách vận động thần khí kỳ diệu nhất của một người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất. Âu cũng là một quan niệm về vệ sinh của thời cũ. Và người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh. […]

(Vang bóng 1 thời, Nguyễn Tuân, nxb Đồng Nai, trang 95)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong văn bản trên.

Câu 2. Liệt kê những hình ảnh, từ ngữ nói về các đồ dùng chuẩn bị pha trà của cụ Ấm?

Câu 3. Hãy khái quát nội dung chính của văn bản trên.

Câu 4. Nhận xét một nét nổi bật của nhân vật cụ Ấm trong đoạn văn bản trên.

Câu 5. Qua văn bản, anh/chị hãy rút ra thông điệp ý nghĩa nhất.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. ( 2,0 điểm)

            Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích một nét nghệ thuật đặc sắc trong văn bản sau:

  Ở bầu thì dáng ắt nên tròn.

Xấu tốt đều thì rắp khuôn.

Lân cận nhà giàu no bữa cám(1);

Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn(2).

Chơi cùng bầy dại nên bầy dại;

Kết mấy người khôn học nết khôn.

Ở đấng thấp thì nên đấng thấp.

Đen gần mực đỏ gần son.

 

(Bảo kính cảnh giới – bài 21-Theo Nguyễn Trãi toàn tập – Đào Duy Anh dịch chú)

Chú thích:

 (1) và (2): Hai câu này là do câu tục ngữ “ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm, ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn”. Chữ “đau răng ăn cốm” là đúng chữ câu tục ngữ. Nhưng kẻ ở gần nhà giàu mà được ăn cốm nhiều thì cũng lạ. Chúng tôi cho rằng chính là cám nói chệch đi cho hợp với vần trộm ở câu dưới mà thành cốm… mà ở gần nhà giàu được no bữa cám thì nghĩa mới thông.

Câu 2. (4,0 điểm)

            Mạng xã hội đã và đang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của  mỗi người nhất là giới trẻ. Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vấn đề sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ hiện nay.

——————–HẾT —————–

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Xác định ngôi kể: ngôi thứ 3

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Liệt kê những hình ảnh, từ ngữ nói về các đồ dùng chuẩn bị pha trà của cụ Ấm: khay trà, ống nhổ, ấm đồng và hỏa lò đất

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời được 3-4 từ như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời được 1-2 từ như đáp án: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Khái quát nội dung chính của văn bản trên:

Truyện kể về thú thưởng trà buổi sớm mai của cụ Ấm – một thú vui tao nhã của các nhà nho thời xưa.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 1,0 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 Nhận xét một nét nổi bật của nhân vật cụ Ấm trong đoạn văn bản trên:

-Là người tài hoa, lịch lãm, am hiểu nghệ thuật pha trà và thưởng trà.

-Là người  công phu, cầu kì mang tính lễ nghi trong cách pha trà.

-Có thái độ nâng niu, trân trọng các vật dụng pha trà; phong thái ung dung, lịch lãm khi pha trà, thưởng trà.

Hướng dẫn chấm:

– Chỉ ra được 1 trong số các ý trên: 0,5 điểm

– Nhận xét: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 Hãy rút ra thông điệp ý nghĩa nhất

Hs rút thông điệp, lí giải thuyết phục.

Gợi ý:

-Trân trọng các giá trị truyền thống.

-Xây dựng cho bản thân lối sống làng mạnh, tích cực…

Hướng dẫn chấm:

-Rút ra thông điệp: 0,5 điểm

-Lí giải thuyết phục: 0,5 điểm

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích một nét nghệ thuật đặc sắc trong văn bản “Bảo kính cảnh giới 21 2,0
a.      Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng ( 200 chữ) của đọn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b.      Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận phân tích một yếu tố “phá cách” của Nguyễn Trãi.

0,25
c.      Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

–          Xác định dược các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là 1 số gợi ý:

+ Sáng tạo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn

+ Sử dụng nhiều hình ảnh thơ độc đáo

+ Ngôn từ mộc mạc, trong sáng mang vẻ đẹp của tiếng Việt cổ; thi liệu dân dã; lời thơ hàm súc, giàu hình ảnh.

+Vận dụng sáng tạo tục ngữ dân gian

–          Sắp xếp hệ thống ý theo đặc điểm bố cục của kiểu văn bản

0,5
d.      Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

–          Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt  phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

–          Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý

–          Lập luận chặt chẽ, thuyết phục

0,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e.      Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

0,25
2 Mạng xã hội đã và đang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của  mỗi người nhất là giới trẻ. Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vấn đề sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ hiện nay. 4,0
  a.      Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
  b.      Xác định đúng vấn đề nghị luận: 0,5
  c.      Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề bài viết

–          Xác định được các ý chính của bài viết

–          Sắp xếp các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận

*Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề

*Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích vấn đề

Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến, giúp mọi người chia sẻ, cập nhật tin tức, dễ dàng kết nối với nhau. Mạng xã hội gồm các ứng dụng như: fabook, zalo, instagram, twiter,…

-Thể hiện quan điểm của người viết. có thể theo 1 số ý sau:

*Thực trạng sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ ngày nay

– Mạng xã hội được mọi người sử dụng rộng rãi, phổ biến, đặt biệt là giới trẻ.
– Thời gian sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng.

*Mặt lợi và mặt hại của việc sử dụng mạng xã hội

– Lợi ích của mạng xã hội:

+ Trên mạng xã hội, người trẻ được tự do bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề đời sống, xã hội.
+ Mạng xã hội có tính giải trí cao với nhiều lĩnh vực giải trí khác nhau được cập nhật liên tục.
+ Mạng xã hội có nhiều thông tin hữu ích, lí thú.

– Mặt hại của mạng xã hội:

+ Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, công việc.
+ Thiếu sự kết nối với mọi người xung quanh trong cuộc sống đời thực.
+ Bên cạnh những thông tin hữu ích, mạng xã hội còn có những thông tin không lành mạnh, tiêu cực.

* Cách sử dụng mạng xã hội hữu ích

– Sử dụng mạng xã hội như là một công cụ hữu ích.
– Hạn chế khoảng thời gian sử dụng mạng xã hội.
– Biết chắt lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội.

*Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

– Cần ý thức được mặt lợi, mặt hại của mạng xã hội để không mất thời gian vào những vấn đề vô bổ trên mạng xã hội.
– Tập trung vào cuộc sống đời thực.

1,0
  d.      Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

–          Triển khai được ít nhất 2 luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân

–          Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt  phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

–          Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ , quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
  đ.   Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
  e.      Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ 0,5
Tổng điểm: 10,0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *