Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 29

CẤU TRÚC ĐỀ CỦA BỘ

ĐỀ KIỂM TRA LỚP 10

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

 PHẦN ĐỌC HIỂU: (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

THẦN LỬA

Thần Lửa là một bà già mặt mũi hung dữ. Người ta thường gọi là bà Hỏa. Thần chuyên giữ một thứ lửa rất màu nhiệm có thể đặt nồi không mà nấu ra đủ những thức ăn rất ngon lành. Nhưng thứ lửa ấy không phải là để cho hạ giới dùng.

Người ta kể chuyện ngày xưa có một ông lão đi vào trong rừng sâu bỗng bắt gặp một bếp lửa của bà thần lúc đó đang đi đâu vắng. Ông ta mừng quýnh bèn chặt một ống nứa không đặt lên bếp lửa. Chỉ trong một chốc, ống nứa tự nhiên thấy đầy cơm chín lại có cả cá thịt nữa. Ông bèn đổ ra lá ăn một bụng no nê rồi ngủ luôn tại đó. Chẳng dè trong khi ông lão ngủ say thì bà thần bất chợt trở về. Thấy có người lạ khám phá ngọn lửa màu nhiệm của mình, bà thần bèn rút bầu nước mang theo người ra tưới tắt bếp lửa rồi đi mất. Chừng ông lão tỉnh dậy thấy tắt mất bếp biết là thần Lửa không muốn cho mình hưởng, nhưng ông cụ cũng cố bươi đống tro tàn ra xem thì may thay hãy còn một tí than đỏ. Ông lão mừng rỡ vội bỏ vào khố bọc lại mang về nhà nhen nhóm nó lên.

Từ đó ngày nào cũng cơm thịt đề huề, gia đình ông lão sống rất sung túc. Và từ đó ông lão luôn luôn giữ gìn ngọn lửa không bao giờ dám để tắt. Nhưng rồi một hôm, lúc ông cụ đi vắng người con dâu của ông vừa đi ra suối múc nước về bỗng thấy lửa bén vào vách mà nhà vắng không có ai cả, chị ta lật đật mang cả vò nước xối vào khắp mọi nơi. Đến chừng ông lão trở về thì tiếc thay lửa đã tắt ngấm không còn một chút than đỏ nào nữa.

Từ đó cha con mất hết bảo vật của thần.

Thần Lửa cũng có nhiều lúc hung dữ cho bộ hạ đi tàn phá nhân dân, cây cối. Người ta thường phân biệt lửa của thần trong khi đốt nhà là một thứ lửa màu xanh xanh liếm từ trên nóc liếm xuống. Trong số bộ hạ thần Lửa có thằng Bợ hung ác quen thói. Nó ở với thần Lửa lâu năm, một hôm ăn cắp lửa của thần rồi trốn đi. Nó là kẻ thù của loài người. Hình như về sau nó bị thần bắt được và đày xuống địa ngục.

(Thần Lửa – Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam – Tập 1)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn)

Câu 1: Nhân vật chính trong văn bản trên là ai? Ngoại hình có đặc điểm gì nổi bật ?

Câu 2: Hãy chỉ ra hai chi tiết chứa yếu tố kì ảo trong văn bản.

Câu 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: Thần Lửa là một bà già mặt mũi hung dữ. Người ta thường gọi là bà Hỏa. Thần chuyên giữ một thứ lửa rất màu nhiệm có thể đặt nồi không mà nấu ra đủ những thức ăn rất ngon lành.

Câu 4: Qua văn bản Thần Lửa, người xưa muốn lí giải những hiện tượng gì?

Câu 5: Qua câu chuyện, người xưa muốn khuyên dạy chúng ta điều gì?

 PHẦN VIẾT: (6,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ tính cách của nhân vật Thần Lửa trong văn bản trên.

Câu 2: (4,0 điểm)

Đọc văn bản:

           Bài học về việc đón nhận thành công luôn thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng. Với tất cả mọi người, thất bại – nhất là thất bại trong các mối quan hệ – thường vẫn tạo ra những tổn thương sâu sắc. Điều này càng trở nên nặng nề đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có quyền được khóc? Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng thì hãy cho phép mình được khóc. Hãy để những giọt nước mắt ấm nồng xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn. Và hãy tin rằng ở đâu đó, có một người nào đó vẫn đang sẵn lòng kề vai cho bạn tựa, muốn được ôm bạn vào lòng và lau khô những giọt nước mắt của bạn… Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa… Vì thế, hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin.

            (Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, tập 2 – Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.02)

Từ văn bản trên, anh/chị viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về câu nói: Bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời, bỏ cuộc mới là thất bại vĩnh viễn (Marillin Vos Savant).  

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   Đọc hiểu 4,0
1 – Nhân vật chính trong văn bản trên là Thầm Lửa.

– Thần được miêu tả là một bà già mặt mũi hung ác.

0,5
2 Hai chi tiết chứa yếu tố kì ảo :

Thần chuyên giữ một thứ lửa rất màu nhiệm có thể đặt nồi không mà nấu ra đủ những thức ăn rất ngon lành.

– Chỉ trong một chốc, ống nứa tự nhiên thấy đầy cơm chín lại có cả cá thịt nữa.

0,5
3 – Biện pháp tu từ: Phóng đại (đặt nồi không mà nấu ra đủ những thức ăn rất ngon lành)

– Tác dụng:

+ Làm cho câu văn giàu hình ảnh, sinh động và hấp dẫn hơn.

+ Nhấn mạnh đến tài năng phi thường, kì lạ của Thần Lửa, đây cũng là một đặc điểm tạo nên sức hấp dẫn của thần thoại.

1,0
4 Lí giải những hiện tượng:

– Sự phát hiện ra lửa của con người

– Con người biết sử dụng lửa cho mục đích, nhu cầu sinh hoạt

– Hiện tượng hỏa hoạn trong thực tế

1,0
5 Lời khuyên: HS có thể trả lời khác gợi ý nhưng phải phù hợp.

– Không nên tự ý sử dụng đồ đạc của người khác, muốn sử dụng hãy xin phép.

– Nên chăm chỉ làm việc để tạo ra của cải, chứ không nên chờ đợi phép màu, chờ đợi may mắn.

1,0
II   VIẾT 6,0
1 Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ tính cách của nhân vật Thần Lửa trong văn bản Thần Lửa. 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành, tổng – phân – hợp.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Xác định đúng vấn đề nghị luận: Tính cách của nhân vật Thần Lửa trong văn bản Thần Lửa.

0,25
c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

+ Ngoại hình: Thần Lửa là một vị thần có mặt mũi hung dữ.

+ Tính cách:

++ Thần có tài năng phi thường: Thần chuyên giữ một thứ lửa rất màu nhiệm có thể đặt nồi không mà nấu ra đủ những thức ăn rất ngon lành.

++ Tính tình nóng nảy: khi biết có người lạ khám phá ngọn lửa màu nhiệm của mình, thần bèn rút bầu nước mang theo người ra tưới tắt bếp lửa rồi đi mất. Có khi còn sai bộ hạ đi tàn phá nhân dân…

+ Thông điệp: Qua nhân vật Thần Lửa, dân gian muốn lí giải về hiện tượng hỏa hoạn trong thực tế, và khuyên bảo chúng ta không nên tự ý sử dụng đồ đạc của người khác khi chưa hỏi ý kiến.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được thao tác lập luận và phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: tính cách của nhân vật Thần Lửa.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận: có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
2 Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về câu nói: Bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời, bỏ cuộc mới là thất bại vĩnh viễn (Marillin Vos Savant).   4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bàn về thái độ của con người trước thất bại.

0,5
c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận.

– Giải thích vấn đề nghị luận:

+ “Bị đánh bại” là sự thất bại, gục ngã của con người trước những khó khăn của cuộc sống

+ “nhất thời” là sự tạm thời, hoàn toàn có thể thay đổi trong tương lai nếu như con người cố gắng thay đổi. “Bỏ cuộc” là sự buông xuôi, không theo đuổi mục đích nữa mà đầu hàng hoàn cảnh.

+ “vĩnh viễn” là mãi mãi không thể thay đổi.

→ Câu nói của Savant đã thể hiện đánh giá khách quan về thái độ của con người trước những thất bại, qua đó nhấn mạnh đến thái độ sống tích cực, quyết tâm để vượt lên nghịch cảnh, chiến thắng số phận và làm chủ cuộc sống.

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau;

Vì sao Bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời?

+ Cuộc sống đặt ra muôn vàn những khó khăn, thử thách buộc con người phải vượt qua nếu muốn chạm tay đến thành công cuối cùng.

Cuộc sống không chỉ có những phút giây vinh quang, những thành công rực rỡ mà còn có những thất bại, những bước lùi không mong muốn.

+ Đứng trước những thất bại, con người không nên nhụt chí, buồn phiền mà cần đứng lên từ những thất bại, tiếp tục thực hiện những mục tiêu ban đầu.

+ Chúng ta có thể bị đánh bại bởi đối thủ, bởi hoàn cảnh sống không mong muốn, tuy nhiên những thất bại đó chỉ là nhất thời, nếu cố gắng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được nó.

Vì sao Bỏ cuộc mới là thất bại vĩnh viễn?

+ Đứng trước những khó khăn, thách thức con người thường nảy sinh tâm lí chán chường, tuyệt vọng, bi quan trong mọi việc.

+ Nếu không đủ mạnh mẽ khắc chế những cảm xúc tiêu cực, con người sẽ buông xuôi và từ bỏ mục đích mà mình theo đuổi.

+ Khi chấp nhận buông xuôi, từ bỏ mục đích mà mình theo đuổi cũng chính là hành động chấp nhận sự thua cuộc vĩnh viễn. Để có được thành công cuối cùng cần kiên trì theo đuổi đến cùng.

– Mở rộng, trao đổi với quan niệm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng, nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận: có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *