TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI NGUYÊN (Đề thi gồm 01 trang) |
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XII, NĂM HỌC 2018 – 2019
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 11 Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)
|
Câu 1: (8.0 điểm)
“Phẩm giá con người là những viên đá quý, viên đá đó còn lấp lánh đẹp đẽ hơn nếu được lồng vào cái giá khiêm tốn”.
Anh/chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Câu 2: (12 điểm)
Nghĩ về thơ, Thanh Thảo tâm sự: “Kỳ lạ, là thơ. Lúc ta cất công tìm nó, thì nó chạy đi đâu, còn lúc tình cờ, ta chợt nghe trong mình một tiếng nói, cứ như ai mượn ta hay nhập vào ai, không rõ bắt đầu, không định kết thúc.”
Bằng những hiểu biết về các tác phẩm thơ anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ và tên thí sinh: …..……………………. Số báo danh: .……………………
————– HẾT ————–
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1 (8.0 điểm)
- Giải thích: (2,0 điểm)
+ Phẩm giá con người: là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của con người.
+ Viên đá quý: là hình ảnh gợi lên cái đẹp, sự trong sáng, luôn được trân trọng, nâng niu.
+ Khiêm tốn:Là đức tính tốt mà mỗi người cần trau dồi, rèn luyện. Đó là sự kính nhường, có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người.
+ “viên đá đó còn lấp lánh đẹp đẽ hơn nếu được lồng vào cái giá khiêm tốn: Phẩm giá của con người càng đẹp hơn, càng tỏa sáng và có giá trị hơn khi những phẩm giá ấy được gắn liền với lòng khiêm tốn
=> Câu nói khẳng định, sự khiêm tốn làm phẩm giá con người trở nên cao quý hơn, toàn vẹn hơn.
- Phân tích,lý giải và chứng minh vấn đề: (6,0 điểm)
– Mỗi người sinh ra đều nỗ lực hoàn thiện phẩm giá của bản thân. Khiêm tốn là đức tính, phẩm chất có ý nghĩa quan trọng khảng định giá trị con người. Đó thái độ không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về khả năng của bản thân, luôn tích cực học hỏi người khác.
– Biểu hiện của tính khiêm tốn: Tính khiêm tốn được thể hiện ở một số phương diện sau:
+ Trong quá trình nhận thức của mỗi cá nhân khi suy đoán hay trình bày một vấn đề nào đó trước đám đông.
+ Thể hiện trong cách phát ngôn: sử dụng từ ngữ giản dị, dễ hiểu, có sức tác động đến lòng người, không “đao to búa lớn” hay “cao siêu huyền bí”.
+ Thái độ ứng xử của mỗi người: luôn nghiêm khắc với mình, rộng lượng với người, luôn “kính trên nhường dưới”
– Ý nghĩa của tính khiêm tốn:
+ Sự khiêm nhường trong cuộc sống giúp chúng ta có thể hài hòa trong mọi mối quan hệ, thân thiện trong giao tiếp
+ Khi biết khiêm nhường, không tự mãn với những gì mình có, không kiêu căng trước những thành công đạt được, nhìn nhận đúng khả năng của bản thân chúng ta sẽ có động lực để vượt qua những trở ngại thực hiện những hoài bão, ước mơ. Trên hành trình bước đến thành công, người khiêm nhường học hỏi được nhiều điều hữu ích, mở mang thêm hiểu biết, hoàn thiện bản thân nhiều hơn.
– Khiêm tốn là đức tính quý nhưng cũng không nên khiêm nhường thái quá mà trở nên nhút nhát, thụ động, hèn yếu.
– Bên cạnh đó có những người chưa ý thức hết giá trị của tính khiêm tốn luôn tự cao, tự mãn, kiêu căng, khoe khoang. Những người đó sẽ chỉ nhận lại sự xa lánh của mọi người; tầm nhìn cũng hạn hẹp dần, vì “điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết mênh mông như đại dương”.
– Chứng minh: Học sinh sử dụng dẫn chứng trong thực tế cuộc sống.
- Đánh giá và rút ra bài học nhận thức và hành động: (2,0 điểm)
Câu nói giản dị nhưng đã nêu lên một bài học thấm thía với cuộc đời mỗi chúng ta. Để có thể trở thành một người biết khiêm tốn chúng ta cần nỗ lực rèn luyện hàng ngày, tự tu dưỡng chính mình để ngày một hoàn thiện về mọi mặt.
Khiêm tốn thể hiện sự trưởng thành của một con người: “Chùm lúa chín sẽ cúi đầu, quả táo chín sẽ đỏ mặt”, nó đã nhắc nhở chúng ta rằng, thành công nhờ đức tính khiêm tốn”
Câu 2:
- Giải thích: (2,0 điểm)
– Lúc cất công tìm nó thì nó chạy đi đâu: Lúc người nghệ sĩ gò câu ép chữ, gượng mình viết thơ. Cảm xúc không chân thật, sản phẩm viết ra chỉ là một sáng tác mang tính hô hào, cổ động, đó chỉ là sản phẩm mang hình thức thơ, thiếu cảm xúc hoặc cảm xúc nhạt nhẽo, vô vị, người ta đọc rồi quên ngay. Đó là những xác chữ không hồn nằm thẳng đơ trên trang giấy. Thơ không phải là sự ghi chép, lắp ghép câu chữ, dụng công sáng tác.
– Lúc tình cờ, ta chợt nghe trong lòng mình một tiếng nói, cứ như ai mượn ta hay nhập vào, không rõ bắt đầu, không rõ kết thúc: Thơ đến bất chợt trong giây phút, thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút viết, viết như một sự hối thúc mà không biết đã bắt đầu như thế nào, kết thúc ra sao, cảm xúc dào dạt thăng hoa. Đó là những khoảnh khắc xuất thần của nhà thơ tạo nên những sáng tác
=> Khẳng định bản chất của thơ ca, thơ bắt nguồn từ cảm xúc . “Thiếu tình cảm thì có thể trở thành người thợ làm những câu có vần chứ không làm được nhà thơ” (nhà thơ Cuba. Jose Martin)
- Bình luận: (3,0 điểm)
2.1. Nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng là sản phẩm của cảm xúc.
– “Tình cảm là sợi dọc của văn. Còn lời văn là sợi ngang của tư tưởng. Cái sợi dọc có ngay thẳng thì cái sợi ngang mới kết thành được. (Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long”)
– “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói cuả tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà)
– L. Tôn x tôi :”Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người và ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bác ái”
=> Tình cảm, cảm xúc làm cho nghệ thuật thăng hoa và có sức sống mãnh liệt.
2.2. Tình cảm, cảm xúc giữ một vị trí trọng yếu trong cảm hứng của người làm thơ.
– Từ muôn xưa Việt Nam đã dùng thơ ca để nói lên những nỗi vui, buồn, mừng giận, âu lo,ước mong thầm kín trong lòng mình.
+ Ngô Thì Nhậm “Tình cảm dồi dào thì thơ nảy sinh”
+ Eliot: Thơ là một lối thoát của cảm xúc
– Tình cảm đó còn lúc tình cờ, ta chợt nghe trong mình một tiếng nói, cứ như ai mượn ta hay nhập vào ai, không rõ bắt đầu, không định kết thúc.” Cảm xúc trong thơ đến bất chợt tình cờ, không có ý sắp đặt, bởi cội nguồn của thơ ca là cảm xúc dồi dào mãnh liệt của tâm hồn nhà thơ khi va chạm với cuộc đời
– Nhưng những cảm xúc bất chợt đó không phải là những tình cảm dễ dãi mang tính bản năng mà là tình cảm được lắng đọng qua cảm xúc thẩm mĩ. Đó là những phút lóe sáng khi tâm hồn nghệ sĩ đạt đến độ chín nhất “thơ là sự chín đỏ trong cảm xúc” (vận dụng kiến thức lí luận về thơ ca)
– Những cảm xúc bất chợt đến đã toát lên tư tưởng sâu sắc, mới mẻ. Thơ không chấp nhận những triết lý khô khan, giáo điều. Chính giây phút thăng hoa nhà thơ viết được những vần thơ có ý nghĩa, kết đọng ở bề sâu. Qua mỗi vần thơ ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ và những tư tưởng nhân văn tiến bộ hướng đến giá trị Chân Thiện Mĩ.
– Tiếng lòng thổn thức của nhà thơ phải được thể hiện qua thủ pháp nghệ thuật đa dạng phong phú “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”. Thế giới nghệ thuật đó luôn ẩn chứa cá tính sáng tạo,độc đáo của người nghệ sĩ.
- Chứng minh (5,0 điểm)
– Học sinh có thể vận dụng những hiểu biết của mình để làm sáng tỏ vấn đề:
+ Thơ Nguyễn Du hoặc Hồ Xuân Hương
+ Đây thôn Vĩ Dạ – Là sự thăng hoa của cảm xúc sau bao tháng ngày ấp ủ tình cảm với thôn Vĩ với người con gái xứ Huế. Khi nhận bức bưu thiếp của Hoàng Cúc, trái tim nghệ sĩ đã trào dâng cảm xúc mãnh liệt viết nên “Đây thôn vĩ Dạ”.
+ “Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm
+ “Tràng giang” của Huy Cận.
- Đánh giá – Mở rộng (2,0 điểm)
– Nhận xét của Thanh Thảo đã đề cao vai trò của cảm xúc. Để có được những cảm xúc bất chợt đến và tạo nên sáng tác chứa đựng những tư tưởng cao đẹp người nghệ sĩ phải sống trọn vẹn từng khoảnh khắc với cuộc đời.
– Không có tài năng nghệ thuật đủ chín, câu chữ, tứ thơ non nớt, hình ảnh nhạt nhòa thì dù có trái tim có căng tràn nhựa sống, cảm xúc tuôn trào cũng không thể có thơ.
– Thái độ tiếp nhận của người đọc..