SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN |
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XII, NĂM 2019 |
Câu 1 (8,0 điểm)
Viết một bài văn khoảng 600 chữ nói về tác hại khi sự thật bị bưng bít
Câu 2 (12,0 điểm)
Sự đổi mới trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng cần tới những nỗ lực phi thường của không ít nghệ sĩ tài năng mang phẩm chất táo bạo dám chấp nhận thách thức và rủi ro để làm những điều mà người cùng thời không bao giờ hình dung được.
Anh chị hiểu nhận định trên như thế nào?
Dựa vào hiểu biết về văn học từ đầu TK XX đến Cách mạng tháng Tám – 1945, hãy làm sáng tỏ.
————————— Hết ————————–
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN
KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ XII, NĂM 2019
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN 11
Câu 1 (8,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: biết vận dụng các thao tác lập luận, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.
- Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần hợp lí, rõ ràng, thuyết phục…Sau đây là một định hướng:
- Giải thích (2.0 điểm)
– Sự thật là điều đúng với hiện thực khách quan, không thể thay đổi được. Sự thật là đích đến của nhận thức nên sự thật cần cho đời sống.
– Bưng bít sự thật là không cho người khác biết sự thật, ngăn cản người khác tiếp cận sự thật vì sự thật đó có thể gây phương hại đến lợi ích, danh dự của mình.
– Bưng bít sự thật thường gắn liền với mưu đồ xấu xa, vụ lợi, nó là hành vi tiêu cực cho nên có nhiều tác hại cho con người và xã hội.
- Bàn luận vấn đề (5.0 điểm)
– Khi sự thật bị che đậy vì những mục đích đen tối thì sự giả dối sẽ lên ngôi, những giá trị sống chao đảo, nó có thể gây nên những bất ổn trong đời sống xã hội, có thể gây tổn thương cho người khác.
– Tôn trọng sự thật là cách để tạo dựng niềm tin. Xã hội có niềm tin là xã hội phát triển. Tôn trọng sự thật là phẩm chất cần có của con người.
- Bài học nhận thức và hành động (1.0 điểm)
– Cần tôn trọng sự thật, lên án hành vi bưng bít sự thật.
– Tôn trọng sự thật là không nói, không làm điều gì gian dối
Câu 2 (12,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận có bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận ; biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận ; bài viết mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận (1,0 điểm)
- Giải thích ý kiến (5,0 điểm)
- a) Thế nào là sự đổi mới trong văn học ?
– Đổi mới trong văn học là làm thay đổi tình trạng trì trệ của văn học , để văn học phát triển theo hướng tiến bộ đáp ứng yêu cầu của thời đại.
– Sự đổi mới văn học vừa diễn ra ở phạm vi một tác giả, tác phẩm vừa mang tính chất một trào lưu, một xu thế văn học. Đổi mới văn học không chỉ là sự đổi mới về nội dung tư tưởng, hình thức thể hiện mà còn là sự đổi mới ý thức nghệ thuật. Với ý nghĩa ấy, văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã đổi mới một cách sâu sắc.
- b) Tại sao sự đổi mới trong văn học luôn cần đến những nỗ lực phi thường của những nghệ sĩ có tài năng và dám chấp nhận thách thức, rủi ro ?
Vì:
– Muốn đổi mới phải vượt qua cái trì trệ hiện thời. Cái trì trệ, cũ kĩ là một thành trì không dễ phá bỏ vì nó luôn được những người có đầu óc bảo thủ níu giữ
– Để đổi mới văn học phải có sự nỗ lực phi thường vì nhà văn phải đổi mới từ ý thức nghệ thuật đến sáng tác
– Đổi mới văn học không phải là những câu khẩu hiệu, những bài diễn thuyết, những lời hô hào suông mà phải được minh chứng bằng sáng tác văn học. Vì vậy để đổi mới, nhà văn không chỉ cần tâm huyết mà cần có tài năng.
– Văn học luôn có mối quan hệ mật thiết với chính trị. Trong điều kiện chính trị chưa sẵn sàng đổi mới thì những người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học có thể gặp phải thách thức, rủi ro. Vì vậy, trong công cuộc đổi mới, nhà văn phải dám chấp nhận thách thức, phải dấn thân thì mới đưa văn học thoát khỏi tình trạng sáo mòn, trì trệ.
- Phân tích chứng minh (6,0 điểm)
- a) Vì sao phải đổi mới ? Do xã hội có nhiều thay đổi lớn dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong ý thức và tâm lí con người, đặc biệt là sự ra đời của nhiều tầng lớp xã hội mới có nhu cầu văn hoá, thẩm mĩ mới mà văn học trung đại không thể đáp ứng. Đổi mới văn học thời kì này (hiện đại hoá) là đưa văn học thoát ra khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại và đổi mới theo hình thức văn học phương Tây.
- b) Chứng minh: Thí sinh biết chọn một số tác giả, tác phẩm để phân tích chứng minh. Sau đây là một vài gợi ý:
– Phan Bội Châu đã vượt lên khỏi giới hạn của một nhà Nho với những tư tưởng cấp tiến trong trong quan niệm của kẻ làm trai, trong ý thức về vai trò cá nhân trong lịch sử, trong cái nhìn về hiền thánh, về Nho học…
– Tản Đà với đổi mới trong thể hiện cái tôi cá nhân và những cách tân bước đầu trong nghệ thuật thơ
– Xuân Diệu hiện diện trên thi đàn như một cái Tôi tự ý thức sâu sắc nhất, với một quan niệm hiện đại về nhân sinh, về thẩm mĩ và những cách tân mạnh mẽ trong nghệ thuật thể hiện
– Các nhà văn Tự lực văn đoàn, cùng các nhà văn hiện thực như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao đã có sự đổi mới sâu sắc trong ý thức nghệ thuật, trong quan niệm về con người và đã đưa văn xuôi VN bước hẳn vào quỹ đạo của văn học hiện đại
**LƯU Ý
1) Những nội dung trên chỉ mang tính gợi ý. Trong quá trình làm bài, HS có thể có hướng triển khai, sắp xếp ý theo cách khác nhưng phải đảm bảo làm nổi bật được trọng tâm vấn đề. Khuyến khích những ý tưởng sáng tạo độc đáo của HS.
2) Cần khuyến khích những bài làm sáng tạo
————–HẾT————-