SỞ GD-ĐT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN ĐỀ THI ĐỀ NGHỊ |
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XII Môn thi: NGỮ VĂN – LỚP 11 NĂM HỌC 2018 – 2019 |
Câu 1 (8,0 điểm)
Suy nghĩ của anh/chị sau khi đọc câu chuyện sau:
“Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a lần nọ kể về một cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhất. Người thắng cuộc là một cậu bé bốn tuổi.
Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện những gì về ông ấy, cậu bé trả lời: “Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy khóc”
(Theo Phép màu nhiệm của đời– NXN Trẻ, 2005)
Câu 2 (12,0 điểm)
“Nói đến nghê thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người, nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả”
(Nguyễn Đình Thi, Câu chuyện xung quanh việc sáng tác nghệ thuật- Nghiên cứu nghệ thuật số 1/1982)
Bằng việc hiểu biết về văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
—– Hết —-
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.)
————————————————————————————————————-
SỞ GD-ĐT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN |
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XII Môn thi: NGỮ VĂN – LỚP 11 NĂM HỌC 2018 – 2019 |
HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HSG KHU VỤC ĐỒNG BẰNG VÀ DHBB
MÔN NGỮ VĂN – NĂM HỌC 2018 – 2019
Câu 1. (8,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
– Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội về một hiện tượng xã hội đặt ra trong một câu chuyện.
– Bài viết có bố cục rõ ràng, các luận điểm, luận cứ xác đáng
– Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ…
– Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau:
- Phân tích văn bản và rút ra bài học (1,5 điểm)
- Câu chuyện kể về một cậu bé bốn tuổi được bình chọn là đứa trẻ quan tâm đến người khác nhất chỉ từ hành động rất đơn giản của em. Cậu bé không hề cất một lời an ủi, không hề lấy khăn lau nước mắt cho ông lão. Nhưng cách bé quan sát và đi đến hành động dù chỉ ngồi im trong lòng ông lão, để ống lão được khóc đã thể hiện sâu sắc được sự đồng cảm, chia sẻ ngây thơ mà rất chân thành của em. Và bằng kinh nghiệm của một cậu bé bốn tuổi, em đã đồng cảm và an ủi ông lão bằng cách riêng của mình.
– Cốt lõi của câu chuyện là biết quan tâm đến người khác: quan tâm là sự gần gũi, yêu thương, chia sẻ với người khác nhất là khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn.
– Điều mà diễn giả Lê-Ô Bu-sca-gli-a muốn nhấn mạnh, đề cao trong câu chuyện kể lại là sự đồng cảm, chia sẻ, là lòng vị tha giữa những con người với nhau. Kể lại hành vi đáng khích lệ của một cậu bé con chỉ là cách để ông khắc sâu hơn giá trị của đức tính cao đẹp. Đó cũng là cách ứng xử nhân văn của con người trước cuộc sống..
- Bàn luận (5 điểm)
* Nhu cầu được quan tâm, sẻ chia là thể tất trong đời sống con người:
– Cuộc sống luôn tồn tại những mảng màu đối lập: sáng- tối, sang-hèn, hạnh phúc vô biên- khổ đau cùng cực…Dù ở mảng màu nào con người cũng luôn có nhu cầu, khát muốn được quan tâm, sẻ chia. Bởi niềm vui được sẻ chia niềm vui nhân đôi, nỗi buồn được chia sẻ nỗi buồn vơi nửa.
– Lẽ sống lớn nhất trong cuộc đời mỗi người là tình yêu thương. Một trong những biểu hiện của lòng yêu là sự quan tâm, động viên nhau để bức tranh mảng màu cuộc sống tươi sáng, rộn rã
* Sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia càng đặc biệt quan trọng ý nghĩa khi người khác gặp khó khăn:
– Động viên họ vượt qua đau thương, khó khăn, hoạn nạn…
– Hướng họ vào niềm tin, lạc quan tiến về phía trước…
* Nếu không quan tâm, đồng cảm, sẻ chia khi con người khác gặp khó khăn con người tự đóng lại thế giới và ý nghĩa sống đích thực của chính mình:
– Mỗi người sống giữa cuộc đời không phải chỉ biết vun đắp cho cuộc sống của riêng mình. Nếu chỉ biết đến cái tôi, nếu chỉ chăm chút cho bản thân mình được no ấm, đủ đầy, con người đó không bao giờ biết đến hạnh phúc đích thực. Và tất yếu, những kẻ như vậy sẽ bị cô lập giữa cộng đồng, xã hội. Mọi người xung quanh chắc chắn cũng không bao giờ để tâm đến loại người này. Cuộc sống đó có khác nào cuộc sống tù đày cô độc.
* Khi quan tâm, chia sẻ với người khác là ta đang tạo chân giá trị cho chính mình:
– Giá trị của sự cho đi là nhận lại (Chúng ta tồn tại nhờ những gì ta nhận nhưng chúng ta sống nhờ những gì cho đi – Winston Churchill.)
– Khi quan tâm người khác là ta biết đặt mình vào hoàn cảnh đó để có được bài học cuộc sống.
* Sự đồng cảm, sẻ chia phải được thể hiện một cách tinh tế, đặt trong những mối quan hệ khác nhau:
– Sẻ chia về vật chất: Giúp đỡ khi khó khăn, hoạn nạn.
– Sẻ chia về tinh thần: Một ánh mắt, một lời động viên, một nắm tay xiết chặt, một bờ vai để tựa nương…đôi khi chỉ là sự im lặng cảm thông, lắng nghe (Cách cậu bé an ủi ông lão hàng xóm là ngồi gọn vào lòng ông và im lặng. Lúc này, “im lặng lặ vàng”, im lặng là cách hữu hiệu nhất để cậu bé tỏ rõ tình cảm của mình. Cậu im lặng để ông lão khóc cho vơi đi nỗi đau. Nước mắt sẽ đổi lại sự thanh thản, dịu lắng cho tâm hồn ông. Lẽ dĩ nhiên, đó chỉ là một cách an ủi và là cách an ủi của cậu bé bốn tuổi. Bằng sự trải nghiệm trong cuộc sống, chúng ta có thể có những phương thức khác thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của mình… Cứ mỗi lần bạn cười với ai đó là bạn đã thể hiện tình yêu, trao một món quà, hoặc một điều đẹp đẽ với người ấy. Hãy gặp nhau và bắt đầu bằng những nụ cười. Đó là khởi nguồn của mọi tình yêu thương – Mẹ Teresa)
– Sự sẻ chia phải đặt trong các mối quan hệ: Đối với người nhận, đối với người cho, đối với hiệu ứng xã hội…
– Phê phán bệnh vô cảm, lối sống ích kỉ, sống thiếu trách nhiệm với đồng loại, với cộng đồng ở một số người.
- Bài học nhận thức và hành động 1,5 điểm)
- Nhận thức:
– Đồng cảm, sẻ chia giúp con người thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách, những nghịch cảnh của cuộc đời. Đó cũng là một trong những phẩm chất “người”, kết tinh giá trị nhân văn cao quý ở con người.
– Không phải ngẫu nhiên mà diễn giả Lê-Ô Bu-sca-gli-a lại để chúng ta chiêm nghiệm về giá trị của sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ thông qua câu chuyện của một cậu bé bốn tuổi. Điều đó khơi gợi thông điệp của lòng vị tha: lòng vị tha là bản chất vốn có trong mỗi con người, đức tính cao quý đó cần phải được vun đắp từ khi con người còn là một đứa trẻ…
- Hành động: Phải học cách đồng cảm, sẻ chia và phân biệt đồng cảm, sẻ chia với sự thương hại, ban ơn…Ai cũng có thể đồng cảm, sẻ chia với những người quanh mình với điều kiện và khả năng có thể của mình. Đôi khi những điều bạn làm nho nhỏ có thể thay đổi cả cuộc đời của người khác.
- Cuộc sống sẽ đẹp vô cùng khi con người biết đồng cảm, sẻ chia. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
- Sự quan tâm, sẻ chia cần phải thể hiện đúng lúc, đúng nơi, đúng nghĩa…
Cách ứng xử đẹp của cậu bé kia cần được nhân rộng, để xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
III. Cách cho điểm:
7 – 8 điểm: Đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu, nghị luận có sức thuyết phục, dẫn chứng chọn lọc, phù hợp, diễn đạt có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ.
5 – 6 điểm: Đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu ; nghị luận tương đối có sức thuyết phục, dẫn chứng chưa thật phong phú, không có sai sót lớn về diễn đạt.
3 – 4 điểm: Tỏ ra hiểu vấn đề; biết cách làm bài nghị luận xã hội, tuy vậy bài viết còn sơ sài về nội dung hoặc mắc nhiều lỗi, liên hệ thực tế kém
1 – 2 điểm: Hiểu vấn đề lơ mơ; mắc quá nhiều lỗi.
Câu 2 (12,0 điểm)
“Nói đến nghê thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người, nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả”
(Nguyễn Đình Thi, Câu chuyện xung quanh việc sáng tác nghệ thuật- Nghiên cứu nghệ thuật số 1/1982)
Bằng việc hiểu biết về văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
- Yêu cầu về kĩ năng
– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học có liên quan đến lí luận về thiên chức của nghệ thuật.
– Sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận giải quyết một vấn đề văn học theo định hướng yêu cầu của đề bài: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ…
– Bài viết có bố cục chặt chẽ, khoa học, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo rõ các ý sau:
- Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận, trích nhận định. (1 điểm)
- Giải thích (2 điểm)
Ý kiến trên của Nguyễn Đình Thi đã khái quát được thiên chức của nghệ thuật:
– Nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả:
+ Nghệ thuật là cách cảm, cách nghĩ, cách viết có dụng ý của nhà văn; sự sáng tạo ra những giá trị lớn về tư tưởng-thẩm mỹ, làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức.
+ Nghệ thuật phải nói đến sự cao cả của tâm hồn : Bản chất của con người là yêu cái đẹp, thích mình đẹp và hướng về cái đẹp. Văn học cũng như những ngành nghệ thuật khác, là một trong nhiều phương tiện hướng con người tới cái đẹp. Cái đẹp làm thỏa mãn nhu cầu trái tim, nhu cầu tâm hồn của con người; đối tượng của văn học là con người, vậy văn học chân chính trước hết hãy hướng tới con người với xúc cảm thẩm mĩ của thế giới tâm hồn- Cái đích đi tới của nghệ thuật chân chính, đích thực.
– Cái cao cả là hiện thân của cái đẹp:
+ Đẹp tức là một cái gì cao cả: Nói đến sự cao cả của tâm hồn là đề cập đến những gì tinh tuý và Người nhất trong mỗi con người. Cũng có nghĩa là ta hiểu cái đẹp gắn liền một với cái cao cả. Cái đẹp là biểu hiện của cái cao cả. Bởi cái đẹp là cái hoàn thiện, đáng tôn thờ, trân quý… tức là cái đẹp gắn liền với sự cao cả.
+ Bản chất của văn học là cái đẹp – cái đẹp của ngôn ngữ, của hình tượng, của hành động – cho nên văn học đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người. Tác phẩm văn học chân chính giúp cho con người phát triển những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, nâng cao năng lực cảm nhận cái đẹp, nâng cao thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ, hiệu chỉnh những sai lầm, uốn nắn những sự không lành mạnh hay thấp kém trong quá trình cảm thụ cái đẹp. Văn học thực hiện chức năng này một cách vô tư, không áp đặt với người đọc.
– Cái cao cả trong văn chương phải được cảm nhận đặc biệt:
+ Không nên hiểu cái đẹp, cái cao cả một cách thuần tuý, phải biết một cách thâu đáo rằng: “Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu , một tội ác, một tên giết người, nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả ” . Đó là cách tiếp cận của người nghệ sĩ trước bức tranh cuộc sống và đó cũng là sự thể hiện lương tri của người cầm bút.
+ Đằng sau sự miêu tả của người nghệ sĩ luôn có nỗi niềm trăn trở để hướng tới phạm trù của cái đẹp và sự cao cả
à Ý kiến của Nguyễn Đình Thi hướng đến khẳng định chức năng thẩm mĩ của nghệ thuật đích thực.
- Chứng minh và bình luận (8 điểm)
- Nghệ thuật phải hướng đến cái đẹp, sự cao cả:
– Văn học nghệ thuật luôn luôn có thiên chức cao cả là hướng về con người, phục vụ con người, đề cao con người. Vì thế, mỗi nhà văn khi cầm bút đều phải có ý thức hướng con người tới khát vọng nhân văn.
– Bản chất của “Cái đẹp là cuộc sống” (Tsécnưsépxki) điều đó có ý nghĩa khẳng định cái đẹp với thuộc tính của cuộc sống luôn được biểu lộ rực rỡ và đầy đủ nhất. Cái đẹp không phải đơn thuần là một hiện tượng có tính chất sinh học mà trong cái đẹp có mối quan hệ biện chứng giữa cái có tính sinh vật và cái có tính xã hội, giữa cái khách quan và cái chủ quan, giữa cái thuộc hiện thực và cái thuộc lý tưởng.
– Nhà văn là lương tri của thời đại. Trước hết, để làm nghệ thuật, để hướng tới sự cao cả của tâm hồn thì nhà văn phải sống cao cá, phải sống đẹp; biết hướng tới sự cao cả của tâm hồn qua phong cách nghệ thuật độc đáo của mình, điều mà Nguyễn Đình Thi đặt ra mãi mãi mới mẻ và thiết thực đối với văn học nói chung và với mỗi nhà văn nói riêng. Mỗi nét rung động trong đáy tâm hồn, một ánh nhìn, một nụ cười thánh thiện của con người sẽ được nghệ thuật làm cho bất tử. Cái cao cả không phải là cái gì trừu tượng, chung chung, càng không phải chỉ là thần thánh mà trước hết là ở tâm hồn con người. Con người cao cả, tức là con người đẹp.
à Nghệ thuật chỉ có ý nghĩa thẩm mĩ, chỉ chinh phục trái tim người đọc khi thể hiện những vấn đề, những cảm xúc mà con người hằng quan tâm, trăn trở, hướng con người tới giá trị Chân-Thiện -Mỹ.
- Nhưng nghệ thuật phải thể hiện cái nhìn đa diện về cái đẹp, cái cao cả:
– Văn học là bức tranh phản ánh cuộc sống mà cuộc sống là những mảng màu đa sắc, vậy nên sự phản ánh của nghệ thuật cũng phải đa dạng trong góc nhìn đa chiều của người nghệ sĩ. Đó có thể là cái bi, cái hài, cái xấu, cái ác…Nhưng điểm đến của nghệ thuật sau cùng phải là cái đẹp, cái cao cả.
– Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Người nghệ sĩ nhào nặn chất liệu hiện thực bằng đôi tay và cảm quan thẩm mĩ của riêng mình.
– Vẻ đẹp của tác phẩm trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa. Những cặp phạm trù tồn tại của những mặt đối lập từ bức tranh đời sống mà không âm vang vào tâm hồn, không lay động sâu xa cảm xúc của người nghệ sĩ thì không thể hóa thân thành cái đẹp của nghệ thuật. Chính vì vậy, cần thấy rằng văn chương là cuộc đời nhưng đó không phải là sự sao chép máy móc hiện thực mà phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ, lương tri của người nghệ sĩ để tạo nên tần suất giao cảm, đạt đến rung cảm thẩm mĩ để hướng đến giá trị nhân văn.
- Dù đứng ở góc nhìn nào nghệ thuật vẫn là tấm gương phản chiếu tâm hồn cao cả của người nghệ sĩ:
– Nhà văn miêu tả cái đẹp để hướng đến cái hoàn mĩ, tuyệt mĩ.
– Nhà văn tả cái xấu, tàn bạo nhưng không bao giờ nhà văn đồng tình và thỏa hiệp với nó. Ngược lại, đi vào thế giới cái xấu, cái ác là người nghệ sĩ thay lời tuyên chiến, khai tử cái thấp hèn. Có người tả một cách chân thực, có người tả bằng bút pháp trào phúng nhưng dường như toát lên qua mỗi tác phẩm đều là những tâm hồn hết mực có trách nhiệm trước cuộc đời. Là nhà văn chân chính, phái có tư tưởng chân chính, phải làm nghệ thuật vì con người.
– Đôi mắt nhà văn không nên và không thể nhìn sự vật ở một chiều. Khái quát bức tranh đa diện về đời sống là thiên chức của người nghệ sĩ để tìm ra bản chất sự vật.
– Người nghệ sĩ hướng tới sự cao cả của tâm hồn qua cách thể hiện, phong cách nghệ thuật độc đáo của mình.
- Đánh giá, mở rộng nâng cao (2 điểm)
– Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đã thể hiện sâu sắc thiên chức của văn chương, để đánh giá giá trị của một tác phẩm đích thực và giúp ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa to lớn của văn chương đối với cuộc sống con người.
– Đây là một quan điểm sáng tác định hướng cho văn nghệ sĩ: nghệ thuật phải hướng đến cái cao cả, khát vọng nhân văn . Từ đó giúp nhà văn có ý thức và trách nhiệm hơn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật; hướng nghệ thuật chân chính đến giá trị Chân-Thiện -Mĩ.
– Bài học với người sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật.
III. Thang điểm:
– Điểm 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
– Điểm 10: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ không đáng kể.
– Điểm 8: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu, có thể có một vài chỗ chưa hoàn thiện.
– Điểm 6: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu, có thể thiếu ý hoặc mắc một số lỗi.
– Điểm 4: Bài sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc quá nhiều lỗi các loại.
– Điểm 2: Bài viết quá sơ sài, có quá nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết triển khai vấn đề.
– Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
Lưu ý:
Giám khảo linh hoạt vận dụng biểu điểm, có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo khi tổng điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25.