Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 – Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỞ GD & ĐT NAM ĐỊNH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN
LÊ HỒNG PHONG
       ĐỀ ĐỀ NGHỊ
ĐỀ  THI CHỌN HỌC SINH GIỎI  HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN DUYÊN HẢI BẮC BỘ
NĂM HỌC 2018-2019
MÔN : NGỮ VĂN – LỚP 11 CHUYÊN
Thời gian làm bài :  180  phút ( không kể thời gian giao đề)
 

Câu 1 ( 8 điểm)
Trong bộ phim Three Idiots (Ba chàng ngốc), câu nói cuối phim đọng lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả đó là: Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.
Còn bài viết đăng trên Tonybuoisang.club lại mang tựa đề : Có một thế hệ trẻ, mở miệng là thốt đam mê, nhưng vẫn dậy muộn, đói ăn, lười đọc sách và mãi không kiếm được tiền. ( www.tonybuoisang.club, 18/4/2018)
Suy nghĩ của anh/chị về các ý kiến trên.
Câu 2 ( 12 điểm)
Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta – là một nửa việc làm. Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình và thấy được mình – nghĩa là trở thành nhà thơ.
( Raxun Gamzatop, Đaghetxtan của tôi, NXB Kim Đồng, 2018)
Anh/ chị có đồng tình với quan niệm của Raxun Gamzatop? Hãy làm sáng rõ ý kiến của mình qua hiểu biết về tác phẩm của một nhà thơ mà anh/chị tâm đắc.


Đáp án

Câu 1: 8 điểm

  1. Yêu cầu chung:

–  Nắm vững kiểu bài nghị luận xã hội
– Lập luận chặt chẽ, mạch lạc, bố cục rõ ràng.
– Diễn đạt trong sáng, chuẩn xác, giàu cảm xúc.

  1. Yêu cầu cụ thể:

1.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận  Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

  1. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hãy theo đuổi đam mê; nhưng không phải cứ đam mê là thành công sẽ đến.

3.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
Đảm bảo các yêu cầu trên, nêu được quan điểm của bản thân và biết lý giải một cách thuyết phục. Tuy nhiên, dù đưa ra quan điểm nào cũng cần dựa trên những cơ sở lôgic và minh chứng thuyết phục. Có thể theo định hướng sau đây:
* Ý 1: Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn
– Giải thích: Hãy theo đuổi đam mê là lời đề nghị về lối sống luôn lấy đam mê làm mục tiêu phấn đấu, sống hết mình vì những điều mình thích. Thành công sẽ theo đuổi bạn nghĩa là thành công đến với mỗi người một cách tự nhiên, họ được trải nghiệm thành công đúng với con đường mà họ đã vạch ra. Ý kiến muốn khẳng định vai trò của đam mê, khát vọng và ý thức thực hiện những đam mê  khát vọng đó là cách hiệu quả nhất để đưa người ta đến với thành công.
– Tại sao?
+ Theo đuổi đam mê cho ta cảm hứng trong học tập và công việc; kiến tạo lối sống ý nghĩa để khẳng định bản thân; tạo động lực để thực hiện mục tiêu, vượt qua khó khăn trở ngại trong cuộc sống; cho ta ý chí để đi đến cùng sự lựa chọn; giúp phát huy tận độ năng lực và phẩm chất của mỗi người.
+ Không có đam mê cuộc sống sẽ thật tẻ nhạt; bạn sẽ lập trình cuộc đời mình như một cỗ máy di động; bạn sẽ cán đích thật vội vàng; bạn thiếu đi bao trải nghiệm để khám phá cuộc đời và khám phá chính mình; bạn có thể đi đường tắt, bỏ qua nhiều giai đoạn, có thể đánh đổi, có thể trả giá để đạt mục tiêu. Thành công có thể vẫn đến nhưng không có giá trị thực, không giúp bạn ghi dấu ấn mình vào trang viết cuộc đời.
– Để theo đuổi đam mê: Cần hiểu rõ đam mê mình đang theo đuổi, hiểu rõ khả năng và giới hạn của chính mình khi theo đuổi và hiện thực hóa đam mê; Cần biến ý tưởng thành kế hoạch hành động để thực thi; Cần nuôi dưỡng và gìn giữ đam mê; Đừng quá bận rộn tìm kiếm thành công mà hãy bước đi thật chậm rãi, cụ thể, rõ ràng. Nhờ vậy thành công tự nhiên mà tìm đến. ( D/C)
– Đam mê không phải là yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công.
* Ý 2: Có một thế hệ trẻ, mở miệng là thốt đam mê, nhưng vẫn dậy muộn, đói ăn, lười đọc sách và mãi không kiếm được tiền.
 – Giải thích: Mở miệng là thốt đam mê, không ít bạn trẻ nói chuyện đam mê như một thói quen nhưng vẫn trì trệ trong cuộc sống của mình và vẫn đói ăn, dậy muộn, lười đọc sách cho nên hậu quả là vẫn mãi không kiếm được tiền – không giàu sang được và thành công cũng không tìm đến. Thực tế cho thấy, có đam mê nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không có thành công.
– Hiện tượng này đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là ở giới trẻ: nhiều bạn trẻ xây đắp những giấc mơ lớn lao, ấp ủ những hoài bão và dự định cao cả nhưng rồi nhanh chóng bị vùi lấp giữa thực trạng của xã hội hiện đại kéo theo hiện tượng thất nghiệp, hiện tượng nói nhiều làm ít, hiện tượng ngại khó ngại khổ, hiện tượng thích sống hưởng thụ, dựa dẫm ỷ lại vào người khác, bắt tay khởi nghiệp và thất bại triền miên…
– Tại sao?
+ Đam mê có thể dẫn lối ta đi, nó mang một cái đích có vẻ chắc chắn, nhưng đam mê cũng như hầu hết các sự việc trên thế gian này luôn tiềm ẩn một yếu tố đáng ngại, đó là không có gì chắc chắn ngoài một cái rõ ràng của cảm xúc và sở thích cá nhân.
+ Không ai nói cho ta biết phải lựa chọn đam mê như thế nào, theo đuổi ra sao, cần lường trước nguy cơ gì. Không ai nói với ta rằng đam mê vừa là ngọn lửa sinh tồn cũng là ngọn lửa hủy diệt. Một lựa chọn sai lầm được thức đẩy bởi đam mê thì hậu quả là khôn lường.
+ Ta đã nghe nhiều câu chuyện về cái kết có hậu của đam mê, nhưng ta chưa nghe thấy những trái đắng nhận lại trong hành trình ấy.
Không ít người dành cả thanh xuân theo đuổi đam mê nhưng mãi thất bại
Nguyên nhân: nhận diện sai lầm đam mê: nhầm lẫn giữa sở thích với đam mê, giữa hứng thú nhất thời với khát vọng đường dài, giữa thứ người khác ưa chuộng với thứ ta thật sự khát khao. Ngây thơ mà tin rằng chỉ cần có đam mê thôi là thành công sẽ tự tìm đến.
* Ý 3: Hợp cả hai ý kiến: Theo đuổi đam mê bằng cả lý trí và trái tim mình
– Cuộc sống sẽ thú vị và có ý nghĩa nếu mỗi người có một đam mê để theo đuổi.
– Không tùy tiện hoặc dễ dãi thốt lên hai chữ đam mê nếu không thật sự hiểu nó và có động lực theo đuổi.
– Để bản thân mang lại nhiều giá trị cho đời, với đam mê chúng ta cần phải
+ Biết lựa chọn đam mê để kiến tạo nên những cảm hứng sống bền bỉ và tạo lập giá trị lý tưởng, hài hòa giữa điều tôi thích với điều tôi giỏi và điều xã hội cần.
+ Biết lên kế hoạch rõ ràng, biết phát huy những lợi thế khách quan chủ quan trong đó cần phải nhận ra sức mạnh chủ quan mới mang tính quyết định.
+ Sẵn sàng từ bỏ và thay đổi nếu nhận ra đó không phải đam mê đích thực
+ Và quan trọng là, nếu đam mê chở bạn, hãy để lý trí cầm cương: ta cần lắng nghe chính mình, nghe xung quanh, sử dụng các kiến thức,…để định hình đường đi, hình dung bất trắc, sẵn sàng cho những thác ghềnh phía trước.
* Đánh giá và bài học
– Hai ý kiến tưởng như mâu thuẫn nhưng đã đem lại cái nhìn đa chiều và góc nhìn có tính phản biện về câu chuyện của đam mê.
– Con người cần nuôi dưỡng đam mê để theo đuổi thành công trong cuộc sống nhưng chớ nên để thành công định hướng mà bỏ lỡ đam mê.
– Mỗi người chỉ có một lần để sống nên phải sống sao cho không hoài phí, trở thành một cá nhân có ích trong xã hội.
– Hãy để đam mê dẫn đường, thắp lên cảm hứng sống, đừng để đam mê dẫn dụ vào lầm lạc, hãy đến với đam mê bằng cả trái tim, đừng nói chuyện đam mê như một thói a dua tầm thường.
Liên hệ bản thân
Hướng dẫn chấm:
Điểm 0: hoàn toàn lạc đề
– Điểm Từ 1 đến 2: lạc đề, chưa hiểu vấn đề bàn luận
-Điểm từ 3 đến 4:Chưa hiểu vấn đề nghị luận, lí lẽ, dẫn chứng sơ sài, còn mắc lỗi diễn đạt.
– Điểm từ  5 đến 6: Lí lẽ tương đối thuyết phục, dẫn chứng có song chưa đầy đủ, chọn lọc, hành văn trôi chảy.
-Điểm từ 7- đến 8: Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sâu sắc,mới mẻ, dẫn chứng tiêu biểu, văn giàu cảm xúc, có giọng điệu .
Câu 2: Nghị luận văn học:  12 điểm
 Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta – là một nửa việc làm. Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình và thấy được mình – nghĩa là trở thành nhà thơ.
( Raxun Gamzatop, Đaghextxtan của tôi, NXB Kim Đồng, 2018)
Anh/chị có đồng tình với quan niệm của Raxun Gamzatop? Hãy làm sáng rõ ý kiến của mình qua hiểu biết về tác phẩm của một  nhà thơ mà anh/chị tâm đắc.

  1. Yêu cầu chung:

– Thuần thục kĩ năng nghị luận về một vấn đề văn học
– Diễn đạt trong sáng, dùng từ chọn lọc, giàu hình ảnh.

  1. Yêu cầu cụ thể:
  2. Giải thích

– “ Nhà thơ”: Nhà thơ là một danh hiệu cao quý cho người làm thơ, người tạo tác những áng thơ ca vươn tới chân, thiện, mỹ ở đời, giúp cho ánh sáng xua tan bóng tối, cho lương tâm, trí tuệ và tiến bộ cũng như hạnh phúc của con người.
– “cách viết, bút pháp của anh ta – là một nửa việc làm”: cách thức sử dụng các phương thức, phương tiện biểu đạt ngôn ngữ để thể hiện tư tưởng tình cảm của  người làm thơ là một nửa hành trình sáng tạo của người thi sĩ khi hoài thai hạt đau hạt xót làm ra khối tình con.
– “Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp”: Sáng tạo tinh thần của người làm thơ luôn gắn liền với những cảm nhận, phán đoán, phát hiện mới mẻ độc đáo về cuộc sống được thể hiện qua một phương thức phương tiện nghệ thuật riêng. Những tìm tòi sáng tạo đó nhất thiết phải đẹp: cái đẹp của cuộc sống, con người, của cảm xúc,  của nghệ thuật diễn đạt. Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung.
– “không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp theo một cách riêng”: Cái đẹp được bộc lộ trong sáng tạo của nhà văn phải độc đáo, riêng nhất, không lặp lại người khác, không lặp lại chính mình.
– Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình và thấy được mình – nghĩa là trở thành nhà thơ:  Điều cốt yếu đối với một nhà thơ là xây dựng được hệ thống cách thức biểu hiện của thơ mình và làm sắc nét bản ngã của mình ấy là một phẩm chất làm thơ đích thực.
-> Quan niệm của Raxun Gamzatop đã đề cao phẩm chất thẩm mỹ của thơ ca và cá tính sáng tạo của người làm thơ muôn đời, điều kiện tiên quyết của một nhà thơ chân chính.

  1. Bàn luận

Ý kiến của Raxun Gamzatop là có cơ sở
Bắt nguồn từ quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, như con ong sau bao nhiêu dặm đường bay tinh kết mật ngọt dâng tặng cho đời, người làm thơ từ những nghiền ngẫm, nếm trải nắng gió cuộc đời, từ những xúc cảm thành thực qua một trạng thái rung động khác thường mà chưng cất nên thơ. Khi cảm xúc tìm cho mình một hình thức phù hợp, khi ấy ta có thơ. Bởi vậy, quá trình mã hóa những suy ngẫm, linh cảm, rung động, những ẩn ức cao sâu hay mơ hồ… vào trong các ký hiệu, tín hiệu, từ ngữ hình ảnh, vần nhịp, cả những khoảng trống, khoảng trắng,… là một nửa hành trình sáng tạo của nhà thơ.
* Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp
– Thơ ca cũng như văn học nghệ thuật muôn đời lấy cuộc sống và con người làm đối tượng phản ánh. Những không phải bất cứ điều gì cũng trở thành cội nguồn cảm hứng cho thơ, thi ca có xu hướng khám phá cuộc sống ở khía cạnh thẩm mỹ, nhìn nhận cuộc sống và con người ở phẩm chất thẩm mỹ. đó là những giá trị hướng tới cái đẹp. Sáng tạo cái đẹp là một mục đích và nhu cầu của con người trong nhiều lĩnh vực. Nhưng đối với nghệ thuật và văn học, đây là yêu cầu tiên quyết, là chức năng quan trọng nhất vì mọi giá trị mà văn học hướng tới đều là vì con người, xây dựng giá trị tốt đẹp để nâng con người lên. Và mỗi nhà văn phải là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp (Pautopxki), đưa ánh sáng vào trái tim con người.
– Nghệ thuật có khả năng vĩnh viễn hóa cái đẹp, ghi nhận và lưu giữ cái đẹp khoảnh khắc của đời sống để biến nó thành vĩnh cửu. Cái đẹp trong nghệ thuật thường được nâng cao hơn cái đẹp ngoài đời, được chắt lọc, kết tinh và kết cấu lại, nên mang tính độc đáo, điển hình. Hơn nữa, hình tượng nghệ thuật không chỉ là hình ảnh sao chép của đời sống thực tế, mà còn chứa đựng tư tưởng tình cảm của con người với những ý nghĩa nhân sinh. Cho nên cái đẹp trong nghệ thuật mang sắc thái biểu cảm cao. Cái đẹp trong nghệ thuật thống nhất ở nội dung và hình thức một cách cao độ. Các yếu tố hình thức bao giờ cũng để làm rõ cái đẹp về nội dung. Các tác phẩm chỉ đẹp khi nó thể hiện chân thực đời sống trong mọi biểu hiện thẩm mĩ của nó thông qua lăng kính nhân đạo, thể hiện được sự phong phú về tinh thần của cá nhân con người và dưới một hình thức nghệ thuật hoàn thiện.
– Bản chất của lao động nghệ thuật ở người nghệ sĩ là sáng tạo, quá trình tạo tác ra các giá trị giàu tính thẩm mỹ độc đáo mới mẻ.
 Con đường đến với sự yêu thích và trái tim bạn đọc, đánh dấu giá trị của tác phẩm văn học là chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ. Mọi người nghệ sĩ sáng tác đều thuộc lòng chân lí nghệ thuật này và hướng tác phẩm của mình tới đích giá trị chân – thiện –mĩ.
* Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp theo một cách riêng:
Bản chất của nghệ thuật là loại hình mang đậm dấu ấn cá nhân, cá thể.
Trong lao động nghệ thuật, người nghệ sĩ không chỉ sáng tạo ra thế giới mà còn kiến tạo nên cõi riêng cho chính mình. Văn chương là địa hạt “người nghệ sĩ không được lặp lại người khác, kể cả lặp lại chính mình”. Đây vừa là yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật, vừa là nhu cầu khẳng định chính mình của người làm thơ.
– Từ góc độ tiếp nhận: Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay”.  Người đọc thơ khi đón nhận một thi phẩm  không chỉ đồng cảm, chia sẻ với tiếng lòng của người làm thơ mà còn mong muốn được ngộ ra, thức nhận một điều gì đó về chính mình, về con người đồng nghĩa với nhu cầu hướng về nhà văn anh có đem lại điều gì mới mẻ cho văn chương không?( Leptonxtoi).
          * Tìm ra được bút pháp của mình, thấy được mình, đó là nhà thơ
          – Thông qua sáng tạo, mỗi nghệ sĩ có sở trường, thói quen và cung cách riêng trong xây dựng hình tượng, lựa chọn ngôn ngữ, kết cấu,… khi chuyển hóa nhận thức đời sống vào tác phẩm.
– Những phương thức, cách thức có giá trị thẩm mỹ, định hình nhất quán và ổn định trong hầu hết sáng tác của nhà thơ sẽ giúp anh ta nhận diện được mình- hình thành phong cách riêng.

  1. Chứng minh

HS chọn được tác phẩm của một nhà thơ tiêu biểu với những đóng góp có giá trị thẩm mỹ và một cá tính sáng tạo độc đáo.
– HS có thể bố cục bài viết theo các cách khác nhau, song phải đảm bảo các yêu cầu:
+ Làm sáng rõ cái đẹp của thi phẩm được lựa chọn trên cả hai phương diện: nội dung tư tưởng độc đáo và hình thức nghệ thuật hấp dẫn
+ Làm sáng rõ dấu ấn riêng trong tương quan so sánh với các thi phẩm của một số nhà thơ khác và với tiếng thơ của chính mình.
+ Từ đó HS khái quát lên những nét ổn định, thống nhất, sắc nét, khác biệt làm thành phong cách độc đáo của người nghệ sĩ không thể trộn lẫn.
Đây là một hướng
Chọn thơ Xuân Diệu- một hiện tượng thơ độc đáo, mới nhất trong các nhà thơ mới
– Làm rõ vẻ đẹp thẩm mỹ của thi ca: Có thể chọn bài Vội vàng: Minh chứng cho cái đẹp của nội dung tư tưởng: cảm xúc bồng bột sôi nổi, triết lý nhân sinh và quan niệm thẩm mỹ mới mẻ độc đáo. Cái đẹp của nội dung đó tìm được hình thức phù hợp: thơ tự do, nhịp thơ linh hoạt, giọng thơ sôi nổi, lôi cuốn, ngôn ngữ thơ tươi mới, hình ảnh thơ sống động, tân kỳ. Từ đó, so sánh với một số nhà thơ đương thời để thấy nét khác biệt trong cảm quan; so sánh với thơ xưa để thấy nét hiện đại.
– Làm rõ vẻ đẹp rất riêng: Có thể chọn chùm ba bài thơ viết về đề tài mùa thu:  Thơ duyên, Đây mùa thu tới, Nguyệt cầm, cảm nhận tập trung vào cái đẹp của thiên nhiên, của lòng người, của tình cảm, tư tưởng và của phương thức biểu hiện.
+ So sánh: với mùa thu trong thơ cổ để thấy lối cảm lối nghĩ và cách biểu đạt không lặp lại người khác.
+ Chỉ ra nét khác biệt trong ba bài để thấy XD không lặp lại chính mình.
– Khái quát những đặc điểm thống nhất, ổn định, sắc nét góp phần khẳng định phong cách thơ XD qua những thi phẩm đó.
-> Tìm ra được bút pháp, thấy rõ được mình-> XD đích thực là nhà thơ tài năng

  1. Mở rộng- nâng cao

Đây là một ý kiến rất đúng đắn, sâu sắc đã nêu ra những yêu cầu cơ bản, nghiêm ngặt đối với mỗi nhà thơ nói riêng và với những người hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung. Muốn tác phẩm làm tổ lâu bền trong lòng người đọc, thơ cuả anh phải đẹp, phải hay, cả hồn lẫn xác, hay cả bài. Muốn trở thành nhà thơ anh phải sáng tạo, phải có phong cách riêng, nếu không anh chỉ là một người thợ khéo mà thôi (ý của Nam Cao).
– Quan niệm của Raxun Gamzatop có ý nghĩa định hướng cho cả người sáng tác và người tiếp nhận.
+ Nhắc nhở người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật phải luôn chú ý hình thành và xây dựng phong cách nghệ thuật của riêng mình, từ đó có những góp riêng cho nền văn học nước nhà.
+ Định hướng cho người tiếp nhận một tiêu chí thẩm mỹ quan trọng để thẩm bình các tác phẩm thơ ca, để đánh giá một nhà thơ tài năng – nhất định phải có phong cách nghệ thuật mới mẻ, độc đáo.
Cách cho điểm
Điểm 10-12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Diễn đạt giàu chất văn, lập luận rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục, phân tích sâu sắc…
– Điểm 7-9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 4-6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, hoặc liệt kê dẫn chứng đơn thuần. Còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 1-3: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề, chủ yếu thuật kể dẫn chứng. Diễn đạt và kĩ năng viết văn nghị luận yếu.
– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *