Người cha (Tác giả: Nguyễn Quang Thiều)
Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng cha thì thầm: – Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa.
(Lược một đoạn: Nhân vật “tôi” lên 12 tuổi, mẹ bỏ cha theo người đàn ông khác lên thành phố. Cha của “tôi” lên thành phố tìm vợ nhiều lần, về nhà ông đập phá, cấm hai đứa con không được đi tìm mẹ. Từ đó, ông thường uống rượu về đêm và khóc. “Tôi” phải nghỉ học chăm lo cho gia đình, thấy cha uống rượu, “tôi” giằng chai rượu bị cha đánh)
Chiều hôm sau đi làm về, khi ngồi xuống mâm cha tôi nhìn cánh tay tôi có những vết tím và hỏi:
– Tay con làm sao thế kia?
Lúc đó, tôi thấy tủi thân vô cùng. Tôi muốn òa khóc và gào lên thật to: “Làm sao hở cha? Chính cha đã đánh con”. Nhưng nhìn thấy cha lo lắng và buồn bã tôi vội nói:
– Con chẻ củi. Cành củi đập vào tay.
– Lần sau phải cẩn thận đấy.
Cha tôi nói và gục mặt ăn hết bữa. Đến khuya, cha lại uống rượu. Tôi mắc màn cho em tôi đi ngủ. Khi Một hôm, trong lúc cha tôi đi làm vắng thì mẹ tôi về. Hai chị em tôi ôm lấy mẹ và khóc.
– Bao giờ thì mẹ về ở với chị em con? Tôi hỏi.
– Mẹ không về đây nữa. Lần này mẹ về để đón các con lên thành phố ở với mẹ.
– Thế còn cha? – Em tôi hỏi.
– Cha ở lại đây – Mẹ tôi nói.
– Cha ở một mình à? Tôi hỏi.
– Ông ấy sẽ lấy vợ.
Nghe mẹ nói, tôi cúi đầu im lặng. Lát sau, tôi ngước nhìn mẹ và hỏi:
– Sao mẹ không về ở với cha?
– Mẹ không thể ở với ông ấy được – giọng mẹ tôi uất ức – Ông ấy sẽ giết mẹ.
Nghe mẹ tôi nói, tôi thấy hoảng sợ. Tôi nhớ đến những trận đòn của cha tôi trong những đêm say rượu. Và thế là ngày hôm đó, chị em tôi đã trốn cha theo mẹ về thành phố.
[…]
Lúc đó tôi đã tỉnh ngủ và vội vàng đáp. Mẹ tôi thở dài. Mẹ ngồi bên tôi một lát rồi đi vào buồng. Tôi nghe tiếng người đàn ông hỏi:
– Bao giờ thì cho chúng nó về?
– Em xin anh cho chúng nó ở đây. Em muốn chúng nó được học hành – Tiếng mẹ tôi nói nhỏ – Em sẽ cố gắng làm thêm.
– Tôi không cần cô phải làm thêm. Tôi cần cô chứ tôi không cần hai đứa con cô.
– Anh hiểu cho em. – Giọng mẹ tôi van vỉ.
– Nếu cô muốn ở với chúng nó thì về nhà cô mà ở. Thôi được, tôi cho chúng nó ở đây với cô dăm ngày nữa rồi cô phải đưa chúng nó về.
Tôi nghe thấy mẹ tôi khóc. Mặt tôi cũng giàn giụa nước mắt.
Mấy ngày ở nhà chồng mới mẹ tôi, hầu như tôi câm lặng suốt ngày. Em tôi còn nhỏ, nó không biết gì. Suốt ngày nó mê mải với những đồ chơi của nó.
Rồi một hôm cha tôi xuất hiện. Tôi kêu lên gọi cha.
Cha tôi không nói gì. Cha nhìn chị em tôi rất lâu, rồi hỏi:
– Mẹ chúng mày đâu?
Tôi chưa kịp trả lời cha thì mẹ từ trên gác bước xuống. Thấy cha, mẹ sững lại.
– Ông đến đây làm gì? Mẹ tôi hỏi.
– Tôi đến đưa các con tôi về.
– Chúng nó không phải con tôi chắc?
– Cô không xứng đáng làm mẹ chúng nó.
– Ông đừng nói ai xứng đáng hay không nữa. Ông hỏi chúng nó thích ở với ai? Đấy là quyền của chúng nó.
Mặt cha tôi chợt tái đi. Tôi thấy cha tôi thở rất mạnh.
– Nào? Chúng mày thích ở với ai? Mẹ hay bố? Nói đi!
Nghe mẹ tôi hỏi tôi cúi gằm mặt. Tôi không dám nhìn cha và mẹ tôi. Lúc đó tôi nghe thấy cha tôi ho. Và hiện lên trong ký ức tôi những buổi tối cha tôi nằm co quắp trên nền nhà vì say rượu. Và trong tâm trí tôi vang lên giọng cha tôi: “Tay con làm sao thế kia?”. Lúc đó tôi cắn môi kìm tiếng nấc, lúc sau, tôi nhìn thằng em tôi và hỏi:
– Em muốn ở với ai?
– Em muốn ở với chị!
Thằng em tôi nói và bước lại, nép sau tôi. Tôi thấy cha tôi đang nhìn tôi chờ đợi. Tôi thấy mẹ tôi đang nhìn cha tôi như thách thức.
– Ở với ai, nói đi?. Mẹ tôi lại lên tiếng.
Tôi nhìn mẹ tôi nức nở:
– Cho chúng con về quê.
Mãi đến khuya chúng tôi mới trở về thị trấn. Khi đến ngõ, em tôi reo lên:
– Nhà mình đây rồi.
Ngôi nhà phảng phất mùi rượu và mùi ẩm mốc. Đêm đó, tôi dọn dẹp, thu xếp lại đồ đạc trong nhà cho cha tôi mãi tới khuya. Và đêm đó cha tôi không say rượu.
(Lược một đoạn: Công việc khó khăn hơn, con bò thì chết, cha của tôi lại đi làm bốc vác. Ông uống rượu vào lại chửi vợ, lại đánh con, rồi hôm sau cũng như mọi hôm khi đến bữa cơm, ông lại nhìn thấy con vế thương trên tay con gái lại hỏi bằng giọng âu lo “Tay con làm sao thế? Tôi tìm đủ lí do để nói ra sự thật như những lần trước).
Nhưng đến một lần cái cán chổi đánh trúng khớp cổ tay tôi. Cổ tay tôi bị bong gân sưng vù. Tôi không thể nào giấu cha được. Buổi tối trong bữa ăn, tôi không xới nổi bát cơm cho cha. Cha nhìn tôi hỏi:
– Tay con làm sao thế?
Tôi òa khóc. Lần đó, tôi không sao kìm được.
– Cha ơi! Con đau lắm.
– Làm sao thế? Cha tôi hoảng hốt – Ai đánh con? Đứa nào đánh con?
– Cha không đánh con – Tôi nức nở – Cha không đánh con.
– Đứa nào đánh? Cha tôi quát – Nói ngay, tao sẽ đập chết nó. Đứa nào?
Nghe cha hỏi vậy, tôi càng khóc to. Tôi khóc không phải vì đau đớn. Tôi khóc vì tủi thân. Tôi khóc vì cái giọng xót xa của cha tôi.
– Không nói đứa nào đánh mày thì tao đánh mày.
– Cha đừng đánh con nữa, đừng đánh con nữa.
Người cha tôi run lên. Mắt cha tôi đỏ hoe. Cha ôm tôi vào lòng. Hơi thở và vòng tay ấm áp của cha tôi làm tôi thêm tủi. Tôi khóc và nói:
– Đêm nào say rượu cha cũng đánh con bằng cái chổi kia kìa. Nhưng con không nói với cha vì con sợ cha buồn thêm. Con có lỗi cha cứ đánh con, nhưng cha đừng uống rượu nữa.
Tôi thấy cha tôi rùng mình. Và cha tôi khóc. Tiếng khóc của cha tôi như tiếng “u… u” kéo dài trên đầu tôi bất tận.
Gần sáng tôi tỉnh giấc. Căn nhà vẫn sáng đèn. Tôi thấy cha tôi ngồi im phắc. Tôi rời giường đến bên cha. Tôi ôm lấy cổ cha:
– Cha hết rượu uống rồi ư?
Cha tôi lắc lắc đầu, cha từ từ nhắm mắt lại. Hai giọt nước mắt tứa ra.
– Cha đừng buồn nữa, cha nhé.
Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng cha thì thầm:
– Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa.
Tôi dụi mắt vào ngực cha. Đêm ấm áp và da diết vô cùng. Tôi thấy cha tôi gần gũi và tin cậy hơn bao giờ hết.
——-Hết——-
Phần I. Đọc hiểu (4,0 điểm)
Câu 1. Xác định ngôi kể được sử dụng trong truyện ngắn “Người cha” của Nguyễn Quang Thiều. (0,5 điểm)
Câu 2. Tìm những câu nói thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm lo lắng của “người cha” dành cho nhân vật “tôi”. (0,5 điểm)
Câu 3. Tìm và phân tích tác dụng của việc sử dụng từ láy trong những câu văn sau: “Tôi dụi mắt vào ngực cha. Đêm ấm áp và da diết vô cùng. Tôi thấy cha tôi gần gũi và tin cậy hơn bao giờ hết”. (1,0 điểm)
Câu 4. Tại sao “người cha” rùng mình và khóc u…u như vậy? (1,0 điểm)
Câu 5. Em có đồng ý với ý kiến của người cha “Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa” hay không? Vì sao? (1,0 điểm)
Phần II. Viết (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm). Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo phép lập luận tổng phân hợp ghi lại cảm xúc của bản thân sau khi đọc xong truyện ngắn “Người cha” của Nguyễn Quang Thiều.
Câu 2 (4,0 điểm). Cuộc đời nhiều lúc đắng cay khi chính những người thân yêu lại gây cho nhau những đau khổ.
Hãy viết một bài văn nghị luận xã hội trình bày những giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
———HẾT———
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Ngôi kể thứ nhất (người kể chuyện xưng “tôi”, là nhân vật xuất hiện và tham gia trực tiếp vào câu chuyện).
Câu 2. Những câu nói thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng của “người cha” dành cho con gái là:
– Tay con làm sao thế?
– Làm sao thế? Cha tôi hoảng hốt – Ai đánh con? Đứa nào đánh con?
– Đứa nào đánh? Cha tôi quát – Nói ngay, tao sẽ đập chết nó. Đứa nào?
(sở dĩ chọn các câu văn này vì: căn cứ vào ngữ cảnh con gái bị đau tay; căn cứ vào ngữ điệu người cha hỏi dồn dập thể hiện sự quan tâm, lo lắng; sự tức giận => Chỉ có tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng mới có tâm trạng, thái độ và cách hỏi như vậy)
Câu 3.
– Từ láy: ấm áp, da diết, gần gũi (điều lưu ý khi xác định từ láy: HS phải phân biệt được với từ ghép như những từ: bến bờ, đưa đẩy; hoặc từ Hán Việt có hiệp vần như: độc mộc; từ đơn đa âm tiết chỉ tên loài vật, cây cối có lặp lại hình thức ngữ âm như: Chôm chôm, đa đa, bìm bịp, ba ba…)
– Tác dụng: Những từ láy đã tăng sức gợi hình, biểu cảm của lời văn; diễn tả rất đầy đủ, chính xác cảm xúc, tâm trạng của nhân vật “tôi” khi được cha có những cử chỉ âu yếm, cùng lời nói nhẹ nhàng, da diết. Lời nói của người cha như lời hứa sẽ không buồn, như lời xác nhận về vẻ đẹp tâm hồn của cô con gái rất hiểu chuyện, giàu tình yêu thương cha. Cái ấm áp, gần gũi của tình phụ tử thiêng liêng đã được đánh thức, được hồi sinh.
(Đối với dạng câu hỏi này, GV nên căn cứ vào đặc điểm của từ láy (giàu sức gợi hình, biểu cảm, tượng thanh, tượng hình; đồng thời giáo viên cũng căn cứ vào cốt truyện, vào tính cách, tâm lí của nhân vật để phân tích cho thấu đáo).
Câu 4. Người cha rùng mình khóc u…u là vì:
+ Nhân vật “tôi” nói ra sự thật: Đêm nào say rượu cha cũng đánh con bằng cái chổi kia kìa. Nhưng con không nói với cha vì con sợ cha buồn thêm. Con có lỗi cha cứ đánh con, nhưng cha đừng uống rượu nữa.
+ Biết được sự thật mình chính là nguyên nhân khiến con gái bị đau như vậy, vốn là người cha thương yêu các con nhưng do cuộc sống, do bị ma men điều khiển nên người cha đã đánh con trong vô thức. Khi biết được sự thật, người cha rùng mình vì đau đớn; khóc vì xấu hổ cho những hành động đáng trách khi chính ông đã gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác cho cô con gái bé bỏng.
+ Ông khóc vì không ngờ cô con gái lại là người hiểu chuyện, là người giàu đức hi sinh đến vậy; đó là giọt nước mắt của sự xúc động, cảm phục trước vẻ đẹp nhân cách của con.
(Đối với dạng bài này, GV nên căn cứ vào tình huống, trạng huống của truyện (con gái nói ra sự thật); căn cứ vào cốt truyện (người cha đã lo lắng, đặt ra rất nhiều câu hỏi với vẻ bực tực khi thấy con gái bị thương => yêu con); căn cứ vào bản chất và vẻ đẹp của nhân vật “tôi”) để GV hướng dẫn HS trả lời thấu đáo kiểu câu hỏi “tại sao”.
Câu 5. Em có đồng ý với ý kiến của người cha “Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa” hay không? Vì sao? (1,0 điểm)
Gợi ý:
– Đây là dạng câu hỏi mở, người viết tự do lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý. HS cần phải giải thích để bảo vệ quan điểm của bản thân đã lựa chọn.
– Khi giải thích cần căn cứ vào hoàn cảnh, bản chất của nhân vật “tôi” để giải thích.
VD ở đề này, HS nên đồng ý: Vì nhân vật “tôi” là cô bé đảm đang, tháo vát; là người yêu thương cha rất sâu sắc mãnh liệt (lên thành phố ở nhà mới của mẹ mà em không ngủ được; quan tâm lo lắng khi không biết ba ở với ai; sẵn sàng nén từ bỏ cuộc sống tốt hơn để về quê ở với ba; khi bị đánh nín nhịn vì không muốn ba buồn hơn nữa” => khi nhận ra lỗi lầm bản thân gây ra cho con gái; biết được vẻ đẹp đức hi sinh của con, ông như được an ủi phần nào, cho nên ông không còn buồn nữa.
Phần II. Viết
Câu 1. Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo phép lập luận tổng phân hợp ghi lại cảm xúc của bản thân sau khi đọc xong truyện ngắn “Người cha” của Nguyễn Quang Thiều.
Gợi ý:
* Về hình thức: Đáp ứng được các yêu cầu sau:
+ Dung lượng: khoảng 12 câu
+ Kết cấu: TPH
+ Kiểu bài: Bày tỏ cảm xúc.
* Về vội dung: Cần đáp ứng các yêu cầu sau:
HS có thể ghi các cảm xúc như sau:
+ Thương xót; hoặc đau đớn xót xa => lí giải: vì hoàn cảnh của gia đình tôi rất éo le, em bị rơi vào nghịch cảnh trớ trêu (mẹ bỏ đi, nghỉ học sớm, bố đánh…)
+ Xúc động bồi hồi trong đoạn cuối khi thấy tấm lòng vị tha của cô bé; sự day dứt ân hận đến tận cùng của người cha; sự tỉnh thức của người cha => tình cha con hồi sinh ấm áp đến khó tin.
=> cách ứng xử rất đẹp, rất bất ngờ của một cô bé mới 12 tuổi.
* Nghệ thuật: Ngôi kể số 1; nghệ thuật kể chuyện rất sinh động, hấp dẫn; chi tiết nghệ thuật ám ảnh; giọng văn buồn thương da diết; tình huống truyện độc đáo, éo le => tất cả đã tạo nên những xúc cảm thẩm mĩ khó phai.
* Về câu chủ đề:
– Câu chủ đề 1 (nằm ở đầu đoạn): Cần đáp ứng 3 tiêu chí: tác giả, tác phẩm và cảm xúc của người viết.
Trong truyện ngắn “Người cha”, tác giả Nguyễn Quang Thiều đã phản ánh vô cùng chân thực số phận éo le, bất hạnh của hai cha con nhân vật “tôi”, điều đó đã để lại những xúc cảm vừa đớn đau xót thương, vừa cảm phục ngỡ ngàng trong lòng đọc giả.
– Câu chủ đề 2 (nằm ở cuối đoạn): Quán ngữ (nói tóm lại/tóm lại/quả vậy/như vậy + trạng ngữ chỉ phương tiện (ngôi kể, tình huống truyện, nghệ thuật kể chuyện…) + tác giả đã đem đến thông điệp gì cho người đọc. + Câu 2: mở rộng nâng cao => từ vấn đề cá nhân => suy ra tập thể; từ phận người => suy ra những kiếp người…
Nói tóm lại, bằng ngôi kể số một; nghệ thuật kể chuyện rất sinh động, hấp dẫn; chi tiết nghệ thuật ám ảnh; giọng văn buồn thương da diết; tình huống truyện độc đáo, éo le tác giả đã giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về những mặt trái của một số gia đình trong cuộc sống hiện đại. Những phận người, kiếp người ấy sẽ đi đâu, về đâu đây khi cuộc đời vẫn còn quá nhiều nỗi buồn đau?
Câu 2: Cuộc đời nhiều lúc đắng cay khi chính những người thân yêu lại gây cho nhau những đau khổ.
Hãy viết một bài văn nghị luận xã hội trình bày những giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Gợi ý:
* Dạng bài:
– Đây là kiểu bài mới, xưa nay chưa được chú trọng, ít được quan tâm. Tuy nhiên, thiết nghĩ học văn để học làm người bởi như M. Gor -ki nói “văn học là nhân học”. Vì thế, người học cần ứng dụng những gì học được để giải quyết những vấn đề cuộc sống. Có rất nhiều người biết nguyên nhân; biết hậu quả nhưng lại không tìm được cách giải quyết vấn đề. Như vậy, học văn chẳng uống phí hay sao.
Vì thế, người học cần tập làm quen nhận diện, đối đầu và tìm cách giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống để mai sau sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Chính vì vậy, tôi mạnh dạn đưa kiểu bài bàn về giải pháp để giải quyết những vấn đề tồn tại trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân và trong mỗi tập thể hoặc trong xã hội.
– Đây là kiểu bài khá khó đối với học sinh; tuy nhiên kiểu bài này lại rất kích thích hứng thú của các em vì nó rất đời, nó rất thiết thực khiến cho việc học văn trở nên gần gũi, hữu ích hơn.
– Đối với kiểu bài này, HS cần chú ý những điều sau đây:
+ Nắm chắc bản chất của xã hội; quy luật tâm lí của con người. Mỗi một kiểu người, lớp người lại có những mẫu số chung về tâm lí.
+ Phải hiểu rõ những nguyên nhân (Chủ quan, khách quan) khiến cho sự việc ngày càng nghiêm trong ở đâu
+ Khi đưa ra các giải pháp cần thiết thực; có tính khả thi cao; cần lí giải cặn kẽ vì sao mình chọn các giải pháp đó.
* Gợi ý dàn ý cho đề bài:
– MB:
+ Dẫn dắt vấn đề
+ Nêu vấn đề nghị luận: Các giải pháp để người thân trong gia đình không gây tổn thương cho nhau.
– TB
- Khái niệm:
– Người thân: những người trong gia đình, người yêu, bạn bè thân thiết…
– Gây tổn thương: có những hành động vô tình hay cố ý gây nên những tổn thương về mặt tinh thần (âu lo, sợ hãi; cảm thấy bị lừa dối, phản bội, bị coi thường) hoặc những tổn thương về mặt thể xác (đánh đập…)
- Tại sao những người thân thường gây cho nhau những tổn thương?
– Do những người thân luôn tiếp xúc, tác động qua lại, giàng buộc nhau trong về mọi mặt đời sống: nơi ở, cái ăn, mặc, tiền nong, lời nói…Chính vì thế, trong các mối quan hệ này có thể sẽ mang lại cho nhau niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng chính họ cũng đem đến những áp lực hữu hình, vô hình đè nặng lên nhau.
– Càng yêu thương nhau thì mỗi người lại gửi trọn người mình yêu thương tình yêu và niệm hi vọng; hi vọng càng lớn thì áp lực lại dồn lên những người mình được yêu thương.
– Hơn nữa, cuộc sống càng hiện đại, càng nhiều áp lực, áp lực từ công việc ở cơ quan, xí nghiệp, trường học => một số người không biết giải tỏa áp lực đi đâu về nhà thấy nhà cửa bừa bộn, con cái học hành không như kì vọng, mong muốn nên dẫn đến “giận cá chém thớt”.
– Một số người làm cha làm mẹ nghĩ rằng con mình do chính mình đẻ ra nên có quyền được mắng, được đánh, được phán xét => chính vì thế họ vô tình hoặc cố ý gây tổn thương cho nhau.
– Con cái bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội hiện đại, xao nhãng học tập, đua đòi… khiến cho bố mẹ buồn bực, thất vọng => tạo nên vết thương rất lớn.
– Sự chênh lệch về tuổi tác, khác biệt về cách sống, về tư tưởng; sự áp đặt của cha mẹ đối với con cái; cậy quyền bố mẹ không chịu lắng nghe những tâm tư của con cái => khoảng cách giữa hai thế hệ càng lớn, tổn thương càng sâu sắc hơn.
– Ngoài ra, chính vợ chồng, người yêu, bạn thân cũng dễ gây tổn thương bởi sự dối trá không thành thật; bởi nói thẳng sự thật vì nghĩ là người thân yêu nên không cần tế nhị, giữ kẽ…
=> Đây là vấn đề nhạy cảm, nan giải cần tìm cách giải quyết triệt để:
- Các giải pháp:
– Thứ nhất, nâng cao việc giáo dục con cái ý thức tự giác, lòng tự trọng, lòng hiếu thảo, sự biết ơn… để trẻ biết sống có trách nhiệm hơn, sống có ý thức hơn.
– Thứ hai, các bậc làm cha làm mẹ không nên áp đặt tư tưởng, cách nghĩ lên con cái một cách máy móc, cứng nhắc; họ cần lắng nghe, thấu hiểu tâm tư tình cảm của con cái nhiều hơn. Muốn vậy, phụ huynh cần học, cần chơi cùng con, cần làm người bạn lớn, người bầu bạn tâm sự tin cậy của con cái.
– Thứ ba, vợ chồng cần phải biết lắng nghe, chia sẻ, biết đặt mình vào vị trí của người khác; cùng nhau gánh vác việc nhà, cùng phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái…
– Thứ tư, mỗi người cần rèn luyện đức tính kiên trì, bền bỉ, bình tĩnh trong mọi việc, muốn vậy mỗi người cần tìm cho mình một nguyên tắc sống văn minh, hiện đại…
– Thứ năm, cần chú trọng đến lời ăn tiếng nói, nhất là khi nóng giận, khi không bình tĩnh không nên đưa ra quyết định hoặc phán xét người khác…
=> Nói tóm lại, cuộc sống vốn dĩ có quá nhiều áp lực, quá nhiều khổ đau, cho nên những người thân là phải bảo vệ, che chở cho nhau, phải mang lại cho nhau những gì tốt đẹp nhất chứ không phải mang lại những khổ đau, những tổn thương. Vì thế, tôi mong rằng những giải pháp tôi đưa ra sẽ giúp cho mọi người tìm được bóng râm khi nắng nóng; tìm được hơi ấm khi đông lạnh, tìm được bình yên trong bão tố. Muốn vậy, hãy sống thật bao dung, thật vị tha, hãy cho đi tất cả muộn phiền ngoài ngưỡng cửa nhà mình.
– KB:
+ khẳng định lại tác hại khôn lường của việc gây ra tổn thương cho chính người thân yêu.
+ Kêu gọi hành động bằng một thông điệp thiết thực, giàu ý nghĩa.